Sau sảy thai liên tiếp, cần làm gì cho thai kỳ mới?
Sảy thai liên tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của người mẹ và gia đình, đồng thời sẽ vội vàng mong có đứa con tiếp theo. Vậy quan điểm này có đúng? Các mẹ nên làm gì sau các lần sảy thai liên tiếp? Cùng xem chia sẻ của BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên - Sản phụ khoa, Bệnh viện Từ Dũ về vấn đề này.
1. Tiền căn sảy thai liên tiếp vẫn có cơ hội mang thai nếu điều trị dự phòng tốt
Đối với các chị em lần đầu mang thai, rất mong mỏi con nhưng sau đó bị sảy thai, tâm lý rất buồn và lo lắng… Vậy cơ hội mang thai lần sau sau khi chị em bị sảy thai liên tiếp sẽ như thế nào?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Đối với những chị em có tiền căn sảy thai liên tiếp vẫn có cơ hội mang thai sau đó nếu được chẩn đoán và điều trị và tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Chúng tôi đã gặp rất nhiều chị em sảy thai 2 lần liên tiếp trước đó nhưng nếu đã được điều trị, dự phòng tốt vẫn mang thai và thai kỳ khỏe mạnh bình thường.
Đối với vấn đề tâm lý, chị em khi mang thai và sảy thai đều cho rằng lỗi tại bản thân, tuy nhiên đây là lý luận sai. Có đến 2/3 các trường hợp sảy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ thường có bất thường thai. Vì vậy cần lưu ý bất thường ở thai không chỉ do các mẹ mà có thể từ phía người chồng.
Do đó nếu không may sảy thai, việc đầu tiên cần nghĩ đó là có thể thai bất thường, khi đó tâm lý sẽ nhẹ nhàng hơn. Tiếp theo là chị em cần tin vấn đề sẽ được chẩn đoán và điều trị, vẫn có những đứa con khỏe mạnh.
Những chị em sảy thai liên tiếp nhiều lần tâm sạng sẽ rất lo lắng ở những lần mang thai sau, do đó chị em cần thăm khám và theo dõi thai kỳ ở một chế độ đặc biệt.
Bên cạnh đó, đa số các chị em bị sảy thai liên tiếp sẽ có cảm giác nôn nóng, mong có con sớm, nhưng cần lưu ý sau mỗi lần sảy thai, cả về sức khỏe và tâm lý người phụ nữ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Ví dụ sau khi sảy thai chị em sẽ bị đau bụng, mất máu và cần thời gian hồi phục sau khi sảy thai. Đồng thời cần ổn định tâm lý, hỗ trợ nhiều của gia đình sau sảy thai.
Do đó bác sĩ sản phụ khoa thường khuyên nên có thời gian hồi phục, thông thường sau khi sảy thai cần ít nhất cần đi khám để bác sĩ kê thuốc bổ sung tăng cường sức khỏe, chuẩn bị cho lần mang thai kế tiếp, thời gian này cần ít nhất 3 tháng, sau đó mới tính tới việc mang thai tiếp tục.
Một số chị em lo lắng đến hỏi bác sĩ tháng sau bắt đầu thả được hay chưa, về góc độ sản phụ khoa vấn đề này không tốt.
2. Thăm khám cả vợ và chồng trước khi mang thai bé kế tiếp sau 1-2 lần sảy thai
Sau sảy thai người phụ nữ cần thời gian ít nhất 3 tháng để phục hồi, vậy khi đi khám người phụ nữ cần kiểm tra những gì để đánh giá đủ điều kiện đón đứa con tiếp theo?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Thông thường khi đi khám sau 1-2 lần sảy thai trước đó, trước khi mang thai lần 3 chị em cần được kiểm tra và nên mang theo tất cả các giấy tờ khám thai cũ, vì trong lần khám đó bác sĩ sẽ kiểm tra rất kỹ tiền căn gia đình hoặc tiền căn bản thân có các bệnh lý gây sảy thai liên tiếp hay không, đồng thời cần kiểm tra cả người chồng.
Đối với lần thăm khám này, chị em sẽ được kiểm tra như thăm khám phụ khoa bình thường bao gồm: kiểm tra các vấn đề cổ tử cung, kiểm tra u xơ, u nang, bởi vì một trong các nguyên nhân sảy thai liên tiếp có thể do bệnh lý tử cung như u xơ tử cung to, các bệnh lý u xơ ở nội mạc tử cung làm ảnh hưởng dẫn đến sảy thai. Có những nguyên nhân do thực thể nên cần kiểm tra có những bệnh lý gì thực thể có thể gây sảy thai hay không.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiểm tra các vấn đề khác như các xét nghiệm về gen, nhiễm sắc thể cho cả hai vợ chồng. Vợ chồng sẽ được bác sĩ tư vấn rất kỹ về bộ xét nghiệm này, tư vấn sau khi có kết quả để xem có thể điều trị hay không, điều trị thế nào và có lộ trình nếu uống thuốc thì cần uống thế nào, chích thuốc ra sao trước thai kỳ.
Có một số bệnh lý cần sự phối hợp đa chuyên khoa, ví dụ những chị em có bệnh lý về huyết học, khi đó các bác sĩ thuộc chuyên khoa huyết học cùng phối hợp bác sĩ sản phụ khoa để điều trị cho bệnh nhân.
Đặc biệt có một số bệnh như bệnh tăng đông, chị em sẽ được chích một số loại thuốc, lúc cần này sự tương tác rất lớn giữa bác sĩ sản phụ khoa và bác sĩ chuyên khoa khác.
3. Ăn uống đủ chất, bổ sung sắt sau sảy thai
Đối với những người đã sảy thai trước đó và chuẩn bị kế hoạch mang thai bé tiếp theo cần chú ý gì về chế độ dinh dưỡng và trong sinh hoạt, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Các chị em sau khi đã sảy thai một lần sẽ rất lo lắng, cảm thấy sức khỏe chưa đủ, cần thời gian hồi phục, một số người thường đặt câu hỏi nên ăn gì, cần hiểu việc đầu tiên là ăn uống đủ chất.
Trong thời gian sảy thai, một số chị em có lượng máu và khối thai ra trong thời gian ngắn, giảm tình trạng mất máu, tuy nhiên nhiều trường hợp sảy thai không trọn, thai sẽ sảy trong thời gian dài, rong huyết rỉ rả kéo dài dẫn đến mất máu nhiều.
Vấn đề quan trọng là chị em cần được ăn các loại thực phẩm bổ sung sắt, uống thêm thực phẩm hỗ trợ bổ sung sắt cho cơ thể.
Nhiều chị em sau khi sảy thai không dám tập luyện thể dục, bơi lội hay vận động nhiều, tuy nhiên sau khi sảy thai chị em vẫn sống khỏe mạnh bình thường, phải giữ cho cơ thể khỏe mạnh và điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ sản phụ khoa, chị em sẽ có khả năng có một thai kỳ khỏe mạnh sau đó.
4. Ăn uống đầy đủ, tâm lý thoải mái để có thai kỳ khỏe mạnh
Trên những phụ nữ đã có tiền sử sảy thai trước đó sẽ thăm khám và theo dõi thế nào? Khi đã có thai lại sau 1 lần sảy thai chị em cần làm gì và tránh làm những gì, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Đối với chị em đã có tiền căn sảy thai liên tiếp, lần mang thai sau sẽ rất lo lắng, nhiều chị em đến gặp bác sĩ sản phụ khoa nói lần mang thai này không dám ra khỏi giường, nằm bất động tại giường, không dám ăn uống.
Có rất nhiều vấn đề như sau: thứ nhất là vấn đề bất động tại giường, một số chị em có tiền căn sảy thai hoặc bị động thai không dám ra khỏi giường là quan điểm sai về mặt khoa học. Trước đây nhiều chị em đã áp dụng phương pháp này nhưng gần đây đã có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy việc nằm nghỉ tại giường, có những chị em tiêu tiểu tại giường, không thể cải thiện kết cục của thai kỳ.
Một điểm xấu hơn là chị em rất áp lực do phải nằm yên tại giường, không đi lại gây khó chịu, áp lực tâm lý vì phải nằm thời gian dài, vì vậy việc nằm yên tại giường trong thai kỳ đối với người có tiền căn sảy thai liên tiếp hoặc động thai ngay thai kỳ đó không được y khoa ủng hộ.
Về vấn đề ăn uống, các chị em mang bầu luôn trong tâm lý sợ ăn uống không biết có tốt cho thai nhi. Tuy nhiên cần lưu ý trong 3 tháng đầu thai kỳ có rất nhiều chị em bị nghén thậm chí không ăn được, do đó về mặt y khoa bác sĩ vẫn khuyên mẹ bầu nên ăn đa số các loại thức ăn bản thân có thể ăn được, ví dụ nếu chỉ khuyên ăn riêng thịt bò nhưng các mẹ bị nghén, ăn vào nôn ra như vậy sẽ không tốt và ảnh hưởng đến dạ dày.
Tóm lại chị em nên ăn đầy đủ chất, ăn nhiều đạm, rau xanh, không tăng lượng tinh bột, chia nhỏ bữa ăn, trong trường hợp bị nghén, một số chị em sảy thai nhiều lần sau đó bị nghén do tâm lý. Ví dụ như sảy thai 2 lần, đến lần mang thai này luôn trong cảm giác sợ, nghén không muốn ăn, tuy nhiên chị em cần giữ tâm trạng, tâm lý tốt mới có thai kỳ khỏe mạnh.
5. Tâm lý ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và quá trình mang thai
Về góc độ khoa học, một thai phụ có tâm trạng không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ, kể cả khả năng thụ thai sẽ như thế nào?
BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Các bác sĩ sản phụ khoa khuyến cáo để có một thai kỳ khỏe mạnh cần có tâm lý tốt. Nếu tâm lý lo lắng, ức chế sẽ ảnh hưởng đến điều trị, một số chị em lo lắng quá sẽ căng thẳng và uống thuốc không đúng hoặc căng thẳng quá sợ nhiều yếu tố và không dám uống thuốc bác sĩ kê đơn, cho thấy việc căng thẳng về tâm lý sẽ ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị.
Một số nghiên cứu cho thấy nếu tâm lý chị em quá lo lắng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Nhiều chị em đã đến gặp bác sĩ sản phụ khoa, đã điều trị hiếm muộn thời gian dài, căng thẳng và lo lắng về vấn đề chích thuốc, kích trứng, sau một thời gian thả, tập thể thao, tâm lý thoải mái, giảm cân tự nhiên dính bầu.
Do đó tâm lý của các chị em có ảnh hưởng một phần đến khả năng thụ thai và ảnh hưởng quan trọng nhất đến sự tuân thủ điều trị nên cố gắng giữ tâm lý thoải mái để mang thai và dưỡng thai tốt hơn.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình