Hotline 24/7
08983-08983

Nhà cao tầng có giúp bạn “trốn thoát” ô nhiễm không khí?

TS.BS Phạm Lê Duy cho biết, ô nhiễm không khí không chỉ là khói bụi và các hạt mịn mà còn là hỗn hợp phức tạp của các chất có hại diễn ra ở tầng đối lưu, nhà cao tầng cũng bị bao phủ. Tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể làm bùng phát các bệnh lý dị ứng tiềm ẩn hoặc bệnh lý dị ứng cấp.

1. Bùng phát các tình huống dị ứng sẵn có

Những ngày gần đây, lượng bệnh nhân đến với phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng nơi BS công tác gia tăng nhiều không, nhiều nhất là những bệnh lý nào ạ?

TS.BS Phạm Lê Duy - Giảng viên bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch, Trường Đại học Y Dược TPHCM trả lời: Gần đây, số bệnh nhân bị bùng phát các tình huống dị ứng sẵn có đến phòng khám rất đông, đặc biệt là tình trạng viêm mũi dị ứng và hen suyễn. Bên cạnh đó, các tình trạng viêm da như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc cũng xuất hiện nhiều hơn.

2. Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng chưa được biết đến rộng rãi

Ngoài những trường hợp triệu chứng dị ứng nặng lên, có nhiều người mới khởi phát không ạ? Với những người mới khởi phát, họ có đến đúng khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng hay đến khám ở các chuyên khoa khác?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Các tình trạng mới xuất hiện như mày đay cấp, phát ban cấp hay viêm mũi họng cấp, viêm da tiếp xúc liên tục xuất hiện. Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng có liên quan đến nhiều hệ cơ quan khác nhau nhưng người dân chưa biết đến nhiều.

Do đó, người dân sẽ đến khám ở các chuyên khoa về cơ quan bị ảnh hưởng. Ví dụ, nếu bị viêm mũi họng cấp, người bệnh sẽ đến chuyên khoa Tai Mũi Họng; lên cơn khó thở cấp sẽ đến chuyên khoa Hô hấp; nổi mề đay cấp, viêm da tiếp xúc sẽ đến chuyên khoa Da liễu...

Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM hay những bệnh viện khác hiện tại đang tiếp nhận những trường hợp bùng phát bệnh lý dị ứng sẵn có.

TS.BS Phạm Lê Duy - Giảng viên bộ môn Sinh lý - Sinh lý bệnh miễn dịch, Trường Đại học Y Dược TPHCM 

3. Ô nhiễm không khí làm bùng phát bệnh lý dị ứng

Xin BS, ô nhiễm không khí sẽ tác động thế nào với những bệnh nhân dị ứng - miễn dịch?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Lớp sương mờ mà chúng ta có thể quan sát thấy trong những ngày gần đây chứa nhiều chất ô nhiễm như hóa chất hữu cơ bay hơi, bụi mịn PM10, PM2.5... Những chất này kích hoạt phản ứng viêm khi tiếp xúc với các mô của cơ thể.

Bệnh lý dị ứng - miễn dịch do tình trạng viêm gây ra. Khi được kiểm soát tốt, tình trạng viêm sẽ ổn định. Khi hệ hô hấp hay da niêm của bệnh nhân tiếp xúc với yếu tố gây viêm, chẳng hạn PM2.5 hay hóa chất hữu cơ bay hơi trong không khí ô nhiễm, phản ứng viêm vốn đang ổn định bị kích hoạt.

Lúc này, những bệnh lý dị ứng đang kiểm soát tốt lại bùng lên.

4. Làm thế nào để phòng ngừa viêm da khi không khí ô nhiễm nặng?

Đối với người bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn, họ có thể đeo khẩu trang và xịt rửa mũi, vậy còn với bệnh nhân dị ứng da thì có biện pháp bảo vệ nào, nhờ BS hướng dẫn?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Mọi người thường nghĩ ô nhiễm môi trường chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp. Tuy nhiên, da cũng bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với môi trường đang bị ô nhiễm hay những cơn mưa trong lúc không khí đang ô nhiễm.

Để tránh các hóa chất hữu cơ bay hơi, hạt bụi mịn, chất dễ gây viêm trong không khí tiếp xúc với da, bệnh nhân viêm da mạn tính (chẳng hạn viêm da cơ địa) nên mặc quần áo dài tay khi ra đường.

Sau những đợt mưa, tôi nhận thấy có nhiều trường hợp viêm da tiếp xúc. Những hạt mưa sẽ kéo các chất gây viêm, các dị nguyên trong không khí đồng thời rơi xuống da, gây tình trạng viêm da tiếp xúc. Trong nước mưa, ngoài các chất ô nhiễm không khí còn có phấn hoa, côn trùng... sẽ gây viêm da ở những vùng da tiếp xúc.

Vì thế, cả những người bình thường và những người có bệnh da tiềm ẩn đều nên mang theo áo mưa mỗi khi ra đường trong lúc thời tiết đang có những cơn mưa trái mùa. Khi về đến nhà, nên tắm rửa sạch sẽ để loại bỏ các chất có khả năng viêm da, kích ứng da đã vô tình tiếp xúc phải.

5. Nhà cao tầng vẫn không thoát khỏi ô nhiễm không khí

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí gia tăng, những căn hộ chung cư trên tầng cao liệu có an toàn hơn so với nhà mặt đất? Ở trên cao có thể tránh được tình trạng ô nhiễm không khí, thưa BS?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Ô nhiễm không khí hiện nay đang diễn ra ở tầng đối lưu, là tầng nằm sát mặt đất. Tuy nhiên, các tòa nhà cao tầng, chung cư cũng không thể vượt khỏi tầng đối lưu. Do đó, không khí ô nhiễm vẫn ảnh hưởng đến các tầng cao nhất của chung cư, nhà cao tầng.

Bên cạnh đó, chúng ta không thể nào ở trong nhà cả ngày. Chúng ta phải ra đường để đi học, đi làm, đi chợ... và vẫn có khả năng tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Tất cả mọi người đều phải cẩn trọng, có ý thức bảo vệ sức khỏe trong điều kiện thời tiết và chất lượng không khí không thuận lợi như hiện nay.

6. Khẩu trang thông thường không đủ để ngăn bụi mịn

Có thông tin rằng thai phụ sống ở gần đường lớn có tỷ lệ con sinh ra bị bệnh chàm cao hơn, nguyên nhân được cho là do ô nhiễm. Quan điểm của BS như thế nào? Và các mẹ bầu cần làm gì để ngăn chặn nguy cơ này?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai sống ở các vùng không khí bị ô nhiễm nặng (trục đường lớn, khu công nghiệp...), trẻ sinh ra có nguy cơ cao mắc các bệnh lý dị ứng nói chung, trong đó có viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm da cơ địa...

Những thai phụ sống trong môi trường ô nhiễm nên trang bị khẩu trang đúng chuẩn (khẩu trang N95) để bảo vệ đường hô hấp tránh khỏi những tác hại do bụi mịn. Khẩu trang y tế thông thường, khẩu trang vải hầu như không thể ngăn chặn bụi mịn. Khẩu trang cũng cần được mang đúng cách, ôm khít khuôn mặt.

Thứ hai, nên tắm rửa, vệ sinh cơ thể hằng ngày để các chất ô nhiễm không bám trên da, tóc... Các hạt bụi mịn PM0.1, các loại hóa chất có thể thấm qua mô, đi vào máu, từ đó đi khắp cơ thể.

Trong nhà nên trang bị các thiết bị nhằm giảm thiểu không khí ô nhiễm từ bên ngoài xâm nhập vào, chẳng hạn máy lọc không khí với khả năng lọc được bụi mịn. Điều này phần nào giúp môi trường sống của thai phụ nói riêng và của các thành viên khác trong gia đình an toàn hơn.

7. Lớp sương mù buổi sáng có phải bụi mịn?

Là chuyên gia về dị ứng - miễn dịch, BS có thể đưa ra những khuyến cáo giúp mọi người bảo vệ sức khỏe trong những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng?

TS.BS Phạm Lê Duy trả lời: Thông thường, không khí sẽ từ mặt đất bay lên cao. Do vậy, ô nhiễm phát tán lên phía trên, không tập trung nhiều ở tầng đối lưu. Nhưng trong những ngày gần đây, có thể quan sát thấy lượng mây nhiều hơn, nhiệt độ dưới mặt đất giảm thấp. Điều này khiến không khí ô nhiễm không bị đẩy lên trên.

Khi không khí ô nhiễm tập trung ở gần mặt đất, chúng ta sẽ thấy hiện tượng sương mù. Sương mù xuất hiện vào sáng sớm như những ngày qua không phải không khí trong lành mà rất có thể là không khí chứa các chất gây ô nhiễm và gây hại đến sức khỏe.

Do vậy, cần chủ động bảo vệ cơ thể bằng các biện pháp được ngành y tế khuyến cáo.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X