Phụ huynh cần làm gì để bảo vệ trẻ trong mùa tựu trường?
Mùa tựu trường sắp đến cũng là khoảng thời gian trẻ có thể đối mặt với nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, thủy đậu, cúm, sởi,... Ngoài tiêm ngừa đầy đủ, BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM lưu ý phụ huynh nên quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng, thời gian nghỉ ngơi, vận động để giúp trẻ khỏe mạnh hơn trước thềm năm học mới.
1. Trẻ dễ mắc những bệnh gì vào mùa tựu trường?
Thưa BS, các mầm bệnh nào đang “rình rập” trẻ trong điều kiện thời tiết thất thường, đặc biệt là khi các bạn nhỏ chuẩn bị quay lại trường học?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Mùa tựu trường rơi vào mùa mưa hằng năm. Mùa tựu trường cũng có tính chất tập trung và thay đổi nếp sinh hoạt, ăn uống của trẻ. Những yếu tố này kết hợp sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh hơn, nhất là các bệnh lý hô hấp.
Bên cạnh đó, nếp sinh hoạt bị xáo trộn có thể dẫn đến việc sức đề kháng của trẻ bị giảm đi. Ngủ không đủ giấc, không uống đủ nước, thời gian tập luyện không nhiều khiến trẻ dễ bị sốt siêu vi. Trong môi trường lớp học, một trẻ bị sốt siêu vi có thể lây cho những trẻ khác.
Vào năm học, trẻ thường ăn quà vặt, ăn các món ăn được bán ngoài hàng quán, đôi khi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dẫn đến các bệnh lý tiêu hóa.
Các vũng nước đọng trong khuôn viên trường học là yếu tố thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi, từ đó lây lan bệnh sốt xuất huyết.
Những căn bệnh nào dễ lây nhiễm giữa các trẻ trong phạm vi trường học, lớp học, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đó là các bệnh hô hấp như cúm, cảm, siêu vi đường hô hấp, nhiễm virus Adeno. Bên cạnh đó còn có các bệnh lý siêu vi đường tiêu hóa như Rota.
2. Trẻ nhập viện vì tay chân miệng chiếm đa số
Tại các bệnh viện nhi hiện nay, số lượng trẻ nhập viện vì bệnh lý nào là nhiều nhất?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Hiện đang có dịch tay chân miệng nên số lượng bệnh nhi nhập viện vì nguyên nhân này chiếm đa số. Bệnh có thể kéo dài đến cuối tháng 8 hoặc cuối tháng 9.
Nhóm bệnh hô hấp vẫn chưa vào mùa cao điểm, thường rơi vào khoảng tháng 10.
3. Rèn thói quen tốt để giúp trẻ thích nghi với môi trường mới
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong mùa tựu trường, phụ huynh phải làm gì? Làm sao để giúp trẻ nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, nhất là các bạn nhỏ mới vào mẫu giáo hoặc vào cấp 1?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Phụ huynh nên có sự chuẩn bị từ trước, đưa trẻ vào nề nếp trước ngày tựu trường khoảng 1 tuần. Khi bắt đầu đi học, trẻ cần được rèn thói quen ngủ sớm, dậy sớm, uống đủ nước.
Cha mẹ nên chọn các hàng quán có đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để mua thức ăn cho trẻ. Một điều quan trọng là trẻ phải có thời gian tập luyện, vận động để tăng cường sức khỏe.
Khi trẻ có dấu hiệu mắc các bệnh hô hấp thì cần phải đeo khẩu trang khi đến trường để tránh lây cho những bạn khác.
4. Trẻ bị bệnh nhẹ, ít khả năng lây không cần phải nghỉ học
Nhiều phụ huynh lo lắng, nếu trong lớp có 1 trẻ bị bệnh thì làm cách nào để có thể bảo vệ con của mình kịp thời? Có nên cho trẻ nghỉ học khi trong trường có trường hợp mắc bệnh nào đó có khả năng lây nhiễm không, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Học sinh cần nghỉ học là trẻ bị ốm chứ không phải cả lớp đều nghỉ học. Trẻ bị các bệnh hô hấp nhẹ, khả năng lây nhiễm thấp chỉ cần mang khẩu trang khi đến lớp. Trường hợp trẻ bị tay chân miệng thì phải nghỉ học vì bệnh có khả năng lây mạnh mẽ.
5. Giữ vệ sinh tốt, uống đủ nước và không bỏ bữa khi đi học
Đâu là những thói quen mà trẻ cần có để tránh bị lây bệnh khi đi học?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ nhất định phải có thói quen rửa tay sạch sẽ, rửa tay trước khi đi học, khi đến trường, lúc tan học và khi về đến nhà.
Bên cạnh đó, trẻ phải ngủ đủ giấc và đúng giấc. Trẻ cũng cần uống đủ nước và đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn. Bữa sáng là nguồn cung cấp năng lượng rất quan trọng, không thể bỏ qua.
6. Tiêm ngừa luôn quan trọng, dù ở bất kỳ thời gian nào
Với tình hình nhiều bệnh xuất hiện dồn dập như hiện nay, trẻ nên được tiêm các loại vắc xin nào?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Không cần chờ đến dịp tựu trường, bất kỳ khi nào phụ huynh cũng phải lưu ý việc tiêm ngừa cho trẻ, trước hết là các loại vắc xin có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong môi trường học đường, một số bệnh có nguy cơ lây lan dữ dội như Rubella, thủy đậu, cúm...
Một số vắc xin cần được nhắc lại đúng lịch như bạch hầu, uốn ván, ho gà... Khi trẻ hòa nhập vào môi trường, tiếp xúc với bạn bè, có nguy cơ cao mắc phải các bệnh này hơn ở nhà.
Đối với các bệnh đã có vắc xin phòng ngừa như bạch cầu, phế cầu, uốn ván, ho gà, cúm, thủy đậu, sởi, quai bị..., phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
7. Uống đủ nước là điều quan trọng nhất
Trẻ nên ăn gì và kiêng gì trong thời điểm này để có sức đề kháng tốt nhất, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Quan trọng nhất là trẻ phải uống đủ nước và rau xanh, trái cây tươi. Khi vào năm học, trẻ thường phải ăn vội và nhiều trẻ không thích ăn rau. Do đó, phụ huynh cần chú ý để bổ sung đủ cho con.
8. Vitamin D ảnh hưởng nhiều đến sức đề kháng của trẻ
Khi thấy trẻ ốm thường xuyên, phụ huynh thường cho con uống thêm thuốc bổ. Theo BS, việc làm này có nên hay không? Cần lưu ý những điều gì khi cho trẻ dùng thuốc bổ để không bị thừa hay thiếu chất?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Các bậc phụ huynh thường quan tâm nhiều đến vitamin C. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu mới đây, yếu tố liên quan đến sức đề kháng nhiều nhất là vitamin D. Đa số trẻ em hiện nay đều thiếu vận động ngoài trời.
Nếu trẻ không ăn uống được nhiều, có thể sẽ cần phải bổ sung đa sinh tố. Một số trẻ có biểu hiện thiếu máu thiếu sắt, phụ huynh nên đưa con đi khám để được hướng dẫn bổ sung sắt.
9. Đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có những dấu hiệu bất thường
Trong thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường như hiện nay, đâu là những dấu hiệu cho thấy trẻ cần được thăm khám với bác sĩ nhi khoa?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ sốt trên 48 giờ không có nguyên nhân; ho kéo dài; đi tiêu ra máu; khó thở, tím tái, co giật... cần được đưa đến cơ sở y tế ngay.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình