PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng: 3 điều quan trọng giúp tránh được hậu quả của đột quỵ
Nhân ngày đột quỵ thế giới 29/10, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM chia sẻ về 3 điều quan trọng giúp tránh được hậu quả của đột quỵ
Một bệnh nhân (BN) nam, vừa ngoài 50 tuổi, bị đột quỵ lần đầu cách nay 2 năm. May mắn, BN có thể đi lại sinh hoạt được sau 1 tháng. Tuần qua, anh quay lại tái khám, nhưng rất tiếc, lần này trong tình trạng phải ngồi trên xe lăn.
Đo huyết áp 160 mmHg, kiểm tra đường huyết 180mg/dl. Tính hỏi, có duy trì thuốc thường xuyên hay không, chợt thất vọng khi nhìn thấy bao thuốc lá trên túi.
Chắc sẽ lại có lần thứ 3.
Câu chuyện phòng ngừa đột quỵ ở Việt Nam là một sự “nghịch lý”. Rất nhiều người quan tâm, lo sợ đến mức hoang mang, nhưng tất cả đều trông mong đến những giải pháp phòng ngừa kiểu “một nốt nhạc” như 1 mũi thuốc, hay 1 viên thuốc cho việc đảm bảo trọn đời!
Và hầu hết đều thất vọng khi biết rằng việc phòng ngừa phải là sự phối hợp nhiều giải pháp và cần duy trì lâu dài.
Cần hiểu được 3 điều quan trọng giúp tránh được hậu quả của đột quỵ:
(1) Khi không may mắc phải một hay nhiều yếu tố nguy cơ. Không sao cả, chỉ cần kiểm soát TỐI ƯU những bệnh lý này. Nên tập trung vào các yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ, như: tăng huyết áp, tiểu đường và tăng mỡ máu. Hãy quên những chuyện “tầm phào” như tắm đêm, bổ mít hay buộc dây giày…
Kiểm soát TỐI ƯU và HIỆU QUẢ chỉ có, khi đưa được những con số huyết áp, đường huyết hay mỡ máu trở về trị số bình thường của người BÌNH THƯỜNG. Theo khuyến cáo hiện nay, trị số huyết áp < 130/80 mmHg, đường huyết <7mmol/l và LDL cholesterol < 70mg/dL (càng thấp, hiệu quả càng tốt). Với rung nhĩ, chắc chắn cần phải sử dụng kháng đông để phòng ngừa. Nên nhớ rằng, hơn 70% các bệnh nhân bị đột quỵ đã có thể tránh được đột quỵ NẾU tuân thủ điều trị. Đừng để phải hối tiếc vì chữ “NẾU” này.
(2) Thay đổi lối sống bằng chế độ vận động tập luyện, thức ăn phù hợp, hạn chế rượu bia và tuyệt đối KHÔNG sử dụng THUỐC LÁ, được xem “độc dược” đối với nguy cơ đột quỵ. Thay đổi lối sống, đôi khi chỉ cần dành ra ít phút để đi bộ nhiều hơn hàng ngày.
(3) Điều cuối cùng, phải nhận biết được triệu chứng của đột quỵ và cần phải đến bệnh viện có thể điều trị được đột quỵ gần nhất NGAY LẬP TỨC khi có sự cố (dấu hiệu FAST).
Mà tốt nhất, cứ thủ sẵn số điện thoại bác sĩ đột quỵ gần nhất.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình