Sống trong hẻm có nhiều ca COVID-19, cần làm gì để bảo vệ sức khỏe?
Nếu sống trong hẻm có nhiều ca dương tính, bạn và gia đình cần làm gì để bảo vệ sức khỏe, tránh mắc bệnh? Lời khuyên từ BS Trương Hữu Khanh có thể sẽ hữu ích với bạn nếu chẳng may rơi vào tình huống này.
Gia đình tôi sống trong hẻm có nhiều người dương tính SARS-CoV-2. Hiện tôi rất lo lắng dù mọi người trong nhà đều xét nghiệm âm tính. Tôi cần làm gì để mọi người yên tâm? Trong thời gian này chúng tôi nên chăm sóc sức khỏe, nâng cao đề kháng như thế nào? Gia đình tôi có nên tích trữ máy thở hay đo oxy tại nhà không ạ? Xin cảm ơn BS.
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi thấy xung quanh chúng ta có người là F0 thì càng phải nên cẩn trọng hơn nữa.
Theo đó, chúng ta vẫn cứ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như trước đây, tuân thủ theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, nếu không cần thiết thì không đi ra ngoài, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với bất cứ ai… Nên lưu ý vệ sinh tay ngay sau nhận hàng vì bàn tay là nơi dễ dàng tiếp xúc với mầm bệnh nhất.
Không có chuyện virus sẽ bay từ nhà này sang nhà khác. Chúng ta chỉ mắc bệnh qua tiếp xúc gần, qua đường hô hấp hoặc qua bàn tay.
Tốt nhất người dân nên tranh thủ chích ngừa COVID-19. Ngoài ra, gia đình có thể thực hiện các phương pháp tăng sức đề kháng như: ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, uống đủ nước…
Tóm lại, COVID-19 đã không còn xa lạ với chúng ta nữa. Có lẽ trong hôm nay hoặc ngày mai, chúng ta sẽ trở thành F0. Vì vậy, điều quan trọng nhất chính là giữ cho tinh thần lạc quan. Nếu chẳng may mắc COVID-19, chúng ta hãy đón nhận với sự bình tĩnh.
Sức đề kháng phải được trau dồi từ đầu như: ngủ đủ giấc, uống đủ nước, ăn đủ chất, tập luyện thể dục thường xuyên… Yếu tố tinh thần rất quan trọng cho những người F0 bởi nó có thể giúp chúng ta vượt qua mọi thứ.
Lời khuyên cuối cùng đó là bất cứ lúc nào có cơ hội chích ngừa thì chúng ta nên thực hiện ngay. Đặc biệt, nếu trong gia đình có người lớn tuổi, người có bệnh nền thì nên khuyên họ đi chích ngừa sớm. Bởi đây là đối tượng có nguy cơ diễn tiến các triệu chứng nguy hiểm nếu chẳng may mắc COVID-19.
BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực - Hội Truyền nhiễm TPHCM
Bệnh nhân COVID-19 không chuẩn bị kịp máy đo SpO2 ở nhà, phải làm sao?
Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cách nhận biết dấu hiệu bệnh chuyển nặng bằng cách đo nhiệt độ, đếm mạch, đếm nhịp thở như thế nào? Tôi không có máy đo nồng độ oxy trong máu. Xin cảm ơn.
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu bạn đọc không thể chuẩn bị máy đo nồng độ oxy trong máu ở nhà thì tốt nhất nên cách ly ở bệnh viện. Bởi vì nếu không có máy đo SpO2, chúng ta sẽ không thể nào dự đoán chính xác tình trạng bệnh.
Mặc dù có thể dựa theo nhịp thở để xác định dấu hiệu chuyển nặng (đối với người lớn: nhịp thở > 20 lần/phút) nhưng điều này không thể chắc chắn bệnh nhân có thật sự đang thiếu oxy hay không (vì có thể bệnh nhân khó thở do tâm lý). Do đó, bắt buộc phải có máy đo nồng độ oxy trong máu để theo dõi F0 tại nhà.
Mắc COVID-19 khi đang mang thai, hạ sốt bằng cách nào an toàn và hiệu quả?
Vợ tôi đang mang thai 18 tuần, dương tính với SARS-CoV-2, nhiệt độ có lúc lên 38,5 độ. Tôi có nên cho vợ uống thuốc hạ sốt trong lúc chờ được đến bệnh viện? Thuốc hạ sốt có ảnh hưởng đến thai nhi? Với người F0 mang thai thì nên uống thuốc hạ sốt như thế nào thưa bác sĩ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Người F0 đang mang thai cũng giống như những người F0 thông thường, chỉ có thuốc chữa triệu chứng là khác. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai vẫn có thể uống thuốc paracetamol và ibuprofen.
Nếu sốt nhẹ (< 38 độ C), thai phụ không cần uống thuốc mà chỉ cần bổ sung đủ nước.
Nếu sốt cao (> 38 độ C) hoặc cảm thấy khó chịu, đau nhức cơ thể, mẹ bầu có thể sử dụng paracetamol 500mg/lần, không nhất thiết phải kiêng uống thuốc.
Paracetamol 650 mg dùng cho người có cân nặng bao nhiêu?
Em mua thuốc giảm đau, hạ sốt, nhà thuốc bán cho em loại Travicol 650. Về uống thấy hạ sốt rất êm. BS cho em hỏi, loại Travicol 650 này dành cho người có trọng lượng bao nhiêu hay độ tuổi nào trở lên? Vì em 60kg, nhưng vợ em có 52kg thôi thì có dùng được không? Em thấy có loại Travicol 500 nữa, vậy nó khác gì so với loại Travicol 650 ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thường thuốc paracetamol sẽ có nhiều dạng. Đối với thuốc dành cho lớn, paracetamol có 2 dạng là 500mg và 650 mg.
- Dạng 500mg: có thể sử dụng cho người < 60 kg.
- Dạng 650 mg: có thể sử dụng cho người > 60kg.
2 dạng này rất bình thường nên chúng ta không cần phải lo lắng quá nhiều vì bản chất của thuốc đều là paracetamol. Nếu bạn đọc hợp với thuốc nào thì cứ tiếp tục sử dụng thuốc đó khi muốn hạ sốt.
Người dân cũng nên lưu ý rằng, chúng ta không chỉ nên trữ thuốc hạ sốt trong mùa dịch COVID-19 mà nên coi đây là loại thuốc luôn có sẵn trong tủ thuốc gia đình. Bởi khi chúng ta bị sốt hay đau đầu khi làm việc… thì có thể sử dụng ngay để giảm đau trong thời gian chờ đợi toa thuốc từ bác sĩ.
Túi thuốc F0, dùng sao cho đúng?
Thưa BS, em tôi được phát túi thuốc F0 đang điều trị tại nhà sẽ bao gồm 3 gói A, B, C. Tôi có một số vấn đề xin được tư vấn:
- Gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt paracetamol và vitamin nâng cao thể trạng. Dùng thuốc ở gói này cần lưu ý gì, sử dụng đến khi nào trong giai đoạn tiến triển của bệnh? Nhà tôi đang có loại thuốc khác cũng là paracetamol, loại Travicol 650mg vì uống rất hạp thuốc này. Vậy dùng thuốc này thay cho thuốc được phát được không?
- Gói thuốc B bao gồm các loại thuốc kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông. Vì sao điều trị COVID-19 lại cần những thuốc này? Tôi được biết thuốc này phải kê đơn, vậy nếu sử dụng ở nhà thì cần tuân thủ nguyên tắc gì để an toàn, tránh tác dụng phụ không mong muốn về sau? Bị đau dạ dày thì cần dùng các thuốc này ra sao để không bị “hành”?
- Cuối cùng là gói thuốc C có thuốc Molnupiravir. Những lưu ý khi dùng thuốc này là gì? Uống trước hay sau ăn, có cần kiêng cữ gì khi dùng thuốc?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi nghĩ, nếu bạn đọc đã có những thuốc có chức năng tương tự như thuốc trong gói A thì vẫn có thể thay thế sử dụng. Nếu trước đây bạn đọc uống paracetamol Travicol 650 thấy hiệu quả tốt thì cứ tiếp tục uống thuốc đó, không nhất thiết phải uống thuốc paracetamol trong túi thuốc A được phát.
Bạn đọc chỉ cần lưu ý, khi hết sốt thì nên ngưng uống thuốc. Với những gói thuốc bổ trong gói A, bạn đọc cứ uống bình thường, khi thấy cơ thể đã khỏe rồi thì không cần phải uống thêm nữa.
Khi được phát gói thuốc B, bệnh nhân phải tìm hiểu kỹ công dụng các loại thuốc trong này: Thuốc đó là thuốc gì? Sử dụng thuốc này ra sao? Cách uống và liều lượng?... Hoặc hỏi ngay nhân viên phát thuốc để sử dụng đúng đắn nhất.
Chúng ta biết rằng, trong bệnh COVID-19, giai đoạn sau ngày thứ 4, bệnh nhân có thể xảy ra phản ứng viêm, sau đó có thể gặp tình trạng đông máu. Vì vậy, F0 sẽ được phát gói B để kháng viêm và kháng đông máu. Tuy nhiên, khoảng 80% F0 không có hiện tượng viêm và đông máu.
Do đó, khi sử dụng túi thuốc B, người dân phải tìm hiểu rõ cách sử dụng. Theo khuyến cáo, chúng ta chỉ nên uống này trong khoảng 5 - 7 ngày. Nên lưu ý rằng, trong thuốc kháng viêm có một nhóm thuốc cần phải uống 12 viên/lần. Bởi đây là thuốc dành cho trẻ em và không sản xuất dành cho người lớn. Vì vậy, nếu người lớn sử dụng phải dùng 12 viên/lần mới đủ liều lượng. Nếu bạn đọc không tìm hiểu rõ, mà chỉ uống ½ hoặc 1/3 liều lượng thuốc thì sẽ không có tác dụng.
Trong trường hợp bạn đọc có triệu chứng đau dạ dày, nên uống thuốc vào buổi sáng sau khi ăn hoặc có thể uống kèm thêm thuốc trị đau dạ dày để làm giảm tác dụng phụ của kháng viêm và chống đông đối với dạ dày của mình.
Với túi thuốc C, bạn đọc cứ uống như bình thường. Bởi khi cơ sở y tế phát thuốc cho chúng ta thì đã tính toán liều lượng phù hợp. Bạn đọc uống thuốc trước hay sau ăn đều được và chỉ nên uống 5 ngày. Tuy nhiên, gói thuốc C chỉ có những đăng ký chấp thuận hoặc một số vùng nào đó mới được sử dụng. Không phải F0 nào cũng cần uống thuốc trong gói C bởi thuốc tuy có tác dụng nhưng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
F0 đã xuất viện, cần làm gì khi cách ly tại nhà?
Tôi là F0 vừa được chuyển từ bệnh viện dã chiến về nhà cách ly (xuất viện) do không có triệu chứng, khả năng lây truyền thấp. Vậy tôi cần làm gì trong thời gian ở nhà còn lại?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu bạn đọc là F0 đã được xuất viện thì không cần suy nghĩ nhiều về bệnh nữa. Bạn đọc nên để tinh thần thư giãn, ăn uống, nghỉ ngơi, tập thể dục và sinh hoạt như bình thường. Nếu đọc quá nhiều về tin tức COVID-19 có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, thậm chí bị stress.
Bạn đọc cũng nên kiểm tra xem kết quả xét nghiệm của mình như thế nào. Nếu kết quả xét nghiệm PCR là âm tính thì cơ thể đã không còn virus nữa. Lúc này, chỉ cần đeo khẩu trang trong 7 - 14 ngày để cách ly với gia đình. Nếu bệnh nhân có nồng độ virus cao (chỉ số CT ≥ 30) thì phải kéo dài thời gian cách ly từ 14 - 21 ngày.
Làm sao để biết bản thân có phải F0 nguy cơ chuyển nặng?
Em 29 tuổi, nam, nặng 75 kg, cao 1,72 m, không bệnh nền, đã tiêm 1 mũi vắc xin. Cách đây hai hôm, em xét nghiệm test nhanh dương tính, song vẫn chưa nhập khu điều trị. Em có phải là đối tượng có nguy cơ cao chuyển nặng không? Làm sao để biết mình có nguy cơ cao hay không nguy cơ cao chuyển nặng thưa BS? Hiện em chưa có triệu chứng, em phải làm gì trong tình huống này?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu bạn đọc chưa có triệu chứng gì thì cứ bình tĩnh và sinh hoạt như bình thường. Đương nhiên, bạn đọc phải cách ly với những người khác để tránh lây nhiễm cho họ. Nếu muốn biết mình có nguy cơ cao hay không thì bạn đọc nên tìm hiểu cách tính chỉ số BMI (Body Mass Index: chỉ số khối lượng cơ thể).
Thông thường, những người có chỉ số BMI ≥ 30 thì mới có nguy cơ cao. Nếu thấp hơn, bạn đọc chỉ cần uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất và theo dõi giống như một F0 thông thường.
Phần 1: Điều trị F0 và theo dõi F1 tại nhà, sử dụng thuốc sao cho an toàn?
Phần 2: Điều trị F0, theo dõi F1 ở nhà, cần lưu ý những gì để nâng cao sức khoẻ?
Trân trọng cảm ơn của Nhãn hàng Thuốc giảm đau, hạ sốt Travicol - Công ty Cổ phần Dược phẩm TV.PHARM đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình