PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa Xét nghiệm Sinh học lâm sàng, Viện Pasteur TPHCM cho biết, tiêm văcxin ngừa bệnh gây ra do vi rút HPV là cách đơn giản và hiệu quả để phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh lý liên quan khác (dự phòng cấp I), sau quan hệ tình dục an toàn (truyền thông cộng đồng) và xét nghiệm tầm soát định kỳ Pap’s (dự phòng cấp II).
- Bác sĩ có thể chia sẻ mức độ an toàn của văcxin phòng HPV?
- Bất kỳ loại văcxin nào trước khi được phép lưu hành đều phải trải qua nhiều nghiên cứu và sàng lọc để khẳng định tính an toàn, có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không, sau đó mới đến yếu tố hiệu quả. Trên thực tế, văcxin ngừa HPV không phải văcxin sống, mà chứa "kháng nguyên giống virus HPV" không chứa DNA của virus (virus like particles-VLP) giúp cơ thể tạo miễn dịch tự nhiên, nên an toàn về lý thuyết.
Văcxin ngừa HPV được phê duyệt sử dụng ở người vào tháng 6/2006 tại Mỹ sau 15 năm nghiên cứu. Chúng từng thử nghiệm lâm sàng trên hơn 25.000 phụ nữ và nam giới. Đến tháng 4/2009, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị đưa văcxin ngừa HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Sau nhiều năm theo dõi, văcxin ngừa HPV được ghi nhận an toàn bởi các cơ quan uy tín của Mỹ như Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) và Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA). Đến nay, hơn 270 triệu liều đã được sử dụng ở hơn 140 quốc gia toàn cầu.
Một số thông tin cho rằng văcxin gây vô sinh, dị tật thai nhi, sinh non, thậm chí tử vong... Ủy ban Cố vấn toàn cầu về "An toàn văcxin" của WHO đã sáu lần tiến hành điều tra và phân tích kỹ lưỡng các quan ngại trên. Báo cáo mới nhất đăng trên Tạp chí Y tế Thế giới tháng 7/2017 khẳng định tính an toàn của vắc xin ngừa HPV và khuyến cáo sử dụng rộng rãi.
- Văcxin ngừa HPV có thể gây tác dụng phụ nào thưa bác sĩ?
- Một số phản ứng phụ có thể gặp sau tiêm là sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, đau đầu, chóng mặt, rối loạn dạ dày - ruột, đau cơ - khớp. Các phản ứng này đều có thể xảy ra sau khi tiêm chủng bất kỳ loại văcxin nào, tùy cơ địa mỗi người. Tuy nhiên, tỷ lệ này là rất nhỏ so với lợi ích phòng bệnh của văcxin và hầu hết các triệu chứng sẽ giảm dần rồi tự khỏi sau 24h, mà không cần điều trị.
Tại Việt Nam, văcxin ngừa HPV được Bộ Y tế cấp phép từ năm 2008. Từng lô văcxin khi nhập về đều phải được Viện Kiểm định Quốc gia Văcxin và Sinh phẩm Y tế kiểm định, đạt tiêu chuẩn về an toàn, trước khi đưa vào sử dụng.
Theo thống kê, có hơn 1,4 triệu liều được sử dụng tại Việt Nam suốt 10 năm qua. Khắp 64 tỉnh thành không ghi nhận bất kỳ ca nào có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc có liên quan đến hội chứng Guillain-Barret gây bại liệt toàn thân, rối loạn đông máu hay hội chứng sản phụ khoa khác…
- Trước tiêm nên làm gì để văcxin phát huy hiệu quả tốt nhất?
- Để văcxin phát huy hiệu quả tốt nhất, cần tiêm đúng đối tượng. Chẳng hạn như văcxin tứ giá cho nhóm 9-26 tuổi, phòng tránh ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn và mụn cóc sinh dục do bốn chủng HPV 6, 11, 16, 18 gây ra.
Giống những loại văcxin khác, nên tiêm khi cơ thể khỏe mạnh, không sốt hay viêm cấp tính. Vệ sinh thân thể sạch sẽ, nhất là bắp tay chuẩn bị tiêm để hạn chế nhiễm trùng. Không nên tiêm khi đói để tránh tình trạng hạ đường huyết sau đó. Cần trao đổi với bác sĩ những biểu hiện sức khỏe bất thường, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng với thuốc, hóa chất, thức ăn... để giảm các phản ứng bất lợi.
Ngay trước tiêm, mọi người nên yêu cầu nhân viên y tế cho xem hạn sử dụng văcxin, tiêm đúng cách và đủ liều, giữ lại vỏ bao bì để đối chứng.
Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung gồm ba mũi, mũi thứ hai cách mũi đầu tiên hai tháng, mũi thứ ba cách mũi đầu tiên sáu tháng. Tiêm đầy đủ và đúng lịch mới giúp văcxin phát huy hiệu quả tốt nhất.
- Sau tiêm nên làm gì để giảm nguy cơ biến chứng?
- Sau tiêm, bạn cần ngồi lại theo dõi 30 phút ngay tại cơ sở tiêm chủng nhằm phát hiện tình trạng dị ứng sớm với văcxin hay không. Khi về nhà, tiếp tục theo dõi nguy cơ sốt, biểu hiện ngoài da trong 24 giờ sau tiêm...
Nên uống nhiều nước, mặc đồ thoáng nếu sốt nhẹ; chườm mát nơi tiêm nếu sưng tấy, tuyệt đối không đắp khoai tây hay lá cây gây nhiễm trùng... Nếu phát hiện thấy các phản ứng khác nghiêm trọng hơn, cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Nếu mũi tiêm lần đầu bị dị ứng, mẩn đỏ hay sốt, người dân nên hỏi bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn ở những mũi tiêm ngừa tiếp theo.
- Bác sĩ có thể cho biết đối tượng nào được khuyến cáo nên tiêm nhất?
- Tất cả phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi, từng quan hệ tình dục hay chưa, có nhiễm virus HPV hay không... đều nên tiêm văcxin ngừa HPV. Lưu ý, không cần xét nghiệm tầm soát Pap’s, HPV DNA hoặc kháng thể HPV trước khi tiêm ngừa.
- Văcxin chống chỉ định trường hợp nào?
- Phụ nữ không nên chủng ngừa nếu nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào của văcxin; rối loạn chảy máu hoặc đang dùng thuốc điều trị chống đông. Nếu đang mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính từ trung bình đến nặng, nên chờ tới khi khỏi hãy tiêm.
Văcxin ngừa HPV chưa được nghiên cứu trên phụ nữ đang mang thai và cho con bú, nên cần cân nhắc và tư vấn bác sĩ chuyên khoa khi muốn tiêm.
Theo Thu Ngân - VnExpress