Hotline 24/7
08983-08983

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Những thuốc gì có tiềm năng trở thành thuốc đặc trị cho virus SARS-CoV-2?

Những thuốc gì có tiềm năng trở thành thuốc đặc trị cho virus SARS-CoV-2? là vấn đề mong mỏi không chỉ của riêng người bệnh mà còn là của những thầy thuốc trong ngành Y. GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền - "cây đại thụ" của ngành nhiễm trùng giải đáp nhiều thông tin liên quan đến cơ chế hoạt động của virus SARS-CoV-2, miễn dịch trong cộng đồng, thuốc điều trị và vắc xin BCG trong công cuộc chống COVID-19.

Đây là chương trình "Truyền thông tư vấn bảo vệ sức khỏe phòng chống COVID-19" do Hội Y học TPHCM phối hợp với Kênh truyền thông AloBacsi thực hiện. Kính mời bạn đọc đón xem.

VIRUS SARS-CoV-2

1. Từ khi virus SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh tại Vũ Hán (Trung Quốc) đến nay là khoảng 4 tháng. Ban đầu, những hiểu biết của chúng ta về thuộc tính của virus này là dựa trên kinh nghiệm với “họ hàng” của nó từ những dịch bệnh trước đây. Vậy ở thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã chắc chắn những điều gì về thuộc tính của virus SARS-CoV-2, thưa GS?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: SARS-CoV-2 thuộc nhóm Coronavirus gây ra vụ dịch ở Vũ Hán và bây giờ lan ra khắp thế giới đối với các nhà khoa học không có gì xa lạ.

Coronaviruses là họ gồm các virus có bao, chứa RNA có cấu trúc di truyền khác nhau và gây nhiều bệnh cảnh cũng khác biệt nhau. Tên gọi corona là vì trên kính hiển vi điện tử virus hiện ra như quầng sáng quanh mặt trời (tiếng Latinh: corona). Coronavirus được tìm thấy nhiều ở loài dơi khắp trên thế giới nhưng cũng được tìm thấy ở những loài khác như chim, mèo, chó, heo, chuột, ngựa, cá voi và người. Đây là tác nhân gây bệnh đường hô hấp, đường ruột, gan, thần kinh và mức độ trầm trọng tùy theo loài vật bị nhiễm.

Thế kỷ 21 đã chứng kiến sự bùng phát của Coronavirus. Trước năm 2003 chỉ có 2 coronavirus gây bệnh trên người được biết đến là HCoV-229E và HCoV-OC43, cả hai đều được phát hiện vào năm 1960.

Tuy nhiên, đến năm 2003 chính nhóm virus này đã gây ra bệnh “Hội chứng hô hấp cấp trầm trọng SARS” có tên SARS-CoV được xác định sau khi gây tử vong cho hơn 800 người trên 30 quốc gia. Sau đó là HCoV NL63 năm 2004, HKU1 năm 2005. Đến năm 2012 gây ra Hội chứng Hô hấp vùng Trung Đông hay còn gọi là MERS-CoV.

Như vậy, không kể lần này thì trong quá khứ có 2 lần Coronavirus gây ra 2 trận dịch có thiệt hại về nhân mạng.

Trận dịch lần này, WHO đặt tên cho Coronavirus mới là SARS-CoV-2, trong đó SARS là có liên quan đến nhiễm trùng hô hấp nặng, CoV-2 tức là loại số 2.

Corona virus có 3 nhóm chính: alpha-coronavirus, beta-coronavirus và gamma-coronavirus. Virus SARS và SARS-CoV-2 đều thuộc nhóm beta nhưng khác nhau. Người ta đã so sánh cấu trúc đi truyền của SARS-CoV-2 và hai virus được phát hiện trước là HKU4 và HKU5 nhưng mức độ tương đồng chỉ <80% nên có thể kết luận đây là virus corona mới hoàn toàn.

GS Trần Tịnh Hiền cơ chế hoạt động của virus SARS-CoV-2

2. SARS-CoV-2 là virus RNA, nó khác virus DNA như thế nào ạ? Loại nào khó đối phó hơn? GS có thể kể tên những loại virus RNA và virus DNA thường gây bệnh cho con người?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Thực ra đó chỉ là nói về chất liệu di truyền của virus mà thôi. Những virus nào có chất liệu di truyền là axit ribonucleic thì gọi là ARN virus. Còn virus nào có chất liệu di truyền là axit nucleic thì gọi là DNA.

Cả 2 nhóm này đều gây bệnh cho người, chẳng hạn như ARN ngoài SARS thì có một virus khá quan trọng khác là sốt xuất huyết dengue cũng thuộc nhóm này, DNA cũng gây một số bệnh khác đối với người như viêm gan B.

