Hotline 24/7
08983-08983

Tai biến do thuốc

Bất cứ thuốc nào, kể cả vitamin được cho là thuốc bổ, đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng nếu không dùng đúng cách, đúng liều.



Những bất lợi do dùng thuốc gây ra được gọi chung là “tai biến do thuốc” (Adverse Drug Event, viết tắt ADE, nếu dịch sát nghĩa là “biến cố có hại của thuốc”).

Không chỉ bệnh tật mà chính tai biến do thuốc là nguyên nhân gây thương vong rất lớn cho con người. Ở Mỹ, người ta ước tính hằng năm phải tiêu tốn khoảng 150 tỉ USD để xử lý tai biến do thuốc, có 5-20% bệnh nhân nhập viện phải gánh chịu tai biến do thuốc trong suốt thời gian nằm viện, hoặc có khá nhiều người không cứu được phải tử vong...

Tai biến do thuốc được định nghĩa là “biến cố có hại xảy ra ngoài ý muốn do dùng thuốc” và có thể chia làm hai loại chính sau:

1. Tai biến do thuốc xảy ra vì bản thân dược phẩm

Trường hợp này tai biến do thuốc được gọi tên cụ thể là “phản ứng có hại của thuốc” (Adverse Drug Reactions, viết tắt ADR).

Phản ứng có hại của thuốc lại được chia làm hai loại: phản ứng có hại của thuốc tuýp A và phản ứng có hại của thuốc tuýp B. Phản ứng có hại của thuốc tuýp A là loại thường xảy ra hơn, chiếm 80-90% (của toàn bộ phản ứng có hại của thuốc), có liên quan đến tác dụng dược lý đã biết của thuốc. Như warfarin hoặc aspirin có tác dụng chống đông máu có thể gây phản ứng có hại của thuốc xuất huyết. Phản ứng có hại của thuốc tuýp A có thể dự đoán và phòng ngừa được.

Còn phản ứng có hại của thuốc tuýp B là loại xảy ra hiếm hơn, chiếm 10-20%, không liên quan đến tác dụng dược lý. Như kháng sinh fluoroquinolon (ofloxacin...) kháng khuẩn nhưng lại gây phản ứng có hại của thuốc là làm xói mòn sụn khớp còn non, là loại phản ứng có hại gần như không thể dự đoán trước được; trong trường hợp này để phòng ngừa là chống chỉ định (tức không được dùng) ở trẻ con.


2. Tai biến do thuốc xảy ra vì chủ quan của người chỉ định thuốc hay sử dụng thuốc

Tức tai biến do thuốc có thể xảy ra vì thiếu sót của bác sĩ điều trị hoặc do sự tự ý dùng thuốc của người bệnh. Đối với người bệnh tự ý dùng thuốc, tai biến do thuốc xảy ra thường do dùng không đủ liều.

Có loại tai biến do thuốc đặc biệt là do người bệnh đột ngột ngưng dùng thuốc, tức thời gian dùng thuốc không đủ. Hoặc có nhiều thuốc phải giảm liều từ từ trước khi dứt hẳn, nếu đột ngột ngưng dùng sẽ bị tai biến có khi rất nặng nề. Thí dụ như đột ngột dừng thuốc trị tăng huyết áp Clonidin sau thời gian dài sử dụng sẽ bị tăng vọt huyết áp gây nguy hiểm. Còn tai biến thường xảy ra cho trẻ là dùng thuốc quá liều đưa đến ngộ độc thuốc.

Tai biến do thuốc nguy hiểm nhất là dị ứng thuốc vì rất dễ tử vong nếu không cấp cứu được. Nên lưu ý một số đặc điểm của dị ứng thuốc như sau:

- Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào liều lượng nên sẽ xảy ra dị ứng dù thuốc dùng đúng liều hoặc thậm chí dùng rất ít, tức dưới liều chỉ định. Vì vậy, chỉ cần nhỏ vài giọt thuốc nhỏ mắt cũng có thể bị dị ứng rất nặng đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp.

- Phản ứng dị ứng chỉ xảy ra ở một số ít bệnh nhân gọi là người dễ dị ứng, hoặc người có cơ địa dị ứng. Cho nên có thuốc nhiều người dùng chẳng việc gì nhưng dùng ở người khác thì bị dị ứng, thậm chí dị ứng rất nặng.

- Trong thuốc ngoài dược chất còn có tá dược, chất bảo quản, kể cả tạp chất và người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ thành phần nào trong đó.

- Phản ứng dị ứng sẽ biến mất với việc ngưng dùng thuốc.

Dị ứng thuốc biểu hiện bằng nhiều dạng. Nặng nhất là sốc phản vệ biểu hiện bằng chứng xanh tím tái, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, trụy tim mạch, có thể gây chết người. Hoặc biểu hiện nhẹ hơn ở nhiều cơ quan khác nhau: trên da nổi mề đay, mẩn ngứa; trên hệ hô hấp khó thở, hen suyễn; trên hệ tiêu hóa đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy; trên mắt bị viêm đỏ kết mạc...

Nếu xem thuốc là con dao hai lưỡi, người dùng cần xem việc dùng thuốc là hệ trọng, chỉ dùng khi thật sự cần thiết và có sự hiểu biết tối thiểu về cách dùng, tốt nhất đến bác sĩ khám để được chỉ định dùng đúng thuốc. Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu thì ngưng ngay thuốc, đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để có xử trí thích hợp.

Theo PV - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X