Hotline 24/7
08983-08983

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Người bệnh hô hấp, hen, COPD cần bảo vệ mình trước đại dịch COVID-19

Một số lưu ý trong bài tư vấn của Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM sẽ giúp bạn đọc, đặc biệt là người bệnh hô hấp, hen suyễn, COPD biết cách bảo vệ mình, giảm thiểu được ảnh hưởng của COVID-19.

Đây là chương trình "Truyền thông tư vấn bảo vệ sức khỏe phòng chống COVID-19" do Hội Y học TPHCM phối hợp với Kênh truyền thông AloBacsi thực hiện. Kính mời bạn đọc đón xem.

1. Thưa PGS, đối tượng dễ tổn thương bởi bệnh COVID-19 là người cao tuổi và người có bệnh mạn tính. Người bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nằm trong nhóm nếu gặp virus SARS-CoV-2 sẽ trở bệnh nặng hơn. Xin bác sĩ lý giải vì sao lại như vậy ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: SARS-COV-2 tấn công trực tiếp vào đường hô hấp. Nó bắt đầu đi từ mũi, họng sau đó xuống đường hô hấp. Virus sẽ tấn công vào các tế bào của phổi, lấy các chất cơ bản trong tế bào để tạo ra RNA và nhân rộng virus rất nhanh. Bằng cách này, nó sẽ tàn phá phổi của bệnh nhân.

Những người bình thường nhiễm SARS-COV-2, virus đã đủ tàn phá. Đặc biệt, trên những người bị bệnh phổi mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đều có một đặc điểm chung là viêm mạn tính đường dẫn khí. Viêm trong hen suyễn do tế bào ái toan gây ra và COPD là do đại thực bào, bạch cầu đa nhân trung tính gây ra. Trên nền viêm như vậy, nhóm bệnh nhân này dễ bị nhiễm trùng, diễn tiến sẽ nặng hơn nếu chẳng may mắc COVID-19

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng không thấy sự gia tăng tần suất bệnh COVID-19 trên bệnh nhân hen suyễn, nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COPD thì tăng lên gấp 3 lần. Ngoài ra, ghi nhận trên với những bệnh nhân COVID-19 nặng hoặc rất nặng thì hầu hết đều có bệnh nền như hen suyễn, COPD, tiểu đường, tim mạch.

Hơn nữa, bệnh nhân COPD đều là người lớn tuổi. Trong những thống kê của chúng tôi, bệnh nhân COPD ở Việt Nam có độ tuổi trung bình từ 64. Như vậy, vừa có bệnh nền vừa tuổi cao nên rõ ràn đây là đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Trong tuần vừa qua, Bộ Y tế cũng rất kịp thời họp online đưa ra được những hướng dẫn dành cho các cơ sở y tế, bác sĩ và cả những bệnh nhân hen, COPD để đối phó trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 này.

2. Có thông tin rằng người hút thuốc lá dễ “thất thủ” khi bị SARS-CoV-2 tấn công. Bằng góc nhìn của chuyên gia hô hấp, nhờ bác sĩ giải thích cho cộng đồng hiểu rõ hơn vấn đề này?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Người hút thuốc dù chưa bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cũng có nguy cơ cao hơn đối với SARS-COV-2. Bởi trong khói thuốc lá chứa vô số chất độc hại. Ngoài ra, những hạt trong khói thuốc lá cũng rất mịn, đường kính chỉ khoảng 2 Micrômét, nên nó dễ xâm nhập vào sâu trong hệ hô hấp. Đặc biệt người hay rít thuốc lại càng đưa những hạt nhỏ của khói thuốc tới tận phế nang.

Đường hô hấp của chúng ta được trang bị rất cẩn thận bởi một hệ thống lông mao và thường xuyên chuyển động để quét sạch tất cả các vật thể lạ ra khỏi hệ hô hấp. Nhưng khói thuốc lá sẽ ức chế, làm hư hỏng hệ thống lông chuyển chất nhầy của đường hô hấp. Từ đó, tạo điều kiện để những hạt bụi, virus dễ dàng xâm nhập sâu trong phổi, đi đến đường thở nhỏ, đưa vào tận phế nang.

Một điểm nguy hiểm nữa là các nghiên cứu cho thấy SARS-COV-2 ức chế luôn tế bào Lympho T - một tế bào miễn dịch rất quan trọng của cơ thể. Đồng thời, khi hạt của khói thuốc lá đi vào phế nang thì sẽ giết chết, tổn hại đại thực bào trong phế nang - đây cũng một hệ thống miễn dịch vô cùng hữu ích, chúng đi khắp bề mặt của phổi để nhặt hạt thuốc, hạt lạ, virus, vi trùng.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, khói thuốc lá gây tổn hại theo 2 cách. Một là làm ức chế hệ thống lông chuyển chất nhầy và thứ 2 làm hư hại hệ thống cơ bản của phổi là đại thực bào.

90% bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là do hút thuốc lá. Bệnh xuất hiện âm thầm, được ví như “sát thủ thầm lặng”, phát triển ở độ tuổi 30-40 và gây ra tình trạng khó thở, mệt, ho và dễ “đổ thừa” do tuổi tác, thuốc lá hay việc hoạt động như lên cầu thang mà không biết rằng bệnh đã tiến triển rồi.

Do đó, khi bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tìm đến bác sĩ thường ở giai đoạn rất muộn, chức năng hô hấp chỉ còn khoảng 30-40%. Và cũng phải nói thêm là hiện nay chúng ta không có loại thuốc nào để điều trị viêm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, vì vậy chức năng hô hấp của bệnh nhân giảm dần và chỉ có một cách duy nhất để ngăn chặn việc suy giảm này là cai thuốc lá. Hen suyễn thì có các loại corticoid dạng phun.

Hiện nay trên thị trường đã có nhiều loại thuốc để cai thuốc lá rồi. Vì vậy, việc đầu tiên những người hút thuốc lá cần làm là cai thuốc và thứ 2 là sau khi hết dịch thì tìm đến bác sĩ Hô hấp để làm nghiệm pháp hô hấp ký, kiểm tra xem có bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay chưa.

3. Từ khi bệnh COVID-19 diễn ra, nhiều người có bệnh nền về hô hấp rất lo lắng. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân vốn bị bệnh hen suyễn, gần đây hễ mỗi lần khó thở lại nghĩ ngay tới COVID, mặc dù đã đi khám phổi, chụp Xquang kiểm tra bác sĩ nói không vấn đề gì. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên và hướng dẫn dành cho những trường hợp này? Làm sao để họ biết triệu chứng của mình là do COVID hay do bệnh nền sẵn có? Họ có cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra mỗi khi lên cơn khó thở?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Đúng là việc phân biệt này cũng có những khó khăn. Tuy nhiên, đối với những người mắc COPD thì trong quá khứ họ cũng đã từng có những cơn khó thở. Hay khi gặp những yếu tố kích thích như làm nặng, xúc động quá mức, cảm cúm cũng gây ra khó thở, đa phần họ đều có kinh nghiệm trong những tình huống này rồi.

COVID-19 cũng gây ra tình trạng sốt, ho, khó thở, nhưng những triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 hơi nghiêng về phía bệnh cúm hơn nên sẽ có một số dấu hiệu rất rõ là mệt, đau - mỏi cơ.

Ngoài ra, đối với COVID-19 cần xem xét các yếu tố dịch tễ như có từ vùng dịch về hay không, từng tiếp xúc với ai có triệu chứng sốt, ho, khó thở hay chưa, có quên đeo khẩu trang, quên rửa tay, đưa tay lên mắt, mũi, miệng không…

Những đợt cấp của hen suyễn, COPD ít kèm sốt mà bệnh nhân thường khó thở, ho nhiều. Do đó, nếu kèm sốt, ho, khó thở ở trong giai đoạn này phải đề phòng tới COVID-19.

Trên toàn quốc hiện có 110 cơ sở y tế làm các xét nghiệm để xác định COVID-19. Ngay tại TPHCM cũng có 6 cơ sở. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng công khai số điện thoại của những cơ sở y tế để liên hệ khi cần, do đó nếu có các triệu chứng kể trên hãy gọi đến hotline, cung cấp những thông tin về yếu tố dịch tễ để được hướng dẫn cụ thể.

Tuy nhiên, tôi cũng xin nhấn mạnh có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến những đợt kịch phát của hen suyễn hay COPD, trong đó có tình trạng lo lắng. Nếu chúng ta thực hiện tốt các hướng dẫn như giữ vệ sinh kỹ, rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách, đừng sờ tay lên mặt, mũi, không tiếp xúc với người nhiễm bệnh, không đến từ vùng dịch thì không nên quá lo lắng, vì có thể sẽ gây ra những cơn suyễn và kích phát bệnh COPD.

