Hotline 24/7
08983-08983

Nguyệt quế giúp chữa bệnh hô hấp, giảm đau, chống viêm

Nguyệt quế có hoa thơm thường được trồng làm cây cảnh và còn là thảo dược có tác dụng bổ phế, trừ đờm, giúp chữa nhiều bệnh hô hấp. Ngoài ra nguyệt quế còn có công dụng giảm đau, chống viêm, chống đái tháo đường, làm mịn da và giúp thon gọn cơ thể.

I. Tổng quan về cây nguyệt quế

Tên thường gọi: Nguyệt quế.

Tên gọi khác: Nguyệt quý, Nhâm hôi.

Tên khoa học: Murraya paniculata (L.) Jack hoặc Murraya exotica L.

Phân họ: Họ Cam (Rutaceae).

alobacsi Nguyệt quế giúp chữa bệnh hô hấp, giảm đau, chống viêm

1. Nhận biết cây nguyệt quế

Nguyệt quế là loài cây nhỏ hay vừa, cao 3-8m. Thân và cành hình trụ, có vỏ mỏng màu vàng nhạt. Lá kép Iông chim lẻ, dài 8-14cm, gồm 5-9 lá chét mọc so le, hình trái xoan hoặc gần tròn, dài 2-8cm, rộng 1,2-3,5cm, gốc hình nêm, đầu tù, mép nguyên, hai mặt nhẵn, gân chính rõ.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành xim ít hoa; hoa màu trắng, rất thơm; đài có 5 răng nhỏ, có lông tuyến; tràng có 5 cánh mỏng rời nhau, mọc cong xuống; nhị 10, chỉ nhị hình sợi, phình ở gốc, bao phấn nhỏ có 4 ngăn xếp chéo chữ thập; bầu thuôn, 2 ô.

Quả thịt, hình cầu hoặc hình trứng, có chấm nhỏ là những tuyến, có đài tồn tại, khi chín màu đỏ; hạt 1-2.

Mùa quả: tháng 11-1.

Bộ phận dùng của nguyệt quế là lá, hoa, quả, và rễ. Thu hái lá và rễ quanh năm vào mùa khô, dùng tươi hoặc phơi khô.

2. Thành phần dược chất của nguyệt quế

Lá nguyệt quế chứa các coumarin: murrayanon I, murraculatin I, isomurralonginol nicotinat/panial/cis osthenon, và nhiều loại khác. Nhiều flavon cũng được xác định trong nguyệt quế. Nhiều hoạt tính sinh học của vỏ nguyệt quế đến từ protein polysaccharid, glycoprotein.

II. Công dụng của nguyệt quế

1. Công dụng của nguyệt quế theo đông y cổ truyền

Nguyệt quế có vị hơi cay, đắng, tính ấm, có tác dụng bổ Phế, trừ đờm, tiêu sưng, giảm đau và trấn kinh.

2. Công dụng của nguyệt quế theo đông y hiện đại

Các tác dụng đã nghiên cứu

Nguyệt quế mang lại hoạt động chống co thắt, giúp giãn phế quản và giãn mạch thông qua cơ chế đối kháng canxi, đây là thảo dược tiềm năng trong nghiên cứu về điều trị hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp.

Các hoạt tính sinh học khác nhau của nguyệt quế đã được chứng minh như giảm đau, chống đái tháo đường (kích thích tụy tiết insulin, cải sửa - tái tạo tế bào beta tuyến tụy), chống lỵ amip, chống tiêu chảy, chống viêm, chống oxy hóa, chống cấy ghép, điều hòa lipid máu, chống ung thư, oxytocic và các hoạt động chống nấm, tuy nhiên các nghiên cứu chưa được tiến hành sâu và lâu dài.

Các tác dụng dùng theo kinh nghiệm dân gian

Nguyệt quế được người dân khắp nơi trên thế giới dùng như một loại thuốc giảm đau.

Nước sắc của lá nguyệt quế được lấy để điều trị vết bầm tím, kiết lỵ mãn tính, đau dạ dày, sưng tấy và kích ứng da trong y học Trung Hoa.

Ở các nước khác, lá nguyệt quế cũng được dùng làm thuốc bổ, chữa đau răng, mụn rộp và đuổi sán dây (Malaysia).

Nguyệt quế được sử dụng để cải thiện tình trạng bế tắc kinh nguyệt, điều trị tiêu chảy và kiết lỵ ở Philippines.

