Hotline 24/7
08983-08983

Phát hiện hội chứng ống cổ tay chỉ với 60 giây

Ca mổ đầu tiên của TS.BS Tăng Hà Nam Anh - “cứu tinh” của bệnh nhân cơ xương khớp tại Bệnh viện đa khoa S.I.S Cần Thơ (Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ) chỉ kéo dài vỏn vẹn… 10 phút nhưng đã “cứu” được đôi bàn tay cho nữ bệnh nhân V.T.M.T (55 tuổi, ngụ An Giang).

TS.BS Tăng Hà Nam Anh (giữa) đang sát trùng trước khi tiến hành tiểu phẫu. Với kinh nghiệm 20 năm công tác trong ngành y, TS Nam Anh chỉ mất 10 phút để làm thủ thuật điều trị hội chứng ống cổ tay 2 bên cho người bệnh
Một vết rạch từ lòng bàn tay qua ống cổ tay, chỉ cần gây tê tại chỗ, bệnh nhân tỉnh táo, bác sĩ phẫu thuật tiếp cận với dây chằng để giải phóng dây thần kinh, từ đó chấm dứt hẳn những cơn tê nhức kéo dài do hội chứng ống cổ tay gây ra.

“Hội chứng ống cổ tay là bệnh lý phổ biến, dễ điều trị nhưng nhiều người hay bỏ qua các triệu chứng cảnh báo trước đó. Nhất là những người ở vùng nông thôn, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long thường không chú ý nhiều, khi xuất hiện dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay như tê bì thì hay uống thuốc nam, thuốc bắc hoặc xoa bóp. Chỉ đến khi diễn tiến nặng mới tìm đến bác sĩ” - TS.BS Tăng Hà Nam Anh - cố vấn chuyên môn Bệnh viện đa khoa S.I.S chia sẻ sau ca mổ.

Đây là bệnh lý chèn ép của dây thần kinh ngoại biên, cụ thể là dây thần kinh giữa. Hay nói cách khác cho dễ hiểu, ở vùng cổ tay có một dây chằng ngang. Khi chúng ta lớn tuổi hoặc thường xuyên làm những động tác gập duỗi cổ tay, hoặc đặc trưng ở Việt Nam là chạy xe gắn máy, tay bị rung rất nhiều lần thì dễ bị viêm. Khi viêm dễ dẫn đến xơ hóa, dày lên. Khi đó sợi dây chằng ngang này sẽ siết chặt dây thần kinh giữa lại và khiến bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện tê tay.

Điều lo ngại là nhiều bệnh nhân không phân biệt được tê của chèn ép thần kinh hay tê cứng do bệnh lý thoái hóa khớp bàn tay hoặc ngón tay.

Theo TS Nam Anh, thực chất không quá khó phân biệt như nhiều người lầm tưởng, thậm chí có thể nhận ra các triệu chứng này ngay tại nhà. Đối với hội chứng ống cổ tay, biểu hiện là tê rần rần như bị kim chích, kiến cắn, nóng như lửa đốt hoặc cảm giác lạnh, thường gặp ở các ngón 1, 2, 3 hoặc giữa ngón thứ 4. Điển hình như khi người bệnh chạy xe gắn máy, khi bị tê tay chỉ cần đứng lại rẩy tay hoặc xoa bóp một lúc sẽ hết. Tuy nhiên tê do thoái hóa khớp lại khác, ngón tay thường tê cứng vào buổi sáng lúc ngủ dậy, nếu vận động co bóp sẽ suy giảm cảm giác này.

“Có cách khác dễ nhận biết hơn, đó là chắp 2 lòng bàn tay vào nhau như khi lễ Phật, nếu trong khoảng 60 giây thấy một trong các đầu ngón tay 1, 2, 3 tê rần rần thì có khả năng đã mắc phải hội chứng ống cổ tay. Ngược lại, những người bị thoái hóa khớp không gặp phải tình trạng này”.

Hội chứng ống cổ tay: Dễ điều trị nếu phát hiện sớm
 
Theo TS.BS Tăng Hà Nam Anh, hội chứng ống cổ tay là bệnh lý phổ biến, dễ phát hiện với những triệu chứng tê bì ngón 1, 2, 3 và giữa ngón 4. Người bệnh chỉ mất 60 giây để kiểm tra ngay tại nhà với động tác đơn giản, chắp 2 lòng bàn tay vào nhau như đang lễ Phật

Hội chứng ống cổ tay không phải là căn bệnh nguy hiểm dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chủ quan không điều trị sẽ dẫn đến tình trạng mất động tác đối chiếu của ngón tay cái do bị teo cơ vùng ô mô cái. Khi đó bàn tay của chúng ta sẽ giống như bàn tay con khỉ, mất đi một phần rất quan trọng chức năng của bàn tay, sẽ không cầm, nắm được, không còn làm được những động tác đòi hỏi sự tinh tế. Lúc này dù có điều trị phẫu thuật thì khả năng hồi phục là rất kém. 
 
Khi đi khám bệnh, các bác sĩ hay bẻ cho cổ tay bệnh nhân gập hết cỡ và chờ xem triệu chứng tê có xuất hiện hay không. Ngoài ra, phương tiện cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh khá chính xác là đo điện cơ EMG giúp xác định vị trí thần kinh bị chèn ép là ở cổ hay ở khuỷu tay...

“Khi đó, bác sĩ sẽ là người quyết định nên uống thuốc hay phẫu thuật. Nếu ở mức độ nhẹ đến trung bình, các bác sĩ thường hay dùng thuốc kháng viêm giảm đau nhằm mục đích giảm viêm và phù nề của sợi thần kinh, có thể kèm theo việc hạn chế cử động tay trong một thời gian.

Nếu không bớt thì có thể dùng corticoide chích vào trong ống cổ tay và biện pháp cuối cùng là mổ cắt dây chằng ngang cổ tay để giải quyết triệt để nguyên nhân. Cần lưu ý rằng, hội chứng ống cổ tay để càng lâu thời gian hồi phục càng dài. Đặc biệt khi phần ô mô cái bị teo thì khả năng không hồi phục được tương đối cao. Rất là đáng tiếc.

Nhiều bệnh nhân không biết, trải qua thời gian ngắn, ngón tay đột nhiên hết tê tưởng chừng như đã khỏi bệnh nhưng thực chất đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn, không còn cảm giác nữa. Do đó, khi thấy những triệu chứng bất thường như tôi nói ở trên thì cần đến gặp bác sĩ để tìm ra cách xử trí thích hợp. Bệnh dễ gặp, dễ điều trị nhưng quan trọng là phải phát hiện sớm.” - TS Nam Anh khuyến cáo.

Phương Nguyên - Ảnh: Viết Hưởng
Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X