Hotline 24/7
08983-08983

Nhận biết sớm loét tì đè, chăm sóc đúng cách để ngăn chặn biến chứng, tử vong

Loét tì đè tưởng chừng như không quá nguy hại nhưng lại dẫn đến rất nhiều hệ quả, thậm chí gây tử vong ở người cao tuổi. Một lưu ý đặc biệt mà BS. CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc, Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, BV Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ là hãy chăm sóc người cao tuổi bằng sự yêu thương để phòng ngừa tình trạng này.

1. Loét tì đè, những nguyên nhân và biến chứng

- Nhờ BS giải thích rõ hơn loét tì đè là gì và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc trả lời: Loét tì đè là một tình trạng tổn thương khu trú ở da do chịu những áp lực về tì đè hoặc kéo trượt trong thời gian dài, dẫn đến việc tổn thương mô, cơ, mạch máu và xương.

Vấn đề tổn thương mô xảy ra do một số nguyên nhân: Da kém đàn hồi, da mất lớp dầu ở bề mặt, tình trạng thiếu máu nuôi,...

Nguyên nhân nội tại như tình trạng lão hóa, chịu ảnh hưởng bởi một số bệnh lý nền như đái tháo đường, tai biến khiến da dễ bị tổn thương hơn so với cơ địa người bình thường. Một số trường hợp khác, bệnh nhân bị béo phì, suy dinh dưỡng, tình trạng mất cảm giác nên không nhận biết được những tổn thương và tổn thương loét ngày càng lan rộng hơn.

Những tác động bên ngoài có thể là sự kéo trượt trong quá trình vận chuyển người bệnh, do sự tiếp xúc với những môi trường bị ẩm ướt, không vệ sinh,...

Một số cá nhân dễ gặp tình trạng loét: người lớn tuổi; người mắc nhiều bệnh nền như đái tháo đường, tai biến mạch máu não, bệnh nhân suy dinh dưỡng, béo phì, bệnh lý ác tính; đối tượng phải nằm lâu, bất động hoặc là sau phẫu thuật.

 - BS vừa nhắc đến người cao tuổi dễ bị loét tì đè. Vậy thì tại sao người cao tuổi dễ bị loét tì đè, do bệnh lý hay do quá trình lão hóa thưa BS.

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc trả lời: Loét tì đè được tạo ra bởi sự cộng hưởng của nhiều yếu tố. Vấn đề lão hóa và những bệnh lý khác gộp chung để thành nguyên nhân gây ra hiện tượng này chứ không đơn thuần chỉ là một trong hai lý do ở trên.

2. Các vị trí thường xảy ra loét tì đè

- Ở người lớn tuổi thì đâu là vị trí thường xuyên xảy ra tình trạng loét tì đè thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc trả lời: Tùy theo vị trí và tư thế nằm của người bệnh: Nếu bệnh nhân nằm ngửa, vùng dễ bị loét tì đè là gót chân, vùng khuỷu tay, vùng vai, vùng đầu; nếu chúng ta nằm nghiêng, vị trí ở mắt cá chân, đầu gối, hai bên cánh chậu, vùng vai và vùng tai dễ bị loét.

Người bệnh thường xuyên ngồi như ngồi xe lăn, những vùng hay bị loét là vùng gót chân, vùng bàn chân, vùng xương cụt, phần mông, vùng vai.

3. Làm sao nhận diện sớm tình trạng loét tì đè?

Nhờ BS chia sẻ cách nhận diện các vùng da loét tì đè ở người già, đặc biệt là người chăm sóc có thể phát hiện tình trạng này sớm hơn ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc trả lời: Người chăm sóc có thể theo dõi những vị trí bị ảnh hưởng bởi tư thế nằm của bệnh nhân. Sự thay đổi màu da so với những vùng xung quanh là dấu hiệu để biết đây loét tì đè giai đoạn sớm.

Nếu chúng ta chú ý và quan tâm đúng mực đến người bệnh thì sẽ phát hiện sớm được vấn đề, không có gì khó khăn.

4. Các biến chứng sẽ xảy ra nếu loét tì đè không được phát hiện và điều trị?

- Nếu chúng ta không phát hiện sớm tình trạng này thì liệu rằng các biến chứng nào có thể xảy ra thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc trả lời: Loét tì đè có rất nhiều biến chứng chia thành biến chứng tổn thương thực thể và những hệ lụy ảnh hưởng rất nhiều tới tinh thần của người bệnh, người chăm sóc cũng như gia đình của họ.

Những tổn thương thực thể mà người bệnh phải chịu đựng là sự đau đớn kéo dài, họ sẽ rất khó chịu, bực bội về những tổn thương này. Những tổn thương có thể bị lan rộng ra hoặc chuyển độ sâu hơn nếu chúng ta không chăm sóc đúng cách.

Đây là những dấu hiệu rất nguy hiểm. Đôi khi những tổn thương đó sẽ làm cho người bệnh tàn phế. Ví dụ như ảnh hưởng đến cơ xương, họ phải bị cắt hoặc chịu những cuộc phẫu thuật và đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng.

Nhiễm trùng là một nguy cơ luôn luôn rình rập người bị loét tì đè, nếu ảnh hưởng đến toàn thân thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của họ.

Những tổn thương về tinh thần cũng không thể xem nhẹ. Người bị loét tì đè rất mặc cảm khi mang trên mình những vết thương. Điều đó khiến họ xa lánh những người xung quanh, rất tự ti khi xuất hiện trước mặt người khác và họ thu mình lại, giống như cảm giác mang tội lỗi, tạo một gánh nặng cho gia đình. Đây là một vấn đề tâm lý mà không phải bất cứ ai cũng có thể giải tỏa ngoại trừ trường hợp chúng ta có thể chăm sóc tốt những tổn thương của họ.

5. Điều trị và chăm sóc loét tì đè thế nào?

Có thể nói những người có nguy cơ bị loét tì đè là những người hạn chế vận động như người lớn tuổi, những người mắc bệnh như đột quỵ, yếu người và nằm một chỗ. Đôi khi chỉ có người nhà chăm sóc vết thương loét tì đè cho họ vì bệnh này kéo dài nhiều năm nhiều tháng chứ không phải ngày một ngày hai. Vậy thì vấn đề điều trị sẽ như thế nào và đặc biệt là điều trị tại nhà thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc trả lời: Tôi nhấn mạnh chuyện điều trị không quan trọng mà vấn đề phòng loét tì đè là điều kiện tiên quyết. Chăm sóc bệnh nhân tại nhà sẽ rất khó khăn, có thể dành cho những vết loét mới hoặc chưa bị nặng. Phải có một sự hiểu biết cơ bản thì chúng ta mới có thể chăm sóc được những vết loét.

Những vết loét tì đè đã gây tổn thương nhiều cần phải có nhân viên y tế, chuyên khoa chăm sóc. Có một số ý kiến cho những người chăm sóc tại nhà có thể tham khảo để chăm sóc những vết thương loét tì đè đơn giản.

Thứ nhất, luôn giữ cho vùng da bị loét được khô thoáng, sạch sẽ. Dùng dung dịch nước muối sinh lý rửa vết thương và sau đó có thể đắp những gạc vô khuẩn để che chắn, bảo vệ vết loét.

Thứ hai, có thể sát trùng, rửa vết thương bằng những dung dịch sát khuẩn nhưng dễ bay hơi để không bị ẩm ướt vùng da bị loét tì đè.

Thứ ba, không nên dùng những loại sản phẩm có độ pH cao để rửa vết loét vì sẽ làm tổn thương thêm vùng da.

Thứ tư, dịch tiết của người bệnh cần được xử lý nhanh gọn cũng như hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với những dịch tiết đó lên người bệnh. Những chất tiết đó có thể là thủ phạm làm cho loét tì đè lan rộng, khó lành.

6. Có nên sử dụng lá trà xanh để tắm, vệ sinh vết loét tì đè?

- Nhiều người sử dụng biện pháp dân gian như dùng là trà xanh để tắm, để vệ sinh những vấn đề này thì liệu rằng có nên hay không thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc trả lời: Nên dùng dung dịch ít kích ứng da như nước muối sinh lý hoặc một số dung dịch chuyên dùng cho loét tì đè. Chúng ta không nên sử dụng bừa bãi tất cả các loại dung dịch khác hay lá trà xanh vì những điều này không có lợi cho vết loét của người bệnh.

7. Lưu ý khi lựa chọn trang phục cho người bị loét tì đè

- Chúng ta nên lựa chọn trang phục như thế nào để thoải mái, thoát mồ hôi tốt hơn và tránh tình trạng bị loét do một số mô hôi thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc trả lời: Nên sử dụng trang phục rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt để hạn chế tình trạng ứ dịch tiết mồ hôi trên cơ thể người bệnh. Lựa trang phục tiện cho việc di chuyển và tấm drap trải cho người bệnh cũng nên sử dụng các loại vải ít ma sát để hạn chế tổn thương trên da.

8. Hiểu sao cho đúng về đệm chống loét tì đè

Trên thị trường hiện nay có một số đệm được quảng cáo là chống loét như đệm hơi, đệm nước. Theo ý kiến BS thì chúng ta có nên sử dụng loại đệm này, hỗ trợ vấn đề nằm của bệnh nhân loét tì đè hay không thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc trả lời: Đệm để chống loét được biết như một phương tiện khá tốt hỗ trợ cho người bệnh phòng ngừa, cũng như khi bị loét tì đè rồi. Vấn đề là chúng ta sử dụng như thế nào cho đúng.

Có hai loại là đệm tĩnh và đệm động. Đệm tĩnh là đệm có sự thay đổi áp lực không nhiều, thường dùng cho trường hợp phòng ngừa loét hoặc đã bị loét tì đè nhưng người bệnh có thể vận động di chuyển nhiều mà việc vận động của người bệnh không ảnh hưởng gì đến vị trí loét.

Trường hợp loét quá nhiều vị trí và bản thân người bệnh không thể di chuyển được, chúng ta sẽ sử dụng đệm dạng động để hỗ trợ người bệnh trong vấn đề vận chuyển hay là di chuyển.

9. Chăm sóc vết thương của loét tì đè như thế nào?

- Người cao tuổi thường mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường chẳng hạn. Và khi mắc bệnh tiểu đường thì những vết loét rất lâu lành, vậy thì chúng ta nên chăm sóc như thế nào trong trường hợp này thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc trả lời: Việc chăm sóc các vết thương của loét tì đè sẽ được phân ra theo mức độ tổn thương của vết loét. Nếu chỉ là những vết loét non (độ 1, độ 2) thì chỉ cần rửa bằng nước muối sinh lý sau đó đắp gạc. Còn những vết loét đã ở giai đoạn nặng (độ 3, độ 4) thì ngoài việc chăm sóc vết thương tại chỗ còn cần kiểm soát tất cả những yếu tố nguy cơ liên quan đến vết loét bị đè. Ví dụ, kiểm soát bệnh nền như đái tháo đường, vấn đề dinh dưỡng và tình trạng nhiễm trùng.

Khi có một môi trường tốt, đất tốt sẽ giúp cây cối sẽ phát triển, tương tự như vậy nếu môi trường có nhiều mạch máu, có nhiều dinh dưỡng thì vết thương của loét tì đè mới có cơ hội lành.

10. Hướng dẫn tư thế nằm và xoa bóp đúng cách cho người bị loét tì đè

- Nhân đây thì cũng nhờ BS hướng dẫn cách mà chúng ta thay đổi tư thế cũng như xoa bóp đúng cách cho người cao tuổi bị loét tì đè ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc trả lời: Không nên để bệnh nhân nằm ngửa quá nhiều, có thể nằm đầu cao khoảng 30 độ. Tư thế tốt nhất là nằm nghiêng, có thể nghiêng khoảng 30 độ và xoay trở thường xuyên mỗi hai tiếng. Nếu nghiêng 90 độ thì dễ rơi vào các vị trí loét đã đề cập ở trên.

Không để hai chân chồng trực tiếp lên nhau, có thể kê gối ở giữa hoặc ở nơi mắt cá chân, dùng đệm hay khăn để hạn chế việc tiếp xúc gây áp lực đè ép lên đầu gối.

11. Người có nguy cơ loét tì đè, làm gì để tăng đàn hồi cho da?

BS đã đề cập một số bệnh làm gia tăng yếu tố gây loét tì đè như béo phì, suy sút trí tuệ Parkinson,... Vậy thì đối với những người mắc bệnh này thì họ cần làm gì để tăng sự đàn hồi cho da và phòng ngừa loét tì đè thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc trả lời: Đa số người có nguy cơ bị loét tì đè rơi vào tình trạng tính chất đàn hồi của da không tốt, dễ bị tổn thương ở da. Quan trọng nhất của những người lớn tuổi là vấn đề lão hóa thì không thể thay đổi được. Chúng ta chỉ hỗ trợ tối đa để quá trình lão hóa diễn ra chậm nhất hoặc có một sự lão hóa thành công lý tưởng nào đó.

Thứ nhất là duy trì những vận động như trước đây thì sức cơ mới dẻo dai, hạn chế thời gian nằm và ngồi trên giường.

Thứ hai, các bệnh nền như đái tháo đường sẽ ảnh hưởng nhiều đến tình trạng tổn thương mạch máu, thần kinh. Nên việc kiểm soát đường huyết tốt là một trong những lý do để hạn chế nguy cơ loét tì đè ở người cao tuổi.

Ngoài ra, một khi đã bị một số bệnh nền khác như tai biến mạch máu não thì việc bị loét tì đè là không thể tránh khỏi.

Chúng ta phòng ngừa tai biến mạch máu não, bệnh lý tim mạch, như vậy sẽ góp phần làm cho vấn đề lão hóa diễn ra nhẹ nhàng hơn, những căn bệnh sẽ được kiểm soát tốt và hạn chế nguy cơ loét tì đè.

12. Bổ sung dinh dưỡng ra sao để ngăn ngừa loét tì đè?

Thiếu dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ hình thành loét tì đè, vậy thì với người lớn tuổi thì chế độ dinh dưỡng tăng cường những dưỡng chất gì hoặc bổ sung những chất gì để mà ngăn chặn nguy cơ này thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc trả lời: Chúng ta đều biết cần có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng ngay cả với người trẻ chứ không riêng người lớn tuổi.

Người lớn tuổi sẽ có một số bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng, cơ địa của người tiểu đường sẽ khác với người bị tai biến mạch máu não, người béo phì. Đây gọi là cá thể hóa vấn đề dinh dưỡng.

Riêng vấn đề phòng ngừa loét tì đè cần chú ý đến đạm của người lớn tuổi, cần phải đảm bảo đủ lượng đạm mỗi ngày từ 1,25 đến 1,5 gram đạm.

Thứ hai là chế độ dinh dưỡng chung sẽ phụ thuộc vào từng người dựa theo loại bệnh nền của họ.

Tóm lại, chúng ta cần bù đủ đạm cho người bệnh trong tất cả các bệnh lý hay tất cả các trường hợp bệnh nhân loét tì đè.

- Trong gia đình có người cao tuổi, gia đình cần làm gì để kịp thời phát hiện về các bất thường về sức khỏe, đặc biệt về tình trạng loét tì đè thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Minh Ngọc trả lời: Với người lớn tuổi thì vấn đề nhận thức cũng sẽ bị suy giảm, nên sự hỗ trợ của người nhà rất quan trọng. Đặc biệt, việc chăm sóc loét tì đè rất là vất vả, cần chú ý tới một số yếu tố.

Thứ nhất, theo dõi những vị trí có thể xảy ra loét để phát hiện sớm.

Thứ hai, nếu người bệnh nằm bất động hoặc hạn chế vận động vì bệnh lý thì vẫn cần phải xoay trở mỗi 2 tiếng và chúng ta xoa bóp vùng da dễ bị loét tì đè để kích thích tình trạng máu nuôi tới cho tốt.

Thứ ba, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ tất cả các thành phần, nếu người bệnh sụt cân hay ăn uống kém, chúng ta cũng cần phải theo dõi cân nặng. Có thể kiểm tra máu để kịp thời phát hiện tình trạng giảm đạm của người bệnh nhanh hơn.

Thứ , những loại nệm hơi có thể giúp người bệnh nằm một cách thoải mái và để hạn chế mức độ tì đè lên da.

Thứ năm, nên để da khô thoáng, sạch sẽ, loại bỏ dịch tiết chất thải càng sớm càng tốt. Bởi nếu không, những yếu tố này khiến vết loét tì đè sẽ tăng độ nặng hơn và khó lành hơn.

Như vậy, vấn đề điều trị cũng như phòng ngừa loét tì đè, cần có một đội ngũ bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, người chăm sóc, nhân viên vật lý trị liệu. Bên cạnh đó, cần tham khảo ý kiến của dược sĩ và ngay cả những chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia về chăm sóc vết thương. Đội ngũ cần phải hợp tác cùng nhau để giúp người bệnh có một cuộc sống có chất lượng. Và đội ngũ này cần chăm sóc bằng một tình yêu thương cũng như trách nhiệm để người bệnh có thể vượt qua những nguy hiểm của căn bệnh mà người lớn tuổi luôn phải đối diện là loét tì đè.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X