Đau cổ vai gáy: Chẩn đoán và điều trị
Do tính chất công việc và lối sinh hoạt hàng ngày khiến nhiều người gặp phải tình trạng đau cổ vai gáy, bệnh xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Đau cổ vai gáy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động, tâm lý cũng như sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
1. Tổng quan về đau cổ vai gáy
Đau cổ gáy là tình trạng đau thắt, khó chịu phần cột sống cổ từ gáy đến giữa hai xương bả vai, không kèm theo chấn thương hay dấu hiệu thần kinh khác.
Đau cổ vai gáy thường tự khỏi, không để lại biến chứng. Tuy nhiên đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn như khối u, nhiễm trùng,... cần phải được phát hiện và điều trị sớm.
2. Nguyên nhân gây đau cổ vai gáy
- Sự căng cơ: Khi cơ vùng cổ phải hoạt động trong thời gian dài khiến cho cơ bị kéo căng gây ra cảm giác đau đớn. Các hoạt động có thể gây nên tình trạng này là cúi quá nhiều khi dùng máy tính, điện thoại, đọc sách trong thời gian dài, nằm ngủ sai tư thế.
- Thoái hoá cột sống cổ: Các đốt sống cổ theo thời gian sẽ gặp phải tình trạng thoái hoá, thay đổi các gai xương làm cho các khớp không còn hoạt động trơn tru, gây ra tình trạng đau đặc biệt khi vận động vùng cổ. Hơn nữa, thoái hoá đốt sống cổ có thể làm thu hẹp ống sống, khiến cho các dây thần kinh dễ bị chèn ép nên đau vai, gáy và có thể lan xuống cánh tay.
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Khi xảy ra thoát vị đĩa đệm, vị trí cấu trúc, thành phần đĩa đệm thay đổi gây chèn ép thần kinh dẫn đến nóng rát, ngứa, tê vùng vai gáy.
- Chấn thương vùng cột sống cổ làm căng cơ vùng cổ ra phía trước có thể gây nên những cơn đau.
Khối u, nhiễm trùng ảnh hưởng đến các dây thần kinh.
3. Phân loại bệnh đau cổ vai gáy
Dựa trên thời gian diễn ra bệnh, người ta chia đau cổ vai gáy làm 2 loại là cấp tính và mãn tính.
a. Đau vai gáy cấp tính
Bệnh xuất phát từ những nguyên nhân như chấn thương, ngủ không đúng tư thế khiến cơ căng ra quá mạnh dẫn đến tình trạng đau mỏi.
Khi xuất hiện những triệu chứng đau mỏi, người ta thường sử dụng thuốc hoặc vật lý trị liệu hỗ trợ để giảm bớt cơn đau. Đa phần những tổn thương dây chằng này sẽ khỏi sau vài ngày nhờ những dưỡng chất đi từ máu đến các cơ.
b. Đau vai gáy mãn tính
Đây là tình trạng đau nhức vùng cổ vai gáy trong thời gian dài và kèm theo các triệu chứng như đau tê lan về một tay.
Khi có những triệu chứng tổn thương nên kiểm tra lâm sàng chuyên biệt chẩn đoán bệnh chính xác.
Xem thêm: Nguyên nhân và triệu chứng của đau cổ vai gáy
4. Triệu chứng khi bị đau vai gáy
Có rất nhiều triệu chứng của đau vai gáy mà người bệnh gặp phải, sau đây là một số triệu chứng thường gặp nhất:
- Đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng vai gáy, cảm giác đau khi ấn vào xương cột sống cổ.
- Tê đau lan truyền lên thái dương, mang tai hay xuống cánh tay.
- Đau ở một bên gáy trái hoặc phải.
- Đau vai gáy đi kèm đau mỏi vùng cổ.
- Đau nhiều khi đứng lên hoặc khi vận động nặng, thời tiết thay đổi.
5. Chẩn đoán đau cổ vai gáy
a. Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu: đánh giá chỉ số bạch cầu để xem có thể có đang bị viêm nhiễm hay không.
- Xét nghiệm máu lắng, CRP: phân biệt nguyên nhân đau vùng cổ kiểu viêm hay kiểu cơ học.
b. Hình ảnh học
- X-quang cột sống cổ thẳng, nghiêng và chếch 3/4 phải và trái: xét nghiệm có độ nhạy cao cho phép phát hiện gãy xương, những thay đổi về gai xương (khoảng cách hai gai xương), đánh giá xem có hẹp lỗ liên hợp hay chèn ép thần kinh hay không.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): đánh giá hệ thống dây chằng, thần kinh và cơ hiệu quả, rõ ràng, không xâm lấn. MRI có thể giúp đánh giá hiệu quả các thương tổn vùng đĩa đệm cột sống.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scanner): cho hình ảnh lát cắt ngang đi qua tủy sống, đánh giá tốt về gai xương, các dây thần kinh có bị chèn ép hay không, có xuất hiện khối u tác động vào xương hay không.
- Đo điện cơ: đo hoạt động của các cơ để đưa ra kết luận về các rối loạn chức năng cơ, chức năng thần kinh cơ nhằm đánh giá yếu cơ, thoái hóa thần kinh ảnh hưởng đến cơ,...
6. Các phương pháp điều trị đau cổ vai gáy
a. Dùng thuốc
- Thuốc giảm đau: thường sử dụng nhóm acetaminophen hoặc tramadol tùy vào mức độ đau.
- Thuốc kháng viêm: có thể sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như để giảm những cơn đau ibuprofen, diclophenac, meloxicam, celecoxib, etoricoxib,...
Ngoài ra, tùy theo chức năng gan thận và tình trạng bệnh lý nền mà có thể thay thế sử dụng bằng thuốc kháng viêm nhóm corticoid như prednisone, methylprelnisolone.
- Thuốc giãn cơ: khi thuốc giảm đau không điều trị được triệu chứng và phải có chỉ định của bác sĩ như carisoprodol, eperison...
b. Vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu kéo dãn cơ vùng cổ sẽ giúp tăng cường gân, cơ ở cổ đồng thời nâng cao sự linh hoạt của các khớp ở vùng này.
Lưu ý khi áp dụng phương pháp vật lý trị liệu cần phải có sự giám sát của kỹ thuật viên. Người bệnh có thể chườm ấm và massage vùng cổ vai gáy nếu bị căng cơ.
c. Phẫu thuật và các phương pháp khác
- Phẫu thuật: được sử dụng trong trường hợp dây thần kinh bị chèn ép gây ra các biến chứng nghiêm trọng như yếu các chi.
- Tiêm corticoid: corticoid có tác dụng giảm viêm hiệu quả. Bác sĩ có thể tiêm trực tiếp corticoid vào vùng gần rễ thần kinh, khớp hoặc cột sống giúp giảm đau nhanh chóng.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình