Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân tổn thương tủy sống cần phục hồi chức năng bao lâu để có thể tự sinh hoạt tại nhà?

TTƯT.BS Đinh Quang Thanh - Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM chia sẻ về quá trình phục hồi chức năng, hoạt động trị liệu để bệnh nhân tổn thương tủy sống có thể tự sinh hoạt tại nhà.

1. Một chương trình phục hồi chức năng tủy sống kéo dài 3-6 tháng

Chương trình phục hồi chức năng tủy sống kéo dài bao lâu, khi nào thì bệnh nhân được xuất viện thưa BS?

TTƯT.BS Đinh Quang Thanh trả lời: Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của bệnh nhân, những bệnh nhân có tổn thương nhóm A, nhóm B, nhóm C, nhóm D sẽ có cách chăm sóc và bài tập khác nhau.

Về mức độ tổn thương, nếu bệnh nhân tổn thương cổ, liệt tứ chi, việc tập luyện khác với bệnh nhân liệt hạ chi...

Tốt nhất là giai đoạn đầu bệnh nhân nên nằm tại bệnh viện, ít nhất là một đơn vị phục hồi chức năng tổn thương tủy sống.

Trung bình, để hoàn thành một chương trình phục hồi chức năng tổn thương tủy sống kéo dài từ 3-6 tháng. Trong đó, bệnh nhân được tập vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, kỹ năng xe lăn, phòng ngừa loét, vấn đề kiểm soát gồng cứng. Đồng thời, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân quản lý bàng quang, cách đặt thông tiểu,…

Sau khi được huấn luyện kỹ, bệnh nhân được về nhà và bắt đầu tập luyện. Đối với bệnh nhân tổn thương tủy sống, trước khi được xuất viện, sẽ phải qua một nhà trung gian, bệnh nhân ở trong đó khoảng 2 ngày, có những vật dụng ở tầm thấp để bệnh nhân di chuyển bằng xe lăn, di chuyển lên giường, ra bếp nấu nướng, làm vệ sinh cá nhân, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày...

Những hoạt động này đơn giản với người bình thường nhưng với bệnh nhân tổn thương tủy sống, họ bị liệt nên rất khó hoạt động. Khi bệnh nhân đã thuần thục, sẽ được xuất viện về nhà, thực hiện tại nhà.

2. Làm sao để bệnh nhân tiếp cận được mạng lưới phục hồi chức năng tủy sống?

Đối với PHCN cho người bệnh tổn thương tủy sống thì có khoảng thời gian nào là lý tưởng, khoảng thời gian nào là quá muộn không ạ?

TTƯT.BS Đinh Quang Thanh trả lời: Khi bệnh nhân tổn thương tủy sống sau giai đoạn cấp, bệnh nhân có thể phẫu thuật hoặc không phẫu thuật.

Nếu đã phẫu thuật, hầu hết các bệnh viện tỉnh và TPHCM đều được gửi về Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM. 

Bởi vì, khi hoàn thành phẫu thuật, qua giai đoạn điều trị ngoại khoa, sẽ đến giai đoạn phục hồi chức năng. Giai đoạn này, đa số các bệnh viện sẽ gửi về Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM. Một số bệnh viện tỉnh thuộc mạng lưới được các bác sĩ của Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM huấn luyện cho các bệnh viện tỉnh của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, để một số tỉnh sẽ có đơn vị phục hồi chức năng.

Theo đó, bệnh nhân sẽ đến đơn vị chuyên về phục hồi chức năng ngay sau khi bị tổn thương tủy sống. Nếu không, tại bệnh viện lớn cũng không thể kiểm soát đầy đủ hết các bệnh nhân như các bệnh viện đa khoa hay một đơn vị tập vật lý trị liệu bình thường.

Sau khi được tập luyện tại đơn vị chuyên môn, bệnh nhân được xuất viện và tập luyện tại nhà dưới sự kiểm soát, theo dõi, bệnh nhân được đánh giá lại sau một thời gian điều trị tại nhà.

Với tình trạng tổn thương của bệnh nhân, các bác sĩ hoặc những người có chuyên môn cần đến nhà để đánh giá về vật dụng, không gian, nếu không phù hợp, cần thay đổi để tiện nhất trong sinh hoạt của bệnh nhân.

3. Bệnh nhân tổn thương tủy sống cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng

Ngoài tập PHCN thì liệu có những thực phẩm hay những chất gì giúp cho tủy sống mau phục hồi không, thưa BS?

TTƯT.BS Đinh Quang Thanh trả lời: Không có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt riêng cho người tổn thương tủy sống. Ví dụ, bệnh nhân bị bệnh gout sẽ có chế độ thực phẩm riêng biệt. Còn đối với người bị tổn thương tủy sống, chỉ cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất.

Bởi vì, đa số bệnh nhân bị tổn thương tủy sống thường hay táo bón do ảnh hưởng bệnh lên đường ruột. Lúc này, bệnh nhân được khuyến cáo nên uống nước đầy đủ, ăn thức ăn nhuận tràng như: chuối, đu đủ, khoai lang, rau sống,… Tạo thói quen xoa bụng theo chiều kim đồng hồ 15 phút mỗi ngày.

Nếu bệnh nhân có thể vận động, nên thực hiện vận động càng sớm càng tốt.

4. Bệnh nhân tổn thương tủy sống được huấn luyện để tự sinh hoạt hàng ngày

Trong các sinh hoạt: tắm rửa, tiêu tiểu, nằm ngủ… người bệnh tổn thương tủy sống cần lưu ý gì ạ?

TTƯT.BS Đinh Quang Thanh trả lời: Trong chương trình huấn luyện cho bệnh nhân tủy sống, có một phần hoạt động trị liệu, trong đó, có sinh hoạt hàng ngày.

Cụ thể bệnh nhân được huấn luyện di chuyển từ giường qua xe lăn và ngược lại, được huấn luyện cách mặc áo tại chỗ, cách thay quần áo… Bởi vì, những vấn đề này cần thực hiện đúng kỹ thuật.

Trong quá trình di chuyển, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn đi toilet (toilet cao, toilet thấp), phòng tránh té ngã trong nhà tắm. Đây chỉ là những động tác bình thường đối với người không mắc bệnh, nhưng với người bị tổn thương tủy sống, cần thực hiện đúng kỹ thuật, từ đó, cho bệnh nhân tập những kỹ thuật này. Sau đó về nhà tiếp tục tập.

Trường hợp những bệnh nhân đã thuần thục, khi về nhà sẽ thực hiện được các sinh hoạt cơ bản hàng ngày như tự thực hiện tắm rửa, vệ sinh cá nhân đều có thể tự làm một mình với những kỹ thuật đã được huấn luyện.

5. Tiên lượng sau khi bệnh nhân tổn thương tủy sống được phục hồi chức năng

BS nhận thấy khả năng hồi phục của bệnh nhân tổn thương tủy sống được phục hồi chức năng như thế nào?

TTƯT.BS Đinh Quang Thanh trả lời: Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng có thể nói bệnh nhân tổn thương tủy sống khổ nhất trong tất cả các bệnh. Bởi vì, mất vận động, mất cảm giác, rối loạn cơ vòng, sau thời gian điều trị, bệnh nhân còn bị ảnh hưởng đến sinh lý, sinh sản,…

Do đó, sau khi bệnh nhân được nâng cao chất lượng cuộc sống trở lại, sẽ có các chương trình nói về hoạt động tình dục, sinh sản cho bệnh nhân. Bởi vì, có những người trẻ, có thể bị tổn thương tủy sống khi đi trượt tuyết, hay đi lướt ván, đứng lên đau lưng, khi về nhà bị liệt và xác định tổn thương tủy sống L1C.

Cuộc sống của bệnh nhân còn dài, nếu bị tổn thương tủy sống là nỗi kinh khủng đối với bệnh nhân, đó là nguyên nhân dẫn đến tự tử. Trước năm 2000, bệnh nhân tổn thương tủy sống tử vong nhiều, nhưng hiện nay, y học hướng tới nâng cao chất lượng sống tốt hơn trong khả năng có thể.

Một vấn đề cần lưu ý, không thể điều trị một bệnh nhân tổn thương nặng như nhóm A khỏi hoàn toàn, nhưng có thể cố gắng để nâng cao chất lượng bệnh nhân tốt nhất.

Nhiều bệnh nhân tổn thương tủy sống nhóm A, liệt 2 chân nhưng hiện nay, bệnh nhân được huấn luyện, quản lý gồng cứng, quản lý niệu. Thay vì trước đây, bệnh nhân bị són tiểu liên tục, có mùi hôi khiến họ ngại tiếp xúc, hiện nay đã có phương pháp đặt sonde tiểu ngắt đoạn. Như người bình thường đi tiểu 3-4 tiêng 1 lần, bệnh nhân tổn thương tủy sống sẽ được đặt ống sonde tiểu 3-4 tiếng 1 lần.

Nhờ đó, bệnh nhân còn có thể chơi thể thao, sinh hoạt, lái xe hơi, tham gia hoạt động thể thao,… từ đó, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được phục hồi một phần, đó là nhờ vào phục hồi chức năng tổn thương tủy sống.

>>> Phần 1: Sau tổn thương tủy sống, cần nhiều chương trình phối hợp để phục hồi chức năng

>>> Phần 3: Lưu ý khi vận chuyển cấp cứu bệnh nhân bị tổn thương tủy sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X