Hotline 24/7
08983-08983

Sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ tử vong vì đột quỵ, ung thư, tim mạch có khả năng tăng cao

Tại TPHCM, mỗi ngày không dưới 300 bệnh nhân đột quỵ mới. Ở Việt Nam, chỉ tính riêng chi phí cho các dụng cụ can thiệp đột quỵ, ước tính lên đến 1.000 tỷ đồng mỗi năm và gần như 100% phải nhập khẩu. Người trẻ bị đột quỵ xu hướng gia tăng và thường liên quan đến xuất huyết não.

Đây là những thông tin ấn tượng được TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM chia sẻ tại tọa đàm “Bảo vệ sức khỏe, thích ứng an toàn với dịch COVID-19” do báo Tiền phong tổ chức tại 2 đầu cầu TPHCM và Hà Nội ngày 24/11.

Bệnh nhân đột quỵ tử vong trên xe cấp cứu vì không được điều trị trong COVID-19

TS.BS Trần Chí Cường cho biết, bên cạnh nỗi lo về COVID-19, trong thời gian vừa qua, hệ thống cấp cứu đột quỵ của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đột quỵ là căn bệnh không của riêng ai, không có khái niệm thời gian xảy ra, kể cả ngày bình thường hay trong dịch bệnh.

Trong khi tỷ lệ tử vong của COVID-19 trung bình dưới 3% thì con số này đối với bệnh đột quỵ lên đến 30%. Dịch bệnh sẽ dần được kiểm soát, có khuynh hướng giảm dần, song TS.BS Trần Chí Cường cho rằng, tỷ lệ tử vong do những bệnh mạn tính như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, ung thư sẽ gia tăng với con số có ý nghĩa so với thời điểm trước khi COVID-19 ập đến.

Lý giải về điều này, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM cho rằng, người dân đã trải qua một thời gian dài lo lắng về dịch bệnh, vì vậy tâm lý sợ khám bệnh là điều không thể tránh khỏi. Mặt khác, trong đột quỵ, thời gian là vấn đề trọng yếu quyết định hiệu quả điều trị cũng như sự phục hồi. Tất cả đều phải chạy đua với thời gian để cứu lấy sinh mạng. Trong đó, sự hiểu biết trong cộng đồng giúp ích rất lớn cho các y bác sĩ cứu người bệnh.

Bên cạnh vấn đề bệnh nhân ngại đến bệnh viện thì việc khó khăn khi di chuyển trong thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19 cũng khiến bệnh nhân bị trễ thời gian vàng điều trị. “Thực tế đã có trường hợp bệnh nhân phải quay về và tử vong trên xe cấp cứu. Đó là những câu chuyện rất đau lòng” - TS.BS Trần Chí Cường bày tỏ.

Ngay cả COVID-19 cũng gây nên tình trạng đột quỵ, gia tăng tỷ lệ huyết khối trong hệ thống mạch máu não. Đây là một trong những di chứng làm tăng khả năng tử vong cho bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, tình trạng này nếu chẩn đoán, điều trị sớm có thể phòng ngừa được. Do đó, liệu trình điều trị chống đông trên bệnh nhân COVID-19 giúp giảm một phần khả năng bị đột quỵ não do huyết khối tĩnh mạch.

TS.BS Trần Chí Cường lo ngại về tình trạng đột quỵ có xu hướng trẻ hóa

Tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở Việt Nam cao hơn thế giới

Những con số được TS.BS Trần Chí Cường chia sẻ tại hội thảo mang đến bức tranh toàn cảnh về đột quỵ đang trở vấn nạn của toàn cầu, không riêng Việt Nam. Trên thế giới, hằng năm có 15 triệu người đột quỵ, mỗi 45 giây có 1 trường hợp mắc mới và mỗi 3 phút trôi qua thì có 1 người tử vong.

Tại Việt Nam, có 200.000 ca đột quỵ mỗi năm. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở Việt Nam cao hơn thế giới. Chỉ tính riêng tại TPHCM, mỗi ngày có không dưới 300 bệnh nhân đột quỵ, chiếm 10% số giường tại các bệnh viện và luôn trong tình trạng quá tải.

Đặc biệt, trong thời gian COVID-19, việc điều trị đột quỵ bị ảnh hưởng nhiều. Dẫn chứng một báo cáo của PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng tại Bệnh viện Nhân dân 115 vừa qua cho thấy, hầu hết bệnh nhân đột quỵ đến rất muộn, vì vậy thời gian vàng tiếp cận tiêu sợi huyết, lấy huyết khối lại càng trễ. Do đó, tỷ lệ tử vong do đột quỵ trong thời gian COVID-19 cũng gia tăng.

Chia sẻ về tình hình đột quỵ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TS.BS Trần Chí Cường cho biết, trung bình hằng năm, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ điều trị cho khoảng 25.000 bệnh nhân đột quỵ. Hiện nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho 30-40 bệnh nhân đột quỵ mới vào bệnh viện. Bên cạnh đó, tổng đài 1800 1115 trung bình tiếp nhận 500 cuộc gọi để tư vấn về vấn đề cấp cứu đột quỵ trong khu vực miền Tây.

“Con số này gia tăng có thể do nhiều nguyên nhân, như bệnh nhân không tái khám định kỳ, biến chứng của bệnh nền. Thậm chí là yếu tố tâm lý xã hội, lo lắng, sợ hãi cũng làm khó kiểm soát tăng huyết áp, đái tháo đường cùng với đó là không đi khám định kỳ đưa đến đột quỵ” - TS.BS Trần Chí Cường nêu ra quan điểm.

Mỗi năm, Việt Nam tiêu tốn 1.000 tỷ đồng cho dụng cụ can thiệp đột quỵ

Vấn đề đáng quan ngại là tình trạng đột quỵ ở người trẻ có khuynh hướng gia tăng đáng kể. Nếu những năm trước, số lượng bệnh nhân dưới 40 tuổi chỉ khoảng 3%, nhưng hiện nay đã lên đến 5% trong số bệnh nhân đột quỵ. Những trường hợp này phần lớn liên quan đến đột quỵ xuất huyết não do dị tật, dị dạng và hoàn toàn có thể tầm soát sớm và kiểm soát khi bệnh nhân có triệu chứng sớm.

Chuyên gia nhấn mạnh, đột quỵ là gánh nặng tài chính. Theo ước tính, năm 2020 thế giới tốn hơn 13 tỷ USD để sử dụng các dụng cụ, trang thiết bị kỹ thuật cao can thiệp đột quỵ. Tỷ lệ tăng trưởng stent và dụng cụ can thiệp tim mạch, đột quỵ não toàn cầu khoảng 4,7%. Đến năm 2027 ước tính sẽ đạt khoảng 20 tỉ USD. Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng của thị trưởng châu Á ước tính lại nhanh hơn với 5,8% hằng năm, nhưng các nước châu Á chủ yếu là nhập khẩu.

Nếu ở Việt Nam, trung bình một ca can thiệp điều trị đột quỵ khoảng 100 triệu đồng, thì ở Hoa Kỳ con số này ước chừng 1 tỷ đồng. Theo ước tính, nước ta sẽ tiêu tốn khoảng 1.000 tỷ đồng/ năm cho trang thiết bị, dụng cụ can thiệp. Gần như các dụng cụ này phải nhập khẩu 100%.

TS.BS Trần Chí Cường nhấn mạnh, chi phí để điều trị để điều trị đột quỵ là rất lớn. Một trường hợp đột quỵ tắc mạch máu lớn, khi cần tái thông với những dụng cụ rất đắt tiền bệnh nhân có thể chi trả hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, việc phát hiện sớm, điều trị từ xa, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ sẽ góp phần giảm con số mắc đột quỵ một cách đáng kể, tránh tổn hại về nhân lực, con người, xã hội sau khi một bệnh nhân đột quỵ nằm xuống.

"Hiện nay, Việt Nam đã được trang bị đầy đủ các phương tiện chẩn đoán đột quỵ ngang tầm với thế giới, vì vậy đừng để bị động trước đột quỵ. Ngay cả những người có tiền sử đột quỵ vẫn có khả năng tái phát, do đó việc tìm tìm ra nguyên nhân để dự phòng là điều rất quan trọng để tránh tái phát.

Xin nhớ, đột quỵ không còn là trời kêu ai nấy dạ. Đột quỵ cũng không phải trúng gió, nếu có các triệu chứng nói ngọng, méo miệng, tê yếu tay chân hãy gọi ngay cấp cứu để đến các cơ sở y tế có khả năng điều trị, can thiệp sớm nhất” - TS.BS Trần Chí Cường nói.

[DAP]

Cao điểm dịch bệnh COVID-19, chỉ 5 bệnh nhân đột quỵ nhập viện một ngày

Trước đó, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 - Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam đã có chia sẻ với AloBacsi về tình hình cấp cứu và điều trị đột quỵ trong dịch bệnh COVID-19.

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng cho biết, trong thời điểm đỉnh dịch COVID-19, quy trình tiếp nhận bệnh nhân có bệnh lý cấp tính, mãn tính khác gặp rất nhiều khó khăn. Vì khi đó, mọi nguồn lực gần như đều đổ dồn cho bệnh nhân COVID-19.

Qua số liệu đăng ký sổ bộ ResQ Việt Nam gần đây, số lượng bệnh nhân đột quỵ cấp cứu vào Bệnh viện Nhân Dân 115 giảm rõ rệt. Trong quý I (3 tháng đầu năm) có 2.128 bệnh nhân, đến quý II giảm còn 1.512 bệnh nhân. Đặc biệt, trong quý III, khi thời điểm dịch bệnh COVID-19 khốc liệt nhất, chỉ còn 417 bệnh nhân, trung bình chưa đến 5 người nhập viện trong một ngày.

Tương tự, số bệnh nhân đột quỵ được điều trị tái thông cấp cứu cũng có sự thay đổi rõ rệt. Nếu quý I có 392 bệnh nhân (hơn 130 bệnh nhân mỗi tháng), quý II có 327 bệnh nhân (110 bệnh nhân mỗi tháng) và đến quý III chỉ còn 28 bệnh nhân (9 bệnh nhân mỗi tháng).

[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X