Hotline 24/7
08983-08983

Sống chung nhà với F0, nên khử khuẩn bằng dung dịch nào?

Sống chung nhà với F0, gia đình có rất nhiều thắc mắc như: Nên khử khuẩn bằng dung dịch gì để đảm bảo diệt được virus SARS-CoV-2? Bật quạt hay điều hòa không khí sẽ lưu thông tốt hơn?... TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch Liên chi Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM đã giúp bạn đọc giải tỏa những nỗi lo này trong bài viết dưới đây.

Trong trường hợp sống chung với F0 tại nhà thì pha nước Javen sẽ đủ để khử khuẩn chưa hay phải mua thêm hoá chất đặc biệt gì không ạ, thưa BS?

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Bình thường, chúng ta chỉ cần lau chùi vệ sinh bằng xà phòng và nước là đã đủ sạch. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế Thế giới, khi trong gia đình có bệnh nhân COVID-19 hoặc bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, người dân nên ưu tiên lựa chọn dung dịch khử khuẩn có chứa Clo. Bởi dung dịch Clo có khả năng diệt được nhiều virus (trong đó có virus SARS-CoV-2) và cũng rất dễ tìm mua trên thị trường với giả cả rẻ, dễ sử dụng.

Hiện nay, các dung dịch Javen hay dung dịch có chứa Clo có nhiều nồng độ khác nhau. Nên khi pha, chúng ta phải chú ý hướng dẫn trên bao bì trên sản phẩm để đạt được nồng độ Clo có hoạt tính tiêu diệt là 0,1%. Khi đó, việc vệ sinh bề mặt mới được đảm bảo sạch khuẩn.

Nếu virus mang mầm bệnh tồn tại trên bụi bẩn, chất hữu cơ hoặc khe rãnh thì sẽ rất khó để khử khuẩn nên bắt buộc chúng ta phải làm sạch trước, sau đó mới lau chùi bằng các chất khử khuẩn. Sau khi lau bằng dung dịch khử khuẩn xong, nên chờ tối thiểu khoảng 10 phút để vi khuẩn được tiêu diệt và lau lại bằng nước sạch. Như vậy, chúng ta sẽ vừa đảm bảo sạch nhà, sạch vi khuẩn và an toàn cho cả gia đình, cũng như cộng đồng.

Nhà có người F0, nên bật quạt máy hay điều hòa để thông khí?

Có lời khuyên rằng, nên bật quạt máy và không bật điều hòa, trường hợp này nên thực hành như thế nào nếu chúng ta đang chung sống với người thân trong gia đình là F0 hoặc chăm sóc bệnh nhân là F0 ạ?

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Việc thông khí rất quan trọng trong gia đình. Bởi virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại rất lâu trong thời tiết lạnh. Chính vì thế, nếu bật máy lạnh sẽ làm cho virus tồn tại trong không gian lâu hơn. Hơn thế, khi sử dụng máy lạnh mà không thay phin lọc, virus có thể sẽ được giữ lại ở đó và nhân lên. Vì vậy, khi chúng ta bật máy lạnh sẽ làm thổi virus bay ra xung quanh.

Trong rất nhiều vụ dịch đã xảy ra, các nghiên cứu khoa học thấy rằng, trong gia đình hoặc trong những khu nhà hàng, khách sạn… người bị nhiễm COVID-19 nhiều hơn ở những khu vực có máy lạnh.

Có thể thấy, việc thông khí bằng máy điều hòa rất khó và tốn kém, nhưng nếu chúng ta sử dụng thông khí tự nhiên kết hợp sử dụng quạt thì sẽ giúp thay đổi thông khí trong nhà.

Một nguyên tắc chúng ta cần nắm là làm sao để quạt thổi ngược chiều khi F0 nói, ho hoặc hắt hơi. Thông thường, nên để quạt hướng ra cửa sổ, hoặc sử dụng quạt hút để lượng virus được thổi ra bên ngoài.

Trong các khu cách ly hay bệnh viện dã chiến, giường của bệnh nhân thường được đặt ở gần cửa sổ và quạt sẽ đặt dưới đuôi giường. Chúng ta có thể áp dụng phương pháp này khi chăm sóc F0 tại nhà để quạt thổi virus ra ngoài, giúp hạn chế lây nhiễm (lưu ý: cửa sổ phải luôn mở).

Rõ ràng, khi cách ly F0 chung với gia đình tại nhà, cửa chính của phòng bệnh nhân luôn phải đóng kín, không khí sẽ không được lưu thông. Lúc này, bật quạt là giải pháp giúp thổi khí tồn đọng (có thể chứa virus) ra ngoài, như vậy không khí trong phòng bệnh nhân mới được đổi mới.

F0 khỏi bệnh quay lại hỗ trợ y tế và cộng đồng, có nguy cơ lây nhiễm?

Hiện tại có rất nhiều F0 khỏi bệnh và muốn quay lại hỗ trợ cho y tế và cộng đồng, vậy liệu đối tượng này sẽ không lây nhiễm cho người khác không và họ cần phải chuẩn bị gì để tham gia tình nguyện, thưa BS?

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Ngày 3/9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đã gửi thư ngỏ, kêu gọi những người đã khỏi bệnh COVID-19 - những người đã chiến thắng biến thể Delta, tham gia chống dịch tại TPHCM.

Hiện nay, lực lượng y tế tham gia vào chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân F0 bị COVID-19 đang trong tình trạng thiếu rất nhiều. Một ngày có từ 5.000 - 7.000 bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng chúng ta không thể nào tiếp tục mở thêm bệnh viện dã chiến nữa. Theo đó, một trong những giải pháp hiện nay đó là cho những F0 nhẹ và F0 không triệu chứng tự cách ly tại nhà. Nhưng những người không đủ điều kiện hoặc những người có triệu chứng phải vào bệnh viện. Khi đó, nguồn nhân lực chăm sóc bệnh nhân không thể nào đáp ứng đủ.

Trước đây, nhân viên y tế tham gia chống dịch sẽ được đổi ca mỗi 2 tuần. Nhưng hiện nay, có thể hơn 1 tháng các nhân viên vẫn chưa được đổi ca vì không có người để thay thế. Do đó, hệ thống y tế đang rất cần những bệnh nhân đã khỏi bệnh cùng nhau tham gia chống dịch.

Theo đó, F0 muốn quay trở lại giúp đỡ cộng đồng hoặc tuyến đầu an toàn thì cần đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

  • Đủ điều kiện sức khỏe, đủ niềm tin và mong muốn chung tay góp sức.
  • Có thể đăng ký tham gia chống dịch COVID-19 tại phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế TPHCM, số điện thoại 028.39309967 hoặc 0907.574.269.
  • Tiến hành đánh giá mức độ kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 bằng test nhanh (vì nếu kháng thể không đủ thì bạn vẫn có thể bị nhiễm lại) và sẽ bố trí điều kiện làm việc hợp lý nhất cho các bạn (đủ sức khoẻ, test nhanh âm tính, vẫn phải mặc phương tiện phòng hộ cá nhân như nhân viên y tế, khu vực ở riêng, tuân thủ nguyên tắc chăm sóc an toàn tránh tái nhiễm và không lây cho nhân viên y tế khác, bệnh nhân khác).
  • Sự có mặt của các bạn trong thời điểm này sẽ đem lại nguồn năng lượng tích cực, cổ vũ cho lực lượng phòng chống dịch và đặc biệt cho những bệnh nhân COVID-19 và F0.

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà có hơn 33 năm trong ngành Y, hiện là Phó Chủ tịch Liên chi Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, Thành viên Ban cố vấn công tác Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bộ Y tế, Sở Y tế

Chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi mắc COVID-19, cần lưu ý gì?

Bạn đọc tên Thanh Tuyền Phùng hỏi: “Em chào cô, nếu em bé từ 0 - 5 tuổi test ra kết quả dương tính với COVID-19 mà cha mẹ thì âm tính, thì trong quá trình chăm sóc mình nên chăm sóc như thế nào để giảm lây nhiễm ạ, đặc biệt là các bé còn bú sữa mẹ. Em cảm ơn cô”.

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Đây không phải là tình huống hiếm, ở Việt Nam cũng có rất nhiều trường hợp các em bé từ 0 - 5 tuổi dương tính nhưng bố mẹ thì âm tính. Do đó, khi chăm sóc con bị dương tính, bố mẹ nên mang các phương tiện phòng hộ cá nhân để tránh virus từ em bé lây sang mình.

Bà mẹ vẫn có thể cho trẻ bú bình thường vì bản thân không bị bệnh nên không cần phải ngắt sữa. Nếu sợ bị tiếp xúc gần với em bé sẽ bị lây nhiễm, chúng ta có thể vắt sữa ra và cho vào bình để con bú.

Bên cạnh đó, vấn đề giao lưu tình cảm với em bé bị bệnh cũng rất quan trọng. Bố mẹ phải luôn chăm sóc, động viên trẻ.

5. Nhà có lầu riêng biệt, người chăm sóc F0 có cần đeo khẩu trang?

Bạn đọc tên Hướng Dũng hỏi: “Cô cho con hỏi trường hợp sau ạ: Bệnh nhân F0 tự chăm sóc bản thân, ở một phòng riêng trong 1 lầu riêng, phòng có cửa sổ, lầu có không gian mở, mở cửa đón nắng và gió cả ngày. Người nhà chăm sóc chỉ mang thức ăn, giặt quần áo, không sát khuẩn phòng đến lầu của bệnh nhân F0 ở. Người nhà có đeo khẩu trang khi đưa thức ăn, có sát khuẩn, rửa và giặt riêng. Vậy cách chăm sóc này có đúng không ạ?”

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Nếu nhà của bạn đọc thực hiện cách ly như vậy thì đã rất lý tưởng rồi. Tuy nhiên, người nhà khi đem thức ăn xuống vẫn nên đeo khẩu trang, sát khuẩn bởi vì khi mở cửa ra đưa thức ăn vào, không gian ở đó cũng có nguy cơ chứa virus.

Phần 1: SARS-CoV-2 có lây qua thực phẩm, nên hay không nên khử khuẩn đồ ăn?

Bài viết trích livestream của Chương trình thiện nguyện Chung tay vì cộng đồng với chủ đề "Sống chung với COVID-19: Làm sao tránh lây nhiễm?". Chương trình được thực hiện bởi những bạn trẻ trong và ngoài ngành Y nhằm đưa thắc mắc của người dân đến bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm giải đáp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X