Hotline 24/7
08983-08983

Những đứa trẻ sợ ánh sáng

Bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, bé Chiến (5 tuổi, Phú Yên) rất sợ ánh sáng nên không thể chạy nhảy, nô đùa ngoài trời như bao bạn cùng trang lứa.

Mỗi khi nhìn ánh sáng mặt trời, cậu bé lại đau mắt, kèm theo cơn đau buốt ở đầu.

Từ khi con mới lọt lòng mẹ, chị Hờ Chệt (mẹ Chiến) đã thấy mắt con không bình thường. Trong đôi mắt ấy chỉ thấy hai đốm trắng chứ không phải màu đen của đồng tử.
 
Dù biết mắt con khác thường, nhưng vì không có điều kiện, chồng lại bỏ đi khi cậu bé mới được vài tháng tuổi nên chị không thể đưa con đi chữa trị. Cũng vì thế suốt 5 năm đầu, cậu bé phải sống chung với nỗi ám ảnh sợ ánh sáng.

“Nếu có thể làm bất cứ điều gì để con có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác thì tôi sẽ làm. Chỉ mong con có thể đến trường, đi học, nếu không thì nó sẽ phải suốt đời sống trong cảnh đói nghèo như mình bây giờ. Đến chữa mắt cho con mà cũng không có tiền", chị Hờ Chệt chia sẻ.

Tuy nhiên, may mắn cuối cùng đã đến với cậu bé khi có một tổ chức từ thiện nhận mổ miễn phí. Cũng nhờ thế, bé đã có thể nhìn như bình thường và có thể đến trường đi học. Ước mơ của Chiến là sau này trở thành bác sĩ để giúp đỡ những đứa trẻ khác.

BS Vũ Thị Thanh, Giám đốc BV Mắt Hà Nội cho biết, nhiều người vẫn nghĩ chỉ những người bước vào tuổi 50, 60, cơ thể bắt đầu lão hóa thì mắt mới bị bệnh đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, thực tế ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể là nạn nhân của căn bệnh gây mù lòa hàng đầu này.

Thông thường thấu kính của mắt là một cấu trúc trong suốt, tập trung ánh sáng nhận được từ mắt tới võng mạc. Còn với bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh đó là những đám mây trong thấu kính của mắt, có từ lúc trẻ chào đời. Bệnh có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên.

Sau khi mổ, cha mẹ cần đưa con đi tái khám đúng theo hẹn của bác sĩ để phát hiện
sớm các biến chứng có thể xảy ra. Ảnh: P.N

Chứng bệnh khiến ánh sáng không vào đến được võng mạc, gây mờ mắt. Tùy mức độ đục thủy tinh thể mà thị lực bị giảm nhiều hoặc ít. Nếu trẻ bị đục thủy tinh thể ở cả 2 mắt từ lúc sinh thì sự suy giảm thị lực khiến trẻ gần như không ý thức được thế giới xung quanh mình, bác sĩ Thanh cho biết.

Cũng theo bác sĩ, với căn bệnh này, việc phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng. Nếu không trẻ có thể bị mù vĩnh viễn, không thể phục hồi được.

Nếu để ý cha mẹ hoàn toàn có thể phát hiện ra bệnh ở trẻ ngay từ lúc sinh mà không cần một thiết bị quan sát đặc biệt. Biểu hiện rõ nhất của bệnh chính là đám mây trong thủy tinh thế giống như một đốm trắng, ngược với màu đen của đồng tử. Với trường hợp có kèm theo rung giật nhãn cầu thì cử động mắt nhanh không bình thường.

Khi đục thể tinh thể còn ít, chưa ảnh hưởng đến thị lực thì trẻ chưa cần điều trị, chỉ cần khám theo dõi định kỳ. Nếu đục thể tinh thể ảnh hưởng một phần thị lực, cần điều trị với kính hoặc điều trị nhược thị. Khi đục tinh thể nhiều gây mờ mắt, ảnh hưởng đến việc học của trẻ thì cần phải phẫu thuật.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, đa số các trường hợp bệnh không tìm được nguyên nhân cụ thể. Đó có thể do di truyền, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa hay phối hợp với các bệnh lý toàn thân khác.

Để phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh ở trẻ, cha mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu như mắt không có ánh hồng khi chiếu đèn vào, soi thấy có ánh trắng trong mắt. Khi thấy đồng tử của 1 hoặc 2 mắt trẻ xuất hiện đốm mây trắng, gia đình có người bị rối loạn di truyền, có thể gây đục thủy tinh thể thì nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt.

Điều quan trọng là sau khi mổ, trẻ vẫn cần được đi tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ; đồng thời để phát hiện và điều trị các biến chứng có thể xảy ra làm mờ mắt như: đục bao sau, tăng áp, tật khúc xạ, nhược thị. Đặc biệt cần cho trẻ đi khám ngay khi mắt đau, nhức, đỏ, mờ đột ngột.

Theo Phương Trang - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X