Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần lưu ý để phụ nữ mắc lupus ban đỏ mang thai an toàn, sinh con khỏe mạnh

Phụ nữ mắc lupus ban đỏ hệ thống thường lo lắng về sự an toàn của con mình khi quyết định mang thai. Vậy làm thế nào để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn trong bệnh lý phức tạp này? Những vấn đề xoay quanh sẽ được giải đáp từ góc nhìn của PGS.TS.BS Hoàng Thị Lâm, công tác tại Đơn vị Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

1. Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có thể mang thai và sinh con bình thường

Lupus ban đỏ hệ thống có phải là chống chỉ định tuyệt đối mang thai và sinh con hay không, thưa PGS?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Lâm trả lời: Vào những năm 50 của thế kỷ trước, hầu hết các bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống được khuyên không nên lập gia đình, nếu lập gia đình thì không nên có thai. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều bệnh nhân lupus ban đỏ có thai 1 con, 2 con, thậm chí 3 con. Như vậy, mang thai không phải là chống chỉ định đối với bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống.

2. Những rủi ro cần biết khi phụ nữ mắc lupus ban đỏ mang thai

Nguy cơ, rủi ro nào khiến phụ nữ mắc lupus ban đỏ phải đối diện nếu họ chấp nhận mang thai và sinh con? Chị em phụ nữ cần cân nhắc vấn đề nào trước khi đưa ra quyết định này, thưa BS?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Lâm trả lời: Phụ nữ mắc lupus ban đỏ có thể mang thai và sinh con hoàn toàn khỏe mạnh như những phụ nữ bình thường. Tuy nhiên trong quá trình mang thai, bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống sẽ đối mặt với nhiều vấn đề:

Em bé của bà mẹ lupus ban đỏ có thể chậm phát triển trong tử cung, có thể sinh non, sảy thai, lưu thai.

Khi người mẹ chưa được chuẩn bị sức khỏe tốt, dùng nhiều thuốc, em bé phải chịu những tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy, vấn đề phát triển của em bé sẽ không tốt.

Người mẹ có thể xuất hiện tiền sản giật, các đợt cấp của bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

3. Bệnh nhân lupus ban đỏ cần chuẩn bị những gì trước khi quyết định mang thai?

Để khuyên người phụ nữ lupus ban đỏ hệ thống có nên mang thai không cần dựa vào những yếu tố nào, thưa BS?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Lâm trả lời: Việc này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Thứ nhất, bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống nên chuẩn bị kinh tế tốt, đảm bảo trong quá trình mang thai có thể thoải mái về kinh tế.

Thứ hai, bệnh nhân cần đảm bảo có nền tảng gia đình tốt, em bé được sinh ra trong gia đình được yêu thương, hạnh phúc.

Thứ ba, nếu muốn có thai, bản thân người mẹ phải có sức khỏe tốt, trong giai đoạn bệnh ổn định, ít tổn thương nội tạng, ít dùng thuốc nhất. Như vậy mới nên có thai để em bé được sinh ra khỏe mạnh.

4. Bệnh nhân lupus ban đỏ nên mang thai khi bệnh ổn định ít nhất 6 tháng

Đối với phụ nữ mắc lupus ban đỏ hệ thống có ý định mang thai cần kiểm tra sức khỏe như thế nào? Đâu là giai đoạn tốt nhất để người bệnh bắt đầu thai kỳ, thưa PGS?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Lâm trả lời: Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống nên mang thai trong giai đoạn bệnh ổn định ít nhất 6 tháng. Khi đó, người bệnh có ít triệu chứng nhất, nếu có triệu chứng thì cũng là triệu chứng nhẹ nhất, dùng thuốc ít nhất, liều thấp nhất. Khi đó người mẹ ít chịu tác động của bệnh, em bé cũng ít chịu ảnh hưởng từ bệnh của mẹ cũng như từ thuốc mà người mẹ đang dùng.

