Hotline 24/7
08983-08983

BS Trương Hữu Khanh: TPHCM số ca bệnh hô hấp gia tăng là chu kỳ hàng năm, không phải virus mới

BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM cho biết, tình hình gia tăng số ca bệnh hô hấp trong thời điểm hiện nay không phải là virus hay tác nhân mới mà là đợt bệnh theo chu kỳ mới xảy ra hàng năm, do các tác nhân thông thường gây bệnh.

1. Đợt bệnh hô hấp mới ở TPHCM chỉ là số lượng mắc tăng lên theo chu kỳ

Thưa BS, thực hư thông tin TPHCM xuất hiện đợt bệnh hô hấp mới này như thế nào? “Mới” ở đây là đợt bùng phát hay là có virus “mới” thực sự xuất hiện ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: “Mới” không phải là virus hay tác nhân mới mà là đợt bệnh theo chu kỳ mới so với trước đó. Chữ “mới” ở đây có nghĩa là số lượng mắc tăng lên và theo chu kỳ.

2. Chu kỳ của đợt bệnh hô hấp từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 đến tháng 11, tháng 12

Hiện nay, với những thay đổi thời tiết “khó chiều” sáng nắng - chiều mưa, tình trạng bệnh hô hấp tại các bệnh viện Nhi trong TPHCM ra sao, thưa BS? 

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tình trạng bệnh hô hấp tại các bệnh viện Nhi trong TPHCM ở thời điểm này cao hơn so với năm trước. Thông thường bệnh virus hô hấp ở trẻ em không quá xa lạ, có những măm số lượng mắc cao hoặc ít hơn, nhưng hiện nay thuộc nhóm năm đông.

Các ca thăm khám tại phòng khám, phần lớn là mắc vấn đề dị ứng hô hấp. Tại các bệnh viện, các ca mắc bệnh hô hấp số lượng có thể lên tới 200 bệnh. Ở tất cả các bệnh viện nhi đều có tình trạng này.

Chu kỳ của đợt bệnh hô hấp thường bắt đầu từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 kéo dài đến tháng 11, tháng 12.

3. Viêm tiểu phế quản ở trẻ là tình trạng thường gặp trong đợt bệnh hô hấp do virus gây ra

Các bệnh hô hấp nào thường gặp nhất trong khoảng thời gian này, thưa BS? Trong đó, trẻ nhũ nhi là bệnh gì, trẻ nhỏ là bệnh gì và trẻ lớn thường gặp bệnh gì ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Những đợt bệnh hô hấp có số lượng trẻ mắc tăng cao thường do virus gây ra, vi khuẩn không thể lây lan số lượng nhiều. Trong mùa này, virus thuộc nhóm Rhino virus, RSV (virus hợp bào), Adenovirus, cúm… đó là nhóm virus tăng lên trong thời điểm này.

Khi vào mùa virus gây bệnh hô hấp, các nhóm trẻ nhũ nhi, trẻ nhỏ sẽ thường mắc các bệnh cảnh ban đầu là viêm hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng, sau đó rất dễ mắc viêm tiểu phế quản, bội nhiễm lên là viêm phổi.

Đặc biệt các đợt bệnh hô hấp như hiện nay thường gặp nhất là vấn đề viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ do virus.

4. Gia tăng các bệnh hô hấp có phải là điều bất thường?

Sự gia tăng các bệnh hô hấp này có phải là điều bất thường như nhiều bậc phụ huynh đang lo lắng, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Sự gia tăng các bệnh hô hấp này không phải là điều bất thường như nhiều bậc phụ huynh đang lo lắng, do cách diễn đạt về tình trạng đợt bệnh nên nhiều người cho đó là bất thường. Chữ “đợt mới” vì đã có những “đợt cũ”, bệnh hô hấp sẽ xảy ra từng đợt và không có chủng virus mới, và tùy từng năm số ca mắc sẽ tăng ít hoặc nhiều.

Những bệnh không có vắc xin thì “đến hẹn lại lên”, không có cách khác.

5. Những triệu chứng cảnh báo bệnh hô hấp ở trẻ phụ huynh cần nhớ

Bệnh hô hấp phổ biến ở trẻ em. Xin hỏi BS, các triệu chứng nào cảnh báo bệnh hô hấp mà phụ huynh nên chú ý ạ? Các triệu chứng này có thể nhầm lẫn với bệnh lý nào khác và làm sao để nhận diện kịp thời ạ?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Có hai loại bệnh viêm hô hấp là viêm hô hấp trên và viêm hô hấp dưới. Trong đó, viêm hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm tai…

Thông thường triệu chứng của viêm hô hấp là sốt, ho, sổ mũi… Nhưng nếu xuống hô hấp dưới như viêm tiểu phế quản, viêm phổi sẽ có triệu chứng thở nhanh, khò khè, tăng tiết đàm nhớt. Tất cả các tình trạng bệnh sẽ có triệu chứng giống nhau nếu đều do những loại virus đường hô hấp gây ra. Ngoài ra bệnh nhân có thể đau nhức người, sốt nhiều hơn…

Vấn đề quan trọng phụ huynh cần nhớ là trẻ có thể mắc các vấn đề viêm đường hô hấp trên 1-2 lần một năm. Nhóm trẻ 1-3 tuổi có thể bị 4-5 lần/năm. Phụ huynh cần cẩn trọng và chú ý, nếu gặp các triệu chứng cần xem con có bị viêm đường hô hấp trên hay đã bị viêm hô hấp dưới.

Để làm được điều đó phụ huynh cần theo dõi nhịp thở và cách ăn uống của trẻ để đánh giá, nếu trẻ bỏ ăn, bỏ bú cần đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.  

6. Uống đủ nước, bú đủ sữa, ngủ đủ giấc, giữ vệ sinh… để phòng bệnh hô hấp

Nhờ BS chia sẻ thêm, các giải pháp chăm sóc trẻ để nhanh khỏi bệnh hô hấp! Những sai lầm nào cần tránh để bệnh đừng nặng thêm?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Để phòng ngừa bệnh trong đợt bệnh hô hấp, trẻ cần uống đủ nước, bú đủ sữa, ngủ đủ giấc, vệ sinh môi trường, rửa tay… Người lớn sau khi ra ngoài đường về cần rửa tay và thay quần áo trước khi tiếp xúc với trẻ con, vì khi ra ngoài bàn tay của người lớn sẽ mang virus về.

Về cách điều trị, khi phụ huynh thấy trẻ bị viêm đường hô hấp trên cần bình tĩnh. Nếu trẻ bị sổ mũi cần nhỏ nước muối sinh lý, làm bấc sâu kèn để tránh nghẹt mũi ở trẻ, cho uống thuốc ho thảo dược nếu trẻ bị ho, và uống thuốc hạ sốt nếu trẻ bị sốt. Đồng thời cần theo dõi tốt cách em bé thở (thở nhanh, thở đứt quãng), cho em bé ăn, uống để đủ dinh dưỡng và nước cho con. Thời gian kéo dài tình trạng này khoảng 4-5 ngày.

Tùy thuộc vào từng trẻ mà có thể sử dụng thuốc ho thảo dược hoặc thuốc ho tân dược. Thông thường những trẻ dưới 18 tháng chỉ nên uống thuốc ho thảo dược; trẻ trên 18 tháng có thể dùng thuốc ho tân dược nhưng phải xin ý kiến bác sĩ.

Sai lầm của phụ huynh là không chăm sóc dinh dưỡng và không bổ sung nước cho trẻ sẽ khiến trẻ thiếu nước, đàm khô trở lại, khi đó đàm bị ứ và gây khó thở. Ngoài ra nếu sử dụng một loại thuốc tân dược gây khô đàm, tắc đàm cũng có thể làm tình trạng bệnh của con trở nặng.

BS Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM

7. Những dấu hiệu ở bé phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện ngay

Đâu là những dấu hiệu cho thấy con cần được chăm sóc ở bệnh viện, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện khi có các triệu chứng như:

Thứ nhất, bé bỏ ăn, bỏ uống; phụ huynh đã nhỏ mũi cho con, tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi không còn nhưng bé vẫn không chịu bú.

Thứ hai là theo dõi nhịp thở: Bé dưới 2 tháng, nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên; bé từ 2-12 tháng, nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên; bé hơn 1 tuổi, nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên, đó là chứng thở nhanh, có thể đã biến chứng xuống nên cần đi khám ngay.

Thứ ba, con thở rút lõm, bé hít vào ngực lõm xuống (bình thường ngực phải phồng lên), cho thấy triệu chứng viêm phổi nặng.

Thứ tư, bé tím tái, bứt rứt, khó chịu có thể bé đang bị thiếu oxy, lúc đó cần đưa đi bệnh viện ngay.

8. Làm gì để giảm lây nhiễm chéo khi bé nhập viện?

Đi khám vào thời điểm này (có thể vì bệnh hô hấp hoặc không phải), làm sao để đừng bị lây nhiễm chéo, thưa BS? 

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trong bệnh viện thường xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, tuy nhiên điều quan trọng là khi cần mới cho bé nhập viện. Trước đó có thể chọn bệnh viện không quá đông nhưng khi cần phải cho bé điều trị ở một tuyến nhất định, từ đó mới có thể hạn chế lây chéo.

Khi nhập viện không nên di chuyển con đi quá nhiều, chỉ ra ngoài khi cần, còn lại hãy để bé ở trong phòng bệnh. Người lớn đi đến chỗ khác về phải rửa tay mới hạn chế được tình trạng lây chéo.

9. Phòng ngừa bệnh hô hấp như thế nào?

Từ giờ đến cuối năm, bệnh lý hô hấp sẽ diễn tiến theo chiều hướng như thế nào, thưa BS? Các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đến các bệnh hô hấp nào và cần làm gì để bảo vệ con tốt nhất vào giai đoạn này ạ? 

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bệnh hô hấp hiện vẫn chưa có vắc xin, do đó không thể phòng ngừa một cách chủ động, quyết liệt. Phương pháp quan trọng nhất là rửa tay, người lớn ra đường về phải rửa tay, thay quần áo trước khi tiếp xúc với con trẻ.

Trẻ sau khi đi học trên trường về nhà phải rửa tay, thay quần áo trước khi tiếp xúc với em của mình. Nếu làm được những điều trên có thể hạn chế đưa virus từ bên ngoài xâm nhập vào ngôi nhà của mình.

Bên cạnh đó cần uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất. Trong đó, cần chích một số vắc xin như vắc xin sởi vì ban đầu có thể là viêm hô hấp nhưng sau đó có thể là sởi, hay vắc xin cúm nếu con thường xuyên bệnh vặt. Đó là những biện pháp có thể làm để giảm bệnh hô hấp.

Còn lại phải chờ cho đợt bệnh này đi qua, hiện chu kỳ bệnh hô hấp này có thể kéo dài thêm 1-2 tháng nữa.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X