DỊCH TỄ HỌC

3. Đã có ghi nhận một số trường hợp khỏi bệnh COVID-19, sau đó xét nghiệm dương tính trở lại khiến nhiều người lo lắng về việc virus SARS-CoV-2 biến đổi hay tiến hóa, trở nên nguy hiểm hơn. GS có nhận định như thế nào về vấn đề này ạ?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Vấn đề tái dương tính hiện nay chưa hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, nhà chuyên môn đưa ra một số giả thuyết:

Thứ nhất là về mặt kỹ thuật. Như chúng ta đã biết muốn tiến hành xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR thì lấy mẫu bằng cách phết vào họng. Ngay từ đây có thể đã có những thay đổi, nếu phết đúng vào chỗ có nhiều virus thì test dương tính, nếu phết trật thì sẽ âm tính.

Thứ 2 là vấn đề số lượng, nồng độ virus nhiều hay ít. Nếu nhiều như lần đầu, lần 2 nhiều virus thì dương tính, sau một thời gian nồng độ virus giảm đi thì có thể âm tính.

Thứ 3 là cũng là vấn đề của kỹ thuật, có thể xuất hiện những sai sót trong khâu kỹ thuật, ví dụ phòng xét nghiệm không cẩn thận để bị vấy bẩn, lần thứ 3 có thể bị ngoại nhiễm trong 1 phản ứng.

Ngoài ra, về vấn đề viurs diễn tiến như thế nào các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ. Chẳng hạn như khi virus xâm nhập vào cơ thể, phản ứng miễn dịch của chúng ta thế nào, có thể tiêu diệt được virus hay không, hay nó núp ở đâu đó trong tế bào để tìm kiếm thời gian xuất hiện lại.

Vì vây, câu hỏi này để trả lời ngay bây giờ thì có thể không chính xác, mà cần thời gian theo dõi bệnh nhân liên tục để xác minh lý do tại sao chữa khỏi, có kết quả âm tính sau đó lại dương tính.

Thực ra, trên nhiều nước tỷ lệ này rất cao, theo báo cáo có thể lên tới 15-20%. Tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trước đây cũng có báo động và bây giờ ở Việt Nam cũng đã xuất hiện thông tin bệnh nhân lúc âm tính lúc dương tính với virus.

MIỄN DỊCH CHÉO VỚI VẮC XIN PHÒNG LAO (BCG)

4. GS có thể cho biết thêm về hiện tượng “miễn dịch chéo”? Gần đây mọi người quan tâm nhiều đến thông tin những người từng tiêm phòng lao có thể khó bị bệnh COVID-19 hơn, điều này đã được xác thực chưa ạ?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Đây là vấn đề "hot" trong giới y học hiện nay, xuất phát từ 1 bài báo của một nhóm nghiên cứu ở Mỹ, người ta đưa ra nhận xét nhưng không giải thích. Nhóm nghiên cứu này cho rằng số lượng bệnh nhân và độ nặng của bệnh nhân ở những nước có chương trình phòng chống lao - chích ngừa lao bằng BCG thường thấp và nhẹ hơn ở các nước không có hoặc đã dừng chương trình chích ngừa lao, đặc biệt là những nước phát triển.

Ví dụ như ở châu Âu có Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức... là những nước không còn chương trình phòng chống lao phổ biến, chỉ chích ngừa cho một số đối tượng giới hạn, ngay cả Mỹ cũng vậy. Khi so sánh số lượng người mắc bệnh và số người bệnh nặng tử vong rõ ràng có sự khác biệt mang ý nghĩa. Tuy nhiên, để giải đáp về cơ chế thì rất khó bởi vì với những gì chúng ta hiểu biết thì chưa thể giải thích được hiện tượng này..

Hiện nay có khoảng hơn 10 bài báo về BCG và COVID-19, tuy nhiên vẫn chưa kết luận về vai trò của BCG ảnh hưởng lên COVID-19.

Chúng ta biết rằng, miễn dịch trong bệnh lao khi chích BCG là một miễn dịch tế bào, nói nôm na là huấn luyện các tế bào miễn dịch để chống lại các vi sinh vật xâm nhập vào. Nhưng đó là những gì chúng ta biết còn để giải thích hiện tượng này thì cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa.

Người ra đã so sánh 2 nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Đây là 2 quốc gia nằm sát nhau, trình độ kinh tế, văn hóa tương tự như nhau. Tây Ban Nha tỷ lệ mắc bệnh và tử vong rất cao, ngược lại Bồ Đào Nha thì tỷ lệ lại thấp. Người ta phát hiện ra điểm khác biệt duy nhất đó là Bồ Đào Nha vẫn còn tiến hành tiêm chủng lao cho toàn dân, trong khi Tây Ban Nha ngừng từ rất lâu rồi.

Mặc dù có hai nghiên cứu để đánh giá tác động có thể có của BCG trong phòng chống COVID-19, nhưng WHO đã tuyên bố không có bằng chứng rõ ràng về việc này và không khuyến cáo sử dung BCG như là phương tiện phòng COVID-19.

Hiện nay, trên thế giới cũng đang tiến hành các nghiên cứu xác minh tính hiệu quả cũng như cơ chế của BCG với COVID-19. Ở Việt Nam, theo tôi được biết sắp tới cũng sẽ nghiên cứu sử dụng vắc xin chống lao BCG trên khoảng 800 nhân viên y tế ở khu vực Hà Nội và TPHCM để đánh giá.

GS Trần Tịnh Hiền các thuốc gì có tiềm năng trở thành thuốc đặc trị COVID-19

MIỄN DỊCH CỘNG ĐỒNG

5. Miễn dịch cộng đồng - xin GS giải thích cơ chế của miễn dịch cộng đồng. Lợi ích và rủi ro khi áp dụng miễn dịch cộng đồng với bệnh COVID-19?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Câu chuyện miễn dịch cộng đồng hiện rất “đình đám” trên thế giới, nhất là tại Anh Quốc.

Miên dịch cộng đồng là quan niệm cho rằng khi một số đông thích hợp gồm các cá nhân có miễn dịch với một bệnh nhiễm mới nào đó thì có thể làm chậm lại hay chặn đứng sự lây truyền của bệnh đó.

Tôi lấy ví dụ cho dễ hiểu, chẳng hạn chúng ta có một tập hợp các viên bi đỏ đại diện cho người được miễn dịch và các viên bi xanh đại diện cho người chưa có miễn dịch trộn lẫn với nhau. Lúc này chúng ta thấy rằng viên bi xanh được bao bọc, bảo vệ bởi những viên bi đỏ đã có miễn dịch.

Vậy bao nhiêu cá nhân có miễn dịch thì tạo được miễn dịch cộng đồng? Thường thì có 2 cách:

Một là để tự nhiên, nghĩa là cứ để cho con người bị nhiễm bệnh, đến một mức nào đó (tùy theo khả năng lây của tác nhân) thì sẽ được xem là có miễn dịch cộng đồng.

Hai là chúng ta dùng vắc xin. Trong trường hợp tạo miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin thì cần tỷ lệ tiêm chủng đạt 83-90%. Nhưng chúng ta nên nhớ từ xưa đến nay chỉ có đậu mùa là được không chế thành công bằng tiêm chủng.

Kinh nghiệm chống COVID-19 từ nước Anh cho thấy, chính sách ban đầu của nước này chủ trương bảo vệ những người có nguy cơ cao như người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính để không bị nhiễm virus, còn những người khác như thanh niên, người trẻ tuổi thì để bị nhiễm tự nhiên để đạt được miễn dịch, và khi mức độ miễn dịch này tăng lên thì có miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lại có điểm rất nguy hiểm, đó là nếu để tự nhiên thì vấn đề lây lan của nó rất lớn, trung bình 1 người bệnh có thể lây cho 3-4 người khác. Như vậy, cần ít nhất là 75% dân số Anh phải bị nhiễm bệnh thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng. Khi đó, nếu tính ra thì số người không được miễn dịch rất lớn, tỷ lệ tử vong cao, ví dụ chỉ lấy tỷ lệ các trường hợp tử vong (CFR) là 0,5% thôi thì con số ở Anh có thể lên tới 1 triệu và ở Mỹ có thể lên tới 1-2 triệu người. Đây là con số khó có thể chấp nhận. Đó là lý do tại sao Chính phủ Anh phải từ bỏ kế hoạch tạo miễn dịch cộng đồng.

Tại Đức, người ta dùng biện pháp mềm dẻo để giữ cho số người mắc bệnh nằm trong khả năng của cơ sở y tế, giường bệnh, bác sĩ, trang thiết bị y tế để kiểm soát được, còn nếu số đó tăng lên thì ngoài việc áp dụng biện pháp vệ sinh thì sẽ giãn cách xã hội - như nước ta đang làm để giảm số lượng bệnh xuống.

Nói như vậy thôi nhưng thực hiện rất khó vì chúng ta không thể nào chủ động được, nếu vì lý do nào đó số lượng người mắc nhiều, quá sức chịu đựng của hệ thống y tế, thì sẽ "vỡ trận", bệnh nhân không được chăm sóc tốt và tử vong lớn.

Thành ra, miễn dịch cộng đồng bản chất là một khái niệm còn làm thế nào để thực hiện nó, bảo vệ cho dân chúng là vấn đề cần tính toán, là cái hay của những nhà quản lý y tế, rất khó chứ không dễ dàng. Hơn nữa, hiện nay SARS-CoV-2 chưa có vắc xin, nên chuyện đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin lại càng khó hơn.

6. Cũng có những dự đoán SARS-CoV-2 sẽ trở nên “thân thiện”, hay là “thuần” với con người. Theo GS điều này có thể xảy ra không, nếu xảy ra thì đòi hỏi những điều kiện gì và mất thời gian khoảng bao lâu ạ?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Đây không phải là chuyện mới lạ. Trong quá khứ, virus cúm H1N1 đã từng gây ra đại dịch những năm 1917-1918, đây được xem như là đại dịch đầu tiên ở trên thế giới gây tử vong ước định khoảng 50 triệu người, nhưng bây giờ H1N1 trở thành virus cúm thông thường quay trở lại mỗi năm.

Đối với SARS-CoV-2 người ta cũng đưa ra giả thuyết như vậy. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa hiểu rõ virus mới này như thế nào.

Một họ hàng gần gũi của nó là SARS-CoV (2003) đã biến mất 17 năm nay không thấy quay trở lại. Nhưng cũng nhóm virus đó gây ra MERS-CoV thì thỉnh thoảng vẫn còn ở xuất hiện ở Trung Đông và vẫn rất độc, gây tử vong cao lên đến 33%.

Như vậy, việc SARS-CoV-2 trở thành như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có miễn dịch cộng đồng. Nếu cộng đồng có miễn dịch cao (lâu ngày chúng ta có nhiều người nhiễm và có miễn dịch cộng đồng) hoặc có vắc xin thì dẫu cho virus có hiện diện cũng không thể gây được đại dịch hoặc bệnh nặng. Lâu lâu SARS-CoV-2  cũng có thể xuất hiện một vài trường hợp, hoặc nó biến mất một thời gian rồi quay trở lại, chúng ta hoàn toàn chưa nói trước được.

Cơ chế hoạt động của virus SARS-CoV-2 và hướng điều trị

ẢNH HƯỞNG CỦA NHIỆT ĐỘ VÀ THỜI TIẾT

7. Các tỉnh ở miền Nam xuất hiện mưa trái mùa khiến nhiều người lo ngại nhiệt độ xuống thấp và độ ẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu hơn ngoài môi trường. Điều này có đúng không ạ?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Như đã nói từ đầu, SARS-CoV-2 là virus mới, để hiểu hết nó cần có thời gian. Hiện nay, người ta tập trung tìm hiểu về nguồn gốc, nỗ lực tìm ra vắc xin, tập trung để điều trị hội chứng suy hô hấp cấp tính do COVID-19 cũng rất phức tạp nên chưa có nhiều thời gian để tìm hiểu các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm.

Nhưng tôi tham khảo thì thấy có 2-3 công trình nghiên cứu do các nhà khoa học Indonesia và Trung Quốc thực hiện và được đăng tải trên tạp chí y học quốc tế có uy tín thì thấy, nhiệt độ tối ưu để virus SARS-CoV-2 phát triển là từ 2-6 độ C, nhiệt độ càng tăng thì sự lây truyền của virus càng giảm, càng bị ức chế. Thứ hai là độ ẩm cũng có ảnh hưởng đến virus. Còn vấn đề mưa, gió thì cần có thêm thời gian để kết luận.

8. Nhân dịp này GS có thể kể lại vắn tắt quá trình khống chế dịch SARS năm 2003 như thế nào? Liệu dịch COVID-19 có được khống chế theo cách thức tương tự?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Năm 2003, phần lớn bệnh nhân nhiễm SARS của Việt Nam nằm ở Hà Nội, tại Bệnh viện Pháp Việt và sau đó qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ở TPHCM, lúc đó tôi đang làm bác sĩ ở khoa Nhiễm D - được chỉ định để tiếp nhận bệnh nhân SARS, nhưng tình hình lúc đó dễ dàng hơn nhiều so với bây giờ, số người bệnh không nhiều, phía Nam hầu như không có bệnh tử vong.

Chỉ có một số trường hợp như phải đối phó với một chiếc du thuyền muốn xin cập cảng Bến Nhà Rồng TPHCM, trên đó có một bệnh nhân người Đức lớn tuổi có triệu chứng ho sau khi ghé Hồng Kông. Cuối cùng Bộ Y tế và Sở Y tế chỉ định Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đến du thuyền khám cho bệnh nhân này và quyết định có nên cho cập cảng hay không. Hồi đó chúng tôi đến khám, và bằng kinh nghiệm điều tra bệnh sử cũng như các triệu chứng lâm sàng, đồng thời có Xquang, cuối cùng kết luận bệnh nhân này không nhiễm SARS, chiếc du thuyền được cập cảng an toàn.

Bây giờ khó khăn hơn. Rất nhiều du thuyền ở khắp thế giới có nhiều người nhiễm và tử vong do COVID-19, có chiếc lênh đênh cả tháng trên biển bởi nhiều quốc gia từ chối cập cảng. Vì thế tình hình của hai đại dịch SARS và SARS-CoV-2 là hoàn toàn khác nhau.

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền giải đáp về COVID0-19

ĐỈNH DỊCH VÀ DỊCH SẼ DIỄN TIẾN NHƯ THẾ NÀO?

9. Theo GS, Việt Nam có đỉnh dịch COVID-19 hay không? Đến khoảng tháng mấy Việt Nam sẽ khống chế được dịch bệnh này?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Theo dịch tễ học, sau một thời gian phát triển, số lượng bệnh sẽ tăng lên cao nhất - gọi là đỉnh dịch, và sau đó từ từ giảm. Nhiều quốc gia thiết kế các chiến lược đối phó đều dựa vào phương pháp mô hình lựa chọn Modeling, tức là dùng các thuật toán để tính toán, khi nào dịch sẽ đạt đỉnh, khi nào dịch bắt đầu giảm xuống.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, tất cả mọi nơi đều phụ thuộc vào biện pháp chống dịch. Ví dụ, nếu áp dụng các biện pháp cách ly xã hội, các biện pháp về bao vây phog toả tốt thì dịch có thể chậm lại hoặc thấp xuống. Theo dõi số bệnh ở Việt Nam, hiện là 268 ca, có thể thấy rằng có lẽ đợt này chúng ta đã qua đỉnh dịch. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, trong các đại dịch, nó không chỉ một lần mà nhiều đợt, gọi là đợt 1, đợt 2, nhiều khi đợt 2 còn nặng nề hơn đợt 1.

Thí dụ trước mắt là Singapore. Thời gian đầu, Singapore được đánh giá rất cao về các biện pháp chống dịch. Người ta đã tích cực các trường hợp dương tính, tìm những người tiếp xúc, thử test và điều trị. Singapore được ca ngợi như hình mẫu điển hình trong chống dịch. Nhưng bây giờ, số lượng ca nhiễm tăng lên rất nhiều. Đó là thí dụ rõ ràng trong vấn đề chống dịch không phải là ngày 1, ngày 2, 1 tuần, 1 tháng mà chúng ta phải theo dõi và cảnh giác, lúc nào nó sẽ trở lại và sẵn sàng đối phó. Bởi vì sau khi dịch kéo dài nhiều tháng, mọi người sẽ mệt mỏi và mất cảnh giác, điều đó sẽ lãnh hậu quả nặng hơn đợt 1.

10. Có ý kiến lo ngại dịch sẽ kéo dài đến mùa xuân năm sau mới có thể khống chế trên toàn cầu. Quan điểm của GS về vấn đề này? Còn tại các nước ôn đới thì đến tháng mấy dịch COVID-19 sẽ kết thúc? Kịch bản tốt nhất và xấu nhất theo cái nhìn của nhà khoa học?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Những nước nhiều ca nhiễm và tử vong như Ý, Tây Ban Nha đã qua đỉnh dịch, nhưng nên nhớ đó là đợt 1. Ngay ở Trung Quốc, sau khi gỡ phong tỏa Vũ Hán thì cũng được ghi nhận là giảm ca nhiễm, nhưng thời gian gần đây số lượng nhiễm đã tăng lại. Ở Mỹ, nhiều chuyên gia và lãnh đạo của họ đã phát biểu là qua đỉnh dịch, nhưng số lượng tử vong còn nhiều. Đó là những nước hiện nay đang dẫn đầu về số ca nhiễm và tử vong.

Ở châu Phi chưa có nhiều thông tin, và số lượng bệnh cũng chưa nhiều. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là không biết ở Phi châu tình hình dịch sẽ như thế nào? Bởi vì ở Phi châu có hệ thống y tế và tài nguyên không bằng ở phương Tây và châu Âu. Như vậy, nước virus SARS-CoV-2 tấn công thì hậu quả sẽ nặng nề hơn nữa. Chúng ta luôn ở trong tình trạng thường trực và cảnh giác, không thể nói là dịch chấm dứt được.

Đúng là có nhiều nghiên cứu nói rằng những biện pháp phòng ngừa cũng như giãn cách xã hội đôi khi phải kéo dài tận năm 2021 nếu tình hình chưa cho phép và chúng ta lơi lỏng để tránh vấn đề chúng ta bị tấn công bằng những đợt tiếp theo của loại virus này.

Kịch bản tốt nhất và xấu nhất tùy theo tình hình từng nước. Ví dụ, trong giai đoạn 1 Việt Nam có thể nói là đã thành công trong việc kiểm soát, nhưng những tháng về sau như thế nào thì chưa biết, bởi nếu chúng ta lơi lỏng các biện pháp có thể dịch trở lại và gây thiệt hại nặng hơn. Nhưng đồng thời, không thể cứ áp dụng biện pháp ở nhà liên tục và không làm việc, vấn đề cuộc sống, kinh tế… cần phải cân nhắc và có những bước tiếp theo phù hợp để vừa duy trì cuộc sống vừa phòng chống dịch.

Còn những nước khác, cũng tùy theo cách đối phó của họ. Ví dụ chúng ta có thể chờ đợi những gì tiếp theo sẽ xảy ra ở Mỹ. Có nhiều bang đã bắt đầu mở cửa trong khi tỷ lệ tử vong chưa giảm nhiều, hay những nước ở châu Âu cũng vậy… Rất khó nói một điều chung cho toàn thế giới, mà tùy tho vùng, tùy theo nước, tùy theo đặc tính, tùy theo biện pháp đối phó của họ như thế nào…

CUỘC SỐNG VÀ SINH HOẠT SAU DỊCH

11. Thưa GS, cuộc sống và sinh hoạt sau dịch này sẽ trở lại bình thường hay từ nay đánh dấu một sự thay đổi lớn trong cách sinh hoạt như việc đeo khẩu trang, rửa tay vẫn nên áp dụng sau dịch, đề phòng nguy cơ cho dịch tái phát?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Khi dịch đang bùng phát dữ dội người ta đã tiên đoán sau khi dịch COVID-19 có lẽ cuộc sống sẽ có những thay đổi, có thể kéo dài hoặc vĩnh viễn. Trước hết chúng ta nói đến thói quen. Chẳng hạn như việc bắt tay, chào hỏi nhau, hội họp. Ở thời điểm này chúng ta chưa thể bỏ được. Bây giờ đâu thể ra đường mà không đeo khẩu trang, mặc dầu 10, 15 ngày, thậm chí 1 tháng không ghi nhận ca nhiễm mới, bởi vì chúng ta đâu thể biết được con virus đang lảng vảng ở đâu đó.

Thứ hai, nếu chúng ta giảm bớt cách ly xã hội, giao thương giữa các thành phố lớn, giữa các nước trở lại, như vậy có thể có những người bệnh xâm nhập trở lại từ nước ngoài về. Nếu chúng ta không giữ được những biện pháp tối thiểu về cá nhân cũng như chuyện đeo khẩu trang thì vấn đềchúng ta bị bệnh lại rất dễ dàng. Và khi đã có người bệnh thì chuyện lây lan là không tránh khỏi.

Phải nhắc lại một điều là virus SARS-CoV-2 lây rất nhanh. Có nhiều nước thất bại là do không ngờ tốc độ lây lan của nó. Vì vậy, chuyện bàn về vấn đề sau dịch ở thời điểm này là hơi sớm bởi dịch thật sự chưa chấm dứt và chúng ta cần luôn luôn để ý và cảnh giác.

ĐỘNG VẬT NHIỄM

12. Vài trường hợp động vật dương tính với SARS-CoV-2 như một hổ trong vườn thú ở New York, chó và mèo tại Hồng Kông, Bỉ. Như vậy, liệu có xảy ra khả năng lây nhiễm virus này từ người qua vật nuôi hay ngược lại không, thưa GS?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Coronavirus là một họ virus khá lớn một số gây bệnh cho người một số gây bệnh cho động vật. Có những virus gây bệnh cho động vật rồi có thể lây sang người. SARS-CoV-2 được cho là từ động vật (dơi?) truyền sang người.

Ví dụ con hổ trong vườn thú ở New York, theo điều tra được biết rằng một số người chăm sóc nó đã bị nhiễm ở Mỹ. Ngoài ra ở một số nước khác, mèo ở Hồng Kông hay Bỉ, khuyến cáo ngay cả với động vật, những lọa thú được nuôi trong nhà cần được bảo vệ giống như người, bởi một người nhiễm bệnh có thể lây virus cho động vật như mèo, chó, ngay cả hổ, vì vậy chúng ta cần theo dõi. Hiện không có bằng chứng cho thấy virus từ động vật gần người như chó mèo lây sang người.

CÁC THUỐC ĐẶC TRỊ COVID-19

13. Các thuốc kháng virus trước nay tác động lên virus theo những cơ chế nào, thưa GS? Đến nay thì thuốc kháng virus nào tỏ ra hiệu quả nhất trong việc điều trị các bệnh gây ra do virus? Vì sao việc chế tạo thuốc đặc trị virus SARS-CoV-2 khó khăn, mất nhiều thời gian vậy ạ?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Thuốc điều trị SARS-CoV-2 đang rất phổ biến trong thời điểm hiện nay. Có một nhà khoa học đã từng nói: Anh có thể chỉ cho tôi một loại thuốc trong phòng thí nghiệm không có tác dụng đối với SARS-CoV-2? Thật ra có rất nhiều loại thuốc trong phòng xét nghiệm (nuôi cấy, thử nghiệm) rất nhiều loại thuốc  có tác dụng, nhưng vấn đề là khi sử dụng trên người thì có tác dụng không.

Chuyện nóng đầu tiên là thuốc sốt rét Chloroquine, nhưng không chỉ riêng Chloroquine, Mefloquine cũng được chứng tỏ là có tác dụng trên SARS-CoV-2. Thêm nữa, Ivermectin cũng là loại thuốc được sử dụng trong sốt rét và một số loại ký sinh trùng đã được chứng minh. Nhưng Chloroquine là “đình đám” nhất, bởi nó đã được thử trên người ở Pháp và được cho là có tác dụng.

Hiện ở Mỹ, mặc dù phản đối ở trên phương diện truyền thông, báo chí, nhưng hầu hết các bác sĩ đều sử dụng Chloroquine và Azithromycin, thêm chất (Zinc Sulfate+Vit.C) để điều trị bệnh nhân. Tổ chức Y tế thế giới đã triển khai nghiên cứu gồm 4 nhóm thuốc, trong đó có Chloroquine và dẫn chất của nó là Hydroxychloroquine đang thử.

Ở Việt Nam, đa số là Chloroquine. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm trên lâm sàng, và một số cơ sở y tế khác. Hiện nay chưa thấy có công bố nào về những công trình có so sánh: tức là có một nhóm dùng Chloroquine và một nhóm điều trị thông thường. Chúng ta chỉ nghe những báo cáo của những bác sĩ điều trị, và cần chờ kết quả của WHO bởi số lượng bệnh lớn và những nghiên cứu của các trường đại học được thiết kế đúng đắn, đưa ra những kết luận đáng tin cậy.

Thứ hai, Remdesivir là thuốc tiêm. Đầu tiên người ta sử dụng thuốc này trong Ebola nhưng thời gian thử nghiệm chưa được bao nhiêu. Khi xảy ra dịch này, thuốc này cũng được đưa ra thử nghiệm. Remdesivir có tác dụng hứa hẹn hơn bởi có một nghiên cứu có sử dụng thuốc này trên những người bị bệnh COVID-19 nặng (80% bệnh nhân COVID-19 là nhẹ, 15% là nặng, 5% là rất nặng là phải nhập vào phòng Chăm sóc tăng cường - ICU). Người ta đã lựa chọn nhóm bệnh nặng để điều trị, tức là những người này đã có tổn thương, suy hô hấp, kết quả cho thấy khá tốt. Tuy nhiên cũng phải chờ các nghiên cứu so sánh mới kết luận rộng rãi.

Ngoài ra còn một số thuốc khác,  ví dụ như thuốc của Nhật (favipiravir - tên thương mại là Avigan) thường được sử dụng để chữa cúm, nhưng được biết là có tác dụng, nhưng FDA của Mỹ chưa công nhận, nghĩa là phải chờ các kết quả nghiên cứu lâm sàng có so sánh mới tin cậỵ.

Ivermectin cũng được FDA chứng minh có tác dụng trong phòng xét nghiệm nhưng có tác dụng trên người hay không phải chờ nghiên cứu lâm sàng. Cũng như 2 loại thuốc chữa HIV, nhưng đã có công trình công bố trước rồi, và tác dụng cũng không được như ý.

NHẬN XÉT VỀ CHỐNG DỊCH Ở VIỆT NAM

14. Việt Nam nằm giáp Trung Quốc, nơi dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên, nhưng đến nay mới có 268 ca nhiễm và chưa trường hợp nào tử vong, trong khi các láng giềng khác ghi nhận hàng nghìn bệnh nhân. Đánh giá của cá nhân ông, đâu là điểm sáng trong chống dịch tại Việt Nam, chúng ta còn cần ưu tiên vào các biện pháp nào tiếp tục?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Chúng ta sắp sửa vượt qua giai đoạn 1 rất thành công, nhưng virus SARS-CoV-2 cũng như đại dịch chưa chấm dứt, do đó sắp tới cũng như Chính phủ đã có kế hoạch xây dựng lộ trình trở lại sống chung với SARS-CoV-2 như thế nào thì đã được Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 soạn thảo yêu cầu. Ví dụ mở cửa nhưng phải theo tuần tự, có lộ trình rõ ràng.

Cần nói thêm tất cả những biện pháp của Nhà nước và Bộ Y tế rất được người dân ủng hộ. Từ đầu vụ dịch chúng tôi đã có thông tin được phổ biến, tức là khi được hỏi câu hỏi: Theo anh/ chị, Chính phủ mỗi nước đã làm đầy đủ, thiếu hay dư các biện pháp chống dịch? Một cơ quan truyền thông thăm dò của Đức đã cho kết quả: Việt Nam đứng số 1 về tỷ lệ trên 60% dân số ủng hộ các biện pháp của Nhà nước. Chỉ có một số ít trả lời là làm quá và một số ít nói là làm thiếu. Qua đó có thể thấy rằng những biện pháp được đưa ra  là phù hợp. Một trong những yếu tố thành công là được người dân ủng hộ.

Vẫn có thể thấy hằng ngày ở các nước khác, như ở Mỹ, nhiều người dân đổ ra đường biểu tình chống cách ly, hay ở châu Âu, các chính sách đưa ra thường xuyên thay đổi. Nhưng ở Việt Nam rất thống nhất. Đó là yếu tố giúp chúng ta thành công trong vấn đề đối phó với đại dịch COVID-19.

15. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là nơi phân lập thành công virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia phân lập thành công chủng virus này. Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu sự thay đổi của virus SARS-CoV-2. Đánh giá của GS về đóng góp này trong việc góp phần khống chế dịch của thế giới?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Vấn đề cấy thành công là một bước tiến cho thấy khả năng của phòng xét nghiệm tại Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề cấy này cũng có nhiều sự kiện không chỉ riêng Viện Vệ sinh Dịch tễ cấy được, mà các phòng xét nghiệm về virus cũng cấy được. Nhưng theo quy định của Bộ Y tế chỉ có Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương mới được tiến hành việc nuôi cấy này, bởi khi cấy virus ra phải rất cẩn thận, phải trong phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3, đề phòng việc lây laẩn bên ngoài.

Tất nhiên, khi nghiên cứu về virus học, việc cấy là cần thiết để hiểu thêm. Ví dụ, để đánh giá kháng thể của loại virus này có trung hòa được không, thì cấy mới làm được việc đó. Đó là một bước mà phòng xét nghiệm phải làm nếu muốn nghiên cứu sâu về virus này.

16. Giáo sư có những chia sẻ nào giành cho quý vị khán giả không ạ?

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền: Hiện nay thông tin về SARS-COV-2 rất nhiều và nhiễu loạn, vì vậy chúng ta cần cảnh giác. Khi nghe những thông tin cần kiểm chứng nó được xuất phát từ nguồn nào, đáng tin cậy hay không, ví dụ như những nguồn chính thống từ Bộ Y tế, các cơ quan nghiên cứu, các bệnh viện; những thông tin về virus cũng như thuốc hoặc các vấn đề khác để chúng ta có thể tiếp tục việc phòng chống đại dịch một cách hiệu quả. Bởi, nhiều khi đại dịch không nguy hiểm, mà chính những tin giả, fake news về đại dịch mới nguy hiểm.

Trân trọng cảm ơn GS!

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM (bìa phải) trao hoa và thư cảm ơn đến GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền

Trân trọng cảm ơn Hội Y học TPHCM và GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Mời bạn đọc xem lại chương trình livestream cùng GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền TẠI ĐÂY.

[DAP]

Đôi nét về GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền

GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền tốt nghiệp Đại Học Y Dược TPHCM năm 1978 và nhận bằng Tiến sĩ tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford và Đại học Mở Vương quốc Anh năm 2004.

Ông làm Giáo sư thỉnh giảng về Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Oxford và là thành viên của Bác sĩ Hoàng gia Anh Quốc từ năm 2004.

Từ năm 2008, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền là Thành viên Ban đánh giá về đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học trên người Bộ Y Tế và từ năm 2010, ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc Nghiên cứu Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại Học Oxford Anh Quốc.

Trước đó, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền công tác tại Bệnh viện Chợ Quán, nay là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới từ năm 1978. Ông kinh qua nhiều vị trí quan trọng của bệnh viện, đầu tiên là Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, sau đó vào năm 1985 là Trưởng khoa Sốt rét và vào năm 1987 là Trưởng phòng Y vụ. Ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc vào năm 1989.

Năm 2011, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền được Hiệp hội Hoàng gia về Y tế và Vệ sinh Nhiệt đới trao Huy chương Mackay năm 2010 vì những thành tích nổi bật trong điều trị các bệnh lây nhiễm tại Việt Nam.

Giáo sư dành cả đời để nghiên cứu chống lại bệnh sốt rét và là một trong những người đi đầu trong cuộc chiến chống SARS, cúm A/H5N1 tại Việt Nam. Ngoài ra, ông còn đóng góp nhiều tài liệu quý giá cho nền y tế nước nhà cũng như quốc tế về bệnh lao phổi, bệnh viêm màng não, bệnh bạch hầu, bệnh dịch hạch.

Chỉ tính riêng các báo cáo ở hội nghị quốc tế, ông đã tham gia vào 53 bài thuyết trình, chủ yếu về bệnh sốt rét. Ngoài ra, ông còn là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 200 ấn phẩm.

Nhiều thế hệ sinh viên Y khoa được GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền giảng dạy, hướng dẫn trân trọng gọi ông là “bậc thầy của những người thầy”. Trong số những người từng được ông hướng dẫn, nay đã trở thành những bác sĩ giỏi, kế thừa và phát huy tốt những thành tựu y học nước nhà.

[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X