Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết trước khi chụp MRI có tiêm thuốc tương phản từ

Kỹ thuật chụp MRI có tiêm thuốc tương phản từ giúp các bác sĩ phát hiện ra những bất thường ở các mô và cơ quan trong cơ thể, tuy nhiên nhiều người vẫn cảm thấy hoang mang trước việc phải tiêm thuốc vào trong cơ thể. Nhằm giúp bệnh nhân cảm thấy yên tâm hơn, BS.CK2 Trần Đức Quang – Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích liên quan đến kỹ thuật này trong bài viết dưới đây.

1. Vai trò của MRI trong chẩn đoán bệnh lý

Nhờ BS giải thích rõ hơn, chụp MRI có thể khảo sát được những cơ quan, bộ phận nào trên cơ thể? Vì sao có những trường hợp cần dùng thuốc cản từ?

BS.CK2 Trần Đức Quang trả lời: MRI có thể thực hiện được trên tất cả bộ phận cơ thể như sọ não, cột sống thắt lưng, cơ xương khớp, vùng bụng (gan, mật, tụy, lách, thận...), vùng chậu (tử cung, buồng trứng, dương vật, tinh hoàn...).

Một số trường hợp có thể chụp không tương phản nhưng cũng có trường hợp cần chụp tương phản. Nếu chuỗi xung chụp không tương phản đã đủ để chẩn đoán bệnh lý sẽ không cần chỉ định thêm nữa.

Trường hợp bệnh nhân cần chụp tương phản nhưng bị chống chỉ định, nghĩa là không dùng được thuốc tương phản thì chỉ có thể chụp không tương phản.

Thuốc tương phản từ có đặc điểm là làm cho hình ảnh tổn thương bệnh lý rõ nét hơn và bộc lộ được tất cả các tổn thương. Chẳng hạn như trường hợp có khối u, tiêm thuốc cản từ sẽ giúp xác định được vị trí, kích thước (dù rất nhỏ), cấu trúc, độ xâm lấn, giúp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ chuyên khoa nắm được sự liên quan với các bộ phận, cơ quan lành tính xung quanh.

2. Phân biệt thuốc cản quang chụp CT scan và thuốc tương phản từ chụp MRI

Thuốc cản từ dùng trong chụp MRI và chụp CT scan có giống nhau không, thưa BS? Nếu có sự khác nhau, làm sao để có thể phân biệt được?

BS.CK2 Trần Đức Quang trả lời: Thuốc dùng trong chụp CT và MRI là hoàn toàn khác nhau, mặc dù đều được dịch từ một từ tiếng Anh là “contrast agents”. Trong CT thường dùng thuốc cản quang còn trong MRI là thuốc tương phản từ

Thuốc cản quang chụp CT có thành phần chủ yếu là i-ốt, khi tiêm vào cơ thể sẽ cho hình ảnh và độ tương phản rõ nét. Nhưng với thuốc cản quang i-ốt, tỷ lệ tác dụng phụ và độ nặng của tác dụng phụ có phần nhiều hơn so với thuốc tương phản từ của MRI.

Thành phần chính trong thuốc tương phản từ chụp MRI là gadolinium. Đây là loại thuốc phổ biến, tính an toàn cao. Tiêm thuốc tương phản từ giúp bộc lộ được những hình ảnh rất rõ nét như CT nhưng tác dụng phụ theo thống kê và trên hực hành, lý thuyết đều ít hơn, nhẹ nhàng hơn.

BS.CK2 Trần Đức Quang – Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM)

3. Những trường hợp nào cần chụp MRI có tương phản từ?

Nhờ BS chia sẻ thêm, trong những trường hợp nào người bệnh sẽ có chỉ định chụp MRI có cản từ?

BS.CK2 Trần Đức Quang trả lời: Về mặt nguyên lý, tổn thương tại các cơ quan khi bị bệnh sẽ được cung cấp và tiếp liệu bởi những mạch máu nuôi, những mạch máu đến tiếp liệu cho cơ quan đó.

Thuốc tương phản từ khi được tiêm vào trong cơ thể sẽ theo mạch máu đến cơ quan để thấy được sự tương phản trên hình ảnh chụp. Từ đó có thể suy ra rằng tất cả các bệnh lý tại tất cả các bộ phận trên cơ thể như sọ não, cột sống thắt lưng, vùng bụng, vùng chậu nếu có u thì đều phải chụp có thuốc tương phản từ vì u được nuôi bằng mạch máu.

Ngoài ra, những bệnh lý viêm nhiễm, áp xe và đặc biệt là những bệnh lý cần chụp cấu trúc mạch máu đều phải dùng thuốc tương phản từ.

4. Xét nghiệm Creatinin trước khi chụp MRI có tương phản từ

Xin hỏi BS, trước khi chụp MRI có cản từ, người bệnh cần phải làm những xét nghiệm gì?

BS.CK2 Trần Đức Quang trả lời: Đầu tiên cần xét nghiệm creatinin ước tính tốc độ lọc cầu thận. Cần phản cảnh giác với những trường hợp chụp tương phản từ ở các bệnh nhân đặc biệt: bệnh nhân trên 70 tuổi; bệnh nhân tiểu đường loại 1, loại 2; bệnh nhân có tiền sử suy thận hoặc u thận, thận độc nhất.

5. Quy trình bơm thuốc cản từ vào trong cơ thể

Chất cản từ sẽ được đưa vào cơ thể bằng những cách nào, thưa BS?

BS.CK2 Trần Đức Quang trả lời: Đa số trường hợp thì thuốc tương phản từ được đưa vào cơ thể bằng đường tĩnh mạch.

Bệnh nhân được tạo lập đường truyền tĩnh mạch ở tay, thường là khuỷu tay do tĩnh mạch ở đây lớn. Sau khi vào phòng, bệnh nhân được kết nối với máy bơm có sẵn thuốc cản từ. Việc bơm thuốc được điều khiển bởi các chuyên gia, kỹ thuật viên ở phòng máy theo tốc độ, liều lượng, thời gian của quy trình.

6. Không được tự tháo kim bơm thuốc tương phản từ

Bao lâu sau khi chụp MRI người bệnh có thể tháo bơm tiêm thuốc cản từ? Bệnh nhân có thể tự tháo ở nhà hay phải đến các phòng khám, bệnh viện, cơ sở y tế để tháo bơm?

BS.CK2 Trần Đức Quang trả lời: Sau khi chụp MRI, bệnh nhân được hướng dẫn đến nơi thay đồ quy định và hướng dẫn đến khu vực chờ kết quả. Nếu có sử dụng thuốc cản từ, bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng chờ và lưu kim trong vòng 15 - 30 phút, mục đích là theo dõi tình trạng dị ứng có thể xảy ra.

Sau thời gian chờ, bệnh nhân được hướng dẫn đến gặp nhân viên y tế để được tháo kim theo đúng quy định.

Bệnh nhân hoàn toàn không được tự tháo kim vì tháo không đúng kỹ thuật sẽ gây ra nhiều vấn đề tổn hại. Hơn nữa, kim sau khi được tháo ra phải được xử lý và hủy theo đúng quy cách, quy định của ngành y tế để không gây ảnh hưởng đến môi trường.

7. Dị ứng thuốc cản từ có nguy hiểm không?

Một số thông tin cho rằng thuốc cản từ có thể gây dị ứng nguy hiểm. Làm thế nào để hạn chế tối đa nguy cơ này? Làm thế nào nhận biết được dị ứng đang xảy ra để xử trí kịp thời, thưa BS?

BS.CK2 Trần Đức Quang trả lời: Thuốc tương phản từ có thể gây dị ứng, mức độ từ nhẹ đến nặng. Nhưng tỷ lệ dị ứng thuốc tương phản từ dùng trong chụp MRI không nhiều và mức độ thường rất nhẹ, nhiều trường hợp bệnh nhân có thể tự hết mà không cần xử lý hoặc xử lý bằng các thuốc kháng dị ứng thông thường.

Về mặt lý thuyết, không có xét nghiệm nào chẩn đoán trước được dị ứng thuốc cho bệnh nhân. Người bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể quan sát, khai thác tiền sử bệnh nhân (tiền sử dị ứng hoặc tiền sử phản ứng thuốc) để cảnh giác hơn khi sử dụng thuốc tương phản từ.

Về mặt y khoa, một số loại thuốc có thể ngăn chặn được dị ứng thuốc tương phản từ sẽ được bác sĩ kê khi cần thiết. Tuy nhiên, tác dụng và hiệu quả của thuốc này vẫn còn đang bàn cãi, cơ sở y tế có thể cho hoặc không.

Mức độ dị ứng với thuốc tương phản từ có thể từ nhẹ đến nặng. Mức độ nhẹ chỉ gây ngứa ngáy, bồn chồn, nôn, nổi mề đay nhẹ. Những trường hợp nặng có thể gây sốc phản vệ, mạch nhanh, huyết áp tụt, rối loạn tri giác, nghẹt thở, tím tái... tuy nhiên tỉ lệ xảy ra rất thấp.

8. Chất làm đầy trong thẩm mỹ có ảnh hưởng đến kết quả MRI?

Khi đã can thiệp thẩm mỹ bằng cách tiêm một số chất làm đầy vào các vị trí trên cơ thể thì có thể thực hiện MRI không, thưa BS?

BS.CK2 Trần Đức Quang trả lời: Câu trả lời là hoàn toàn có thể chụp MRI, cả không tương phản từ và tương phản từ.

Có nhiều nghiên cứu khá đầy đủ về đặc điểm hình ảnh của chất làm đầy trong thẩm mỹ và những di chứng, biến chứng, hậu quả có thể xảy ra. Các chất này khi có tràn ra ngoài vẫn có thể phân biệt được với các mô lành và mô tổn thương xung quanh.

Tuy nhiên, về mặt thực hành đòi hỏi có các bác sĩ chuyên khoa MRI và phải thực hành lâm sàng khá nhiều mới phân biệt được rõ ràng hai trường hợp này để giúp bệnh nhân phân biệt được tổn thương gây ra do thẩm mỹ và những tổn thương do bệnh lý, mô lành lân cận của cơ quan.

Những trường hợp vi trường chụp xa vị trí làm thẩm mỹ thì không có ảnh hưởng gì nhiều.

9. Trồng răng implant, thay khớp háng vật liệu kim loại có chụp MRI được không?

Những trường hợp trồng răng implant hay thay khớp háng vật liệu kim loại có thể chụp MRI được không, thưa BS?

BS.CK2 Trần Đức Quang trả lời: Titan, các hợp chất của titan, zirconium hiện đang được dùng khá phổ biến trong cấy ghép nha khoa. Các chất này không phải là sắt từ nên hoàn toàn có thể chụp MRI.

Tuy nhiên, bệnh nhân có những vấn đề này nên thông báo với bác sĩ trước khi chụp cộng hưởng từ. Những trường hợp này có thể gây ra xảo ảnh ở các vùng lân cận làm ảnh hưởng đến chẩn đoán.

Về các bộ phận nhân tạo như khớp háng, khớp gối đã cố định thì không gây nguy hiểm, không bị di động, bị nóng lên khi thực hành. Vấn đề xảo ảnh có thể xảy ra khi chụp các cơ quan muốn khảo sát bệnh lý nằm gần các bộ phận này.

Gây nhiễu sẽ làm sóng vằn hình ảnh, không thu nhận được tín hiệu do đó không đọc được kết quả từ hình ảnh.

Bác sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân một phương pháp hình ảnh khác tương thích. Nhìn chung, những vật liệu titan, hợp chất titan, cobalt, thép không gỉ, đồng đều có thể chụp MRI.

10. Cân nhắc khi chụp MRI có tương phản từ cho bệnh nhân có tiền sử suy thận

Những người có vấn đề về thận thường lo lắng về việc tiêm chất cản từ. Nhờ BS cung cấp thêm thông tin để người bệnh có thể yên tâm hơn khi thực hiện thủ thuật này.

BS.CK2 Trần Đức Quang trả lời: Đây là một lo lắng chính đáng của người bệnh. Theo khuyến cáo của ESUR 2018, không cần xét nghiệm creatinin đối với tất cả các trường hợp cần chụp tương phản từ.

Bệnh nhân có tiền sử suy thận, bệnh nhân lớn tuổi (trên 70 tuổi) cần có xét nghiệm cơ bản trong vòng 30 ngày của creatinin để tính được độ lọc cầu thận. Nếu độ lọc cầu thận dưới 30ml/phút và một số đơn vị chuyên môn khác được xếp vào suy thận độ 4, độ 5 trên lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc về khả năng chụp MRI cho bệnh nhân.

Cần cân nhắc giữa lợi ích khi tìm được chẩn đoán và tác hại đối với bệnh nhân. Đối với những bệnh nhân cần thiết, bắt buộc phải chụp thì vẫn có thể chụp được để tìm ra được chẩn đoán nhằm cứu sống bệnh nhân.

Tác dụng phụ của thuốc trên thận đã được ghi lại trong y văn, tuy nhiên tỷ lệ không cao nên có thể xem xét. Đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm của người bác sĩ.

11. Nhịn ăn từ 6 – 8 tiếng trước khi chụp MRCP đường mật

Xin hỏi BS, trước khi chụp MRI, bệnh nhân có cần nhịn ăn hay nhịn uống không?

BS.CK2 Trần Đức Quang trả lời: Tùy vào chỉ định của bác sĩ lâm sàng chụp MRI ở bộ phận nào, kỹ thuật nào mà bệnh nhân sẽ được kỹ thuật viên, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh chuyên khoa hướng dẫn và giải thích cụ thể.

Với chụp MRI có tương phản từ, bệnh nhân không cần nhịn ăn, nhịn uống và không cần ngưng các loại thuốc điều trị trước đó.

Những trường hợp cần chụp hình ảnh ở vùng bụng, đặc biệt là vùng đường mật mà y học gọi là chụp MRCP, bệnh nhân cần nhịn ăn từ 6 - 8 giờ trước đó để túi mật giãn ra, cho kết quả hình ảnh tốt.

12. Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang dùng trước khi chụp MRI

Các bệnh nhân đang điều trị bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, dạ dày... có cần phải ngưng uống thuốc trước khi chụp MRI cản từ không, thưa BS?

BS.CK2 Trần Đức Quang trả lời: Bệnh nhân chỉ cần thông báo về tình trạng bệnh và sử dụng thuốc thông qua bảng câu hỏi của phòng MRI. Trên y văn hiện nay chưa có hướng dẫn nào về việc cần ngưng thuốc, bệnh nhân vẫn có thể dùng theo đơn của bác sĩ chuyên khoa.

Việc thông báo nhằm để bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật viên xem xét thận trọng hơn.

Thuốc tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn nhịp tim vẫn có thể được dùng trước khi chụp.

13. Những lưu ý trước khi chụp MRI có cản từ

Ngoài các vấn đề đã giải đáp ở trên, còn những vấn đề nào mà bệnh nhân cần lưu ý trước khi chụp MRI có cản từ?

BS.CK2 Trần Đức Quang trả lời: Bệnh nhân không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi chụp MRI. Cần mang theo các giấy tờ xét nghiệm, kết quả X-quang, CT, siêu âm trước đó để bác sĩ có thể tham khảo thêm bên cạnh kết quả chụp cộng hưởng từ để đọc được kết quả chính xác hơn.

Khi bệnh nhân đến chụp MRI sẽ phải điền một bảng câu hỏi. Bệnh nhân cần thông báo về những bộ phận đã được cấy ghép, đặc biệt là sử dụng các vật liệu bằng kim loại trong cơ thể như máy tạo nhịp tim, máy khử rung, máy trợ thính...

Có một số ít bộ phận không chụp được MRI gọi là chống chỉ định hoặc có thể chụp nhưng phải xem xét gọi là chống chỉ định tương đối. Ngoài ra có một số trường hợp có thể chụp được nhưng những vật liệu đó sẽ gây xảo ảnh, làm sóng vằn hình ảnh.

Sau khi khai thác thông tin từ bệnh nhân, việc có chụp hay không, chụp như thế nào sẽ do cử nhân và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh quyết định.

Về hội chứng buồng kín (Claustrophobia), trong một không gian khép kín, người bệnh sẽ nảy sinh tâm lý sợ hãi, lo lắng, choáng ngợp, khó thở, bứt rứt, hốt hoảng... Khi chụp MRI, bệnh nhân cũng được đưa vào bên trong máy có không gian khá hẹp.

Những bệnh nhân mắc hội chứng này đa phần không thể chụp MRI vì bệnh nhân không hợp tác và chỉ muốn đi ra khỏi phòng chụp. Thời gian chụp kéo dài đến 20-26 phút ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh.

Bác sĩ có thể làm công tác tư tưởng để giải tỏa tâm lý cho người bệnh hoặc chuyển họ sang một thủ thuật hình ảnh khác.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X