Hotline 24/7
08983-08983

Các dấu hiệu cảnh báo ung thư đường tiêu hóa nhất định không được bỏ qua

Theo ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành - Phó Trưởng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115, người bệnh có triệu chứng đau bụng, sụt cân cần đi khám để tầm soát các bệnh lý về đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, nếu gia đình có tiền sử ung thư đường tiêu hóa thì những người còn lại cần tầm soát dự phòng.

1. Ung thư đường tiêu hóa gồm những loại ung thư nào?

Thưa BS, ung thư đường tiêu hóa gồm những loại ung thư nào ạ? Và những ai có nguy cơ cao mắc phải ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Ung thư đường tiêu hóa gồm ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư ruột non (với tỷ lệ hiếm), ung thư đại tràng, ung thư đại trực tràng. Đó là nhóm bệnh của ống tiêu hóa. Còn về đường tiêu hóa có những nhóm bệnh khác như ung thư tuyến tụy, ung thư đường mật, ung thư túi mật, ung thư gan...

2. Đau bụng, sụt cân là dấu hiệu cảnh báo cần tầm soát bệnh lý đường tiêu hóa

Thưa BS, đau bụng, sụt cân có phải là dấu hiệu cảnh báo ung thư đường tiêu hóa không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Đau bụng là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, hầu hết là triệu chứng của nhóm bệnh đường tiêu hóa. Sụt cân cũng có nhiều nguyên nhân. Sụt cân bệnh lý là số cân nặng sụt từ 5-10% trong 3-6 tháng. Triệu chứng đau bụng và sụt cân đi kèm với nhau là dấu hiệu cảnh báo cần tầm soát các nguyên nhân gây ung thư đường tiêu hóa và hệ tiêu hóa.

Người có triệu chứng đau bụng, sụt cân cần tầm soát bệnh lý đường tiêu hóa (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)

3. Những dấu hiệu cảnh báo ung thư đường tiêu hóa không nên bỏ qua

Thưa BS, ngoài đau bụng, sụt cân thì ung thư đường tiêu hóa còn có những dấu hiệu nào khiến người bệnh không thể chủ quan ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Khi có triệu chứng đau bụng, sụt cân, cần lưu ý một số triệu chứng đặc biệt của bệnh đường tiêu hóa.

- Ung thư thực quản: Nuốt nghẹn, nuốt vướng, nuốt khó từ thức ăn đặc đến thức ăn lỏng, khi nuốt nước vẫn có cảm giác nghẹn. Đó là những dấu hiệu cảnh báo.

- Ung thư dạ dày: Bên cạnh triệu chứng đau bụng âm ỉ kéo dài, sụt cân, ăn uống kém còn một số triệu chứng khác như đầy bụng, chướng bụng, nôn ra dịch nâu đen, đi cầu phân đen.

- Ung thư đại trực tràng: Đau bụng, sụt cân kèm theo các triệu chứng như rối loạn thói quen đi cầu, đau quặng bụng, đi cầu ra máu, thay đổi tính chất phân như táo bón, tiêu chảy, có máu nhầy, máu đỏ sẫm, sau khi đi vệ sinh có cảm giác đi không hết phân (hội chứng giả lỵ).

Do đó, khi có dấu hiệu đau bụng, sụt cân kèm những triệu chứng trên, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa Tiêu hóa để được tầm soát các bệnh lý này.

4. Phân biệt đau bụng, sụt cân do tinh thần, chế độ ăn và do bệnh lý

Thưa BS, đau bụng, sụt cân ở mức độ nào thì đáng lo ạ? Làm sao để phân biệt được đau bụng, sụt cân do yếu tố tinh thần, do chế độ ăn hay do bệnh lý ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Trước tiên, chúng ta cần phân biệt sụt cân do cố ý hay do bệnh lý. Sụt cân cố ý trong trường hợp áp dụng chế độ ăn kiêng để giảm cân, không xếp vào nhóm bệnh lý ác tính. Ngoài sụt cân ác tính như các bệnh lý đã kể thì sụt cân còn có nguyên nhân khác như bệnh lý toàn thân.

Ví dụ bệnh nhân ăn uống nhiều nhưng vẫn sụt cân nhiều là dấu hiệu của bệnh toàn thân như tiểu đường. Hay sụt cân kèm triệu chứng run tay, người nóng nực, bứt rứt, mắt lồi thuộc nhóm bệnh lý nội tiết như nhiễm độc giáp (cường giáp). Một số tình trạng sụt cân do stress lâu ngày, chán ăn tâm thần, người bệnh không ăn đầy đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, ở những trường hợp này triệu chứng đau bụng không điển hình. Với sụt cân do bệnh tiểu đường, bệnh nội tiết người bệnh hầu như  không đau bụng. Trong bệnh lý cường giáp, người bệnh có rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy nhưng không phải do đau bụng. Đối với trường hợp stress, chán ăn tâm thần hầu hết không có triệu chứng của đường tiêu hóa.

5. Người bệnh sụt cân từ 5-10% trong 3-6 tháng cần đi khám để tìm nguyên nhân

Thưa BS, khi có dấu hiệu đau bụng, sụt cân người bệnh có thể theo dõi trong bao lâu ạ? Khi nào, những ai cần đi khám ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Nếu sụt cân từ 5-10% trong 3-6 tháng, người bệnh bắt buộc phải đi khám để tìm nguyên nhân. Bên cạnh đó, nếu đau bụng, sụt cân kèm với những triệu chứng đã mô tả như nuốt nghẹn, nuốt vướng, đầu bụng, chướng bụng, chán ăn, rối loạn đi tiêu như tiêu chảy, táo báo, phân thay đổi hình dạng như không thành khuôn, dẹt, có máu, đi xong có cảm giác muốn đi nữa... đó là những dấu hiệu phải đi tầm soát bệnh lý đường tiêu hóa.

6. Nội soi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh đường tiêu hóa

Khi tầm soát, bệnh nhân sẽ được thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Bên cạnh xét nghiệm máu đánh giá chức năng toàn cơ thể thì nội soi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh đường tiêu hóa. Đối với nhóm bệnh đường tiêu hóa trên sẽ nội soi thực quản, dạ dày. Với bệnh đường tiêu hóa dưới sẽ nội soi đại trực tràng để xác định tổn thương trong ống tiêu hóa. Sau khi áp dụng nội soi, nếu cần thiết, người bệnh có thể thực hiện những biện pháp cao hơn như chụp CT ổ bụng để chẩn đoán xác định chính xác.

7. Nên làm gì nếu gia đình có tiền sử ung thư đường tiêu hóa?

Thưa BS, nếu trong gia đình có tiền sử ung thư đường tiêu hóa, kể cả khi không có dấu hiệu cảnh báo thì chúng ta nên theo dõi sức khỏe ra sao ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Nếu trong gia đình có người bị ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng thì có khuyến cáo lưu ý. Nếu bệnh nhân ung thư dạ dày có liên quan đến HP được khuyến cáo nên tầm soát. Vì HP là chủng độc lực cao, có khả năng gây ung thư dạ dày cho những người còn lại.

Đối với bệnh lý đại trực tràng có hai nhóm bệnh:

Thứ nhất là ung thư đại trực tràng mang tính chất di truyền, do hội chứng đa polyp tuyến của đại tràng (cũng có đa polyp dạ dày) cần đi tầm soát cả gia đình.

Thứ hai là nhóm hội chứng ung thư đại trực tràng di truyền không do polyp, gọi là hội chứng Lynch. Đây cũng là nhóm bệnh mang tính chất di truyền.

Do đó, nếu trong gia đình có người bị ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng thì những người còn lại nên tầm soát dự phòng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X