Hotline 24/7
08983-08983

Những biện pháp phòng ngừa đau cổ vai gáy hiệu quả

Đau cổ vai gáy dần trở nên phổ biến hơn, không chỉ xuất hiện đối với những người cao tuổi mà các bạn trẻ hiện nay cũng mắc phải bệnh lý này ngày càng nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là do những thói quen sinh hoạt không lành mạnh.

1. Đau cổ vai gáy là gì?

Đau cổ vai gáy là tình trạng các cơ vùng vai gáy co cứng gây đau và hạn chế vận động khi quay đầu hoặc quay cổ. Tình trạng này thường xuất hiện vào buổi sáng, có liên quan chặt chẽ đến mạch máu, thần kinh và hệ thống cơ xương khớp vùng cổ vai gáy.

Khi bị đau cổ vai gáy, ban đầu người bệnh chỉ cảm thấy đau nhẹ, mỏi vùng vai gáy. Nếu không được điều trị kịp thời, những cơn đau sẽ tăng dần về mức độ và tần suất xuất hiện.

Căn cứ vào thời gian diễn biến của bệnh mà người ta chia đau cổ vai gáy thành 2 loại chính bao gồm:

- Đau cổ vai gáy cấp tính: Tình trạng đau cổ vai gáy thường xảy ra khi người bệnh ngủ sai tư thế khiến cho các cơ căng giãn quá nhanh hoặc sau khi bị chấn thương cơ, dây chằng ở vùng này. Tình trạng này sẽ dần biến mất sau một thời gian ngắn, không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh.

- Đau cổ vai gáy mãn tính: Triệu chứng diễn ra thường xuyên, kéo dài, kèm theo đó là một vài triệu chứng khác như dị cảm, đau lan sang cánh tay. Trong trường hợp này, người bệnh cần đi khám để có hướng điều trị lâu dài phù hợp, hạn chế tối đa những biến chứng của bệnh.

2. Triệu chứng của đau cổ vai gáy

Các cơn đau cổ vai gáy được nhận biết dựa trên những triệu chứng sau:

- Cơn đau thường xuất hiện vào buổi sáng sớm khi vừa ngủ dậy, khi ngồi làm việc quá lâu ở cùng một tư thế hay sau khi lao động nặng.

- Đau tăng khi người bệnh đi đứng hay ngồi lâu, ho, hắt hơi hay vận động cổ quá nhiều hoặc khi thay đổi thời tiết. Các cơn đau sẽ giảm xuống khi nghỉ ngơi.

- Các cơn đau có thể lan từ bả vai sang các vùng lân cận như mang tai, thái dương, cánh tay, lưng…

- Cứng cổ và tê mỏi, cử động kém linh hoạt. Người bệnh gặp khó khăn khi quay trái, quay phải và đưa cổ lên xuống.

- Trong một số trường hợp, ngoài triệu chứng đau cổ vai gáy, người bệnh có thể kèm theo một số triệu chứng khác như hoa mắt, chóng mặt, ù tai…

Xem thêm: Đau cổ vai gáy: Chẩn đoán và điều trị

3. Nguyên nhân dẫn đến đau cổ vai gáy

Tình trạng đau cổ vai gáy có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến:

a. Nguyên nhân cơ học

Một số nguyên nhân cơ học có thể khiến bạn bị đau cổ vai gáy bao gồm:

- Tập luyện quá sức: Việc tập luyện quá sức và sai kỹ thuật có thể khiến bạn bị đau cổ vai gáy. Bên cạnh đó, nếu bạn chủ quan, không khởi động trước khi vận động mạnh cũng có thể làm tăng nguy cơ đau cổ vai gáy.

- Sai tư thế trong sinh hoạt: Trên thực tế, ngồi làm việc quá lâu trước màn hình máy tính, cúi gập cổ trong thời gian dài, nằm nghiêng và co quắp hoặc dựa đầu vào ghế… cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy và máu đến các cơ vùng cổ vai gáy, từ đó gây nên tình trạng đau mỏi cổ vai gáy.

- Tính chất công việc: Đối với những người làm các công việc yêu cầu ngồi nhiều như dân văn phòng, lái xe, thợ may hay đứng quá lâu như tiếp thị, tổ chức sự kiện… gây áp lực không nhỏ đến hệ thần kinh vùng cổ vai gáy, từ đó dẫn đến tình trạng đau mỏi.

- Chấn thương: Chấn thương vùng cổ vai gáy có thể làm tổn thương đốt sống và dây chằng gây nên các triệu chứng kể trên.

b. Nguyên nhân bệnh lý

Đau cổ vai gáy có thể xuất phát từ một số bệnh lý mà người bệnh mắc phải từ trước như:

- Thoái hóa đốt sống cổ: Khi bị thoái hóa đốt sống cổ, các gai xương sẽ xuất hiện và chèn ép vào dây thần kinh ở vùng cổ vai gáy gây cảm giác đau mỏi.

- Rối loạn chức năng thần kinh: Rối loạn chức năng thần kinh ảnh hưởng trực tiếp đến các dây thần kinh vùng cổ vai gáy sẽ gây cảm giác đau mỏi cổ vai gáy. Cùng với triệu chứng đau cổ vai gáy, người bệnh còn có thể kèm theo một số biểu hiện khác như khó ngủ, dễ xúc động và mất tập trung…

- Vôi hóa cột sống: Canxi lắng đọng bám vào thân đốt sống dẫn đến tình trạng cột sống bị vôi hóa. Những chồi xương này chèn ép vào rễ thần kinh ống sống và gây ra tình trạng đau cổ vai gáy kèm khó vận động.

- Viêm bao khớp vai: Người bệnh mắc viêm bao khớp vai sẽ cảm thấy đau một bên khớp vai khi trời trở lạnh hoặc đau lúc nửa đêm, đặc biệt là khi nằm nghiêng. Trong một số trường hợp người bệnh còn bị hạn chế khi vòng tay ra sau và không với tay để lấy được đồ trên cao, thậm chí là đau cả khi chải đầu.

- Rối loạn khớp bả vai lồng ngực: Việc thường xuyên ngồi một chỗ trong nhiều giờ khiến cho các cơ vùng cổ vai gáy bị căng giãn quá mức và gây đau.

4. Chế độ sinh hoạt và phương pháp phòng ngừa bệnh đau cổ vai gáy

a. Chế độ sinh hoạt cho người bệnh đau cổ vai gáy

Những thói quen sinh hoạt lành mạnh có thể giúp người bệnh hạn chế những diễn tiến của đau cổ vai gáy.

- Chế độ sinh hoạt: Một chế độ sinh hoạt khoa học sẽ giúp người bệnh cải thiện đáng kể triệu chứng đau vai gáy. Theo các bác sĩ chuyên khoa, người bệnh đau cổ vai gáy cần hạn chế các hoạt động xoay mạnh đốt sống cổ, hạn chế việc ngồi hay nằm một chỗ quá lâu và tránh tuyệt đối việc lao động nặng. 

- Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên thường xuyên tập luyện các động tác thể dục nhẹ nhàng để thư giãn cơ. Hành động này cũng sẽ giúp người bệnh giảm đáng kể tình trạng đau nhức cổ vai gáy.

- Chế độ dinh dưỡng: Người bệnh cần đảm bảo dinh dưỡng, đồng thời bổ sung thêm các loại khoáng chất cần thiết tốt cho hệ xương khớp như canxi, omega-3, các vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin D, glucosamine và chondroitin… Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ cũng như nói không với các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…

Xem thêm: Nguyên nhân và triệu chứng của đau cổ vai gáy

b. Những phương pháp phòng ngừa đau cổ vai gáy hiệu quả

Để phòng ngừa tình trạng đau cổ vai gáy, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

- Không ngồi hay nằm quá lâu trong một thời gian dài. Bạn nên thay đổi tư thế hoặc đứng lên đi lại và thực hiện các động tác giãn cơ vùng cổ vai gáy sau mỗi 45 - 60 phút làm việc.

- Chăm chỉ rèn luyện thể lực và vận động bằng cách duy trì thói quen tập thể dục thể thao. Bạn nên chọn cho mình những bài tập nhẹ nhàng và phù hợp với thể trạng của bản thân.

- Người bệnh nên đan xen giữa làm việc và nghỉ ngơi một cách hợp lý. Bên cạnh đó, bạn có thể áp dụng các phương pháp thư giãn như xoa bóp, massage vùng cổ vai gáy để giúp máu lưu thông tốt hơn.

- Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học: Đảm bảo đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, không bỏ bữa, bổ sung nhiều các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất thiết yếu…

- Khi ngủ,người bệnh nên lựa chọn gối có độ cao phù hợp. Việc sử dụng gối quá cao có thể hạn chế sự lưu thông máu vùng cổ vai gáy và dễ gây đau mỏi vùng cổ vai gáy.

- Luôn giữ tâm lý thoải mái, hạn chế căng thẳng và stress để giảm nguy cơ đau nhức cơ xương khớp.

- Duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần để theo dõi sức khỏe, đồng thời phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe bất thường (nếu có) và can thiệp kịp thời (nếu cần).

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X