Phụ nữ mang thai bị trào ngược dạ dày, cần lưu ý gì?
Thai phụ được xem là yếu tố thuận lợi của trào ngược dạ dày thực quản. Vì vậy, để làm giảm tình trạng này cần lưu ý một số vấn đề như mặc quần áo thoải mái, chia nhỏ bữa ăn, đặc biệt là không sử dụng chất kích thích.
1. Vì sao phụ nữ mang thai dễ bị trào ngược dạ dày thực quản và triệu chứng là gì?
Vì sao khi mang thai, chị em phụ nữ dễ bị trào ngược dạ dày thực quản, thưa BS? Các triệu chứng của GERD thường gặp phải trên phụ nữ mang thai là gì ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Thai phụ được xem là yếu tố thuận lợi của trào ngược dạ dày thực quản. Vì khi mang thai, thông thường 3 tháng đầu nếu có biểu hiện của trào ngược sẽ chồng lắp phản ứng, gọi là ốm nghén.
Tuy nhiên, từ 3 tháng giữa thai bắt đầu phát triển. Sự phát triển lớn dần của tử cung sẽ chèn ép vào ruột và ảnh hưởng đến dạ dày, làm tăng áp lực ổ bụng, từ đó dễ trào ngược hơn đối với phụ nữ mang thai.
Cần phân biệt trước khi mang thai đã có trào ngược dạ dày hoặc tình trạng này xảy ra sau khi mang thai hoặc kết hợp (trước khi mang thai đã có trào ngược dạ dày và khi mang thai sẽ khởi phát nặng nề hơn).
Trong trường hợp hoàn toàn không có biểu hiện trào ngược trước đó thì có thể lý giải thứ nhất do sự lớn dần của thai, chèn ép làm tăng áp lực ổ bụng và dẫn đến trào ngược. Thứ hai là có sự thay đổi về nội tiết tố lúc mang thai, làm giãn cơ vòng thực quản dưới.
2. Sau khi sinh, trào ngược dạ dày thực quản có khỏi không?
Tình trạng này có chấm dứt hay vẫn sẽ kéo dài sau khi phụ nữ sinh con ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Nếu hoàn toàn không có biểu hiện của trào ngược dạ dày trước khi mang thai, thông thường sau khi sinh triệu chứng trào ngược sẽ không tái phát. Nếu đã có biểu hiện của bệnh lý trào ngược dạ dày trước đó, khi mang thai triệu chứng trào ngược sẽ khởi phát nặng nề hơn, tuy nhiên sau khi sinh xong tình trạng này nếu không được kiểm soát vẫn có khả năng tái phát và dai dẳng, kéo dài.
3. Làm gì để giảm các triệu chứng của GERD, khi nào nên điều trị với bác sĩ?
Nên làm gì để giảm các triệu chứng khó chịu của GERD gây ra khi mang thai, thưa BS? Khi nào cần điều trị với bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa ạ?
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Phụ nữ mang thai khi có biểu hiện của trào ngược dạ dày sẽ làm người bệnh giảm chất lượng cuộc sống, không ăn uống được, như vậy dinh dưỡng nuôi cho mẹ và bé sẽ không được như mong muốn.
Chính vì vậy, phụ nữ mang thai khi có biểu hiện của trào ngược cần đến khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được đánh giá và hỗ trợ hướng dẫn những thói quen, ăn uống, tư thế, sinh hoạt, đồng thời kê một số thuốc giúp kiểm soát trào ngược mà không ảnh hưởng đến em bé trong quá trình mang thai.
Xem thêm: Những điều cần biết về tình trạng đau thần kinh tọa ở phụ nữ mang thai
4. Phụ nữ mang thai cần lưu ý gì trong chế ăn uống để hạn chế GERD?
Nhờ BS hướng dẫn cách ăn uống và lựa chọn, chế biến thực phẩm khi mang thai để hạn chế GERD ạ!
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Đối với phụ nữ mang thai, về ăn uống cũng khuyến cáo như nhóm bệnh nhân bị trào ngược dạ dày:
- Không sử dụng chất kích thích khi mang thai kể cả các sản phẩm có cồn.
- Ăn nhiều bữa nhỏ, không ăn quá no, bữa ăn cuối cùng cách thời gian ngủ từ 2 - 3 giờ.
- Nên mặc đồ thoải mái, không quá chật (đặc biệt ở lưng quần) để tránh tình trạng tăng áp lực, dẫn đến trào ngược.
- Nếu có cảm giác trào ngược như nôn, buồn nôn hoặc nóng rát, bác sĩ có thể chọn một số thuốc không ảnh hưởng đến thai để cải thiện tình trạng này, giúp thai phụ có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho sự phát triển của mẹ và bé. Thông thường các thuốc ít ảnh hưởng đến thai nhi bác sĩ tiêu hóa thường sử dụng là nhóm thuốc Alginate.
- Nếu người bệnh có biểu hiện nôn quá mức, thầy thuốc có thể phối hợp thêm Prokinetics an toàn cho thai như nhóm Metoclopramid chống nôn. Nếu cần thiết, thầy thuốc có thể chọn nhóm PPI, an toàn để phối hợp trong điều trị.
ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành hiện là Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115. BS Trần Kinh Thành đã có 19 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này và là người luôn tận tâm chăm lo cho sức khỏe của từng bệnh nhân. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình