Hotline 24/7
08983-08983

Nuôi con, nên tận dụng sữa mẹ, đừng trông chờ vào “sơn hào hải vị”

“Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho trẻ” - đó là lời khuyên từ BS Trương Hồ Ngọc Quyên tại hội thảo tiền sản trực tuyến với chủ đề “Khởi đầu thành công và duy trì nuôi con bằng sữa mẹ lâu dài” do Bệnh viện Từ Dũ tổ chức vào chiều 7/3 vừa qua.

Lớp học tiền sản do Bệnh viện Từ Dũ tổ chức thu hút nhiều lượt xem và theo dõi từ các ông bố, bà mẹ

1. Phụ huynh hiện đại, trông chờ nhiều hơn vào sữa công thức, “sơn hào hải vị”

BS Trương Hồ Ngọc Quyên nhấn mạnh, việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với người Việt Nam đã là truyền thống từ xưa đến nay. Chuyên gia thông tin, hiện nay việc chăm sóc con của các bậc phụ huynh đã thay đổi, chủ yếu tập trung vào việc cho con hấp thụ thức ăn, nước uống là “sơn hào hải vị”, trông chờ vào hộp sữa với quảng cáo hứa hẹn có rất nhiều chất dinh dưỡng hay là những thiết bị, phần mềm cao cấp kích thích trí sáng tạo của con người.

Tuy nhiên, BS Trương Hồ Ngọc Quyên cho rằng, những gì tự nhiên nhất là điều tốt nhất và đối với trẻ em để phát triển tốt nhất thì không gì hoàn hảo hơn ngoài sữa mẹ. Bác sĩ dẫn chứng một tạp chí nước ngoài đã đưa ra nghiên cứu so sánh “những đứa trẻ được cho ăn sữa công thức có tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều so với các bé được bú sữa mẹ”.

3 giai đoạn tạo sữa của người mẹ

Trong quá trình thăm khám, chuyên gia nhận thấy một số vấn đề mẹ thường gặp khi cho con bú. Một trong số đó liên quan đến tình trạng bị tụt núm vú, nứt đầu ti, gây đau rát, thậm chí là chảy máu. Ngoài ra, mối quan tâm hàng đầu của những người mẹ là khả năng sữa về và cho con bú.

“Các bà mẹ 1-2 ngày đầu thấy sữa ít nên có tâm lý lo lắng, sợ không đủ sữa cho con, không biết khi nào sữa mới về. Nhiều bé “chê” sữa mẹ trong khi đưa bình sữa thì bú ngon lành, điều này khiến các chị em càng thêm lo lắng, tự ti vì cho rằng do sữa nóng” - BS Trương Hồ Ngọc Quyên dẫn chứng câu chuyện từ thực tế.

Trước những băn khoăn này, chuyên gia lý giải, trời phú cho người phụ nữ bầu ngực đẹp, căng tròn nhưng không có sữa, chỉ khi nào trong cơ thể của người phụ nữ xuất hiện một mầm sống thì tuyến sữa mới bắt đầu hình thành.

Cụ thể, quá trình hình thành tuyến sữa được chia làm 3 giai đoạn. Một là bắt đầu từ 12 tuần trước sinh, lúc này các hormon giúp phát triển tuyến vú, tạo một nền tảng, cơ sở để nuôi con sau này. Hai là giai đoạn chuyển tiếp, tính từ thời điểm em bé chào đời đến trung bình 3 ngày sau sinh. Lúc này lượng hormon trong cơ thể của người mẹ được thay đổi rất nhiều. Đặc trưng của giai đoạn này là tuyến sữa tiết ra còn ít. Chỉ khi có tác động thì sữa mới ra một lượng ít.

Ba là giai đoạn cho con bú, được tính từ 3 ngày sau sinh. Việc tạo sữa phụ thuộc hoàn toàn vào sự kích thích có điều kiện trong cơ thể của người mẹ để sinh ra sữa như: bé bú sữa, mẹ vắt sữa,... Lúc này cơ thể mẹ sẽ hiểu rằng người mẹ đang cần sữa, con đang cần sữa, khi đó sữa sẽ về.

“Ngay từ thời điểm em bé được sinh ra, hormon progesterone lập tức giảm xuống rất nhanh và mạnh. Loại hormon này có vai trò giúp phát triển tuyến vú, giữ đảm bảo an toàn cho bé suốt thời gian trong bụng mẹ. Khi hormon progesterone giảm sẽ tạo điều kiện cho hormon lactose với vai trò tạo sữa tăng lên. Quá trình đối kháng này diễn ra trung bình trong khoảng 3 ngày thì sữa sẽ về” - BS Ngọc Quyên cho biết.

Ngoài hai loại hormon trên, mẹ còn có loại hormon thứ ba là prolactin. Loại hormon này vẫn ở mức cao trong máu kể cả khi mẹ đã sinh em bé ra. Nhưng nó sẽ thay đổi trong hai trường hợp. Nhóm bà mẹ cho con bú thường xuyên, lượng prolactin ngày càng cao. Ngược lại những bà mẹ ít cho con bú, lượng hormon này sẽ giảm dần và trở lại như người bình thường.

2. Những yếu tố nào chặn “đường về” của sữa?

Theo chuyên gia, ngay khi trẻ sinh ra, được da kề da với mẹ, lúc đói bé đã biết tự trườn lên người mẹ đi tìm sữa. Ngoài ra, một số dấu hiệu giúp mẹ nhận biết bé đói bao gồm lè lưỡi, chảy nước miếng, ngậm tay, há miệng…

BS Ngọc Quyên nhấn mạnh thêm, cơ chế sữa về theo 3 giai đoạn. Tuy nhiên, trong quá trình này nếu mẹ gặp phải một số vấn đề sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển hormon như stress, căng thẳng hoặc quá hưng phấn, hay tuyến vú không được kích thích… Do đó, bác sĩ khuyến cáo, mẹ nên massage, vắt sữa, tránh để trống vú quá lâu. Song song đó, nên cho bé bú sớm trong khoảng 1 giờ sau sinh hoặc ngay khi bé đòi, trừ trường hợp chống chỉ định do bệnh lý.

Bên cạnh đó, khi mẹ cho bé bú không hiệu quả hoặc do tư thế sai, và do các yếu tố về giấc ngủ, tâm lý, dinh dưỡng, sử dụng thuốc hoặc lo sợ khó cai sữa nên không dám cho bé bú cũng là những nguyên nhân khiến hormon ít sản sinh tiết sữa. “Vì vậy, mẹ cần xây dựng tình yêu, lòng tin, sự biết ơn và tin tưởng giữa bản thân và con yêu để có thể cho con sự phát triển tốt nhất” - chuyên gia khuyến cáo.

Những biểu hiện khi bé đói sữa

3. Cảnh báo các dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh mẹ cần lưu ý

BS Ngọc Quyên cho biết, những ngày đầu tiên bé sẽ ít bú, ngủ nhiều. Đây là biểu hiện bình thường ở trẻ do mới sinh, lượng dung tích dạ dày của bé cũng còn quá nhỏ.

“Khi trẻ trong bụng mẹ, tất cả đều được mẹ chu cấp, bé chỉ ở yên trong bụng và hấp thụ các chất dinh dưỡng. Nhưng sau khi ra đời, bé phải độc lập, tự bú sữa, tự thở, vì vậy nên sẽ ngủ nhiều hơn, ít bú lại. Để khắc phục tình trạng này, nên cho bé da kề da với mẹ ngay khi mới sinh ra để kích thích việc gần gũi giữa hai mẹ con, giúp bé thức tỉnh việc tìm kiếm thức ăn” - BS Ngọc Quyên phân tích.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến cáo, nếu từ ngày thứ hai trở đi bé vẫn liên tục ở tình trạng này thì đó là dấu hiệu bất thường, năng lượng của bé đã giảm, cần cho bú ngay để nạp dinh dưỡng. Như vậy, từ ngày thứ hai bé sẽ bú khoảng 10-12 lần/ngày (khoảng 2 tiếng 1 lần). Sau ba ngày, khi bé đã quen, sữa đã về, dung tích dạ dày lớn hơn thì số lượng bú sữa giảm xuống khoảng 8 lần/ngày.

“Tuần đầu tiên do những ngày đầu bú sữa ít nên bé có thể sụt cân từ 5-10%, điều này là bình thường. Ngược lại, nếu trong tuần lễ đầu tiên bé bụt hơn 10% nghĩa là sụt cân quá nhiều, và bé không lấy lại cân nặng sau 10 -14 ngày thì đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý, cha mẹ nên đưa con đi kiểm tra” - chuyên gia nhấn mạnh.

Về vấn đề vàng da, bác sĩ cho biết, với tình trạng này nếu được chăm sóc và bổ sung sữa mẹ tốt, “bú đủ, bú nhiều”, bé khỏi bệnh thì đó là dấu hiệu bình thường. Tuy nhiên, nếu nặng hơn, dù đã bổ sung sữa mẹ nhưng vẫn không khỏi bệnh, đó cũng là một dấu hiệu của bệnh lý mà phụ huynh cần quan tâm để cho con đi khám.

“Chúng ta có thể phân biệt bé bú đủ hay chưa qua phân của bé. Nếu bé bú đủ, phân sẽ ẩm, loang ra tã, màu vàng sẫm. Ngược lại, nếu bé chưa được bú đủ phân sẽ vón cục như đất sét, người ta gọi là phân trắng”, BS Ngọc Quyên chia sẻ.

[DAP]Tại chương trình, nhiều bậc phụ huynh gửi câu hỏi cho chuyên gia giải đáp. Với câu hỏi “khi nào bé có thể cai sữa”, BS Ngọc Quyên cho rằng, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau khi sinh, sau đó mới bắt đầu cho bé cai sữa dần. Tuyệt đối không cho bé cai ngay vì sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng và đề kháng của trẻ.

Với câu hỏi “sữa màu vàng đậm có phải nhiều chất dinh dưỡng hơn sữa có màu nhạt”, chuyên gia lý giải, sữa màu vàng đậm, thậm chí sánh lại thì nồng độ chất dinh dưỡng nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, cũng có thể do mẹ uống quá ít nước trong ngày gây tiết dịch ít, khiến sữa sánh lại. Vì vậy mẹ cần để ý hơn đến việc bổ sung nước cho cơ thể hàng ngày.[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X