Hotline 24/7
08983-08983

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Không để bệnh nhân lặn lội trong cơn hen lên thành phố lớn, không để người bệnh COPD vào đợt cấp bán cả gia tài

Chứng kiến bệnh nhân hen từ Cà Mau, Hà Giang lặn lội về TPHCM chữa trị, trên xe không biết sống chết thế nào, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan hạ quyết tâm xây dựng mạng lưới quản lý hen tại địa phương. Sau 20 năm, đã có 235 đơn vị ACOCU rải khắp cả nước.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TPHCM

20 năm bền bỉ xây dựng hệ thống ACOCU để bệnh nhân hen và COPD được điều trị gần nhà

Năm 2020 đánh dấu sự kiện quan trọng đối với PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - một trong những chuyên gia Hô hấp đầu ngành, một người thầy khả kính của nhiều thế hệ bác sĩ chuyên ngành Hô hấp. Đó là kỷ niệm 20 năm hệ thống ACOCU xây dựng tại Việt Nam, giúp cho hàng triệu bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) được điều trị gần nhà.

20 năm trước, TS.BS Lê Thị Tuyết Lan - công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhận học bổng sau đại học của Hội Chăm sóc hô hấp Hoa Kỳ. Chuyến du học đã mở mang nhiều điều mới mẻ, BS Tuyết Lan rất ấn tượng với công tác quản lý bệnh nhân hen và COPD trong giai đoạn ổn định ở nước bạn. Còn tại Việt Nam bấy giờ, bác sĩ chỉ có thể đợi bệnh nhân đến bệnh viện điều trị, mỗi đợt cấp là sống chết cận kề.

Trở về nước, bà bắt tay vào xây dựng “Đơn vị quản lý hen và COPD trong cộng đồng” (Asthma COPD Outpatient Care Unit - ACOCU), văn phòng đặt tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Chương trình rất thành công nhưng nữ bác sĩ cũng chưa tính đến chuyện gì xa hơn.

Rồi một ngày, 2 bệnh nhân ở Cà Mau, 1 bệnh nhân ở Hà Giang tìm đến BS Tuyết Lan, họ đều trong đợt cấp. Người dân quê lên thành phố chen vào các bệnh viện đông đúc vốn đã đủ thứ khổ sở rồi, những bệnh nhân này còn vật lộn với cơn khó thở, sống chết trên xe không biết thế nào, nghĩ đến cảnh đó, BS Tuyết Lan sực tỉnh: “Sự việc đó như lời nhắc nhở tôi không được ở yên tại TPHCM mà phải mở rộng mô hình ra cả nước”.

Năm 2001, bà xây dựng đội ngũ nhiều bác sĩ cùng làm mô hình quản lý hen, sau đó mở các lớp dành cho các bác sĩ ở tỉnh, hết sức truyền đạt, với ước vọng cao nhất là họ về địa phương mở được phòng quản lý hen và COPD trong cộng đồng, làm thật tốt ở tỉnh của mình để bệnh nhân không cần phải lặn lội trong cơn hen lên TPHCM nữa.

Năm 2005 Hội Lao và bệnh phổi Việt Nam bắt đầu đồng hành. 2010, Bệnh viện Bạch Mai xin được chương trình quốc gia về hen và COPD, hai miền Nam Bắc xúm tay vào làm, nhân rộng mô hình quản lý bệnh nhân tại nhiều địa phương. 2018, thêm một cánh cửa mở ra: Công ty AstraZeneca tài trợ 1 triệu USD để xây mới, nâng cấp các công trình, đơn vị ACOCU.

Sau 20 năm, ACOCU đã có 235 đơn vị. Trên chặng đường 2 thập kỷ đó, ACOCU lớn mạnh dần với sự góp sức của nhiều hội chuyên ngành: Hội Lao và bệnh phổi Việt Nam, Hội Hô hấp Việt Nam, Hội Hô hấp TPHCM,…

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan nhận định, tuy năng lực chưa hẳn đồng đều nhưng các đơn vị đã ở khắp nơi rồi, có thêm BHYT hỗ trợ nữa, điều này sẽ giúp bệnh nhân nâng cao tính tuân thủ: “Thuốc hen suyễn và COPD là thuốc đặc trị, phun thẳng vào phổi nên một bình thuốc rất mắc tiền, từ mấy trăm ngàn tới cả triệu đồng, bệnh nhân được 80% BHYT thì mừng lắm. Theo tính toán, sẽ giảm được 90% chi phí điều trị nếu bệnh nhân ở giai đoạn ổn định”.

Chưa dừng lại ở tuyến quận huyện, những người đứng đầu ACOCU mong muốn tiếp cận đến tuyến phường xã, càng gần nhà bệnh nhân càng khỏe, đỡ phải đi lại giữa thành phố đông đúc.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan hạ quyết tâm: “Biết là khó nhưng sẽ cố gắng phủ hết các tỉnh, mỗi tỉnh đưa đến tuyến quận huyện, mỗi quận huyện đưa đến tuyến phường xã. Hiện giờ cả nước có cả ngàn phường xã, hết đời tôi chưa chắc làm xong nhưng các anh chị trẻ tuổi sẽ tiếp tục cho đến khi phủ hết được!”.

Những sinh nhật lên 5, lên 7 sau tuổi 60 của bệnh nhân COPD

Trước khi ACOCU lớn mạnh, khi thuốc men điều trị hen và COPD còn nhiều hạn chế, hơn ai hết, bệnh nhân là người chịu khổ trăm bề. Đơn cử là 3 bệnh nhân đến từ hai đầu đất nước đã “thức tỉnh” BS Tuyết Lan phải mở rộng ACOCU, hay nhiều bệnh nhân khác nữa, tuy không còn nhớ rõ năm tháng nhưng đó là những câu chuyện đã tiếp lửa cho BS Tuyết Lan cống hiến hết mình cho công việc.

Ngày đó, trước nhà BS Tuyết Lan có mảnh vườn, trời nhá nhem, một người đàn ông nước da đen chập choạng bước vào, thở khò khè. Nữ bác sĩ vô cùng sửng sốt vì mình không mở phòng mạch, buổi tối không hẹn gặp ai. Người đó khẩn thiết: “Tôi bị suyễn từ nhỏ, xin bác sĩ cứu tôi. Bác sĩ không cứu là tôi chết!”.

“Khi tôi khám thì thấy đường thở của anh đó gần như tắc hẳn vì bệnh quá lâu rồi. Tôi điều trị mãi, dần dần anh đó đi làm được, cưới vợ sinh con nữa!” - BS Tuyết Lan kể lại. Bây giờ anh trở thành mạnh thường quân, thỉnh thoảng đến phòng khám tại Bệnh viện Đại học Y dược, để lại một số tiền, nhờ BS Tuyết Lan trao cho bệnh nhân nghèo bị hen suyễn.

Một trường hợp khác là cô giáo ở Phú Yên, 3 lần mang thai, cứ đến lúc chuyển dạ thì cơn hen ác nghiệt lại cướp đứa con đi mất. Khát khao làm mẹ thôi thúc cô đi TPHCM, tìm gặp TS.BS Lê Thị Tuyết Lan. Sau khi bác sĩ dốc sức điều trị, cuộc sinh nở lần thứ tư của cô giáo đã an toàn, bé gái khỏe mạnh chào đời. “Đến giờ thỉnh thoảng cô vẫn dẫn cháu bé đến thăm tôi, có khi bà ngoại cũng đi cùng nữa” - BS Tuyết Lan mỉm cười.

Gánh nặng đợt cấp của bệnh nhân COPD - ảnh tư liệu năm 2000

Bệnh nhân COPD thì còn khổ hơn gấp bội vì mỗi lần vào đợt cấp thì hậu quả rất khủng khiếp. Vào đợt cấp, phải thở máy, truyền dịch, thức ăn đặc biệt khiến cho chi phí điều trị mỗi ngày lên đến 6 triệu đồng. Một đợt cấp nhẹ nhất, được điều trị tốt nhất là khoảng 15 ngày, tính ra mất gần 100 triệu. Có những trường hợp phải bán cả gia sản, hàng trăm triệu ra đi nhưng sinh mạng cũng không ở lại. Do đó, mục tiêu điều trị bệnh COPD là làm sao để bệnh nhân đừng vào đợt cấp.

Tuy bác sĩ không hứa chữa khỏi COPD nhưng bệnh nhân không vào đợt cấp là họ mừng lắm rồi. Có những bệnh nhân lần đầu vào đợt cấp nhưng không được chăm sóc tốt, các đợt cấp về sau càng nặng và càng gần hơn.

Tuổi bình quân của bệnh nhân COPD là 64, các bác buồn lắm: “Bác sĩ ơi, tôi già rồi, không làm ra đồng nào nữa rồi. Vậy mà mỗi lần tôi lên đợt cấp, nhà cửa vườn tược bán hết, con cái nháo nhào, tôi không thiết sống nữa!”. Cho nên có bác sau khi trải qua đợt cấp thứ nhất, khi biết mình sắp vào đợt cấp thứ hai, bèn bứt hết dây nhợ quanh mình, lao ra khỏi phòng bệnh tìm đường “giải thoát” khỏi đau khổ của kiếp người.

Sau nhiều năm, bây giờ bệnh COPD đã có thuốc tốt rồi, nơi nào làm tốt BHYT nữa là bệnh nhân ít khi vào đợt cấp tiếp theo. Có một bác lớn tuổi khoe với BS Tuyết Lan mình vừa mới mừng sinh nhật. Bác sĩ hỏi sinh nhật lần thứ bao nhiêu? Bác trả lời: “Đây là sinh nhật lần thứ 7, là kỷ niệm 7 năm tôi không vào đợt cấp”.

Tiếp quản bộ môn Hô hấp từ con số 0 đến ước vọng nâng tầm hô hấp Việt, đẩy mạnh Miễn dịch lâm sàng

Làm việc tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cố vấn chuyên môn tại Phòng khám đa khoa CHAC 1, các văn phòng của BS Tuyết Lan luôn bài trí giản dị, giản dị như phong thái của bà suốt mấy chục năm qua. Còn phòng làm việc đầu tiên khi bà khởi đầu sự nghiệp càng đơn sơ hơn nữa, nhưng vì một lý do khác.

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan vào trường y năm 1972, đến năm 1975 giải phóng miền Nam, các thầy qua Mỹ hết. Sau đó đất nước bị cấm vận thời gian dài nên  thông tin liên lạc bị đứt, tài liệu chuyên môn vô cùng khan hiếm.

Ra trường năm 1978, BS Tuyết Lan được giữ lại làm cán bộ giảng, phân về phòng của 1 thầy chuyên về Hô hấp đã rời đi khi giải phóng. Gian phòng gần như chẳng có gì. “Tôi đến với ngành Hô hấp giống như số phận xếp đặt vậy” - BS Tuyết Lan nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp.

Mong muốn đầu tiên của nữ bác sĩ trẻ khi ấy là bảo vệ hô hấp cho tầng lớp công nhân ở những ngành nghề tiếp xúc khói bụi nhiều, phương tiện bảo hộ thiếu thốn, chính sách bảo hiểm chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, khi đến thăm dò chức năng hô hấp cho một xí nghiệp thì bà không được chào đón, công nhân được thăm dò miễn phí mà những người thực hiện chương trình còn phải trả tiền ngày công đó cho xí nghiệp… điều kiện gì nhóm bác sĩ cũng phải chịu để tiếp cận được bệnh nhân.

Khó xử nhất là khi khám xong, có mấy người công nhân chạy theo năn nỉ: “Bác sĩ đừng nói tôi bệnh, tôi bệnh là mất việc, gia đình tôi sẽ đói…”. Trầy trật như thế nhưng BS Tuyết Lan và nhóm bác sĩ vẫn gõ cửa khắp nơi: xí nghiệp thép, xí nghiệp thủy tinh, nông trường cao su… cố gắng thăm dò chức năng hô hấp để phát hiện bệnh sớm, bảo vệ đường thở cho người lao động.

Sau này, khi xây dựng hệ thống ACOCU, có nhiều đồng nghiệp, hội ngành cùng làm, mọi việc dần trở nên thuận lợi.

Thành lập Phòng khám CHAC trực thuộc Viện Nghiên cứu và phát triển sức khoẻ cộng đồng CHDI của Viện sĩ Dương Quang Trung- năm 2010

an chấp hành của Liên chi hội Hô hấp TPHCM, nhiệm kỳ 2020 - 2025Đại hội Liên chi hội Hô hấp TPHCM nhiệm kỳ IV, 2020 - 2025

Song song đó, BS Tuyết Lan ấp ủ ước vọng nâng tầm hô hấp Việt để khi nhắc tới hô hấp tại Việt Nam, mọi người có thể tự tin là công nghệ nước mình không hề lạc hậu. Thăm dò chức năng hô hấp cần rất nhiều phương tiện, một máy đo hô hấp ký đôi khi không chẩn đoán được trường hợp khó, cần thêm nhiều phương pháp khác: dao động xung ký, phế thân ký, FeNO và cao cấp nhất hiện nay là nghiệm pháp tim mạch hô hấp gắng sức - CPET cũng đã có mặt tại Việt Nam.

Để nâng tầm chuyên môn, BS Tuyết Lan thường xuyên tham dự các hội thảo quốc tế, gặp gỡ những chuyên gia hàng đầu của thế giới: “Họ là những người thầy lớn của ngành, nghiên cứu của họ không nhận tài trợ, không chịu sự tác động từ đâu cả, lời nói của họ tựa như kinh thánh”. BS Tuyết Lan đem những tài liệu uy tín được cập nhật mới nhất đó về dịch lại và phổ biến trong nước. Đến nay bà và các đồng nghiệp ngành Hô hấp có thể tự hào rằng bệnh nhân hen và COPD tại Việt Nam được điều trị không thua kém các nước phát triển.

Đó là mới chỉ là tập trung vào 2 bệnh đứng đầu của phổi là hen và COPD. Nhưng cơ thể là một hệ thống thống nhất, nếu đường hô hấp trên không khỏe thì phổi cũng không khỏe được, cho nên trong Hội Hô hấp còn có bác sĩ tai mũi họng, sau này thêm bác sĩ chuyên về dị ứng.

BS Tuyết Lan giải thích: “Để điều trị toàn diện và an toàn cho bệnh nhân bị bệnh tự miễn thì cần 5-6 bác sĩ chuyên khoa ngồi lại với nhau. Bên cạnh đó còn vấn đề suy giảm miễn dịch, đứa nhỏ sinh ra cứ đau ốm suốt, nếu không biết cứ cho kháng sinh mãi… Do đó, nhất thiết phải đẩy mạnh Miễn dịch lâm sàng. Ngoài Bắc đã có Trung tâm Miễn dịch lâm sàng của Bệnh viện Bạch Mai. Trong Nam, chúng tôi cũng mong muốn có đơn vị như vậy. Hiện tại đã có bộ môn Sinh lý bệnh ở trường, và phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng ở Bệnh viện Đại học Y dược”.

Bác sĩ không thương bệnh nhân thì thương ai?

Hơn 40 năm trước, đến với bộ môn Hô hấp từ con số 0 tròn trĩnh, văn phòng trống trơn, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan đã dốc hết trí tuệ, sức lực cho học trò, cho bệnh nhân, trở thành nhân tố trọng yếu xây dựng nên mạng lưới ACOCU bao phủ các tỉnh thành. “Nếu ta thắp một ngọn đèn cho người nào đó, nó cũng soi sáng cho con đường của ta” - là câu nói của tiền nhân mà BS Tuyết Lan nhắc đến trong kỷ niệm 20 năm thành lập ACOCU.

Nhìn lại 43 năm sự nghiệp, điều mà PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan vui mừng là có đội ngũ bác sĩ ở Hội Hô hấp, Hội Hen tại các tỉnh thành, mỗi hội nghị thường niên có cả ngàn bác sĩ tham gia: “Trước đây mọi người e ngại chuyên ngành Hô hấp vì nghĩ nơi này tập trung các bệnh nhân lao, HIV/AIDS nhưng nhìn thấy những gì chúng tôi làm được, nhiều bác sĩ trẻ đã mạnh dạn chọn chuyên khoa Hô hấp”.

“Tôi luôn nói với học trò, điều đầu tiên cần có ở một người bác sĩ là phải thương bệnh nhân. Bác sĩ không thương bệnh nhân thì tôi không hiểu là thương ai được nữa! Thương là đối xử tử tế, ân cần với họ, người bị bệnh đã khổ lắm rồi.

Điều thứ hai, bác sĩ là phải giỏi, không giỏi thì không giúp bệnh nhân được. Muốn giỏi phải chịu học, học liên tục vì giờ y học tiến bộ, cứ 5 năm là kiến thức thay đổi rất nhiều.

Nhưng cơ bản vẫn nhất vẫn là thương bệnh nhân, từ lòng thương mà thấy mình có trách nhiệm, thấy mình phải giỏi, phải tận tụy. Từ lòng thương đó mà làm được mọi việc” - BS Tuyết Lan chia sẻ.

Hồng Nhung - AloBacsi

[DAP]PGS.TS.BS LÊ THỊ TUYẾT LAN

Quá trình công tác

  • 1978 - 2016: Đại học Y Dược TPHCM
  • 2000 - nay: Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Quá trình học tập

  • 1972 - 1978: Đại học Y Dược TPHCM
  • 1986 - 1990: Học Nghiên cứu sinh tại Liên Xô cũ
  • 1990: Nhận bằng Tiến sĩ y học
  • 2020: Được phong hàm Phó giáo sư tại Đại học Y dược TPHCM

Hội viên

  • Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TPHCM
  • Ủy viên BCH Hội Hô hấp TPHCM
  • Thành viên GARD - WHO: Liên minh toàn cầu Phòng chống các bệnh phổi mạn tính
  • Thành viên GLI: Sáng kiến Phổi toàn cầu
  • Thành viên GINA, GOLD, ARIA: Tham gia vào 3 tổ chức viết các hướng dẫn về Hen, COPD và Viêm mũi dị ứng toàn cầu.

Công trình nghiên cứu

  • Đã công bố 34 dự án nghiên cứu các cấp (cơ sở, Sở Khoa học công nghệ và quốc gia)
  • 63 bài báo khoa học
  • Viết và dịch 10 cuốn sách.

[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X