Sau 40 tuổi dù khỏe mạnh vẫn cần tầm soát ung thư dạ dày
Đây là thông tin được ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành, Phó khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115 khuyến nghị nhằm phát hiện sớm ung thư dạ dày (nếu có), giúp việc điều trị hiệu quả.
1. Độ tuổi mắc ung thư dạ dày đang trẻ hóa
- Xin hỏi BS, ở Việt Nam, ung thư dạ dày thường khởi phát ở độ tuổi nào và căn bệnh này có di truyền hay không ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Năm 2020, Hiệp hội Ung thư Toàn cầu thống kê ung thư dạ dày đứng hạng thứ tư, sau ung thư gan, ung thư vú và ung thư phổi.
Độ tuổi đang trẻ hóa dần, từ 45 tuổi nhưng nay đã thấp hơn 40 tuổi, thậm chí trên lâm sàng đã phát hiện những bệnh nhân ung thư dạ dày 26-30 tuổi.
2. Dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày
- Số tuổi đang trẻ hóa, vậy có dấu hiệu nào để cảnh báo ung thư dạ dày mà chúng ta cần lưu ý hay không và dấu hiệu nào là điển hình nhất, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Dấu hiệu của ung thư dạ dày có sự chồng lấp với những triệu chứng của bệnh lý viêm loét dạ dày khác.
Trong đó, có những dấu hiệu như: đau bụng ở vùng thượng vị, ăn không tiêu, đầy bụng, nhiều trường hợp không có triệu chứng. Ngoài ra còn có dấu hiệu cảnh báo khác đó là sụt cân kéo dài, chán ăn, khi đi vệ sinh ra phân màu đen, nôn ói ra dịch nâu đen, đầy bụng, khó chịu ở vùng thượng vị.
Một số trường hợp người bệnh bị mất máu từ khối ung thư nhưng không biết, tình trạng kéo dài dai dẳng và chịu đựng đến khi cảm thấy choáng, mệt, chóng mặt. Đây đều là những dấu hiệu cho thấy cần phải đi khám ngay để có hướng dẫn, xử trí kịp thời.
3. Nội soi là tiêu chuẩn vàng để tầm soát ung thư dạ dày
- Hiện nay có những phương tiện nào để chẩn đoán ung thư dạ dày, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Phương pháp để xác định ung thư dạ dày là nội soi dạ dày. Trong quá trình nội soi, chúng ta thấy những tổn thương ung thư, loét. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô để sinh thiết, đọc dưới kính hiển vi (giải phẫu bệnh).
Tiêu chuẩn vàng là giải phẫu bệnh bằng cách nội soi lấy mẫu đọc.
- Tại sao tiêu chuẩn vàng chẩn đoán ung thư dạ dày là nội soi thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Hệ thống nội soi hiện đại bây giờ có rất nhiều ưu điểm, chẳng hạn như nội soi không đau (nội soi gây mê).
Qua đó, thầy thuốc dễ dàng quan sát hình ảnh học của tổn thương, thậm chí phát hiện được những tổn thương rất nhỏ, rất sớm trong dạ dày.
Hệ thống nội soi phóng đại và hệ thống nội soi nhuộm màu giúp phát hiện rất sớm những tổn thương đó. Đồng thời, ưu điểm là lấy được mẫu mô để đọc dưới kính hiển vi.
Do đó, có thể nói nội soi là tiêu chuẩn vàng trong thời điểm hiện tại để tầm soát cũng như chẩn đoán ung thư dạ dày.
4. Vai trò của CEA, CA 72-4 và CA 19-9 trong ung thư dạ dày
- Ngoài những phương pháp mà BS vừa chia sẻ, khi xét nghiệm máu có phát hiện ung thư dạ dày không? Nhiều người xét nghiệm phát hiện các chỉ số CA 72-4, CEA và CA 19-9 tăng bất thường liệu rằng có đáng lo? Trong tình huống này chúng ta nên làm gì tiếp theo thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Vai trò của CEA, CA 19-9, CA 72-4 là những marker (dấu ấn). Trước đây, người ta nghĩ rằng khi thấy các chỉ số tăng thì nghi ngờ có bệnh lý ung thư nên đi tầm soát.
Ngày nay, giá trị của marker này thay đổi. Cụ thể, CEA là một kháng nguyên ở tế bào ruột của thai nhi, người trưởng thành có nồng độ rất thấp trong máu. Chỉ số tăng do u của tế bào ruột, đặc biệt là đại tràng tiết ra. Tuy nhiên, người ta thấy CEA bị ảnh hưởng rất nhiều yếu tố.
Thứ nhất, CEA bị ảnh hưởng bởi cả người hút thuốc và không hút thuốc.
Thứ hai, CEA không chỉ tăng ở bệnh lý ung thư đường tiêu hóa mà còn ở những nhóm lành tính tiêu hóa khác hoặc những nhóm bệnh lý tiêu hóa không phải đại tràng như tụy, xơ gan, vú.
Đến thời điểm hiện tại, CEA không phải một maker để tầm soát, giá trị của nó hiện tại là theo dõi sự đáp ứng khi đã chẩn đoán ung thư đại tràng.
Ví dụ, một bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư đại tràng, được phẫu thuật và hóa trị, CEA sẽ giảm sau 4-6 tuần. Nếu sau thời gian này, CEA tăng, có thể ung thư tái phát hoặc chưa hết.
Tương tự như vậy, CA 72-4 là của dạ dày và CA 19-9 là của tuyến tụy. Người ta thấy rằng sự kết hợp giữa 3 CA này sẽ tăng giá trị chẩn đoán hoặc theo dõi ở các bệnh lý này chứ không có vai trò riêng lẻ.
5. Ung thư dạ dày điều trị giai đoạn sớm không cần phải cắt dạ dày
- Với những người đã xuất hiện triệu chứng ung thư dạ dày thì sẽ được thăm khám theo quy trình như thế nào thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng của ung thư dạ dày, người bệnh sẽ được thầy thuốc khám lâm sàng để đánh giá những triệu chứng. Sau đó, người bệnh sẽ được làm những phương pháp chẩn đoán để xác định.
Thứ nhất là phải nội soi sinh thiết xác định ung thư.
Thứ hai, chụp cắt lớp để đánh giá sự tiến triển của ung thư, xem xét tình trạng di căn đến cơ quan khác nếu có. Từ đó, có những phương pháp điều trị cụ thể.
Hiện nay, một trong những phương pháp hiệu quả là cắt niêm mạc điều trị qua nội soi ở những bệnh nhân ung thư dạ dày sớm. Nghĩa là khi phát hiện khối ung thư ở giai đoạn rất sớm, ở dưới lớp niêm của dạ dày, chúng ta không cần phẫu thuật cắt dạ dày mà sử dụng phương pháp điều trị ESD, thông qua máy nội soi, dùng thủ thuật cắt hết niêm mạc của khối u, giữ lại dạ dày.
Những trường hợp phát hiện sớm, điều trị triệt để, tỷ lệ thành công ung thư dạ dày rất triển vọng.
6. Người trên 40 tuổi nên tầm soát ung thư dạ dày
- Đối với những người không có triệu chứng nhưng tiền sử gia đình có người thân bị ung thư dạ dày hoặc là nhiễm H. pylori, độ tuổi nào nên tầm soát ung thư dạ dày và bao lâu thực hiện một lần, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Với những gia đình tiền căn có ung thư dạ dày hay có nhiễm helicobacter pylori (HP), khuyến cáo nên tầm soát HP cho cả gia đình. Người từ 40 tuổi trở lên nên nội soi dạ dày để tầm soát các bệnh lý.
Tùy theo từng cá thể và tùy theo tổn thương trên niêm mạc dạ dày cụ thể (teo niêm mạc, chuyển sản ruột) sẽ có lịch trình hẹn nội soi lại. Có thể từ 6 tháng, 1 năm cho đến 2 năm tùy theo tổn thương phát hiện ở thời điểm đầu tiên.
- Vậy với người khỏe mạnh, không có triệu chứng, không có tiền sử gia đình bị ung thư có cần thiết phải tầm soát ung thư dạ dày hay không? Nếu có thì độ tuổi nào nên tầm soát và bao lâu thực hiện một lần để tối ưu nhất, thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Nguyên nhân gây ung thư dạ dày không chỉ là HP mà còn rất nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, có những nguyên nhân như thói quen ăn uống không tốt (hay ăn thịt xông khói, thịt muối mặn,…), yếu tố di truyền, người nhà có polyp tuyến chưa được phát hiện.
Những người không bị nhiễm HP từ 40 tuổi trở lên vẫn khuyến cáo nên đi thực hiện nội soi để tầm soát và phát hiện sớm ung thư dạ dày nếu có.
7. Sinh thiết sau nội soi để giải phẫu bệnh
- Trước khi chúng ta tầm soát ung thư dạ dày, cần làm những gì để kết quả chẩn đoán được chính xác nhất có thể thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Sau khi tầm soát ung thư dạ dày bằng nội soi, tùy theo tổn thương, thầy thuốc có thể sinh thiết để gửi giải phẫu bệnh. Trường hợp có viêm teo hoặc chuyển sản ruột, bác sĩ nội soi sẽ sinh thiết nhiều mẫu ở những vị trí khác nhau để tầm soát và phát hiện sớm.
Nếu trong quá trình nội soi phát hiện có polyp ũng phải xử lý bằng sinh thiết hoặc cắt những polyp, sau đó lên chiến lược theo dõi cho người bệnh.
8. Hạn chế ăn mặn và rượu bia, bỏ thuốc lá để phòng ngừa ung thư dạ dày
- Sau khi tầm soát ung thư dạ dày, có cần lưu ý gì đặc biệt trong ăn uống sinh hoạt hay không thưa BS?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Bên cạnh HP, một trong những nguyên nhân có thể gây ung thư dạ dày là chế độ ăn uống. Đặc biệt ở những nhóm bệnh nhân có thói quen ăn mặn, ăn thịt muối mặn hoặc thịt ủ lên men.
Tiếp theo, thuốc lá không chỉ gây ung thư phổi mà còn có thể gây ung thư thực quản, ung thư vòm họng, ung thư dạ dày và thậm chí là ung thư đại trực tràng. Do đó, tuyệt đối không hút thuốc lá.
Người ta thấy sử dụng chất có cồn kéo dài cũng đưa đến nguy cơ ung thư đường tiêu hóa, vì vậy cần phải hạn chế.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình