Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần biết sau khi sinh mổ: giảm đau, tập đi, tái khám, đánh giá hồi phục

TS.BS Trần Thị Nhật Vy - Phó Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, sau khi đón bé yêu chào đời, việc cần chú trọng tiếp theo chính là chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sau khi sinh mổ. Sản phụ cần lưu ý đến chế độ nghỉ ngơi, vận động hợp lý, theo dõi kỹ sức khỏe và tái khám đúng lịch để nhanh chóng hồi phục.

1. Mổ lấy thai chủ động vào buổi sáng phù hợp về tâm lý cho thai phụ, người nhà và cả bác sĩ

Nhiều mẹ bầu băn khoăn không biết sinh mổ buổi sáng hay buổi chiều sẽ tốt hơn, liệu có thể lựa chọn thời điểm sinh không? Bên cạnh đó, thai phụ cần làm những xét nghiệm gì trước khi sinh mổ, thưa BS?

TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Với mổ lấy thai chủ động, thời điểm sáng, trưa hay chiều không thay đổi những yếu tố rủi ro và nguy cơ. Tuy nhiên, mổ lấy thai vào buổi sáng sẽ hợp lý hơn.

Sau khi có một giấc ngủ dài ở nhà, mẹ bầu thức dậy với tâm lý thoải mái để đến bệnh viện. Bên cạnh đó, trong thời gian ngủ, mẹ cũng đã đồng thời thực hiện nhịn ăn 6 - 8 tiếng, đủ để bắt đầu cuộc mổ.

Buổi sáng là thời điểm chào ngày mới, cha mẹ mang một tâm lý tích cực hơn để đón em bé chuẩn bị chào đời. Do đó, dù về mặt nguyên tắc, mổ lấy thai chủ động không phân chia sáng, trưa, chiều nhưng thông thường mổ vào buổi sáng sẽ có sự chuẩn bị tốt về tâm lý cho thai phụ, người nhà và cả bác sĩ.

2. Quy trình sinh mổ chủ động tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, quá trình sinh mổ diễn ra như thế nào ạ?

TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Khi đến bệnh viện, các mẹ bầu được lấy máu để xét nghiệm tình trạng thiếu máu, nhóm máu. Bên cạnh đó là các xét nghiệm tiền phẫu để xem liệu cơ thể của mẹ có đang trong quá trình rối loạn đông máu hay không; xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, viêm gan, giang mai.

Sau đó, nữ hộ sinh phát cho mẹ bầu chai vệ sinh cơ thể để tắm rửa và thay áo mổ.

Khoảng 2 - 3 tiếng sau khi mẹ nhập viện, hồ sơ và kết quả xét nghiệm đã hoàn tất, bác sĩ sẽ bắt đầu tiến hành mổ lấy thai để chào đón em bé sau 9 tháng chờ đợi.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, sau khi mổ, mẹ và bé sẽ được da kề da để em bé nhận những lợi khuẩn từ cơ thể mẹ, tăng sức đề kháng. Khi mẹ ôm em bé trong lòng, tình yêu thương và sự kết nối sẽ giúp tử cung co hồi.

Sau cuộc mổ, người mẹ được theo dõi khoảng 6 tiếng và được về phòng.

TS.BS Trần Thị Nhật Vy - Phó Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

3. Vì sao người thân không được cùng vào phòng sinh khi thai phụ sinh mổ?

Lý do vì sao khi sinh thường, thai phụ và người nhà có thể chọn phòng sinh gia đình, người thân được cùng vào phòng sinh, trong khi sinh mổ lại không có những lựa chọn tương tự, thưa BS?

TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Hiện nay, nhiều bệnh viện cố gắng cung cấp phòng sinh gia đình, người chồng sẽ cùng vào phòng sinh, tâm sự, trò chuyện để người vợ không trải qua cuộc vượt cạn một mình.

Tuy nhiên, hoàn cảnh mổ lấy thai có phần khác. Sau 6 năm học ở trường Y, để trở thành bác sĩ ngoại khoa, các bác sĩ cần được huấn luyện về mặt vô trùng. Các công tác rửa tay, mặc áo, mang găng... nhằm mục tiêu lớn nhất là vô trùng và an toàn cho thai phụ.

Người chồng muốn sát cánh cùng vợ ở thời điểm sinh con, nhưng có thể vì tâm lý lo lắng hoặc vì một số yếu tố của người ngoài ngành, họ có thể chưa đội nón, chưa rửa tay kỹ trước khi vào phòng mổ. Một số người có thể có tình trạng lo lắng và sợ hãi khi thấy máu quá nhiều trong lúc bác sĩ đang thao tác. Những điều này ảnh hưởng đến bác sĩ trong cuộc mổ.

Chính vì vậy, chỉ có một số ít bệnh viện tư có phòng mổ dành cho gia đình. Hiện nay Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chưa có dịch vụ này. Hy vọng trong tương lai sắp tới, người chồng có thể đồng hành, trò chuyện, tâm sự để giúp vợ phần nào quên đi nỗi lo lắng trong cuộc sinh.

4. Đi lại nhẹ nhàng sau sinh ngoài giúp tử cung co hồi tốt hơn

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM có những dịch vụ sau sinh nào để giúp các mẹ phục hồi tốt hơn ạ?

TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Điều mâu thuẫn là nhiều người muốn chọn mổ chủ động nhưng các mẹ bầu lại truyền tai nhau rằng sanh mổ đau hơn sanh thường. Tâm lý này đeo bám từ khi mẹ bầu vào bệnh viện, vào phòng mổ cho đến khi về phòng.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, sau khi các mẹ đã được về phòng, bác sĩ sẽ hỗ trợ thêm bằng các thuốc giảm đau dạng nhét, dạng uống, dạng truyền... để giảm tối đa cơn đau hậu sản.

Mẹ cũng được hướng dẫn ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng, cho con bú sớm để giúp tử cung co hồi tốt, giúp đường ruột được vận động. Đi lại nhẹ nhàng sau sinh ngoài giúp tử cung co hồi còn có thể giảm sự lo lắng về việc sinh mổ chậm hồi phục hơn, sữa về ít hơn.

5. Tác dụng của thuốc giảm đau giúp sản phụ có thể đi lại, vận động sớm

Sau sinh mổ bao lâu là thời gian tốt nhất để các mẹ bắt đầu tập đi lại, thưa BS?

TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Trong lúc mổ, các mẹ bầu được gây tê tủy sống. Theo nhiều nghiên cứu đánh giá, 6 tiếng sau khi sinh, cảm giác tê vẫn còn. Sau khi hết thuốc tê, cảm giác đau chắc chắn sẽ diễn ra.

Như đã đề cập, các mẹ sẽ được giảm đau bằng đường uống, đường nhét hậu môn. Tác dụng của thuốc giúp các bạn có đủ sức khỏe để tập đi lại vào sáng hôm sau. Trong trường hợp nhập viện lúc 5h sáng, mổ lúc 8h và chuyển xuống phòng vào lúc 14h chiều cùng ngày, đến 17h các mẹ đã có thể ngồi dậy ăn cơm, trò chuyện, cho con bú. Lúc này, người nhà có thể dìu mẹ đi những bước chân đầu tiên.

Cứ khoảng 6 - 8 tiếng/lần, bác sĩ tiếp tục cho dùng các liều thuốc giảm đau để người mẹ có thể đi lại, vận động sớm hơn.

6. Sinh mổ lần 2 có đau hơn lần đầu?

Khi sinh mổ lần thứ 2, khâu chuẩn bị và khi đến bệnh viện có gì khác so với sinh mổ lần đầu, thưa BS?

TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Nhiều người cho rằng mổ lấy thai lần thứ hai sẽ đau hơn lần đầu. Các mẹ bầu chia sẻ rằng họ thậm chí còn lo lắng hơn ở lần sinh thứ hai do trải nghiệm đau đớn từ lần sinh trước. Tuy nhiên, vì mẹ bầu đã có kinh nghiệm từ lần sinh trước, lần sinh thứ hai phải chỉn chu hơn.

Về mặt nguyên tắc, dù bạn sinh mổ bao nhiêu lần, mức độ đau cũng đều như nhau. Cơ chế giảm đau của từng bệnh viện sẽ giúp mẹ bầu hồi phục trong thời gian khác nhau.

Trong lần mổ lấy thai thứ hai, thời gian chấm dứt thai kỳ ít nhất phải từ đủ 38,5 tuần. Khâu chuẩn bị giống với mổ lấy thai lần đầu. Mẹ bầu nhập viện theo ngày được chỉ định, không cần nhập viện sớm hơn, trừ những trường hợp có vấn đề bệnh lý có hướng dẫn nhập viện sớm từ 36 tuần để được hội chẩn liên chuyên khoa hoặc xét nghiệm trước.

7. Tái khám sau 4 tuần để đánh giá sức khỏe em bé và tình trạng hồi phục của mẹ

Sau khi xuất viện, việc tái khám kiểm tra sức khỏe của mẹ và bé có quan trọng không? Bao lâu sau khi xuất viện cần quay lại bệnh viện để tái khám, thưa BS?

TS.BS Trần Thị Nhật Vy trả lời: Mọi người thường nhắc đến “6 tuần lễ hậu sản”. Khi sanh thường hoặc mổ lấy thai, thời gian 6 tuần sau đó là giai đoạn hậu sản của người mẹ. Thông thường, bác sĩ sẽ mời sản phụ quay lại tái khám vào 4 tuần sau sanh.

Những mục cần đánh giá gồm vết mổ có lành hay không, tử cung co hồi tốt hay không, lượng sản dịch ít hay nhiều... qua đó gián tiếp đánh giá cuộc mổ.

Em bé sẽ được đánh giá cân nặng, dấu hiệu vàng da. Trước khi xuất viện, mẹ đã được tư vấn rất kỹ về cách theo dõi em bé và tình trạng của mẹ sau khi mổ nhưng hãy vui lòng quay lại bệnh viện theo lịch hẹn để được đánh giá tốt hơn, có ích hơn cho sự hồi phục.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X