5. Thuốc điều trị lupus ban đỏ có ảnh hưởng đến thai nhi?

Thuốc điều trị lupus ban đỏ hệ thống liệu có ảnh hưởng đến thai kỳ hay không? Phương pháp điều trị bệnh này trong thời gian mang thai là gì, thưa BS?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Lâm trả lời: Thuốc là hóa chất, là con dao hai lưỡi. Nó tác huy mặt tốt đối với bệnh, tuy nhiên nó cũng có nhiều tác dụng phụ. Khi mang thai, bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân dùng thuốc ở mức thấp nhất. Với bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống cũng vậy, nên hạn chế dùng thuốc.

Trong trường hợp bệnh nhân lupus ban đỏ mang thai nhưng vẫn dùng thuốc, bác sĩ sẽ chọn thuốc an toàn cho mẹ bầu. Thuốc an toàn hiện nay có Methylprednisolone, Prednisolone, Hydroxychloroquine. Tuy nhiên chỉ an toàn khi dùng liều thấp, khi dùng liều cao thuốc sẽ qua được hàng rào nhau thai gây ảnh hưởng đến em bé. Ví dụ steroid có thể gây suy thượng thận ở em bé, khiến trẻ nhẹ cân, kém phát triển trong tử cung.

Quan trọng nhất, bệnh nhân nên tuân thủ theo thuốc cần dùng của bác sĩ, chuẩn bị giai đoạn bệnh ổn định nhất mang thai để em bé phát triển tốt dù mẹ có phải dùng thuốc hay không.

6. Tần suất khám thai trên bệnh nhân mắc lupus ban đỏ thế nào?

Tần suất khám thai của phụ nữ lupus ban đỏ có khác gì so với phụ nữ bình thường không, thưa BS?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Lâm trả lời: Người xưa có câu “chửa là cửa mả”. Vì trong quá trình mang thai có nhiều điều khó nói, những biến cố có thể bất ngờ xảy ra.

Đối với phụ nữ lupus ban đỏ trong quá trình mang thai càng có nhiều điều cần để tâm. Để giảm thiểu những biến cố bất ngờ, bệnh nhân nên khám bác sĩ thường xuyên, khám theo hẹn của bác sĩ. Việc khám như bình thường hay tăng lên phụ thuộc vào từng người bệnh.

Ví dụ người đang trong đợt cấp nặng cần khám tăng lên, còn những người trong giai đoạn bệnh ổn định thậm chí 2-3 tháng mới khám một lần. Như vậy phụ thuộc vào người bệnh, mức độ nặng cũng như tổn thương các cơ quan mà người bệnh lupus ban đỏ mang thai đang có.

7. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu có lupus ban đỏ?

Chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng cho phụ nữ lupus ban đỏ mang thai cần lưu ý những gì? Nên tăng cường và hạn chế chất gì, thưa BS?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Lâm trả lời: Bản thân người mẹ phải có chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng, đầy đủ vi chất để thai nhi phát triển tốt. Mẹ bầu mắc lupus ban đỏ nên có chế độ ăn lành mạnh, ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe, chống oxy hóa, các thức ăn lành mạnh có vai trò chống viêm. Bổ sung thực phẩm đầy đủ dưỡng chất, như ăn nhiều rau, hoa quả, ăn nhiều chất béo chưa bão hòa, chất béo thực vật, dầu thực vật, chất béo từ cá.

Bệnh nhân lupus ban đỏ phải tránh nắng nên không thể nhận vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Vì vậy, cần tăng cường thực phẩm chứa canxi, vitamin D để tạo xương cho em bé. Bệnh nhân dùng Corticoid còn làm giảm khả năng hấp thu canxi từ đường tiêu hóa, từ thận, từ xương.

Nên tránh thức ăn chứa chất béo bão hòa, thức ăn chứa nhiều đường, muối. Đặc biệt bệnh nhân có bệnh tim mạch, bệnh thận càng phải lưu ý chế độ ăn chặt chẽ giảm đạm, giảm nước, giảm muối theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nên thận trọng thực phẩm tăng cường miễn dịch, tăng viêm, ví dụ như rau mầm linh lăng, tỏi cho bệnh nhân lupus ban đỏ nói chung và bệnh nhân lupus ban đỏ đang mang bầu.

8. Bệnh nhân lupus ban đỏ nên sinh thường hay sinh mổ sẽ tốt hơn?

Thưa PGS, bệnh nhân lupus ban đỏ nên sinh thường hay sinh mổ sẽ tốt hơn? Thời gian sinh có khác với người phụ nữ bình thường hay không ạ?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Lâm trả lời: Vấn đề này không chỉ riêng bệnh nhân lupus ban đỏ thắc mắc mà mẹ bầu bình thường cũng rất quan tâm. Việc sinh thường hay sinh mổ nên để bác sĩ sản khoa quyết định tại thời điểm chuyển dạ hơn chúng ta quyết định.

Sinh thường sẽ có nhiều ưu điểm hơn, đứa trẻ sẽ được chuẩn bị mọi mặt tốt hơn. Mọi người thường bảo sinh thường EQ đứa trẻ cũng tốt hơn. Có thể do trong quá trình sinh thường, đứa trẻ phải lăn lộn trong tầng sinh môn của người mẹ để ra ngoài, nên sau này sẽ phấn đấu, kiên cường hơn. Tuy nhiên, có những lợi ích của sinh thường mà chúng ta không thể phủ nhận là không đau. Mọi người hay bảo sinh mổ mới không đau, hoàn toàn nhầm. Sinh thường chỉ đau tại thời điểm sinh, sau đó người mẹ hoàn toàn khỏi. Còn sinh mổ sẽ đau mãi về sau, thậm chí 1 tuần, nhiều người một tháng hay nhiều tháng sau vẫn còn đau.

Người mẹ sinh mổ phải chịu tác động của quá trình gây tê, gây mê, điều này cũng không tốt. Những người mẹ sinh mổ sau sinh phải dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến em bé. Thậm chí có một số thuốc ảnh hưởng làm sữa không về được. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến em bé.

Do vậy, người mẹ nên sinh thường. Trong trường hợp không thể sinh thường, nên theo ý kiến của bác sĩ sản phụ khoa tại thời điểm chuyển dạ.

Việc sinh thường hay sinh mổ nên để bác sĩ sản khoa quyết định tại thời điểm chuyển dạ. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

9. 5 điều cần lưu ý để giảm nguy cơ, biến chứng nguy hiểm đến mẹ và bé khi mắc lupus ban đỏ

Thưa BS, để hạn chế nguy cơ, biến cố nguy hiểm đến người mẹ cũng như em bé trong bụng, trong quá trình mang thai, người bệnh lupus ban đỏ cần lưu ý những vấn đề nào ạ?

PGS.TS.BS Hoàng Thị Lâm trả lời: Trong quá trình mang thai, mẹ bầu lupus ban đỏ nên lưu ý:

Thứ nhất, phải phối hợp cùng bác sĩ sản phụ khoa, bác sĩ điều trị lupus ban đỏ, bác sĩ dị ứng miễn dịch, bác sĩ xương khớp, bác sĩ nội khoa. Việc phối hợp đảm bảo em bé phát triển bình thường. Ngoài việc đảm bảo em bé khỏe mạnh trong tử cung phụ thuộc vào bác sĩ sản khoa, vẫn phải phối hợp với bác sĩ lupus ban đỏ, bác sĩ dị ứng miễn dịch để đảm bảo cho người mẹ có sức khỏe tốt. Mẹ có sức khỏe tốt sẽ ít dùng thuốc, như vậy em bé chịu tác động của thuốc. Mẹ có sức khỏe tốt sẽ ít có đợt cấp, như vậy em bé ít bị đe dọa hơn. Nếu mẹ có tình trạng tiền sản giật sẽ đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con. Vì vậy, cần phải đi khám định kỳ đúng hẹn của bác sĩ.

Thứ hai, người mẹ phải có chế độ ăn lành mạnh, đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng cho mẹ và bé. Bên cạnh đó, người mẹ cần tránh ánh nắng. Vì ánh nắng có thể kích hoạt đợt cấp của lupus ban đỏ gây tổn thương nội tạng, làm bệnh của mẹ bầu nặng lên.

Thứ ba, nên tiêm chủng đầy đủ trước và trong quá trình mang thai đảm bảo mẹ bầu không mắc các bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến em bé, cũng như tránh phát đợt cấp lupus ban đỏ.

Thứ tư, không nên hút thuốc lá. Điều này hưởng đến cả mẹ lẫn con.

Thứ năm, phải giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan. Điều này quan trọng cho sự phát triển của em bé cũng như ổn định bệnh của mẹ trong quá trình mang thai.

10. Bệnh Lupus ban đỏ có di truyền không?

Nhiều bệnh nhân lupus ban đỏ quan tâm khi sinh con ra sẽ bị lupus ban đỏ giống mình. Thưa BS, tỉ lệ di truyền của lupus ban đỏ như thế nào? Làm sao để chặng đứng và hạn chế thấp nhất nguy cơ này, thưa BS?  

PGS.TS.BS Hoàng Thị Lâm trả lời: Đây là vấn đề mà nhiều bệnh nhân lupus ban đỏ quan tâm. Các bệnh nhân cứ hỏi là “Liệu con em có bị lupus không?”, “Lupus sơ sinh là gì?”, “Nếu em có con, liệu con em có bị không?” Di truyền trong lupus ban đỏ là di truyền đa gen chứ không phải di truyền đơn gen.

Nếu ba mẹ mắc bệnh lupus hay bệnh tự miễn, cụ thể là lupus ban đỏ hệ thống, con cái sẽ tăng nguy cơ mắc lupus ban đỏ hơn những người bình thường. Chỉ tăng nguy cơ mắc bệnh chứ không phải cứ mẹ mắc lupus thì con sẽ mắc.

Bên cạnh đó, không phải mẹ mắc lupus thì con sẽ mắc lupus sơ sinh. Chỉ có những người có kháng thể kháng Ro/SSA, La/SSB mới có nguy cơ con bị lupus sơ sinh. Nguy cơ này cũng thấp, chỉ khoảng 2%. Tỷ lệ các bé thứ hai, thứ ba nguy cơ sẽ tăng hơn bé ban đầu, tuy nhiên cũng không phải 100%, nên các mẹ yên tâm.

Các triệu chứng của lupus sơ sinh chỉ thoáng qua chứ không phải là vĩnh viễn. Thiếu máu, tan máu, ban đỏ, giảm tiểu cầu thoáng qua. Các triệu chứng này sẽ hết trong 6 tháng đầu sau sinh.

Tuy nhiên, có một triệu chứng không thoáng qua là block tim bẩm sinh. Trường hợp này cần lưu ý. Vì block tim bẩm sinh có thể gây suy thai, rối loạn nhịp tim nặng, thậm chí gây tử vong cho em bé trong bụng mẹ.

Thời điểm vàng phát hiện block tim bẩm sinh là thai được16-24 tuần tuổi. Với những bệnh nhân có nguy cơ có em bé mắc lupus sơ sinh, cần phối hợp thêm với bác sĩ tim mạch, sàng lọc xem có block tim bẩm sinh hay không. Khi phát hiện em bé bị block tim bẩm sinh, bác sĩ dị ứng - miễn dịch sẽ đưa ra các phương pháp điều trị, phòng trường hợp suy tim, block tim bẩm sinh tiến triển nặng cho em bé, đảm bảo em bé được sinh ra an toàn và khỏe mạnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X