Nhận diện và phòng ngừa loãng xương ở người trẻ tuổi
Đau nhức xương khớp ở người trẻ nhiều khả năng là hệ lụy của thói quen làm việc và vận động thiếu khoa học trong cuộc sống hiện đại nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh xương khớp nguy hiểm. Chính vì vậy, người trẻ không nên chủ quan mà cần sớm tới các cơ sở y tế thăm khám ngay khi triệu chứng đau nhức xuất hiện.
1. Thực trạng loãng xương ở người trẻ hiện nay
Bệnh lý loãng xương, hay còn gọi giòn xương hay xốp xương, là tình trạng mật độ và kết cấu xương bị giảm, khiến xương giòn hơn, dễ gãy và tổn thương. Những số liệu về căn bệnh này ở người trẻ thực sự đáng lo ngại.
a. Giòn xương - Vấn đề không chỉ ở người lớn tuổi
Hình thái của xương được tạo thành do quá trình hoạt động của các tế bào sinh và hủy xương. Khối lượng khoáng chất trong đó sẽ tăng theo từng giai đoạn của cơ thể, đạt đến ngưỡng nhất định và là thước đo đánh giá phát triển của xương.
Ngày nay, do nhiều tác nhân công việc và cuộc sống, mà quá trình chuyển hóa bị rối loạn, xương bị ảnh hưởng và tổn thương. Đã có những trường hợp loãng xương chỉ khi mới 20 - 30 tuổi.
Theo đo lường, Việt Nam hiện có khoảng 3,2 triệu người, trong đó hơn 2,4 triệu phụ nữ đang bị loãng xương. Thêm vào đó, hơn 190.000 ca gãy xương do bệnh xốp xương gây nên, 29.000 ca gãy xương hông và 23% phụ nữ sau 50 tuổi gãy lún đốt sống. Dự báo, tới năm 2030, số ca giòn xương sẽ lên tới 4,5 triệu, trong đó 70 - 80% là nữ giới.
b. Nguy hiểm ngầm từ chứng loãng xương ở người trẻ tuổi
Giòn xương là bệnh lý tiến triển âm thầm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả.
Dễ thấy đầu tiên phải kể đến những cơn đau nhức xương, mệt mỏi kéo dài. Nhất là vào ban đêm, chứng đau đầu xương, đau dọc xương dài luôn là nỗi ám ảnh. Sau đó, bệnh gây ra các rối loạn về tư thế cột sốt, chuột rút, gù lưng, cong vẹo cột sống.
Trong quá trình sinh hoạt thường nhật, người bệnh có thể bị gãy xương chỉ bởi những tác động hay vận động nhẹ. Các vị trí quan trọng như cột sống, cổ xương đùi, xương cổ tay rất dễ bị gãy, khó hồi phục lại. Kéo theo đó là nguy cơ tàn phế, tử vong, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của bệnh nhân.
2. Nguyên nhân khiến người trẻ gặp các vấn đề về xương
Nguyên nhân gây nên xốp xương ở người trẻ khá đa dạng, gồm cả chủ quan và khách quan.
a. Nồng độ estrogen thấp
Đây là loại tiết tố nữ giúp bảo vệ và duy trì khoáng chất trong xương. Nồng độ chất giảm cũng có nghĩa các thành phần trong xương dần suy yếu và gia tăng nguy cơ loãng xương.
b. Di truyền
Người cùng huyết thống có tiền sử loãng xương sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho thế hệ sau.
c. Dinh dưỡng
Người trẻ thường chủ quan, tự tin vào sức khỏe của mình mà quên đi việc ăn uống khoa học, đảm bảo đủ chất cho cơ thể. Xu hướng thích đồ ăn nhanh, đồ hộp, đồ chế biến sẵn cùng những thực phẩm giàu chất béo, ít rau xanh khiến cơ thể mất cân bằng và giảm khả năng sinh xương. Việc thiếu hụt canxi, magie, kali làm hệ xương khớp suy yếu.
d. Thuốc và các bệnh lý khác
Với những người đang dùng thuốc điều trị các bệnh lý khác như ung thư, thuốc chống co giật, thuốc ức chế bơm proton,… sẽ gây ra tác dụng phụ giảm mật độ tế bào xương và khả năng hấp thụ canxi.
Các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, tim mạch,… cũng khiến loãng xương có khả năng xuất hiện.
e. Sinh hoạt
Sống không lành mạnh là vấn đề dễ gặp ở nhiều người trẻ hiện nay. Vì bận rộn, họ thường làm việc trong môi trường kín, không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay ngồi yên một chỗ trong thời gian dài. Điều này khiến quá trình chuyển hóa bị trì trệ, hủy xương diễn ra nhanh hơn.
Ngoài ra, lười vận động, sử dụng chất kích thích, đồ uống có cồn, thuốc lá, rượu bia,… cũng là những tác nhân khiến tái tạo xương bị cản trở.
Xem thêm: Tại sao người già hay bị loãng xương?
3. Biểu hiện cảnh báo loãng xương ở người trẻ
Dù không có biểu hiện riêng biệt, nhưng bệnh nhân vẫn có thể cảm nhận giòn xương nhờ những “cảnh báo” sau:
- Đau mỏi lưng, các khớp
- Đau nhức xương, cột sống, cổ tay, cổ chân, nhánh xương dài
- Gù lưng
- Chiều cao giảm do đốt sống bị sụt lún
- Ớn lạnh, đổ mồ hôi
- Móng chân, móng tay dễ gãy
- Tụt nướu, lợi
- Suy nhược, mệt mỏi, chán ăn
4. Cách phòng ngừa bệnh loãng xương ở người trẻ
Với những người trẻ, cần tuân thủ những nguyên tắc sau để phòng ngừa bệnh loãng xương:
- Xây dựng khẩu phần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung thêm canxi và vitamin D có trong các loại cá, đậu, sữa chua, rau xanh, ...Đồng thời, thường xuyên tắm nắng vào sáng sớm cũng là cách để bổ sung lượng vitamin D hiệu quả.
Ngoài ra, nếu bạn có muốn bổ sung thêm viên uống hay các thực phẩm chức năng khác thì cần hỏi ý kiến của các bác sĩ chuyên môn để có liều lượng cho phù hợp.
- Thường xuyên vận động với các môn thể thao phù hợp với thể trạng để nâng cao sự dẻo dai của cơ thể.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá cùng các chất kích thích khác.
- Khi có những dấu hiệu về xương khớp như chuột rút, đau mỏi, móng tay yếu, ...cần nhanh chóng thăm khám để có sự chẩn đoán chính xác nhất, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Với những người mắc phải các bệnh lý mạn tính cũng cần thăm khám định kỳ để theo dõi sức khỏe, trong đó có sức khỏe xương khớp.
Bệnh loãng xương không ngoại trừ đối tượng nào, ngay cả những người trẻ khỏe mạnh vẫn có nguy cơ mắc bệnh khá cao. Do đó, cần xây dựng một lối sống khoa học để có thể phòng ngừa căn bệnh này.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình