Hotline 24/7
08983-08983

SARS-CoV-2 có lây qua thực phẩm, nên hay không nên khử khuẩn đồ ăn?

SARS-CoV-2 có lây qua thực phẩm? Nên hay không nên khử khuẩn đồ ăn? Hàng xóm là F0, có nên mở cửa sổ? Lựa chọn và sử dụng đồ bảo hộ cần lưu ý gì?... Đây là những thắc mắc được TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch Liên chi Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. SARS-CoV-2 lây nhiễm qua những con đường nào?

Chúng ta cần hiểu gì về đường lây nhiễm và cách lây của COVID-19 để phòng tránh, thưa BS?

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Từ trước đến nay, chúng ta cũng đã nghe nhiều về đường lây và cách lây của SARS-CoV-2. Mặc dù có rất nhiều nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng virus SARS-CoV-2 có thể lây qua đường không khí, nhưng các nghiên cứu đó không đủ để chứng minh.

Theo đó, đường lây chính vẫn là qua giọt bắn. Đường lây nhiễm thứ 2 là qua tiếp xúc. Còn lại, virus SARS-CoV-2 chỉ lây qua đường không khí nếu các cơ sở làm các thủ thuật xâm lấn tạo ra khí dung (aerosol). Ngoài ra, khi tiếp xúc gần ở trong môi trường kín và không khí không đảm bảo thì sẽ dẫn đến khả năng lây qua đường không khí.

Cụ thể, nếu người bệnh ho hoặc hắt hơi, giọt bắn (có kích thước 5-10 µm) sẽ rơi trực tiếp trên những bề mặt gần, tuy nhiên các hạt khí dung (có kích thước < 5 µm) sẽ lơ lửng trong không khí trong một khoảng thời gian. Đây cũng chính là nguyên nhân lây qua đường không khí. Khi đó, những người tiếp xúc gần không mang phương tiện phòng hộ cá nhân, đặc biệt là khẩu trang, sẽ có thể hít phải virus.

Lây truyền qua bề mặt và đồ vật phụ thuộc vào:

  • Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng (Các yếu tố làm bùng phát dịch như: nhà, sự gắn kết thành viên; nơi làm việc; bệnh viện, cơ sở chăm sóc; tàu, du thuyền, máy bay; tụ họp đông người; trường học; nhà tù; nơi tạm trú người vô gia cư; dàn hợp xưởng; nhà máy, xưởng sản xuất đông người).
  • Số lượng người bị nhiễm COVID-19 phát tán virus ra ngoài (giảm đáng kể bằng đeo khẩu trang).
  • Lắng đọng của các hạt chứa virus rơi trên bề mặt (lớp bụi), bị ảnh hưởng bởi luồng không khí và gió.
  • Tương tác với các yếu tố môi trường (ví dụ: nhiệt và bay hơi) gây ra ảnh hưởng đến các hạt có chứa virus trong không khí và trên các bề mặt.
  • Khoảng thời gian từ một bề mặt bị nhiễm bẩn đến một người chạm vào bề mặt đó.
  • Hiệu quả truyền các hạt chứa virus từ bề mặt đồ vật sang tay và từ tay đến niêm mạc trên mặt (mũi, miệng, mắt).
  • Liều lượng virus cần thiết để gây nhiễm trùng qua đường niêm mạc đường hô hấp.

Phân vùng nguy cơ:

  • Nguy cơ cao: Có mặt bệnh nhân COVID-19 (khu cách ly, bệnh viện, nhà ở, buồng bệnh, buồng cách ly bệnh nhân, khu vực vệ sinh công cộng, thang máy công cộng, bề mặt tiếp xúc của bàn tay nhiều).
  • Nguy có thấp: khu vực trung gian (đệm) giữa vùng nguy cơ cao và không nguy cơ: hành lang nối, đường nối, toà nhà đệm (để kho hàng cung cấp vùng đỏ, dụng cụ chăm sóc, cung ứng nhu yếu phẩm).
  • Không nguy cơ: khu vực không có người nhiễm COVID-19 (khu phố, dân cư, nhà ở,…).

2. Khái niệm “sạch” - “dơ” trong đại dịch COVID-19, hiểu sao cho đúng?

Thưa BS, trong đời sống hằng ngày, nhiều người thường định nghĩa rằng “sạch” là khi lau chùi dọn dẹp sẽ không còn thấy vết bẩn nữa. Vậy khái niệm “sạch” và “dơ” trong y khoa có sự khác biệt nào so với những khái niệm “sạch” thông thường mà những người không có đào tạo y khoa hiểu không ạ?

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Thông thường, chúng ta đánh giá một bề mặt “sạch” là khi mắt thường không nhìn thấy bụi hoặc rác. Tuy nhiên, khi chăm sóc người bệnh COVID-19 thì “sạch” phải bao gồm cả sạch bằng mắt thường (không nhìn thấy rác, bụi bẩn) và sạch các tác nhân gây bệnh (giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi hay nói chuyện).

Trước đây, các chất tẩy rửa thông thường mà chúng ta sử dụng để dọn dẹp nhà cửa đã đủ đảm bảo vệ sinh. Nhưng trong trường hợp trong nhà có những tác nhân gây bệnh, thì việc vệ sinh chỉ bằng nước hoặc nước với xà phòng thôi là chưa đủ. Theo đó, cần phải có thêm những chất tẩy rửa hoặc dung dịch có khả năng khử khuẩn để làm sạch các bề mặt có thể chứa mầm bệnh.

Đó chính là 2 khái niệm “sạch” khác nhau mà mỗi người dân cần phải chú ý, đặc biệt là khi trong gia đình đang có F0 điều trị tại nhà.

3. Người “cuồng” sạch sẽ, đã đủ yên tâm không lây nhiễm SARS-CoV-2?

Có rất nhiều nhân vật trong phim ảnh được xây dựng với tính cách cuồng sạch sẽ (lúc nào cũng rửa tay, xịt khử khuẩn khi tiếp xúc với người khác, không chịu được cảnh dơ bẩn…). Vậy theo BS, trong thời buổi dịch bệnh hiện nay, chúng ta có nên học theo những người quá sạch sẽ như thế để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng không ạ?

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Thật ra những người cuồng sạch sẽ là thường có vấn đề về tâm lý (có thể trong tuổi thơ họ ám ảnh về tâm lý nên lúc nào trong đầu cũng suy nghĩ xung quanh luôn có vi khuẩn) nên luôn muốn khử khuẩn. Mặc dù việc làm này chưa chắc đã sạch nhưng họ thấy phải làm như thế mới thỏa mãn được tâm lý ưa sạch của mình.

Do đó, chúng ta cũng không cần thiết phải học theo tính cách ưa sạch này. Đối với một số môi trường không có các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thì chỉ cần làm sạch bình thường.

Vì vi khuẩn bình thường ở môi trường bên ngoài cũng là những vi khuẩn cộng sinh giúp chúng ta ngăn ngừa các mầm bệnh tấn công cơ thể. Do đó, nếu tiêu diệt hết những vi khuẩn cộng sinh với mình chỉ vì tính cuồng sạch thì vô hình trung virus sẽ tấn công rất nhanh khi chúng ta bị nhiễm bệnh. Bởi lúc này môi trường chỉ còn những virus sống sót qua những lần lau chùi, xịt khuẩn liên tục của chúng ta.

Chính vì vậy, nếu trong nhà không có bệnh nhân COVID-19, chúng ta chỉ cần sử dụng các dung dịch vệ sinh thông thường là đủ. Bên cạnh đó, nếu chỉ làm vệ sinh mà quên rửa tay thì cũng vô ích. Bởi virus từ bệnh nhân vẫn luôn phát tán ra ngoài, chúng ta không thể lúc nào cũng vệ sinh sau khi bệnh nhân ho hay hắt hơi được. Do đó, vệ sinh tay vẫn là điều quan trọng nhất để đảm bảo an toàn sức khoẻ.

Tóm lại, người dân nên hiểu một cách đúng đắn và cũng đừng thái quá về vấn đề vệ sinh vì không những không có lợi mà đôi khi còn có hại.

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà có hơn 33 năm trong ngành Y, hiện là Phó Chủ tịch Liên chi Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, Thành viên Ban cố vấn công tác Kiểm soát nhiễm khuẩn của Bộ Y tế, Sở Y tế. Ảnh: hanhphuchospital.com

4. Khử khuẩn trong khuyến cáo 5K của Bộ Y tế gồm những gì?

Trong khuyến cáo 5K của Bộ Y tế cũng có nhắc đến từ “khử khuẩn”, vậy xin hỏi BS là khử khuẩn ở đây là như thế nào ạ?

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: “Khử khuẩn” trong khuyến cáo 5K của Bộ Y tế bao gồm rất nhiều vấn đề như: khử khuẩn bàn tay, khử khuẩn bề mặt thường tiếp xúc (giường, tủ, sàn nhà, thiết bị điện tử…). Mục đích của việc khử khuẩn là để đảm bảo môi trường xung quanh được sạch sẽ, an toàn, đồng thời khử khuẩn tay giúp giảm nguy cơ phơi nhiễm vì tay phải tiếp xúc nhiều với các bề mặt.

Vệ sinh tay là biện pháp đơn giản, rẻ tiền, hiệu quả và dễ thực hiện. Có lẽ, qua đại dịch này, người dân cũng thấy được tầm quan trọng của vệ sinh tay đối với sức khoẻ, cũng như thay đổi được thói quen của mình.

Có 5 thời điểm phải vệ sinh tay khi đối tượng chăm sóc là người mắc COVID-19:

  • Trước khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Trước khi làm thủ thuật vô trùng.
  • Sau khi tiếp xúc với mẫu và dịch cơ thể.
  • Sau khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Sau khi chạm vào đồ vật, bề mặt xung quanh người bệnh.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải vệ sinh tay ở những thời điểm khác như trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chạm vào động vật/đồ chơi, sau khi ho/hắt hơi và sau khi thực hiện các thao tác gây bẩn tay…

5. Vì sao chúng ta cần phải rửa tay?

Được biết, ngày 5/5 hàng năm sẽ là ngày rửa tay toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới phát động. Thưa BS, vì sau rửa tay lại quan trọng đến mức như vậy ạ?

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Ngày 5/5 là ngày rửa tay toàn cầu cho riêng ngành y. Ngày 15/10 là ngày rửa tay dành cho cả cộng đồng.

Thông thường, khi nhìn bằng mắt thường, chúng ta thấy bàn tay rất sạch sẽ nhưng trên thực tế ở đây luôn có một hệ vi khuẩn thường trú trên đó. Sau khi chúng ta chạm tay vào những đồ vật hoặc tiếp xúc với bệnh nhân có mang các mầm bệnh (Ví dụ: virus SARS-CoV-2, lao, sởi, thuỷ đậu, vi khuẩn kháng thuốc…), bàn tay nhìn bề ngoài có vẻ sạch nhưng thực tế không phải vậy.

Do đó, nếu như tay không sạch, chúng ta có thể mang vi khuẩn từ người bệnh này sang người bệnh khác. Ngoài ra, chúng ta còn có thể mang mầm bệnh đi đến những nơi khác, làm ảnh hưởng đến những người khỏe mạnh.

Vì vậy, vai trò của rửa tay rất quan trọng. Trong đại dịch này, người dân hãy luôn nhớ rằng, bàn tay có thể bảo vệ chúng ta nếu được vệ sinh đúng cách, nhưng cũng có thể gây hại nếu không rửa tay. Chỉ cần với 15 giây sát khuẩn với cồn hoặc 30 - 60 giây rửa tay bằng nước và xà phòng thì chúng ta đã có thể bảo vệ và cứu sống mình. Do đó, nên để việc rửa tay trở thành thói quen để góp phần bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Quy trình rửa tay thường quy:

Bước 1: Làm ướt tay bằng nước và xà phòng, chà 2 lòng bàn tay vào nhau.

Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.

Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ ngón tay.

Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay này vào lòng bàn tay kia.

Bước 5: Xoay ngón tay cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Làm sạch sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và lau khô.

Chú ý: Rửa tay bằng nước và xà phòng khi bàn tay có vết bẩn. Thời gian mỗi lần rửa tay tối thiểu 30 giây, các bước 2, 3, 4, 5 làm đi làm lại tối thiểu 5 lần.

6. Tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19, bỏ qua khuyến cáo 5K được không?

Hiện nay, nhiều người đã được vắc xin COVID-19. Kéo theo đó là việc hình thành suy nghĩ chủ quan rằng “đã được tiêm vắc xin thì đã an toàn”. Vậy theo BS, những điểm nào khiến mình dễ bị chủ quan, dẫn đến vi phạm các khuyến cáo phòng chống nhiễm khuẩn ạ?

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Vắc xin là miễn dịch chủ động để tạo ra kháng thể. Sau này nếu có tiếp xúc lại virus thì đã có kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh. Tuy nhiên, như câu nói dân gian “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, trong trường hợp này chúng ta có thể hiểu virus SARS-CoV-2 không giống như những virus thông thường mà chúng luôn đột biến để tạo ra những biến chủng mới.

Như chúng ta đã biết, virus cúm A H1N1 cũng là một chủng mới của virus cúm. Nhưng theo các nghiên cứu, chủng này không đột biến và không mang độc tính của chủng A H5N1, đồng thời không gây ra nguy cơ tử vong.

Nhưng đối với virus SARS-CoV-2, hiện nay đã có nhiều biến chủng mới khác xa chủng cũ với khả năng lây lan rất kinh khủng (tăng đến 70%), và vắc xin cũng không có tác dụng đối với những chủng này. Tuy nhiên, vắc xin có thể hỗ trợ chúng ta không bị trở nặng, nguy cơ tử ít nếu chẳng may mắc COVID-19. Do đó, dù đã chích vắc xin nhưng chúng ta vẫn có nguy cơ bị mắc các chủng khác nếu như không tuân thủ theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Có nhiều trường hợp đã chích vắc xin nhưng vẫn bị nhiễm COVID-19. Ví dụ: những nhân viên y tế là những người đầu tiên được tiêm 2 mũi vắc xin nhưng sau đó đã lây cho gia đình và các đồng nghiệp. Do đó, chúng ta cần lưu ý rằng, sau khi chích vắc xin vẫn phải tuân thủ đúng các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn để không vô tình lây bệnh cho những người xung quanh.

7. Lựa chọn đồ bảo hộ khi tham gia chống dịch ngoài cộng đồng, cần lưu ý gì?

Hiện tại, có rất nhiều tình nguyện viên đang trang bị đồ phòng hộ để tham gia vào công tác phòng chống dịch ở các bệnh viện và khu cách ly. BS có lời khuyên nào khi lựa chọn bộ đồ phòng hộ khi làm tình nguyện tại cộng đồng, cũng như những điểm cần lưu ý khi mặc vào và tháo ra để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm không ạ?

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Nếu tình nguyện viên khi đi vào các khu vực để tư vấn, hỗ trợ chống dịch thì cần lưu ý một số điều sau:

  • Virus SARS-CoV-2 lây chủ yếu qua giọt bắn, nếu chúng ta không phải thực hiện các thủ thuật hoặc tiếp xúc quá gần với bệnh nhân thì không cần phải đeo khẩu trang N95. Nhưng nếu tính chất công việc của chúng ta phải tiếp quá gần (ví dụ: lấy mẫu xét nghiệm) thì phải đeo khẩu trang N95.
  • Khi đeo khẩu trang N95 và cả những khẩu trang y tế thông thường, nên chú ý ép thanh kim loại ôm sát sống mũi, tránh để quá hở hoặc để nếp gấp thanh kim loại quá nhọn sẽ tạo kẽ hở để virus có thể lọt vào. Khẩu trang được đeo đúng cách là khi chúng ta hít vào thở ra, khẩu trang cũng di chuyển theo và không có khí lọt ra ngoài.
  • Nhiều người thường đeo một lúc 2 khẩu trang y tế hoặc đeo khẩu trang y tế bên trong và khẩu trang N95 bên ngoài (vì nghĩ rằng đeo như vậy sẽ sử dụng lại được khẩu trang N95 để tiết kiệm).
  • Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng, các giọt bắn nhỏ vẫn có thể xuyên qua khẩu trang (khoảng 25%) nếu tiếp xúc quá gần. Khi đó, mặt ngoài khẩu trang không còn an toàn nữa vì virus SARS-CoV-2 bám lên bề mặt khẩu trang vẫn tồn tại (ở mặt trong là 4 ngày và mặt ngoài là 7 ngày). Do đó, thay vì đeo 2 khẩu trang, chúng ta nên chọn khẩu trang đúng kích cỡ khuôn mặt, lưu ý phân biệt khẩu trang thật - giả khi mua để đảm bảo an toàn nhất.
  • Khi mặc đồ phòng hộ, phải đảm bảo đồ che kín hết toàn bộ cơ thể, đeo khẩu trang và kính mắt phải áp sát mặt.
  • Trong suốt quá trình đeo khẩu trang, chúng ta không nên sờ tay vào mặt ngoài.
  • Nguy cơ lây nhiễm nhiều nhất là lúc chúng ta tháo bỏ phương tiện phòng hộ các nhân. Do đó, khi tháo bỏ, nên thực hiện lần lượt từng người, không để tình trạng nhiều người tháo bỏ cùng lúc. Theo đó, nên tháo găng tay đầu tiên và tháo khẩu trang sau cùng.
  • Tuyệt đối không tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân khi đang ở trong buồng bệnh.
  • Sau mỗi lần tháo bỏ từng bộ phận của bộ đồ phòng hộ đều phải khử khuẩn tay và không được bỏ qua bước nào.
  • Sau khi tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân xong phải bỏ ngay vào thùng rác, không được vứt lung tung.

8. Thiếu phương tiện phòng hộ cá nhân, giữ an toàn cho bản thân bằng cách nào?

Một số nơi không trang bị đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân. Theo BS, làm thế nào để chúng ta có thể đảm an toàn trong trường hợp này?

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Nếu phải chăm sóc bệnh nhân COVID-19, tối ưu nhất là chúng ta nên trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân. Tuy nhiên, trong tình trạng giãn cách xã hội hiện nay, việc trang bị các phương tiện phòng hộ là điều không dễ dàng. Do đó, chúng ta nên lưu ý một số điều sau:

Đối với những người có nguy cơ nhưng chưa chắc là F0, khi chăm sóc thì phương tiện phòng hộ chủ yếu là khẩu trang. Hiện nay việc mua khẩu trang y tế cũng rất dễ dàng. Nếu lo lắng đeo khẩu trang y tế không đảm bảo thì chúng ta có thể tìm mua thêm mặt nạ chắn giọt bắn.

Các F0 không có triệu chứng (hoặc không có biểu hiện ho) sẽ không có nguy lây qua đường giọt bắn hay đường không khí. Lúc này, chúng ta chỉ cần đảm bảo đeo khẩu trang là chính, để tránh tiếp xúc giọt bắn khi nói chuyện.

Trong trường hợp phải chăm sóc và thực hiện các thao tác như vệ sinh, nâng đỡ… cho bệnh nhân, nếu không thể trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân, chúng ta có thể mặc áo mưa dùng 1 lần để thay thế.

Ngoài ra, chìa khoá cuối cùng để bảo vệ bản thân người chăm sóc đó chính là chích ngừa vắc xin. Dù vắc xin không bảo vệ hoàn toàn như mình mong muốn nhưng nếu bị nhiễm virus thì bệnh sẽ nhẹ hơn và không diễn tiến nặng.

9. Nhà có người F0, cách ly, khử khuẩn thú cưng sao cho đúng?

Bạn đọc tên Nguyễn Hoàng Kim Ngân hỏi rằng: “Em chào cô, cô cho em hỏi, nhà em có nuôi thú cưng, thỉnh thoảng có ra ngoài và đi lại trong sân. Vậy đối với thú cưng thì mình có những biện pháp nào để khử khuẩn ạ?

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Nếu như trong nhà có người là F0 thì tốt nhất chúng ta cũng nên cách ly thú cưng để tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài.

Theo các nghiên cứu khoa học trên thế giới, khi trong nhà có người bị bệnh COVID-19 thì thú cưng cũng có thể bị lây. Do đó, chúng ta nên cách ly chúng hoặc gửi vào các bệnh viện dành cho thú cưng. Bởi chúng ta không thể chăm sóc, hoặc nếu được thì phải trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân để không lây cho chúng.

Một khi thú cưng bị lây nhiễm bệnh thì cũng sẽ có những biểu hiện như sốt, ho. Khi đó, chúng ta phải đem chúng đến bệnh viện dành cho thú cưng vì nếu tự ý cho thú cưng uống thuốc sẽ rất nguy hiểm.

Vì vậy, tôi khuyên các bạn không nên nuôi thú cưng (nếu có ý định nuôi trong đợt dịch này). Bên cạnh đó, nếu trong nhà có F0 thì cũng nên cách ly không cho tiếp xúc với thú cưng. Khi thấy thú cưng có các triệu chứng nghi mắc COVID-19 thì phải được tư vấn bởi các bác sĩ, cũng như đến các bệnh viện dành cho thú cưng.

10. Hàng xóm có người mắc COVID-19, có nên mở cửa sổ?

Bạn đọc tên Màn Thầu hỏi: “Dạ cô ơi cho em hỏi, hàng xóm em có người bị COVID-19, mà nhà em lại có cửa sổ hướng sang nhà đó. Vậy em có nên mở cửa sổ không ạ?

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Nếu khoảng cách giữa 2 nhà là một con đường (7 - 10m) thì tôi nghĩ bạn đọc không nên quá lo lắng. Chúng ta cũng không nên đóng cửa sổ vì gió vẫn có thể vào nhà.

Theo đó, bạn đọc có thể tuỳ vào hoàn cảnh mà xử trí. Ví dụ:

  • Khi nhà hàng xóm đóng cửa thì mình có thể mở).
  • Nếu thấy gió từ nhà phía nhà hàng xóm lùa vào thì có thể đóng cửa lại và chỉ mở ra khi gió đổi chiều.

Ngoài ra, những lúc trời có nắng, nên mở cửa ra để không khí trong nhà được đào thải. Theo các nghiên cứu, nếu thông khí tự nhiên bằng cửa chính và cửa sổ trong nhà thì có thể đạt được 6 - 12 luồng không khí đổi mới mỗi giờ. Như vậy, sau 1 tiếng đồng hồ mở cửa, toàn bộ khí chứa các mầm bệnh có thể đổi mới hoàn toàn. Bên cạnh đó, ánh nắng có chứa nhiều tia UV sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn, virus.

Vì vậy, chúng ta nên mở cửa ít nhất 3 lần/ngày để đổi mới không khí ở trong phòng.

11. Thế nào là lây nhiễm chéo?

Nhờ BS chia sẻ về khái niệm lây nhiễm chéo để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn ạ?

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Lây nhiễm chéo là lây từ người này sang người khác. Khái niệm này cũng tương tự như bội nhiễm, nhiễm khuẩn bệnh viện. Tức là, khi vào bệnh viện, người dân chỉ bị bệnh này nhưng lại bị những bệnh nhân còn lại tiếp xúc làm lây bệnh khác. Hoặc nếu chúng ta là người khoẻ mạnh bình thường, nhưng đến chơi nhà người đang bị bệnh cúm, thì sau khi tiếp xúc chúng ta có thể bị nhiễm cúm, đó gọi là lây nhiễm chéo.

12. Nên sử dụng dung dịch sát khuẩn mũi, họng loại nào cho hiệu quả?

Bạn đọc tên Minh Phương hỏi: “Dạ thưa Cô, Cô có thể tư vấn thêm cho em sau khi tháo đồ bảo hộ thì nhân viên y tế nên sử dụng các dung dịch sát khuẩn mũi, họng nào để mang lại hiệu quả tốt nhất khi tham gia chống dịch ạ?”

TS.BS.CKII. Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Thông thường chúng ta sẽ sử dụng các dung dịch có tính sát khuẩn nhẹ như dung dịch chứa Chlorhexidine giúp tiêu diệt các virus SARS-CoV-2.

13. SARS-CoV-2 có lây qua thực phẩm, mua đồ trong siêu thị có cần khử khuẩn?

Bạn đọc tên Lê Văn Minh hỏi: “Dạ thưa cô, virus Corona có lây lan qua bề mặt thực phẩm không ạ, và có những cách nào để phòng tránh lây nhiễm trong trường hợp này? Em thấy khi mua đồ về, mình chỉ có thể khử khuẩn bên ngoài bao bì, còn thực phẩm sẽ được bỏ thực phẩm sẽ được bỏ vào tủ lạnh. Xin cô chia sẻ. Em cảm ơn cô nhiều!”.

TS.BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh Hà trả lời: Trong các nghiên cứu khoa học cho thấy, virus lây qua thực phẩm rất hiếm. Vì tất cả thực phẩm trong các siêu thị đều được xử lý để đảm bảo an toàn trước khi đưa ra bên ngoài. Thường siêu thị sẽ khử khuẩn qua tia cực tím để đảm bảo độ tươi ngon vì nếu thực phẩm bị ô nhiễm bởi các vi khuẩn khác thì cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Do đó, chúng ta có thể an tâm khi mua thực phẩm ở siêu thị.

Còn nếu bạn đọc mua ở ngoài thì có thể thực phẩm sẽ không được đảm bảo. Vì nếu người bán là F0 mà không mang khẩu trang, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ rất là lớn. Do đó, khi sơ chế hoặc chế biến nấu chín, chúng ta có thể đeo khẩu trang để giảm nguy cơ.

Các lỗi khi đeo và tháo khẩu trang:

  • Thanh kim loại cố định khẩu trang không nằm ở vị trí sống mũi dẫn đến hiệu quả khẩu trang kém.
  • Nếu sử dụng khẩu trang có hiệu lực lọc cao như khẩu trang N95 hoặc tương đương thì không đeo kèm khẩu trang y tế bên trong.

Các lỗi thường gặp khi mặc và tháo phương tiện phòng hộ cá nhân:

  • Lỗi tháo trang phục phòng hộ cá nhân:
    • Không tuân thủ đúng trình tự khi tháo bộ phòng chống dịch và vệ sinh tay dẫn đến nguy cơ vấy nhiễm da và trang phục sạch bên trong.
    • Không trùm mũ trùm đầu của bộ đồ phòng chống dịch
  • Lỗi khi tháo găng tay:
    • Khi tháo găng tay, không tháo rời từng chiếc.
    • Thao tác đúng: vừa tháo, vừa cuộn phần ngoài găng vào trong và thực hiện tháo 2 găng liên tiếp nhau.

Mặc bộ phòng chống dịch không kín, để hở các phần da trên cơ thể như: tóc, tay, cổ tay, mắt cá chân.

Chú ý đến một số ý lỗi sai thường gặp khi mặc và tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân sẽ có thể tự bảo vệ an toàn, kiểm soát lây nhiễm không chỉ cho bản thân mà còn cho người thân và những người xung quanh.

Cố vấn chuyên môn: TS.BS Phan Thị Hằng - Phó Giám đốc Bệnh viện hùng Vương TPHCM


Bài viết trích livestream của Chương trình thiện nguyện Chung tay vì cộng đồng với chủ đề "Sống chung với COVID-19: Làm sao tránh lây nhiễm?". Chương trình được thực hiện bởi những bạn trẻ trong và ngoài ngành Y nhằm đưa thắc mắc của người dân đến bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm giải đáp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X