Nhất là bệnh nhân hen suyễn có thể lên cơn khó thở khi gặp tác nhân kích thích đặc biệt ở những người chưa được kiểm soát hen tốt. Vì vậy, họ phải làm hai việc gặp bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị phù hợp và tránh các tác nhân kích thích.

Hiện nay, việc điều trị hen suyễn đã rất thành công ngay tại Việt Nam. Bệnh nhân suyễn có thể sống, làm việc và nghỉ ngơi như người bình thường. Nếu xác định không phải COVID-19, bệnh nhân hen, COPD khi bị khó thở có thể dùng thêm thuốc cắt cơn. Nếu sau 6 nhát/giờ mà không hết thì đi cấp cứu.

4. Không chỉ người bệnh hô hấp mà những người khác từ khi có dịch COVID-19, mỗi khi có triệu chứng đau ngực, khó thở, họ cũng nghĩ đến bệnh COVID-19. Liệu triệu chứng đau ngực, khó thở do bệnh COVID-19 có đặc trưng riêng để nhận biết, thưa bác sĩ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Nếu chúng ta không sốt thì có thể yên tâm về SARS-CoV-2, nhưng cũng phải cẩn thận vì có đến 20% người mắc bệnh COVID-19 không có triệu chứng. Gần đây, các bác sĩ cũng nhận thấy dấu hiệu nghẹt mũi, mất mùi ở bệnh nhân COVID-19 bên cạnh sốt, ho và khó thở. Vì vậy, yếu tố dịch tế vẫn rất quan trọng, ví dụ như tiếp xúc với người đã nhiễm SARS-CoV-2, đang ở trong vùng dịch, khu cách ly, không rửa tay, không đeo khẩu trang, đưa tay lên mắt mũi miệng ở một thời điểm nào đó thì đây cũng là những yếu tố nguy cơ.

Nếu không phải do SARS-CoV-2 thì tất cả bệnh nhân hen suyễn, COPD đều được cấp 2 nhóm thuốc. Một là thuốc để duy trì, điều trị, kiểm soát thì trong giai đoạn này bệnh nhân phải có thuốc đầy đủ và sử dụng hàng ngày.

Hai là thuốc cắt cơn. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu bệnh nhân được điều trị cẩn thận, tuân thủ tốt thì gần như thuốc cắt cơn chỉ để "phòng hờ" thôi, ất ít sử dụng.

Trong trường hợp bệnh nhân bị khó thở thì xịt 2 nhát thuốc cắt cơn, sau 20 phút vẫn chưa hết thì xịt thêm 2 nhát nữa. Trong 1 tiếng xịt 6 nhát mà không hết khó thở thì đi cấp cứu ở bệnh viện gần nhất.

Trong thời điểm này nếu có thêm yếu tố dịch tễ thì bệnh nhân sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2.

5. Qua việc tiếp nhận câu hỏi của bạn đọc, chúng tôi nhận thấy có một số người chưa rõ về triệu chứng “khó thở”, có người nghĩ nghẹt mũi nghĩa là “khó thở”. Nhân dịp này, nhờ BS chia sẻ cho bạn đọc biết chính xác “khó thở” là như thế nào ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Tình trạng khó thở luôn là vấn đề lớn với các bác sĩ. Chẳng hạn với bác sĩ Hô hấp chúng tôi, đường hô hấp bắt đầu từ mũi xuống phế nang nên bất kỳ trở ngại nào trên đường hô hấp cũng gây khó thở. Bệnh nhân phải nhận biết các dấu hiệu của mũi hay cổ, lưng ngực, để mô tả với bác sĩ, từ đó bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp khác nhau để xác định vị trí gây khó thở, nội soi tai mũi họng, nghe các âm thổi ở cổ, ngực, hô hấp ký.

Trong SARS-CoV-2, người ta đã phát hiện thêm một trong những triệu chứng sớm là nghẹt mũi và mất mùi. Vì hệ thống hô hấp là đường SARS-CoV-2 tấn công đầu tiên, nó đi từ mũi xuống nên bệnh nhân có thể bị nghẹt mũi, mất mùi, đau họng trước rồi sẽ xuống phổi. Đó là lý do những xét nghiệm để tìm SARS-CoV-2 người ta sẽ phết ở mũi, hầu họng hoặc từ đàm, dịch rửa phế quản, phế nang của bệnh nhân.

Tóm lại, khi có triệu chứng nghẹt mũi cần cảnh giác với SARS-CoV-2 nhưng cần nhớ thêm các triệu chứng sốt, ho, khó thở và yếu tố dịch tễ.

6. Vậy, bệnh nhân hen suyễn, COPD gặp tình trạng khó thở ở mức độ nào là nguy cấp, cách xử trí như thế nào, thưa bác sĩ? Họ có cần dùng tới máy trợ thở không ạ? Có nên mua thêm máy trợ thở để sẵn trong nhà?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Đây là vấn đề lớn. Với hen suyễn, COPD thường bác sĩ sẽ cung cấp cho bệnh nhân bảng yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng khó thở, lên cơn, nặng ngực để họ phòng tránh. Đối với 2 bệnh lý này, không phải uống thuốc là trị hết được mà nó chỉ đóng vai trò 50%, còn lại 50% là phòng tránh.

Hen suyễn thì phức tạp hơn, nhiều khi không xác định được bệnh nhân dị ứng với những dị nguyên trong không khí hay mạt nhà, thức ăn thì bác sĩ sẽ tiến hành làm test như đưa dị nguyên vào trong da kiểm tra phản ứng hoặc lấy máu để thử các IgE đặc hiệu nhằm xác định yếu tố gây dị ứng ở bệnh nhân.

Tôi muốn nhấn mạnh, xúc động là một yếu tố nguy cơ để lên cơn. Vì vậy trong thời điểm này, mặc dù là cần cảnh giác nhưng phải hết sức bình tĩnh. Hiện, trong công văn mới của Bộ Y tế đã cho phép bệnh nhân có thể nhận 2 tháng thuốc để không phải tới bệnh viện thường xuyên. Và những người lớn tuổi có thể được khám tại nhà, hoặc có thể nhờ người thân nhận thuốc tại nhà.

Vì vậy đối với hen suyễn và COPD, việc đầu tiên là chúng ta cần có thuốc đầy đủ ở nhà. Thứ hai nếu bị kích phát (do hít nhầm, ăn nhầm hoặc tức giận) và lên cơn thì cần sử dụng bình xịt định liều, xịt 1 nhát, 2 nhát. 20 phút sau, nếu chưa cắt cơn thì xịt thêm 2 nhát nữa.

Đối với trẻ em, hoặc với người lớn tuổi không ngậm chặt bình xịt, người thân có thể sử dụng buồng đệm, như vậy là đủ. Sau 6 nhát mà không hết thì cần đưa đi cấp cứu.

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh, bình xịt định liều cộng với buồng đệm tương đương với máy phun khí dung. Đó là lý do tôi luôn khuyên bệnh nhân của mình không nên bỏ tiền triệu để mua máy khí dung, vì nhiều yếu tố:

- Thứ nhất, nó mắc tiền.

- Thứ hai, máy khí dung rất cồng kềnh, ít nhất từ 0,5kg trở lên nên sẽ không thuận tiện khi phải di chuyển.

- Thứ ba, nó chạy bằng điện và lỡ chẳng may mất điện thì rất đáng lo ngại.

- Thứ tư, thời gian phun rất lâu, 15-20 phút mới hết một liều thuốc, trong khi đó chỉ cần xịt 1 nhát, 2 nhát thì đã đưa thuốc vào phổi.

- Thứ năm rất quan trọng, thường những nồng độ thuốc đưa vào máy phun khí dung là mạnh, nặng hơn các nhát thuốc, vì vậy có thể làm trì hoãn việc bệnh nhân đi cấp cứu, đó là điều rất nguy hiểm.

- Cuối cùng, tôi cũng không rõ bệnh nhân có giữ vệ sinh cho máy phun khí dung đúng cách hay không.

Vì vậy, chúng ta cần dùng thuốc đầy đủ, biết các yếu tố nguy cơ đối với mình để tránh, đi đâu cũng mang theo thuốc cắt cơn, sau 6 nhát cắt cơn trong vòng 1 giờ mà không hết thì cần đưa đi cấp cứu.

Về vấn đề mua máy trợ thở ở nhà là không cần thiết. Ở Việt Nam hiện nay chúng tôi chỉ cho dùng máy thở áp lực dương liên tục CPAP đối với những bệnh nhân bị ngưng thở do tắc nghẽn lúc ngủ mà thôi.

Những máy này sẽ phóng những luồng khí vào với một thể tích, áp lực khí nhất định. Vì vậy muốn dùng máy thở bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh việc dùng máy trợ thở cho bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ thì chiếc máy này cũng được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 khi họ bị suy hô hấp. Để xác định bệnh nhân suy hô hấp hay không thì phải lấy máu động mạch và thử áp lực oxy ở trong đó, nếu dưới 60 mmHg thì mới cần máy trợ thở.

Việc sử dụng máy trợ thở cũng rất phức tạp, bác sĩ phải xác định thể tích, áp lực đúng và đủ để không tổn hại tới phổi, không cản trở tuần hoàn.

Chính vì vậy, người bệnh không nên lo lắng quá mức về việc phải mua máy phun khí dung hay mua máy trợ thở đặt ở nhà.

Chỉ có một dụng cụ được phép dưới sự chỉ định của bác sĩ là oxy, nhưng chỉ với những bệnh nhân quá nặng. Nhân viên y tế phải đo khí máu động mạch 2 lần dưới 60 mmHg hoặc dưới 55 mmHg thì mới có chỉ định dùng oxy tại nhà. Vì việc sử dụng oxy tại nhà cũng nguy hiểm, nó là chất gây nổ. Mua bình oxy cũng giống như "trữ" một quả bom trong nhà. Vì vậy có những máy tạo oxy, trích oxy từ không khí thì sẽ an toàn hơn.

Nói chung, bệnh nhân hen và bệnh nhân COPD dù ở trong thời buổi COVID-19 như thế này thì hết sức cảnh giác nhưng cũng cần bình tĩnh, dùng thuốc như bác sĩ đã cho, đi đâu cũng mang thuốc cắt cơn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội, không đưa tay lên mắt-mũi-miệng, ăn uống tốt là đủ rồi. Không cần phải mua sắm những máy móc như tôi đã đề cập.

7. Trong tình hình hạn chế đi lại, xe liên tỉnh tạm ngưng hoạt động thì khi người bệnh hen suyễn, bệnh COPD không đi tái khám được, họ có thể mua thuốc theo toa cũ uống tiếp?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Việc đầu tiên là chúng ta hoàn toàn có thể liên hệ với bác sĩ điều trị của mình. Tất cả các cơ sở tư nhân cũng như công lập thì bệnh nhân cứ việc liên hệ và sẽ được bác sĩ hướng dẫn. Tùy theo tĩnh trạng bệnh nhân sẽ được hướng dẫn rõ ràng là ở nhà làm cái gì, thời điểm nào, nên đi tới đâu, thậm chí trong thời điểm này bệnh nhân có thể ở nhà và tự mua thêm  toa thuốc trong vòng 1 tháng, hoặc 2 tháng, bởi thời điểm này, những tổ chức về hô hấp lớn ỏ trên thế giới khuyên nên ngừng làm tất cả những test về hô hấp.

Tôi cũng nhắc lại một điều nữa, thậm chí khi vào trong bệnh viện để cấp cứu, bác sĩ cũng không khuyên dùng khí dung. Bởi khi dùng khí dung sẽ phun những luồng khí ra, sẽ phát tan ra nếu người bệnh bị SARS-CoV-2, tất cả phải dùng buồng đệm. Vì vậy bệnh nhân ở nhà liên hệ với đơn vị điều trị của mình để được hướng dẫn từng bước một.

Hiện nay internet phát triển rất mạnh, ai cũng có điện thoại di động, một số bệnh viện hiện cũng đã sẵn sàng đến khám tại nhà cho bệnh nhân như BV Thủ Đức, BV Quận 12... Tôi nghĩ những nhu cầu đó sẽ đáp ứng cho bệnh nhân, người bệnh không cần hoảng loạn hay sợ hãi, chỉ cần dùng thuốc đủ, có thuốc cấp cứu và gọi điện cho bác sĩ.

Với những bệnh nhân lăn tăn trong việc dùng lại toa thuốc cũ thì ý kiến của PGS như thế nào ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Đối với hai bệnh như hen suyễn và COPD, lần đầu tiên bệnh nhân đến khám sẽ có được một toa thuốc, lần thứ hai là cách đó 1 tháng để bác sĩ xem tác dụng của toa thuốc như thế nào, hiệu quả như thế nào, có tác dụng phụ không, bệnh nhân có vấn đề gì không. Nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với toa thuốc nào đó thì thời hạn sử dụng thường là 3 tháng.

Bệnh nhân hen suyễn sẽ giảm 1 bậc điều trị sau 3 tháng. Còn với COPD, cứ 3 tháng sẽ xem lại. Ở trong thời điểm bình thường sẽ làm hô hấp ký. Tuy nhiên trong thời điểm này chúng ta có thể cho 1 tháng, thậm chí 2 tháng. Mới đây Bộ Y tế có họp giữa các chuyên viên, ban đầu có ý kiến cho đến 3 tháng, nhưng sau đó rút lại, nên là 2 tháng. Hy vọng 2 tháng chúng ta khống chế được dịch bệnh và bệnh nhân sẽ gặp lại các bác sĩ.

8. Để bảo vệ sức khỏe của mình trước dịch bệnh COVID-19 thì người bệnh hô hấp đặc biệt cần lưu ý điều gì, thưa BS? Ngoài những khuyến cáo chung dành cho cộng đồng như đeo khẩu trang, rửa tay… thì họ có cần chuẩn bị thêm các thiết bị hay thuốc cấp cứu gì khác không ạ?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Trong khi điều trị hen suyễn và COPD, điều quan trọng nhất chúng tôi thường nói với bệnh nhân rằng chúng ta có thể kiểm soát được bệnh này, mặc dù không chữa dứt được. Vì vậy chúng ta sẽ không ho, không khạc đàm, không khò khè, không khó thở, hoặc giảm bớt các triệu chứng đó. Chúng ta sẽ không phải vào đợt cấp, không phải đi cấp cứu.

Ngược lại, muốn được như vậy thì phải làm như thế nào? Như tôi nói, thứ nhất, bệnh nhân phải được xác nhận đúng bệnh, đúng là có suyễn, đúng là có COPD. Bởi nhiều khi lao phổi cũng nghĩ là hen suyễn (bởi triệu chứng khá giống nhau), điều này rất nguy hiểm.

Thứ hai, phải xác định được độ nặng của bệnh để bác sĩ cho mức thuốc tương ứng. Ở suyễn có 5 bậc, ở COPD có 4 nhóm.

Thứ ba, biết được các yếu tố kích thích của mình. Ví dụ, hít phải mùi thơm thì lên cơn, ăn đồ biển là lên cơn, xúc động là lên cơn, gắng sức là lên cơn... chúng ta sẽ biết và xác định được điểm đó.

Thứ tư, phải đi chích ngừa. Bệnh nhân hen suyễn và COPD nên chích ngừa cúm. Hiện có 2 dạng cúm, cúm Nam bán cầu có thuốc tác dụng từ tháng 4 đến tháng 10, cúm Bắc bán cầu có thuốc tác dụng từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

Hiện nay các hội hô hấp trên thế giới khuyến cáo chích mùa cúm đầu tiên. Mỗi một năm các hãng dược sẽ theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới để nhận biết trong năm nay chủng cúm mùa nào sẽ lưu hành. Cúm này là cúm mùa, không phải là cúm gà hay SARS-CoV-2 (bởi chúng ta chưa có thuốc hay vắc xin cho cúm này). Tháng 4 thuốc sẽ có ở nước ngoài và khoảng tháng 5 sẽ về Việt Nam. Như vậy, khuyến cáo tất cả bệnh nhân hen suyễn hay COPD đều phải chích ngừa cúm ít nhất một năm 1 lần vào khoảng tháng 4, tháng 5.

Thường 1 liều cúm là đã đủ, và bệnh nhân thường cảm ơn chúng tôi vì lời khuyên đó, bởi những đợt cảm cúm là đợt gây kịch phát hen và COPD. Với những bệnh nhân yếu quá, sức đề kháng kém quá thì chúng tôi thường có thể khuyên chích thêm một mũi thứ hai khoảng từ tháng 10 đến tháng 11.

Nhưng riêng bệnh nhân COPD thì phải thêm một loại chích ngừa nữa, đó là thuốc viêm phổi. Rất may là hiện nay Việt Nam đã về loại thuốc viêm phổi PV13, chỉ cần chích 1 mũi trong suốt cuộc đời.

Thuốc hen suyễn, thuốc cúm khoảng từ 300.000 ngàn đồng/ mũi, còn PV13 khoảng 1.300.000 ngàn đồng/ mũi.

Bên cạnh đó, cũng giống như những lời khuyên khác, chúng ta cần tập thể dục, phơi nắng buổi sáng, uống sữa, ăn các loại trái cây có múi như cam, chanh, quýt, bưởi cực kỳ tốt cho hệ hô hấp.

Chúng tôi vẫn luôn cho bệnh nhân viên kẽm 10mm gram. Viên kẽm này rất rẻ tiền, với trẻ em thì có dạng siro, một ngày dùng 1 viên, bởi trong thức ăn có rất ít kẽm, trừ khi ăn hàu thì có nhiều kẽm hơn.

Đối với bệnh nhân COPD, khả năng hô hấp của họ yếu hơn, thuốc cũng không giúp hồi phục được như hen suyễn. Vì vậy những hoạt động gắng sức, thậm chí cúi xuống với lên lấy vật gì đó cũng mệt. Vì vậy những thứ, đồ vật nên để trong tầm tay.

Ở những bệnh nhân nặng, đến việc nhai cũng mệt, vì vậy nên cho người bệnh ăn thức ăn rất mềm, nhiều năng lượng. Nếu bệnh nhân ăn no thì dạ dày đẩy lên làm hoành cách mô đi lên, phổi nhỏ lại, bệnh nhân cũng mệt nữa. Cho nên bệnh nhân COPD cần ăn 5 bữa một ngày, mỗi bữa chỉ nên ăn một chút. Thức ăn lý tưởng nhất là phô mai, rất mềm và bổ, phù hợp với bệnh nhân.

9. Bụi mịn, ô nhiễm không khí với bệnh hô hấp cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Tuy rằng trong thời gian 2 tuần giãn cách xã hội, chất lượng không khí một số nơi đã cải thiện nhưng khi cộng đồng trở lại cuộc sống thường nhật, vấn đề ô nhiễm không khí và bụi mịn sẽ quay trở lại. Nhưng lúc này rất khó để mua được khẩu trang N95. Vậy người bệnh hen suyễn, COPD cần chuẩn bị thế nào trước tình huống ô nhiễm, bụi mịn  sắp quay lại?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Trong đợt gia tăng ô nhiễm bụi mịn, bệnh nhân COPD hay hen suyễn, tim mạch nhập viện, rõ ràng là nó có tác động lên những đợt cấp. Những nghiên cứu về bụi mịn sau này cho thấy càng ngày càng kinh khủng, nó sẽ tác động lên sự phát triển của hen suyễn, tác động lên ung thư, đi vào tận nhau thai, tác động lên bào thai...

Hội Y học TPHCM rất quan tâm và đã mở một hội nghị lớn về vấn đề này. Nhưng phải thấy rằng, đây là vấn đè vĩ mô, thuộc về chính sách, nhà nước. Chúng ta phải có những phương tiện giao thông thật tốt, phải có những quy định hết sức chặt chẽ về khí thải của xe hơi, xe gắn máy, hạn chế số lượng xe gắn máy, xe hơi, phát triển các phương tiện giao thông công cộng. Nhưng gần như những cái đó vượt khỏi tầm tay của từng người. Do đó, chúng ta sẽ bảo vệ như thế nào?

Rõ ràng khẩu trang N95 là số 1, ngăn virus, vi trùng, bụi mịn... Nhưng ở thời điểm này, ngay cả khẩu trang y tế cũng đã khan hiếm, và chúng ta chỉ có những khẩu trang vải. Khẩu trang vải ngăn được 50% bụi, không chắc chắn ngăn được bụi mịn. Vì vậy chúng ta cần hạn chế ra đường những khi nồng độ bụi mịn tăng cao. Những ngày này, chất lượng không khí của TPHCM được đánh giá mức 2 (bình thường là ở bậc 4-5). Với những ngày có nồng độ bụi cao, chúng tôi đang dự định sẽ có chương trình báo cho các bệnh nhân của mình để người bệnh ở nhà, hạn chế ra đường, siêng rửa mũi.

Một việc mà tất cả mọi người có thể làm là cố gắng sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm bớt xe cá nhân và xe gắn máy, khi đi ngoài đường về cần rửa mũi. Có những loại nước rửa mũi thông thường như nước biển sâu, một ngày rửa 2 lần là đủ. Nhưng cần rửa đúng cách, nghĩa là nếu cầm bình xịt bằng tay phải thì nên rửa cánh mũi bên trái và ngược lại, không xịt vào chính giữa, vừa đau vừa trật chỗ.

Mới đây TP có chương trình kiểm soát khí thải của xe gắn máy, tôi nghĩ Hội Y học sẽ góp ý với UBND TP để có những biện pháp tốt hơn và người dân có thể thơ được không khí trong lành.

10. Liệu có những biện pháp dân gian nào giúp hệ hô hấp khỏe mạnh hơn mà người dân nói chung, người bệnh hô hấp nói riêng có thể áp dụng trong mùa dịchCOVID-19 không ạ? Nếu có thể xin bác sĩ giới thiệu bài tập thở nào tốt cho bệnh hô hấp?

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Hệ hô hấp rất sợ lạnh, cho nên việc sử dụng điều hòa, uống nước đá, ăn thức ăn lạnh đều không tốt cho hệ hô hấp. Vì vậy dân gian thường dùng gừng, tắc, mật ong... Đó là những vị thuốc ho thông thường mà chúng ta có thể sử dụng được và rất an toàn.

Và nên nhớ là, dù cho SARS-CoV-2 thì 80% là ở mức độ nhẹ, sau ngày thứ 6 sẽ lành. Cho nên nếu chúng ta bị cảm, ho, sốt thì nên uống thuốc giảm sốt, hoặc các dược thảo, hoặc làm theo dân gian: 1 chén có tắc, mật ong, tần dày lá, gừng và hấp lên. Đó là một phương thuốc dân gian ai cũng làm được và rất hiệu quả, rẻ tiền.

Việc tập thở rất quan trọng, thậm chí đã có thời điểm người ta nghĩ rằng tập thở sẽ làm giảm cơn suyễn, vấn đề này thì chưa được xác định. Lúc này chúng ta nên lưu ý tới kiểu thở. Không cần phải vào phòng riêng hay vào khoảng thời gian nào đặc biệt để có kiểu thở tốt lành. Tôi vẫn nhớ những câu thơ của GS Nguyễn Khắc Viện rất đơn giản, dạy chúng ta tập thở. Giáo sư đã cắt nguyên 1 lá phổi và 1/3 lá phổi còn lại nhưng vẫn sống đến 90 tuổi và rất sáng tạo. Kiểu thở của GS Nguyễn Khắc Viện làm thành bài thơ mà ai cũng có thể thuộc được, đó là:

Hai tay buông xuôi, hai vai thả lỏng,
Phình bụng hít vào, hóp bụng thở ra.
Êm, chậm, sâu, đều,
Đi đứng, nằm ngồi
Ở đâu cũng được,
Lúc nào cũng được.

Thỉnh thoảng chúng ta tập thở, và làm như vậy, thì không những đường hô hấp tốt, mà tinh thần cũng sẽ tốt, "tâm an vạn sự an".

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM (thứ 2 từ phải sang) và nhà báo Thái Dung - đồng sáng lập AloBacsi (thứ 2 từ trái sang) trao hoa và thư cảm ơn đến PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Mời bạn đọc xem lại chương trình livestream cùng PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan TẠI ĐÂY.

 

Đôi nét về PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan hiện là Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TPHCM; Chuyên gia Hô hấp của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
Ngoài ra, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan còn là cán bộ thỉnh giảng Bộ môn Sinh lý Đại học Y Dược TP HCM và Đại học Quốc Gia TPHCM. Thành viên Hội Hô hấp Châu Á Thái Bình Dương. Thành viên GINA, GOLD, ARIA.
Bà tốt nghiệp bác sĩ Y khoa năm 1978 tại Đại học Y Dược TPHCM, học Nghiên cứu sinh tại Liên Xô cũ. Bà nhận bằng tốt nghiệp Tiến sĩ Y học năm 1990 và được phòng hàm Phó giáo sư năm 2002.
Phó giáo sư Lê Thị Tuyết Lan là chuyên gia trong lĩnh vực Hô hấp, đã công bố 34 dự án nghiên cứu các cấp (Cơ sở, Sở Khoa học công nghệ và quốc gia), 63 bài báo khoa học, viết và dịch 10 cuốn sách.


Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X