Phòng và điều trị loét dạ dày tá tràng
Cơn đau của loét dạ dày tá tràng thường là cơn đau ở thượng vị, lan ra sau lưng hoặc dưới sườn. Đau quặn kiểu co thắt.
Loét dạ dày - tá tràng là một bệnh diễn biến mạn tính do suy giảm các yếu tố bảo vệ và tăng cường các yếu tố tấn công gây nên các tổn thương xói mòn đến lớp cơ niêm của dạ dày - tá tràng. Là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng, do nhiều yếu tố gây nên, gặp ở mọi lứa tuổi, cả hai giới, bệnh có xu hướng ngày càng tăng, có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh sinh và bệnh nguyên của loét
- Các yếu tố bảo vệ: Bình thường trên bề mặt niêm mạc dạ dày có một lớp chất nhày giàu bicarbonat. Lớp tế bào biểu mô có khả năng bài tiết nhiều glycoprotein, lipid và bicarbonat, có khả năng khử Ion H+. Màng đáy giàu mao mạch, cung cấp oxy và bicarbonat đến dưới lớp biểu mô, tăng cường thêm hệ đệm và tăng khả năng tái tạo tế bào khi bị tổn thương
- Các yếu tố tấn công: Vì một lý do nào đó, sự tiết dịch dạ dày bị rối loạn axit HCl và pepsin gây xói mòn lớp chất nhầy trên bề mặt niêm mạc, tạo điều kiện cho sự trào ngược của ion H+ vào trong niêm mạc gây tổn thương các tế bào biểu mô và ăn sâu hơn đến lớp cơ niêm tạo ra ổ loét.
- Các yếu tố gây bệnh:
+ Yếu tố gen: bệnh có tính gia đình ở nhóm người máu có nhóm máu “O”.
+ Các u bài tiết gastrin (gastrinome).
+ Rối loạn vận động dạ dày.
+ Các yếu tố môi trường: vi khuẩn Helicobacter pylori, thuốc lá, thuốc chống viêm không steroid, chế độ ăn.
+ Yếu tố tinh thần : Thần kinh căng thẳng, stress.
Ung thư hóa do loét dạ dày
Biểu hiện của bệnh
Đau là biểu hiện thường gặp, đau thượng vị, lan ra sau lưng hoặc dưới sườn. Đau quặn kiểu co thắt. ở bệnh nhân loét hành tá tràng, thường bị đau nhiều khi đói nên bệnh nhân có xu hướng ăn nhiều bữa. Đau có thể tăng về đêm gần sáng. Đau giảm sau ăn hoặc dùng các thuốc có tính kiềm. Còn ở người loét dạ dày thì thường đau sau khi ăn nên bệnh nhân thường có cảm giác sợ ăn hoặc ăn ít.
Ngoài ra có một số trường hợp đau vùng ngực trái, hạ sườn phải, quanh rốn. Đau quặn, nóng rát, âm ỉ, dữ dội. Người bệnh có thể đau bất kỳ lúc nào không liên quan với bữa ăn.
Các biến chứng thường gặp
Xuất huyết tiêu hoá: bệnh nhân nôn máu, đi ngoài phân đen. Hẹp môn vị. Thủng ổ loét.
Ung thư hoá: biến chứng này chỉ xảy ra đối với loét dạ dày. Chẩn đoán chắc chắn dựa vào xét nghiệm mô bênh học: có cấu trúc loét xen lẫn với sự thâm nhiễm các tế bào ác tính ở bờ của ổ loét. Không có dấu hiệu lâm sàng nào có thể dự đoán khả năng ung thư hoá của ổ loét, vì thế theo dõi bằng nội soi và xét nghiệm mô bệnh học ổ loét dạ dày là rất cần thiết để phát hiện ung thư sớm.
Phòng bệnh và điều trị
Loại bỏ các tác nhân có hại, điều trị đúng phác đồ, đủ thời gian. Điều trị nội khoa là chủ yếu, chỉ điều trị ngoại khoa khi điều trị nội thất bại hoặc khi có biến chứng ngoại khoa, như thủng dạ dày, ung thư hay xuất huyết tiêu hóa nhiều lần.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt
Loét tá tràng: đau khi đói, ăn vào đỡ đau do vậy nên ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, trước khi ngủ nên ăn nhẹ: sữa, bánh mì…
Loét dạ dày: nên tập trung vào bữa chính trong ngày. Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, không nên ăn bữa ăn chiều quá muộn và quá no. Sữa có vai trò là chất đệm yếu, giúp cho bệnh nhân đỡ đau.
Rượu là chất kích thích quá mạnh, phá huỷ hàng rào bảo vệ gây xuất tiết mạnh. Thuốc lá làm tăng rối loạn vận động ở dạ dày – tá tràng do vậy gây nên tăng rối loạn tuần hoàn tại các mô, tế bào sẽ làm chậm lành ổ loét và tỷ lệ tái phát cao. Vệ sinh ăn uống và sinh hoạt điều độ, tránh stress. Tránh dùng các thuốc (chống viêm giảm đau) và các chất có hại đối với dạ dày.
Bệnh nhân cần có chế độ sinh hoạt hợp lý: Bỏ thuốc lá, rượu bia, các thuốc có hại đối với niêm mạc dạ dày.
Theo ThS. Nguyễn Thái Bình – Sức khỏe đời sống
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình