Mi mắt là một bộ phận quan trọng trong việc bảo vệ hệ thị giác và tham gia tạo nên vẻ đẹp của khuôn mặt.
Sụp mi là tình trạng bờ mi trên và da mi mắt bị sa xuống hay sụp xuống có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mắt. Sụp mi không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến chức năng thị giác.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến sụp mi như: bẩm sinh, tuổi già, chấn thương, các phẫu thuật ở mắt hoặc do các bệnh lý thần kinh, bệnh của cơ hay đái tháo đường… Trong đó sụp mi bẩm sinh thường gặp nhất, chiếm tới 75% trường hợp sụp mi.
Nguyên nhân của sụp mi bẩm sinh là do sự loạn dưỡng khu trú nguyên phát của các sợi cơ nâng mi, số lượng các sợi cơ nâng mi giảm đi và thay thế bằng các tổ chức xơ.
Khám mắt miễn phí cho người cao tuổi tại Bình Thuận. Ảnh: Thu Hoài
Sụp mi bẩm sinh phải điều trị sớm
Sụp mi bẩm sinh xuất hiện ngay sau khi sinh và chiếm 75% các trường hợp sụp mi. Khi mi bị sụp, lúc đó mí mắt che phủ một phần hoặc hoàn toàn con ngươi, hạn chế vùng nhìn thấy, và lâu dài sẽ gây giảm sức nhìn do nhược thị.
Biểu hiện sụp mí dễ nhận biết nhất là mắt (một bên hoặc cả hai) không mở lớn được, mí mắt che phủ con ngươi. Mức độ sụp của mi không thay đổi theo thời gian và tình trạng sức khỏe.
Do cha mẹ không biết sụp mi cũng hại mắt nên nhiều trẻ khi được đưa tới bệnh viện thì bệnh đã rất nặng, mí đã che khuất mắt khiến trẻ không thể nhìn được.
Chứng sụp mi còn có thể khiến trẻ bị vẹo cột sống, xơ các cơ quanh cổ, do luôn phải nhìn trong tư thế ngước lên. Theo các nhà khoa học, 19% số ca sụp mi có thị lực kém. Sụp mi có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc như 3,5% các trường hợp sụp mi gây ra lác, loạn thị, 63,1% số mắt nhược thị do sụp mi có kèm theo tật khúc xạ.
Người lớn tuổi cũng thận trọng
Mí mắt sụp xuống theo tuổi tác là một hiện tượng thường thấy. Do đó, người lớn tuổi khi có biểu hiện này thường không để ý nhiều. Khi tuổi càng cao, cơ nâng mi càng dãn mỏng và yếu vì quá trình lão hóa, chỗ bám của cơ nâng mi bị tuột hoặc cân cơ mi trên bị nhão.
Bên cạnh đó sụp mi biểu hiện rõ nhất ở những người sút cân sau điều trị béo phì hoặc người có cấu tạo da khô. Mức độ sụp mi nặng nhẹ tùy từng người. Dù là do nguyên nhân gì thì sụp mi cũng đều bị ảnh hưởng đến thị lực.
Những biểu hiện sau có thể biết được tình trạng sụp mi trên ở người lớn tuổi như:
- Động tác mở mắt khó khăn, nhiều khi phải nhăn trán hay ngẩng đầu mới có thể nhìn được.
- Da mi trên da sa trễ xuống tạo cho mi trên có nhiều nếp mi.
- Mi trên sa trễ qua cả bờ mi và che phủ đồng tử (trung tâm lòng đen), che trục nhìn của mắt
Sụp mi bẩm sinh ở trẻ
Khi nào phẫu thuật?
Đối với sụp mi bẩm sinh theo các chuyên gia thì không có lứa tuổi cố định để phẫu thuật. Việc phẫu thuật sụp mi phụ thuộc vào sức khoẻ của bệnh nhân để các bác sĩ quyết định có phẫu thuật hay không?
Ngoài ra còn phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của sụp với với thị lực. Khi phát hiện con bị sụp mi, cha mẹ cần đưa tới cơ sở chuyên khoa mắt để được khám và điều trị, tốt nhất là trước hai tuổi để tránh những tai biến đáng tiếc.
Với sụp mi ở người lớn tuổi và các nguyên nhân khác gây bệnh thì việc điều trị càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, có cần phẫu thuật hay không còn tùy thuộc mức độ sụp mi và khả năng hoạt động của cơ nâng mi.
Nếu sụp mi vừa phải thì chỉ cần cắt bỏ phần da mi trên dư thừa. Nếu sụp mi nhiều, ngoài khâu này, bác sĩ còn phải can thiệp vào phần cơ nâng mi, đơn giản nhất là làm ngắn cơ nâng mi và cắt bỏ một phần cơ vòng mi.
Do vậy, khi phát hiện bị sụp mi cần đến cơ sở chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt để được các BS khám và tư vấn điều trị.
Theo BS Vũ Thị Thu - Sức khỏe & Đời sống