80% phụ nữ bị ung thư gặp những vấn đề liên quan đến tình dục
Tại Hội thảo Quốc tế điều trị Rối loạn tình dục nữ 2024, BS Faysal El Kak cho biết, hiện nay nhân viên y tế chỉ đang tập trung đến sức khỏe thể chất mà chưa thật sự quan tâm đến vấn đề rối loạn tình dục ở bệnh nhân nữ sau điều trị ung thư. Trong khi đó, nhu cầu tình dục vẫn còn của nhóm bệnh nhân này là một điều đáng mừng, vì vậy bác sĩ phải tìm ra phương pháp để giúp đỡ họ.
Gần 50% tỷ lệ ung thư trên thế giới xảy ra ở phụ nữ
Trong bài báo cáo “Ung thư phụ khoa và sức khỏe tình dục”, BS Faysal El Kak - Giám đốc Chương trình Sức khỏe tình dục tích hợp cho phụ nữ (WISH), Khoa Sản phụ khoa, Trung tâm Y tế Đại học Hoa Kỳ tại Beirut (AUBMC) nhấn mạnh gánh nặng ung thư gây ra. Cụ thể, mỗi năm có trên 20 triệu ca ung thư mới được chẩn đoán, trong đó có 9,7 triệu ca tử vong, 50% tỷ lệ ung thư được chẩn đoán nằm tại khu vực châu Á.
Điều đặc biệt là gần 50% tỷ lệ ung thư trên thế giới xảy ra ở phụ nữ, và gần 50% trong số đó thuộc khu vực châu Á, Trung Quốc và Đông Nam Á.
Theo bản đồ ghi nhận thông tin về ung thư, Việt Nam nằm trong vùng xanh - khu vực có chỉ số cao về tỷ lệ mắc ung thư. Bản đồ cũng cho thấy các khu vực có dân số càng cao, tỷ lệ mắc ung thư càng nhiều, trong đó cao nhất là khu vực châu Âu và Trung Quốc.
BS Faysal El Kak dẫn chứng một nghiên cứu về độ phổ biến của ung thư trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Dự đoán đến 2050 sẽ có 25,3 triệu ca ung thư, trong đó hơn 50% là phụ nữ (>18 triệu ca). Tuy nhiên chuyên gia nhấn mạnh, tỷ lệ mắc ung thư ở nam giới thấp hơn phụ nữ, nhưng tỷ lệ phụ nữ sống sót sau điều trị ung thư sẽ cao hơn.
Các bệnh lý ung thư phổ biến ở nữ giới có thể kể đến như ung thư vú, ung thư sàn chậu, ung thư phụ khoa… Phần lớn phụ nữ đã sống sót sau ung thư đều chia sẻ về các triệu chứng của họ gặp phải như: rối loạn tình dục (FSD), rối loạn tâm lý…
Chuyên gia giải thích, sau một chu kỳ của ung thư, việc điều trị hay tác động của bệnh gây ảnh hưởng một phần đến đời sống tình dục của nữ giới. Một phụ nữ sau điều trị ung thư không chia sẻ về những điều tiêu cực xoay quanh chất lượng cuộc sống của họ không có nghĩa những vấn đề đó không xảy ra, thực chất họ đang thầm lặng chịu đựng. Từ những tác động đó, chuyên gia nhấn mạnh vai trò của cán bộ y tế là cần đặt ra câu hỏi để hiểu được vấn đề bệnh nhân đang gặp phải.
Dẫn chứng một báo cáo của Hội đồng Cộng đồng Ung thư Mỹ cho thấy, nhân viên y tế cần chú ý hơn đến các vấn đề của bệnh nhân như chất lượng cuộc sống và quản lý các tác động muộn của quá trình điều trị. Bởi vì FSD có liên kết chặt chẽ với bệnh nhân còn sống sót sau điều trị ung thư.
Theo báo cáo trên, có đến 80% phụ nữ bị ung thư gặp những vấn đề liên quan đến tình dục. Cụ thể, khoảng 12 triệu phụ nữ vẫn phải chịu đựng vấn đề vừa mắc ung thư và FSD, nhưng họ không được lắng nghe, hỏi và thấu hiểu về những vấn đề mà họ đang trải qua. Vấn đề y tế này cũng hiếm khi được đề cập trong thực hành lâm sàng.
Nội dung báo cáo cũng cho biết, hầu hết FSD tái phát sẽ làm giảm ham muốn, giảm hưng phấn. Bên cạnh đó, vấn đề về tâm lý có tương quan đến FSD gây ra giảm cực khoái. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị bất an với cơ thể khi bị cắt bỏ ngực sau điều trị ung thư vú. Các khía cạnh xã hội khác ảnh hưởng lên phụ nữ trên 50 tuổi như trình độ học vấn, hôn nhân…
Vị chuyên gia cho biết, hơn 45% những người phụ nữ sống sót sau điều trị ung thư vú, ung thư phụ khoa hoặc ung thư trực tràng được điều trị bằng xạ trị, họ sẽ phải trải qua vấn đề đau sau khi giao hợp. Đối với những phụ nữ điều trị ung thư đầu/cổ, hơn 35% mất hứng thú và niềm vui trong quan hệ tình dục.
Nhân viên y tế chưa quan tâm đến FSD ở bệnh nhân sống sót sau điều trị ung thư
Đó là nhận định từ BS Faysal El Kak về tình trạng chăm sóc bệnh nhân sau ung thư hiện nay của nhân viên y tế, họ không lắng nghe vấn đề bệnh nhân gặp phải hoặc thật sự chăm sóc đúng cách. Các vấn đề hiện nay bệnh nhân được chú trọng chăm sóc là về thể chất, sức khỏe, còn lại không đề cập quá nhiều đến các phản ứng phụ khác.
BS Faysal El Kak nhấn mạnh một nghịch lý trong chăm sóc sức khỏe, bệnh nhân sống sót sau điều trị ung thư thường đề cập nhiều lần về sức khỏe tình dục. Cụ thể, có đến 87% bệnh nhân cho rằng điều trị ung thư ảnh hưởng đến chức năng ham muốn tình dục, nhưng chỉ có hơn 27% bệnh nhân cho biết họ từng được hỏi về vấn đề này. Phụ nữ mắc ung thư ít được nhân viên y tế hỏi về sức khỏe tình dục hơn so với nam giới.
Những trường hợp bệnh nhân được hỏi đến vấn đề FSD thì thường né tránh, vì họ đang chán nản, phải đi qua quá nhiều vấn đề liên quan đến điều trị, hóa trị, xạ trị. Chuyên gia cho rằng, phụ nữ cần phải có nhận thức tốt hơn vì bản thân họ vẫn muốn có được cảm xúc thật tốt và muốn có được kết nối với bạn đời thông qua đời sống tình dục.
Một điểm thú vị trong cuốn sách Những điều bệnh nhân không nói nếu bác sĩ không hỏi của Tiến sĩ Manon Bolliger ND được bác sĩ đề cập trong bài báo cáo. Cụ thể có 74% phụ nữ sống sót sau ung thư lâu dài không nhận được bất kỳ điều trị nào liên quan đến FSD.
Bên cạnh đó, việc đào tạo về sản phụ khoa chưa đủ, 64% bệnh nhân cho biết bác sĩ chưa bao giờ hỏi về vấn đề tình dục trong suốt quá trình chăm sóc của họ. Bệnh nhân cần nhiều hơn các cuộc trò chuyện, đối thoại về chủ đề này.
Chuyên gia đưa ra một mô hình các vấn đề tình dục liên quan đến ung thư. Trong đó, đề cập đến những yếu tố tác động đến FSD ở phụ nữ như về mặt sinh lý học của cơ thể trong việc thay đổi hormon; thay đổi một số thành phần, bộ phận, cơ quan trên cơ thể. Ví dụ như bệnh nhân ung thư vú có nhiều trường hợp cần cắt bỏ ngực, việc này cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh, không còn tự tin với cơ thể của mình.
Ngoài ra, việc kết nối với bạn tình và chất lượng mối quan hệ không có giao tiếp với nhau, do họ sợ chuyện thân mật, quan hệ tình dục. Người phụ nữ sau điều trị ung thư có vấn đề khô âm đạo, sợ bạn tình không chấp nhận được vấn đề này.
Cuối cùng là các yếu tố liên quan đến văn hóa, xã hội. Nhiều người phụ nữ do yếu tố văn hóa mà họ cảm thấy ngại khi chính bản thân họ là người bị bệnh.
Giải pháp điều trị cho bệnh nhân FSD sau điều trị ung thư
Qua tất cả các vấn đề đã đề cập đối với tình trạng FSD sau điều trị ung thư, vị chuyên gia cho rằng, bác sĩ có thể đưa ra một số phương pháp để hỗ trợ bệnh nhân. Ví dụ các phương pháp điều trị liên quan tới nội tiết, hormon, hoặc sử dụng thuốc. Bên cạnh đó còn có các trị liệu liên quan đến hành vi, các trị liệu để xử lý vấn đề xã hội như: tư vấn, tham vấn, trị liệu cặp đôi… Bác sĩ nhấn mạnh, không cần quá hoàn hảo hay phức tạp khi đưa ra giải pháp, chỉ cần đặt các câu hỏi về tiền sử, đời sống tình dục của họ.
BS Faysal El Kak lưu ý, nếu gặp phải một bệnh nhân đang gặp các vấn đề không nằm trong chuyên môn của bác sĩ, hãy gọi đến người bạn hoặc người đồng nghiệp có chuyên môn để chia sẻ các câu chuyện của bệnh nhân. Đồng thời, trong cuộc nói chuyện cần đảm bảo bệnh nhân thoải mái, bác sĩ và người bệnh đều tự tin với các câu trả lời của bệnh nhân cung cấp.
Theo vị chuyên gia, điều quan trọng trong điều trị FSD ở bệnh nhân sống sót sau điều trị ung thư là không nên cho rằng, hoặc không nên giả định nữ bệnh nhân hoặc bạn tình của họ là những chuyên gia giả định. Tất cả mọi người sinh ra đều như nhau, không ai là chuyên gia, mọi người đều phải học hỏi các kiến thức thông qua những hành vi mà mình làm từ đời sống tình dục.
Có rất nhiều những chi tiết bệnh nhân không biết, khi bác sĩ cung cấp thông tin, bệnh nhân áp dụng, từ đó họ mới quay lại phản hồi về hiệu quả. Đây là các kiến thức hoàn toàn mới đối với bệnh nhân.
Đặc biệt, bác sĩ phải cho bệnh nhân biết một số sản phẩm hiện nay như nước hoa vùng kín, dung dịch dùng cho âm đạo có thể gây kích ứng, ảnh hưởng đến chất lượng quan hệ tình dục. Do đó có thể chuyển sang các giải pháp đơn giản hơn, ví dụ như chất bôi trơn, đặc biệt là các bệnh nhân sống sót sau điều trị ung thư.
Ngoài ra có thể dùng kem dưỡng ẩm giúp giữ ẩm cho âm vật tốt hơn và nhạy cảm trở lại, cảm thụ được các tác động khi quan hệ tình dục nhiều hơn.
Chuyên gia thông tin thêm, nếu áp dụng chất bôi trơn và kem dưỡng ẩm không có tác dụng, có thể thực hiện liệu pháp hormon như điều trị estrogen khu trú, estrogen tại chỗ, hoặc dùng viên đặt âm đạo… Nhiều người quan ngại khi kê estrogen khu trú cho bệnh nhân sau điều trị ung thư, tuy nhiên vấn đề này cũng đã được Hiệp hội Mãn kinh Bắc Mỹ cho phép sử dụng và chứng nhận an toàn.
Hiện nay còn một số phương pháp áp dụng hiệu quả như: testosterone có vai trò quan trọng trong kích thích âm đạo, cải thiện các triệu chứng teo âm đạo, giúp phụ nữ có ham muốn tình dục hơn. Phương áp laser, đưa sóng CO2 hoặc sóng siêu âm vào âm đạo kích thích tái tạo collagen mới. Ngoài ra, đối với trường hợp teo âm đạo có thể dùng phương pháp dụng cụ nong âm đạo.
Đó là những phương pháp được BS Faysal El Kak giới thiệu giúp hỗ trợ cải thiện FSD cho bệnh nhân sau điều trị ung thư. Chuyên gia cho rằng, một điều đáng mừng là bệnh nhân sống sót sau ung thư họ vẫn có đời sống tình dục và còn nhu cầu nên họ đã đi tìm sự giúp đỡ. Do đó, bác sĩ cần tìm giải pháp phù hợp để điều trị cho nhóm bệnh nhân này.
>>> 34% phụ nữ Đông Nam Á gặp vấn đề rối loạn tình dục
>>> TOP 3 yếu tố tác động đến rối loạn tình dục nữ
>>> Bạch tật lê, nhân sâm - dược liệu tiềm năng trong điều trị rối loạn chức năng tình dục nữ
>>> Chuyên gia tiết lộ nguyên nhân phụ thường nữ né tránh quan hệ tình dục trong thai kỳ
>>> Bôi trơn âm đạo là bước quan trọng và cần thiết để có cuộc yêu thoải mái
Những thông tin trên được BS Faysal El Kak - Giám đốc Chương trình Sức khỏe tình dục tích hợp cho phụ nữ (WISH), Khoa Sản phụ khoa, Trung tâm Y tế Đại học Hoa Kỳ tại Beirut (AUBMC) chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế Điều trị rối loạn tình dục nữ năm 2024 (FSD 2024) diễn ra trong 2 ngày 25-26/10/2024 tại TPHCM do Bệnh viện Bình Dân phối hợp với Hội Y học Giới tính Quốc tế (ISSM), Hội Nghiên cứu Sức khỏe Tình dục Nữ Quốc tế (ISSWSH), Hội Y học Giới tính Châu Á Thái Bình Dương (APSSM), Hội Y học Giới tính Việt Nam (VSSM) tổ chức. Đây là tâm huyết được ban lãnh đạo Bệnh viện Bình Dân dày công thực hiện, khi lần đầu tiên đưa một hội thảo quốc tế chuyên sâu về rối loạn tình dục nữ tổ chức tại Việt Nam, khẳng định những bước phát triển mạnh mẽ trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người phụ nữ. Chương trình thu hút 150 học viên trên cả nước tham gia, nội dung gồm 12 bài giảng, 2 phiên Y học Giới tính châu Á - Thái Bình Dương được biên soạn bởi các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm, kiến thức lâm sàng vững chắc cũng như số lượng nghiên cứu dày dặn trong lĩnh vực tình dục học, đặc biệt là điều trị rối loạn tình dục nữ. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình