Các mẹ luôn luôn đảm bảo lá tắm phải được rửa thật sạch, ngâm qua nước muối loãng trước khi nấu nước hoặc xay/giã để tắm cho con để loại bỏ vi khuẩn, các loại sâu gây ngứa và lông tơ trên lá, tránh gây kích ứng làn da non nớt của bé. Nếu không, đôi khi việc tắm lá có thể phản tác dụng vì khiến bé bị nhiễm trùng và gây biến chứng khó lường.
Tuyệt đối không tắm lá cho con khi da bé bị tổn thương như trầy xước, mưng mủ, sưng tấy... vì da bé lúc này đã mất đi lớp màng bảo vệ, trong khi 1 số loại vi khuẩn bám trên lá tắm vẫn còn sống dù có đun sôi nước. Khi đó, nguy cơ nhiễm khuẩn từ lá tắm sẽ tăng lên và gây nguy hiểm cho con.
Để đạt hiệu quả tốt nhất, mẹ nên tắm qua cho con bằng nước ấm trước để loại bỏ chất nhờn và bụi bẩn trên da, sau đó mới tắm nước lá và cuối cùng là "tắm tráng" lần nữa bằng nước sạch để loại bỏ lượng bột lá có thể bám trên da.
Không lạm dụng các loại lá tắm như đun nước quá đặc, tắm lá liên tục nhiều ngày, vắt nhiều chanh/muối vào nước tắm,... vì bột lá có thể đọng nhiều trên da gây viêm da, nhiễm khuẩn,... Hơn nữa, nước tắm pha nhiều chanh/muối có thể kích ứng da bé, khiến bé bị xót, rát da.
Mẹ cũng lưu ý, sau khi tắm xong nên lau khô người cho bé, mặc quần áo thoáng mát với chất liệu cotton, hạn chế cho con ra nắng và cố gắng giữ nhiệt độ phòng mát mẻ. Không cho trẻ ăn nhiều đồ nóng, không lạm dụng các loại kem dưỡng ẩm vì có thể gây bít lỗ chân lông khiến tình trạng viêm trầm trọng hơn. Trong trường hợp thấy da con có dấu hiệu sưng tấy, mưng mủ,... cần cho con đi khám bác sĩ để được tư vấn cách điều trị tốt nhất.
Khi tự ý tắm các loại lá cho trẻ như lá sài đất, lá chân vịt, lá cây khúc tần, lá khế, lá tre, ngải cứu, lá lốt, trầu không,... - nhữngloại lá này thường mang trong mình nhiều vi khuẩn, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng…. Các mẹ nên nhớ rằng dù có rửa qua nước và đun sôi thì cũng không hết được.
Các mẹ cũng thường mắc phải những sai lầm là không bao giờ hỏi xem nguồn gốc của những loại lá từ đâu và dùng nó vào những việc gì cho thích hợp:
+Mẹ không thể chắc chắn lá có bị nhiễm thuốc trừ sâu hoặc thuốc kích thích hay không.
+ Mẹ tin rằng nước sôi có thể diệt được vi khuẩn nhưng thực tế lại không thể.
+ Mẹ tưởng rằng cây cỏ có tác dụng trị một số bệnh thì cũng thích hợp để bạn dùng tương tự cho da trẻ sơ sinh.
+ Mẹ không nghĩ rằng những vết lở, chốc, viêm... của con là con đường dễ dàng cho mọi vi khuẩn xâm nhập.
+ Mẹ chưa biết da trẻ sơ sinh vô cùng nhạy cảm với mọi tác nhân tiếp xúc bề mặt.
Các phương pháp tắm lá đều là một bài thuốc, hậu quả gây ra là do người sử dụng quá tùy tiện và không biết rõ nguồn gốc của các loại lá mình dùng.
Do đó, để tránh mang lại phiền phức cho bé, thậm chí là những di chứng suốt đời, mẹ nên tắm trẻ theo quy trình chuẩn bằng nước ấm thông thường, không nên dùng lá pha nước tắm cho trẻ một cách tùy tiện.
Nếu thấy da bé nổi mẩn đỏ bất thường và có dấu hiệu lan trên diện rộng nên đưa bé đến khám da liễu nhi để được điều trị kịp thời.
Bạn có thể hỏi thêm ý kiến của các bác sĩ Đông y để biết loại lá nào phù hợp cho trẻ sơ sinh cũng như liều lượng dùng mỗi lần tắm là bao nhiêu để dùng cho đúng. Trong đó bao gồm cả việc kỹ thuật pha nước và quy cách tắm.
Về quy trình tắm cho bé, bác sĩ cũng lưu ý vài điều để tắm bé đúng cách, đó là: - Sát trùng tay bằng cồn 70 độ trước khi tắm cho bé, cắt móng tay để tránh làm tổn thương da bé + Pha nước ấm trên dưới 37 độ, phòng kín gió, ấm áp. - Nhẹ nhàng rửa mặt, tai, mũi, cổ trước khi tắm bằng muối sinh lý và khăn mặt bằng vải xô, bông băng, tăm bông. - Tắm từ chỗ sạch nhất đến chỗ bẩn hơn (những chỗ có nếp gấp, bộ phận sinh dục) - Nên lau rửa nhẹ cho bé từ trước ra sau để tránh nhiễm trùng, riêng bé trai thì rửa nhẹ nhàng tránh tuột bao quy đầu. - Lau khô người bé bằng khăn bông mềm rồi quấn khăn bông khô vào người bé để bé không bị lạnh. |