Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết về xét nghiệm tế bào cổ tử cung

Vậy kết quả xét nghiệm tế bào cổ tử cung (PAP smear hay PAP test) bất thường là gì và các nguyên nhân nào dẫn đến sự bất thường này?

Xét nghiệm tế bào cổ tử cung  PAP smear - PAP test là gì?

Xét nghiệm tế bào cổ tử cung là một phần của quy trình khám vùng chậu. Xét nghiệm này thường được tiến hành từ tuổi 21, trừ khi bạn có những yếu tố nguy cơ đặc biệt, ví dụ như các vấn đề về miễn dịch hay HIV, thì bạn có thể sẽ phải làm xét nghiệm sớm hơn. Xét nghiệm tế bào cổ tử cung là cách duy nhất để kiểm tra xem các tế bào ở cổ tử cung của bạn có thay đổi gì có thể dẫn đến ung thư hay không. Cùng lúc với xét nghiệm này, bác sỹ cũng có thể kiểm tra xem bạn có bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ví dụ như chlamydia hay bệnh lậu hay không.

Xét nghiệm tế bào cổ tử cung diễn ra như thế nào?

Như một phần của quy trình khám vùng chậu, bác sỹ sẽ dùng một dụng cụ riêng nho nhỏ, nhẹ nhàng cạo một vài tế bào từ cổ tử cung của bạn. Đa số những bạn gái đã làm xét nghiệm này sẽ không cảm thấy bất cứ vấn đề gì. Một vài bạn gái sẽ cảm thấy hơi co rút vì cổ tử cung bị chà xát nhẹ nhàng. Nếu bạn cảm thấy hơi khó chịu, thì chuyện đó chỉ xảy ra trong vòng 1 phút mà thôi. Những tế bào cổ tử cung sau đó sẽ được cho vào trong một ống nghiệm hoặc lam kính và gửi đến phòng xét nghiệm.

Lấy tế bào tử cung để xét nghiệm
Lấy tế bào tử cung để xét nghiệm

Nếu kết quả xét nghiệm bất thường thì có nghĩa là tôi bị ung thư?

Không. Ung thư thường không phải là nguyên nhân khiến kết quả xét nghiệm tế bào cổ tử cung của bạn bất thường. Nguyên nhân thường gặp nhất làm kết quả xét nghiệm bất thường là do viêm âm đạo hoặc viêm cổ tử cung, gây ra những thay đổi của tế bào cổ tử cung. Đa số những thay đổi này có thể sẽ được theo dõi chặt chẽ cho đến khi chúng trở về bình thường. Và thông thường, cơ thể bạn sẽ tự loại bỏ tình trạng nhiễm trùng gây ra những sự thay đổi ở tế bào cổ tử cung. Đôi khi, trong một số trường hợp, bạn sẽ cần được điều trị.

Thường xuyên làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung và điều trị (nếu cần), sẽ giúp bạn phòng chống được đa số các loại ung thư cổ tử cung.

Kết quả của xét nghiệm tế bào cổ tử cung có ý nghĩa như thế nào?

Mặc dù đa số các kết quả xét nghiệm sẽ là bình thường, nhưng đôi khi, kết quả sẽ là bất thường đối với một vài bạn gái ở tuổi vị thành niên. Một vài kết quả thường thấy khi làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung:

- Bình thường: điều này có nghĩa là cổ tử cung của bạn hoàn toàn khỏe mạnh. Bác sỹ sẽ cho bạn biết sau bao lâu nữa bạn sẽ cần làm xét nghiệm lại.

- Không đạt yêu cầu: Vì một vài lý do nào đó mà mẫu tế bào lấy từ cổ tử cung của ban không phải là mẫu tế bào tốt, do đó, cán bộ phòng thí nghiệm không thể đọc được kết quả và có thể bạn sẽ phải làm lại xét nghiệm một lần nữa.

- Thay đổi lành tính: Điều này có nghĩa là về cơ bản, kết quả xét nghiệm của bạn là bình thường. Tuy nhiên, bạn có thể bị một tình trạng nhiễm trùng nào đó gây viêm các tế bào cổ tử cung. Bác sỹ sẽ khám vùng chậu của bạn để tìm ra nguyên nhân nhiễm trùng và kê đơn điều trị, nếu cần thiết. Bác sỹ cũng sẽ cho bạn biết bao lâu nữa bạn cần tiến hành xét nghiệm lần tiếp theo.

- ASCUS – (Atypical Squamous Cells of Undetermined Significance – không xác định được các tế bào vảy không điển hình): Điều này nghĩa là có một vài tế bào lạ và bạn có thể cần phải làm thêm các xét nghiệm khác để tìm ra liệu có phải virus HPV - Human Papiloma Virus là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi của những tế bào này không.

Nếu bạn khỏe mạnh và kết quả xét nghiệm tế bào của bạn là ASCUS, bạn sẽ cần phải tiến hành xét nghiệm tế bào cổ tử cung lại trong vòng 1 năm. Nếu xét nghiệm lần thứ 2 (trong vòng 1 năm) vẫn cho ra kết quả bất thường, bạn sẽ phải soi cổ tử cung.

Những hướng dẫn dành cho bạn gái tuổi vị thành niên và bạn gái dưới 24 tuổi:

- ASC-H: Kết quả này có nghĩa là các tế bào cổ tử cung không phải là các tế bào điển hình thường được tìm thấy tại cổ tử cung. Những tế bào này thường có liên quan đến HPV và được coi là những tế bào không điển hình. Nếu kết quả xét nghiệm của bạn là ASC-H, thì bạn sẽ phải soi cổ tử cung.

- LSIL (Low Grade Squamous Intraepithelial Lesion – thương tổn biểu mô vảy mức độ thấp): Kết quả này có nghĩa là bạn đã bị nhiễm HPV. Bạn sẽ được yêu cầu làm lại xét nghiệm tế bào cổ tử cung trong vòng 12 tháng. Nếu kết quả lần 2 vẫn là bất thường, bạn sẽ được theo dõi trong 12 tháng nữa để làm lại xét nghiệm lần thứ 3. Phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm lần thứ 3, bạn có thể sẽ phải soi cổ tử cung hoặc sẽ trở về trạng thái bình thường, và chỉ cần làm xét nghiệm 3 năm một lần.

HSIL (High Grade Intraepithelial Lesion – thương tổn lớp biểu mô mức độ cao): Kết quả này có nghĩa là các tế bào ở cổ tử cung của bạn đã thay đổi. Kết quả này nghiêm trọng hơn là LSIL. Ở thời điểm hiện tại có thể bạn chưa bị ung thư, nhưng nếu không được điều trị, bạn sẽ có nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung. Điều trị có thể ngăn chặn được việc này. Bác sỹ có thể sẽ khuyên bạn nên đi soi cổ tử cung.

AGC (Atypical Glandular Cells – tế bào tuyến không điển hình): Kết quả này có nghĩa là đã có những thay đổi nhất định ở các tế bào tuyến tại cổ tử cung. Bạn cần phải được soi cổ tử cung.
Ung thư: Mặc dù rất hiếm gặp ở các bạn gái trẻ, nhưng nếu kết quả xét nghiệm tế bào cổ tử cung là ung thư, bạn sẽ cần phải đến gặp bác sỹ phụ khoa chuyên điều trị ung thư.  Điều trị cần được tiến hành ngay lập tức và thường sẽ phải phẫu thuật. Điều trị càng sớm, khả năng hồi phục sức khỏe của bạn càng cao.

Soi cổ tử cung là gì?

Sau khi được hỏi một số câu hỏi liên quan (ví dụ như: chu kỳ kinh nguyệt gần nhất của bạn là khi nào) và được cung cấp các thông tin cơ bản về thủ thuật sắp tiến hành. Bạn sẽ phải ký vào giấy tờ chấp thuận tiến hành thủ thuật. Sau đó, bạn sẽ nằm xuống bàn khám và đặt hai chân lên hai bên (giống như khi khám vùng chậu), bộc lộ vùng cần khám. Tiếp theo,  bác sỹ sẽ nhẹ nhàng đưa một cái mỏ vịt (giống như khi bạn làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung) vào âm đạo của bạn để nhìn rõ hơn cổ tử cung của bạn. Thiết bị soi cổ tử cung là một công cụ có khả năng phóng đại, được đặt ở gần cửa âm đạo. Bác sỹ có thể nhìn vào cổ tử cung của bạn thông qua kính lúp.

Soi cổ tử cung có thể được tiến hành khi các dụng cụ soi được đặt ở bên ngoài âm đạo và không chạm vào bạn. Đầu tiên, bác sỹ sẽ lau cổ tử cung và âm đạo của bạn bằng một loại dung dịch chuyên dụng.
Soi cổ tử cung
Soi cổ tử cung

Loại dung dịch này sẽ khiến các tế bào bất thường chuyển màu tạm thời, do vậy, bác sỹ có thể nhìn thấy những tế bào này rõ ràng hơn. Nếu có các tế bào bất thường, bác sỹ có thể tiến hành sinh thiết (là quá trình lấy mẫu mô của bạn, có kích thước nhỏ hơn ¼ cục tẩy ở đầu bút chì, được tiến hành bằng cách sử dụng một cặp nhíp đặc biệt). Mẫu mô này sau đó sẽ được cho vào trong lọ có chất bảo quản và gửi đến phòng xét nghiệm.

Soi cổ tử cung có đau không?

Soi cổ tử cung thường sẽ không làm bạn khó chịu.  Nhưng sinh thiết, đôi khi được tiến hành cùng lúc với soi cổ tử cung, có thể sẽ khiến bạn hơi khó chịu. Bạn có thể yên tâm vì tất cả quy trình này chỉ diễn ra trong chưa đầy 1 phút. Khi mẫu mô được lấy ra, một vài người không cảm thấy gì cả, trong khi một vài người khác mô tả cảm giác giống như bị nhéo hoặc hơi co rút nhẹ. Bác sỹ có thể sẽ cho bạn uống các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như ibuprofen hoặc naproxen trước khi diễn ra thủ thuật để làm giảm cảm giác khó chịu. Điều này đặc biệt hiệu quả nếu bạn thường bị đau bụng kinh hoặc bạn cảm thấy khó chịu khi làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung. Tổng thời gian soi cổ tử cung sẽ diễn ra trong vòng 15-20 phút.

Chuyện gì sẽ xảy ra sau khi soi cổ tử cung?

Sau khi soi cổ tử cung, bác sỹ sẽ giải thích cho bạn những gì mà bác sỹ nhìn thấy thông qua kính lúp. Sẽ mất khoảng 2-3 tuần để có kết quả sinh thiết. Và bạn phải đảm bảo rằng bạn đi khám đúng hẹn và thường xuyên liên lạc với bác sỹ.

Vài ngày sau khi bạn được sinh thiết, bạn có thế sẽ bị ra máu nhẹ hoặc đốm xuất huyết. Điều này là hoàn toàn bình thường. Bạn có thể sử dụng băng vệ sinh (không sử dụng tampon) trong những trường hợp này.

Bạn cũng có thể sẽ thấy một chất màu nâu hoặc vài mảnh nhỏ màu nâu cùng với máu âm đạo ở đáy quần lót hay băng vệ sinh. Đây không phải là các mô mà là một phần của thủ thuật bác sỹ đã tiến hành. Các chất màu nâu này sẽ ra kéo dài trong khoảng 1-5 ngày. Bạn thậm chí có thể sẽ có dịch màu đen nếu bác sỹ sử dụng bạc nitrate để kiểm soát tình trạng chảy máu. Và việc này cũng sẽ không kéo dài.

Không quan hệ tình dục, thụt rửa âm đạo, sử dụng tampon hay đưa bất cứ vật gì vào trong âm đạo của bạn trong vòng 48 giờ sau khi soi cổ tử cung.

Có điều gì cần chú ý sau khi soi cổ tử cung?

Gọi cho bác sỹ ngay nếu sau khi soi cổ tử cung bạn bị:

- Chảy máu nghiêm trọng (nghiêm trọng hơn chu kỳ kinh nguyệt bình thường của bạn)
- Chảy máu đỏ tươi, trong khi bạn không có chu kỳ kinh nguyệt.
- Dịch âm đạo có mùi hôi
- Đau bụng, đau vùng chậu dữ dội
- Sốt cao trên 38 độ C.

Theo Bs Thanh Thanh/Viện Y học ứng dụng Việt Nam/RD

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X