Ra máu ngoài kỳ kinh: Tiềm ẩn nhiều bất thường
Mỗi phụ nữ từ lúc dậy thì đến trước khi mãn kinh, thông thường hàng tháng đều trải qua một chu kỳ kinh nguyệt với ba-năm ngày “đèn đỏ”.
Nhiệt kế sức khỏe sinh sản
Ở lứa tuổi hoạt động sinh dục, khi buồng trứng đã hoạt động ổn định, hầu hết những trường hợp chảy máu ngoài kỳ kinh đều là dấu hiệu báo động tình trạng bất thường của các cơ quan sinh dục, như: bệnh phụ khoa, polyp cổ tử cung, polyp lòng tử cung, u xơ tử cung, ung thư… Đặc biệt cần lưu ý nếu sau khi giao hợp có chảy máu, dù chỉ là vài giọt nhỏ điểm lấm chấm cũng cần đi khám, kiểm tra ngay. Đó có thể là dấu hiệu của các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, ung thư cổ tử cung.
Với cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể, trong giai đoạn sớm, máu có thể chảy vài lần rồi hết nên nhiều phụ nữ chủ quan không đi khám hoặc tự điều trị bằng thuốc Nam, thuốc Bắc. Đến khi máu chảy lại thì thông thường bệnh đã trở nặng, chị em đã bỏ qua giai đoạn tốt đểchữa trị.
Chị em cũng cần lưu ý khi điều trị một bệnh lý nội khoa, đặt vòng hay uống thuốc ngừa thai. Những trường hợp này cũng có thể gây tác dụng phụ là ra huyết bất thường.
Ung thư cơ quan sinh dục ở tuổi tiền mãn kinh
Tuổi tiền mãn kinh chu kỳ kinh nguyệt thường không ổn định là do suy giảm nội tiết tố, thay đổi sinh lý trong cơ thể. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, việc ra huyết bất thường có thể kèm theo nhiều bệnh lý mà phụ nữ dễ bỏ qua (do suy nghĩ rằng đó là triệu chứng tiền mãn kinh). Nguy cơ hàng đầu là ung thư nội mạc tử cung hay ung thư cổ tử cung. Nếu là ung thư cổ tử cung thì biểu hiện thông thường là chảy máu sau giao hợp hoặc do cọ xát đụng chạm (ví dụ: cọ rửa sâu vào bộ phận sinh dục khi tắm hoặc bác sĩ thăm khám…). Nếu chảy máu bất cứ lúc nào thì có thể là ung thư trong thân tử cung (do tình trạng tăng sinh nội mạc tử cung gây chảy máu).
Nếu cắt tử cung rồi vẫn bị ra huyết bất thường thì có thể do những bệnh lý liên quan đến âm đạo như viêm âm đạo, tổn thương ác tính âm đạo, âm đạo khô teo, rách cùng đồ…
Đi khám ngay khi ra máu bất thường
TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy khuyến cáo: Tất cả các trường hợp ra máu bất thường dù ở lứa tuổi nào cũng cần phải đi khám, kiểm tra ngay để được điều trị sớm. Không được tự ý chữa bệnh với mọi hình thức. Chỉ có thể phòng ngừa với những bệnh viêm nhiễm phụ khoa bằng cách giữ vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách, tình dục an toàn. Mặt khác, phụ nữ từ độ tuổi hoạt động sinh dục nên đi khám định kỳ hoặc (và) làm pap hàng năm.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình