Hotline 24/7
08983-08983

Phẫu thuật dây chằng chéo sau được chỉ định trong trường hợp nào?

Đứt dây chằng chéo sau thường ít gây đau đớn, mất ổn định hay khó đi lại như khi bị tổn thương dây chằng chéo trước. Tuy nhiên, Th.S BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đưa ra cảnh báo, chấn thương này cũng có thể khiến bệnh nhân mất nhiều thời gian phục hồi và trở thành tiền đề cho nguy cơ thoái hóa khớp gối về sau.

1. Vai trò, chức năng của dây chằng chéo sau

Xin hỏi BS, dây chằng chéo sau đóng vai trò, nhiệm vụ gì ở khớp gối? Đứt dây chằng chéo sau gây ảnh hưởng đến các cấu trúc khác của đầu gối như thế nào?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đầu gối của chúng ta có 4 dây chằng. 2 dây chằng hai bên, 1 dây chằng bên trong và 1 dây chằng bên ngoài.

Nhiệm vụ của dây chằng là giữ cho đầu gối không bị lệch ra ngoài hay vào trong. Phía trong đầu gối, ở giữa 2 xương, có 2 dây chằng là dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau. Dây chằng chéo sau sẽ giữ cho cẳng chân không bị di chuyển ra sau so với phần đùi.

Dây chằng bị rách sẽ dẫn đến tình trạng đùi bị lệch về phía trước so với cẳng chân, có thể nhận thấy rõ nhất khi đi xuống cầu thang. Đùi và cằng chân không khớp với nhau khiến lực phân bố không đều và gây rách sụn chêm hoặc tổn thương sụn khớp, thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp.

Th.S BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

2. Động tác xoay chân đột ngột có thể dẫn đến đứt dây chằng chéo sau

Nguyên nhân đứt dây chằng chéo sau thường gặp là gì? Những ai hoặc những môn thể thao nào có nguy cơ đứt dây chằng chéo sau cao hơn, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đứt dây chằng chéo sau thường xảy ra trong 2 trường hợp. Thứ nhất là những tình huống không biết nguyên nhân, không có chấn thương. Bệnh nhân có cảm giác đau và khi chụp phim thì phát hiện đứt dây chằng chéo sau.

Trường hợp thứ hai là do chấn thương, có thể do té ngã. Tư thế té có nguy cơ cao đứt dây chằng chéo sau là đầu gối đập mạnh xuống sàn. Trong tư thế này, đùi và cẳng chân gập lại gây căng dây chằng chéo sau.

Tình huống chấn thương thứ hai là do xoay chân đột ngột khi chơi thể thao như chạy khi đá bóng hoặc các môn thể thao có động tác nhảy như bóng chuyền, bóng ném, bóng rổ. Động tác chạy và xoay, chuyển hướng đột ngột làm cho dây chằng bị căng và đứt dây chằng chéo sau.

3. Dấu hiệu ban đầu của đứt dây chằng chéo sau

Thưa BS, đứt dây chằng chéo sau được phân loại ra sao? Một người có thể tự nhận biết tình trạng đứt dây chằng chéo sau qua những dấu hiệu nào?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đứt dây chằng chéo sau có nhiều phân loại và phân độ. Thông thường sẽ được chia thành 4 phân độ:

- Phân độ 1: Giãn dây chằng chéo sau

- Phân độ 2: Đứt bán phần dây chằng chéo sau khiến khớp gối bị lỏng lẻo, đùi bị trượt về phía trước

- Phân độ 3: Đứt hoàn toàn dây chằng chéo sau

- Phân độ 4: Đứt dây chằng chéo sau kèm với đứt dây chằng khác như dây chằng chéo trước hoặc dây chằng bên.

Một số trường hợp đứt dây chằng chéo sau nhưng không có biểu hiện đặc trưng, chỉ khi chụp phim mới phát hiện tổn thương.

Với những trường hợp đứt dây chằng chéo do chấn thương, bệnh nhân nghe âm thanh “bụp” tương tự như khi một sợi dây bị đứt. Đầu gối của người bệnh có dấu hiệu sưng đỏ và không đi lại được vào ngày hôm sau.

Khoảng 1 tuần sau, khi đầu gối bớt sưng, đầu gối của người bệnh có cảm giác lỏng lẻo và có xu hướng trượt về phía trước, cảm nhận rõ nhất khi đi xuống cầu thang.

4. MRI là phương pháp chẩn đoán đứt dây chằng chéo tốt nhất

Đứt dây chằng chéo trước và đứt dây chằng chéo sau khác nhau như thế nào, thưa BS? Có trường hợp nào bệnh nhân bị đứt cả 2 dây chằng này không?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Dây chằng chéo trước và chéo sau đi ngược nhau, có nhiệm vụ khác nhau. Dây chằng chéo trước giữ cho cẳng chân không bị lệch về phía trước so với đùi. Dây chằng chéo sau lại có nhiệm vụ không để đùi bị lệch về phía trước so với đầu gối.

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ làm nghiệm pháp ngăn kéo trước và ngăn kéo sau, ấn cẳng chân ra phía sau hoặc kéo về phía trước để xem mức độ lệch so với đùi. Nếu nghi ngờ có tổn thương dây chằng, bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI đầu gối.

Một số trường hợp có thể đứt cả dây chằng chéo trước và sau, dù tỷ lệ chỉ đứt 1 dây chằng vẫn nhiều hơn. Những trường hợp đứt cả 2 dây chằng thường sẽ phải phẫu thuật vì khớp gối đã rất lỏng lẻo, gây khó khăn trong việc đi lại.

5. Chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ đưa ra quyết định điều trị

Khi bệnh nhân nghi ngờ bản thân bị đứt dây chằng chéo sau đến khám tại bệnh viện, họ sẽ được kiểm tra như thế nào?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Khi người bệnh nên đi khám ngay khi cảm thấy có đứt dây chằng vì việc điều trị được tiến hành càng sớm càng tốt. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh chụp X-quang hoặc MRI để xác định chính xác chính xác tình trạng, mức độ tổn thương dây chằng và đánh giá những tổn thương khác (nếu có).

Chẩn đoán hình ảnh sẽ hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định về phương án điều trị phẫu thuật hay không phẫu thuật.

6. Không điều trị đứt dây chằng sẽ dẫn đến thoái hóa khớp

Đứt dây chằng chéo sau nếu không được điều trị sẽ dẫn đến những hệ lụy nào, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Có không ít trường hợp không phát hiện kịp thời, đặc biệt là người lớn tuổi sẽ dễ bị đứt dây chằng hơn. Đôi khi chỉ trượt ngã, đau thoáng qua, không sưng hoặc vết sưng giảm bớt sau vài ngày nên bệnh nhân chủ quan không đi thăm khám kỹ hơn.

Đứt dây chằng sẽ dẫn đến phân bố lực không đều, từ đó rách sụn chêm hay thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp. Đó là những biến chứng có thể gặp phải nếu tình trạng đứt dây chằng kéo dài, không được điều trị.

7. Vai trò của tập phục hồi chức năng trong điều trị đứt dây chằng chéo sau

Xin hỏi BS, điều gì quan trọng nhất khi điều trị đứt dây chằng chéo sau? Hiện nay đã có những giải pháp nào để điều trị cho bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo sau?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Trong điều trị đứt dây chằng chéo sau, tập phục hồi chức năng và vật lý trị liệu là điều quan trọng nhất.

Khi đã xác định được tình trạng đứt dây chằng chéo sau, bác sĩ thường sẽ kê thuốc giảm đau và xem xét đến phương án phẫu thuật. Nếu trường hợp bệnh nhân chưa cần phẫu thuật, ngoài việc dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, họ sẽ được khuyên tham gia các chương trình tập thể dục, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu.

Trong những chương trình này sẽ có bài tập giúp người bệnh tăng sức cơ xung quanh đầu gối để bù trừ lại chức năng của dây chằng bị đứt.

Những bệnh nhân sau phẫu thuật vẫn cần phải tập các lớp phục hồi chức năng trong thời gian tương đối dài để phục hồi sau khi được tái tạo lại dây chằng.

8. Ưu và nhược điểm của phẫu thuật điều trị đứt dây chằng chéo sau

BS có thể chia sẻ cụ thể hơn, những trường hợp nào người bệnh cần phải phẫu thuật và tình trạng nào không cần phẫu thuật? Ưu và nhược điểm của từng phương pháp như thế nào?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Phẫu thuật hay không phẫu thuật là một quyết định khá phức tạp nhưng nhìn chung cần phụ thuộc vào 2 vấn đề lớn:

- Ngoài việc rách dây chằng chéo sau, liệu bệnh nhân còn có tổn thương nào khác hay không, chẳng hạn rách dây chằng chéo trước, rách sụn chêm, rách dây chằng bên... Bệnh nhân cũng có thể xuất hiện tình trạng biến dạng khớp từ trước do chân khoèo, chân vòng kiềng.

Thường trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định phẫu thuật vì những tổn thương đi kèm trong khớp gối.

- Tổn thương dây chằng chéo sau ảnh hưởng như thế nào đến sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân: Với những người có cơ khỏe, dây chằng bị rách không ảnh hưởng đến vận động, lao động thì không cần phải phẫu thuật.

Ngược lại, một vận động viên có cường độ vận động cao, rách dây chằng sẽ đem lại cảm giác lỏng lẻo ở đầu gối khi chạy. Như vậy, tổn thương dây chằng ảnh hưởng đến công việc và đời sống của bệnh nhân, bắt buộc phải phẫu thuật.

Nhược điểm của phương pháp phẫu thuật là bệnh nhân cần có thời gian phục hồi kéo dài sau khi đã phẫu thuật. Phải cần 1-2 tháng người bệnh mới đi lại bình thường, đến 6 tháng mới có thể chơi thể thao lại được.

Tuy nhiên, ưu điểm của phẫu thuật là giúp lấy lại chức năng, độ vững của đầu gối và hạn chế những tổn thương khác như rách sụn chêm, tổn thương sụn khớp...

9. Mất bao lâu để phục hồi sau phẫu thuật dây chằng chéo sau?

Người bệnh trải qua phẫu thuật dây chằng chéo sau cần phải mất bao lâu để có thể đi lại được bình thường? Sau bao lâu mới có thể vận động, chơi thể thao, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Trong vòng 1 tuần sau khi thực hiện phẫu thuật, đầu gối thường bị sưng, nhưng đó chỉ là phản ứng bình thường.

Sau 7 ngày, người bệnh có thể đi lại được bằng nạng hoặc sử dụng nẹp. Sau đó, họ sẽ cần tập vật lý trị liệu trong ít nhất 2 tuần để lấy lại chức năng đi đứng. Một số trường hợp phải tập kéo dài 3 tháng.

Đa số mọi trường hợp đều phải mất 6-12 tháng mới có thể chơi các môn thể thao ảnh hưởng đến đầu gối như đá bóng, bóng chuyền, bóng rổ... Người bệnh có thể đi bộ nhẹ nhàng, đạp xe hoặc bơi lội sớm hơn.

10. Quá trình phục hồi sau phẫu thuật dây chằng

Nhờ BS hướng dẫn thêm về những điều cần lưu ý để chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật dây chằng chéo sau?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Sau khi mổ dây chằng chéo, đầu gối sẽ bị sưng trong khoảng 1 tuần đầu tiên. Để giải quyết tình trạng này nhanh nhất có thể, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc kháng viêm.

Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được hướng dẫn chườm lạnh vùng đầu gối và kê chân cao hơn để hạn chế ứ dịch. Bác sĩ cũng sẽ băng ép để đẩy phần dịch từ đầu gối vào lại trong máu. Ở giai đoạn này, một số trường hợp sẽ cần sử dụng nẹp để cố định đầu gối.

Hết tuần đầu tiên, người bệnh có thể đi lại được với sự hỗ trợ của nạng hoặc nẹp. Đây cũng là thời gian cần tập vật lý trị liệu bằng cách co - duỗi đầu gối một cách thụ động. Máy móc hoặc kỹ thuật viên sẽ giúp đỡ bệnh nhân trong bài tập này.

Thời gian sau đó, người bệnh sẽ được đưa vào chương trình tập phục hồi chức năng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn hoặc kỹ thuật viên. Các bài tập nhằm mục đích phục hồi sức cơ đầu gối và hạn chế cứng đầu gối, đạt được tầm vận động tối đa của bộ phận này. Người bệnh cũng được chỉ ra những tư thế cần tránh để không làm ảnh hưởng đến dây chằng. Thời gian tập kéo dài từ 1-3 tháng.

Tiếp tục, người bệnh cần tập những bài tập tăng cường sức cơ đầu gối để có thể chơi các môn thể thao như bình thường.

11. Điều trị phục hồi chức năng trong trường hợp không cần phẫu thuật

Trong trường hợp chưa cần phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được điều trị theo hướng nào và sau bao lâu bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đầu tiên là điều trị bằng thuốc kháng viêm. Thứ hai, người bệnh sẽ được xây dựng chương trình tập phục hồi chức năng từ 2-3 buổi mỗi tuần trong 6-12 tuần.

Nếu phục hồi tốt, chỉ cần 3 tháng bệnh nhân có thể chơi thể thao bình thường. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp không thể lấy lại được khả năng vận động như ban đầu. Những bệnh nhân này, nhất là những vận động viên, sẽ có chỉ định phẫu thuật.

12. Hạn chế té ngã để bảo vệ dây chằng đầu gối

Bác sĩ có lời khuyên nào để cộng đồng có thể hạn chế tình huống bị đứt dây chằng chéo sau trong sinh hoạt cũng như tập luyện?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Những người không phải vận động viên chuyên nghiệp nên có thêm các bài tập cho vùng đầu gối để tăng sức cơ và hạn chế té ngã.

Các bài tập tăng sức cơ rất có ích trong việc hỗ trợ chịu lực cho dây chằng trong trường hợp chẳng may bị té ngã.

Vận động viên chuyên nghiệp sẽ có huấn luyện viên hướng dẫn những bài tập đặc biệt để phòng tránh việc đứt dây chằng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X