Hotline 24/7
08983-08983

Sau tổn thương tủy sống, cần nhiều chương trình phối hợp để phục hồi chức năng

Trước năm 2000, tổn thương tủy sống có thể tử vong. Hiện nay, đã có chương trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân tổn thương tủy sống, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó là chia sẻ của TTƯT.BS Đinh Quang Thanh - Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM.

1. Tổn thương tủy sống ảnh hưởng vận động và cảm giác

Đầu tiên nhờ BS cho biết tủy sống ở vị trí nào trên cơ thể, và tủy sống có thể bị tổn thương do nguyên nhân gì?

TTƯT.BS Đinh Quang Thanh trả lời: Tủy sống là cấu trúc thuộc hệ thần kinh trung ương, nối liền từ não bộ đến cơ quan đích là các phần cơ cần thực hiện động tác. Có thể ví, não là cơ quan phát ra tín hiệu, tủy là sợi dây điện thoại để dẫn truyền, truyền đến cơ quan đích có cơ để thực hiện động tác.

Ví dụ, khi muốn cử động một tay hoặc một chi nào trên cơ thể, lúc này, tín hiệu sẽ truyền từ não qua tủy sống đến cơ quan đích thực hiện là bó cơ để thực hiện các động tác. Ngoài những tín hiệu về vận động, sẽ truyền được tín hiệu cảm giác, thu nhận tín hiệu cảm giác. Do đó, nếu tủy sống bị tổn thương, con người sẽ bị ảnh hưởng đến vận động và cảm giác.

2. 76% bệnh nhân tổn thương tủy sống do tai nạn

Ở Việt Nam thì nguyên nhân thường gặp nhất khiến tủy sống bị tổn thương là gì ạ?

TTƯT.BS Đinh Quang Thanh trả lời: Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương tủy sống. Trong đó, khoảng 76% do tai nạn bao gồm: tai nạn giao thông chiếm hàng đầu (khoảng 38%); những tai nạn về sinh hoạt, té ngã khoảng 32% và 7% là những nguyên nhân khác như: tai nạn của hoạt động thể dục thể thao, các vết thương hỏa khí hoặc vết thương do dao đâm,…

Theo đó, trong 100% bệnh nhân bị tổn thương tủy sống có 76% bệnh nhân tổn thương do tai nạn và 24% do các bệnh lý của tủy sống, tủy xương, bệnh lý di căn, lao, ung thư,…

3. Tổn thương tủy sống có thể dẫn đến tử vong

Tổn thương tủy sống có thể dẫn đến những hậu quả gì và chia làm mấy mức độ, thưa BS?

TTƯT.BS Đinh Quang Thanh trả lời: Tổn thương tủy sống là tổn thương cấu trúc thần kinh dẫn truyền tín hiệu, tín hiệu này liên quan đến vận động và cảm giác. Do đó, bệnh nhân sẽ bị tổn thương nặng nề về vận động, tổn thương cảm giác.

Đồng thời, rối loạn chức năng hệ cơ vòng. Bệnh nhân có thể tổn thương thêm bàng quang thần kinh, ảnh hưởng vấn đề tiểu tiện, rối loạn chức năng thần kinh giao cảm vô cùng nặng nề. 

Trước năm 2000, hầu hết tất cả những bệnh nhân tổn thương tủy sống sẽ tử vong. Giai đoạn đó, khi bị tổn thương tủy sống, bệnh nhân không được chăm sóc theo chế độ phục hồi chức năng của tổn thương tủy sống, chỉ được chăm sóc như bệnh nhân bình thường, nằm viện,… hầu hết sẽ xảy ra rất nhiều biến chứng.

Thứ nhất là bị liệt. Khi bệnh nhân liệt lâu ngày khiến cứng khớp, teo cơ, rối loạn cảm giác dẫn đến bị loét, nhiễm trùng do loét, các vấn đề về bàng quang, nhiễm trùng ngược dòng đường tiểu, viêm đài bể thận, suy thận,… rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, khi bị tổn thương tủy sống, bệnh nhân sẽ gặp cú sốc nặng, từ một người khỏe mạnh đến khi tổn thương tủy sống, ảnh hưởng tâm lý, dẫn đến stress và có thể tự sát. Vì vậy, có thể nói tổn thương tủy sống gây ra cú sốc kinh khủng đối với một người bình thường.

4. Đánh giá tổn thương tủy sống theo tiêu chuẩn của tế ASIA của Hoa Kỳ

Bệnh nhân bị tổn thương tủy sống được điều trị bằng những phương pháp gì, và khi nào họ cần đến chuyên khoa Phục hồi chức năng (PHCN) ạ?

TTƯT.BS Đinh Quang Thanh trả lời: Trước năm 2000, không có phục hồi chức năng tủy sống. Bệnh nhân được chăm sóc phục hồi sau tổn thương tủy sống như những bệnh nhân khác. Tuy nhiên, phục hồi chức năng tủy sống là một chuyên ngành riêng, vì vậy, họ cần được điều trị như một bệnh nhân đặc biệt.

Năm 2003, Tổ chức Handicap International đến Bệnh viện Phục hồi Chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM để thành lập Đơn vị Phục hồi tổn thương tủy sống. Từ đó, những phác đồ phục hồi chức năng cho bệnh nhân tổn thương tủy sống theo tiêu chuẩn quốc tế bắt đầu được hình thành.

Theo đó, ngoài việc tập vật lý trị liệu như vấn đề yếu liệt ở những tổn thương thần kinh khác: đột quỵ, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não,… bệnh nhân tổn thương tủy sống sẽ được tập thêm tâm lý trị liệu.

Bên cạnh đó, có thêm các hoạt động trị liệu; chăm sóc bàng quang; phòng, ngừa, chống loét; quản lý gồng cứng; quản lý các biến chứng rối loạn chức năng hệ thần kinh tự chủ.

Trong đó, bác sĩ sẽ đánh giá, phân loại. Cụ thể, ở các bệnh viện đa khoa khi đánh giá tổn thương tủy sống sẽ đánh giá theo hệ xương như: tổn thương đoạn ngực thứ mấy, thắt lưng thứ mấy,… Tuy nhiên, tủy sống không giống hệ xương, cần đánh giá theo phân loại của quốc tế (tiêu chuẩn ASIA của Hoa Kỳ). Đây là tiêu chuẩn được cả thể giới áp dụng, giúp đánh giá được tổn thương tủy sống hoàn toàn hay không hoàn toàn; tổn thương nhóm A, nhóm B, nhóm C, nhóm D. Mỗi một nhóm tổn thương sẽ có các phương pháp điều trị đặc hiệu khác nhau.

5. Phục hồi chức năng cho bệnh nhân tổn thương tủy sống cần nhiều chương trình phối hợp

BS có thể cho biết PHCN cho người bệnh tổn thương tủy sống ở Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp gồm có những phương pháp/kỹ thuật gì ạ?

TTƯT.BS Đinh Quang Thanh trả lời: Đối với một bệnh nhân tổn thương tủy sống vào bệnh viện đa khoa bình thường, thấy bệnh nhân yếu liệt, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân tập vật lý trị liệu, điều đó chưa đủ.

Giai đoạn đầu, khi bệnh nhân nhập viện, vấn đề tâm lý vô cùng quan trọng, bởi vì, tổn thương tủy sống là một cú sốc lớn với bệnh nhân. Như vậy, cần chú ý các vấn đề về tâm lý lâm sàng, có những nhân viên tâm lý để tiếp cận, giúp bệnh nhân thích nghi dần. Bác sĩ phải hiểu thế nào là các tổn thương nhóm A, nhóm B, nhóm C để sắp xếp. Đó là vấn đề cần được chú ý đầu tiên trong vấn đề đổng đẳng đối với bệnh nhân tổn thương tủy sống.

Cụ thể, tại một đơn vị tổn thương tủy sống như khoa Tổn thương tủy sống của Bệnh viện Phục hồi Chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM, bệnh nhân sẽ thấy những người đồng cảnh ngộ, sẽ có những ưu thế so với bệnh nhân bị tổn thương tủy sống được điều trị riêng lẻ.

Tại cộng đồng, bệnh nhân sẽ được chăm sóc tiếp với chương trình vật lý trị liệu. Tập vật lý trị liệu của tổn thương tủy sống cũng là một chuyên ngành riêng không giống như đột quỵ, chấn thương sọ não.

Những người bị tổn thương neuron vận động trên sẽ có tình trạng gồng cứng, bệnh nhân sẽ được kéo giãn và tập luyện, được quản lý gồng cứng.

Về vấn đề rối loạn về cảm giác: chức năng cảm giác giúp bảo vệ cơ thể. Người bình thường có thể cảm giác được nóng, lạnh, đau, nhưng với bệnh nhân tổn thương tủy sống, rối loạn cảm giác, họ bị mất chức năng cảm giác. Đặc biệt ở người tổn thương nhóm A, người bệnh không còn cảm giác, khi nằm ở một tư thế có thể loét tì đè mà bệnh nhân không hay biết.

Cụ thể, với một bệnh nhân tổn thương tủy sống, nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh nhân sẽ bị loét nhiều nơi trên cơ thể. Thậm chí, kích thước đường loét có thể rộng từ 30-40cm, đồng thời, loét sâu tới tận xương cùng cụt. Một số bệnh nhân không được người nhà chăm sóc, vết loét có thể xuất hiện giòi. Tuy nhiên, bệnh nhân không có cảm giác đau kể cả khi vết thương nhiễm trùng, bốc mùi,…  

Khi bị tổn thương tủy sống, bệnh nhân sẽ bị rối loạn chức năng bàng quang, được gọi là bàng quang thần kinh. Hầu hết bệnh nhân bị són tiểu, gây mùi khó chịu, bị lở loét nếu không được chăm sóc kỹ. Do đó, bệnh nhân phải được quản lý bàng quang, nếu không sẽ bị viêm đài bể thận ngược dòng, gây suy thận và tử vong, một trong những biến chứng suy thận.

Những bệnh nhân bị tổn thương trên T6 sẽ có những cơn tăng huyết áp đột ngột, người bừng lên, toát mồ hôi, nếu không được xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Ngoài ra, vấn đề phòng chống loét vô cùng quan trọng, tập luyện kỹ năng cho những người tổn thương nhóm A. Ví dụ, những bệnh nhân tổn thương tủy sống ở đoạn cổ, sẽ bị liệt tứ chi, tổn thương đoạn thắt lưng, ngực sẽ bị liệt hạ chi.

Bệnh nhân được đánh giá tổn thương tủy sống, bị liệt hạ chi nhóm A, không thể phục hồi, nếu để bệnh nhân nằm một chỗ trong thời gian dài, không giao tiếp với xã hội, những bệnh nhân này cần được tập kỹ năng di chuyển bằng xe lăn. Vấn đề độc lập của bệnh nhân vô cùng quan trọng, nếu bệnh nhân phụ thuộc nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, trầm cảm,…

>>> Phần 2: Bệnh nhân tổn thương tủy sống cần phục hồi chức năng bao lâu để có thể tự sinh hoạt tại nhà?

>>> Phần 3: Lưu ý khi vận chuyển cấp cứu bệnh nhân bị tổn thương tủy sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X