Nước sắc lá và vỏ cây nguyệt quế được dùng để điều trị bệnh sốt rét, đái tháo đường, kiết lỵ và gãy xương ở Nigeria.

Lá và cành nguyệt quế rất hữu ích trong việc khắc phục tình trạng viêm tinh hoàn (viêm tinh hoàn), cũng có thể khắc phục tình trạng viêm đường hô hấp (viêm phế quản), nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lậu, tiết dịch âm đạo, kinh nguyệt không đều, cơ thể quá tải mỡ và gầy gò, đau nhức loét (loét), đau răng và làm mềm da.

Rễ của nguyệt quế cũng rất hữu ích để điều trị các vết bầm tím do va chạm hoặc va đập, đau thấp khớp, bong gân và côn trùng cắn và rắn độc, nhọt, chàm và ghẻ.

Vỏ cây nguyệt quế cũng rất hữu ích để khắc phục chứng đau răng, đau do vết loét hở trên da hoặc niêm mạc.

Nước sắc lá tươi nguyệt quế đắp ngoài sưng tấy do bong gân và các vết thương, rắn độc cắn.

III. Cách dùng - liều dùng nguyệt quế

Liều dùng: 5-30g lá xanh, 5-10g hoa, 10-60g lá vàng, 5-15g cành lá, 10-30g rễ.

1. Một số cách dùng theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc cổ phương

  • Chữa ho có đờm: Lá nguyệt quế rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, lấy 8-16g, sắc uống làm 2 lần trong ngày. Dùng 3-5 ngày.
  • Trị vết thương ứ máu, sưng đau, mụn nhọt, rắn cắn: lấy lá nguyệt quế tươi giã nát, đắp. Kết hợp dùng cành, thân lá nguyệt quế, chặt nhỏ, phơi khô, lấy 10-15g sắc uống.
  • Chữa đau nhức răng: lá nguyệt quế tươi, rửa sạch, thái nhỏ, ngâm rượu cho đặc. Khi dùng, chắt lấy dung dịch trong, ngậm 5-10 phút rồi nhổ đi. Có thể dùng vỏ thân nhai ngậm, không nuốt. Có cách khác để trị đau răng: Thái hoa vàng (sắp rụng hoặc vừa rụng) để lấy dầu. Sau đó, đun ấm dầu tự nhiên của hoa trên lửa trong một vài phút, sử dụng ngọn lửa nhỏ đến khi vừa nóng lên thì dừng. Sau đó, nhỏ dầu lên răng và nướu nơi bị sưng đau.
  • Thuốc thanh nhiệt, dưỡng Phế, kích thích tiêu hóa: hoa nguyệt quế 5-8g, sao nhỏ lửa cho khô, hãm với nước sôi, uống trong ngày.
  • Giúp thon gọn cơ thể: Lá vàng của nguyệt quế, lá nhàu và xạ can, mỗi thứ 1 nắm nhỏ, xay mịn. Thêm 1 cốc nước, khuấy đều, bóp vắt bằng một mảnh vải để lấy nước cốt, nước thu được uống vào buổi sáng trước khi ăn.
  • Chữa phong thấp: Rễ nguyệt quế, rễ trâm ổi, rễ móng bò, mỗi vị 15g, nấu với thịt thành súp để ăn. Có thể ngâm rượu uống.
  • Chữa viêm tinh hoàn: Dùng 60g lá vàng nguyệt quế và 35 g rau đắng. Rửa sạch và sau đó đun sôi bằng 3 cốc nước cho đến khi còn lại 1 cốc nước, và sau đó uống 2 lần một ngày, mỗi lần 1/2 cốc. Làm hàng ngày cho đến khi khỏi bệnh.
  • Giúp làm mịn da: Lá nguyệt quế vàng còn tươi, chừng 30g, rửa sạch rồi giã nhỏ cho đến khi sệt. Thêm tí nước, trộn đều. Sau đó, dùng hỗn hợp này để rửa và massage da mặt trước khi đi ngủ.
  • Giảm đau do loét: Lấy 30 gam rễ vàng khô của nguyệt quế, sau đó rửa sạch nhanh bằng nước và cắt khúc. Đun với 3 chén nước, đến khi nước cạn còn 2 chén. Sau khi nước nguội, lọc lấy nước và uống 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 1/2 cốc.

2. Dùng nguyệt quế đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

Không dùng cho phụ nữ mang thai. Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với dòng sữa mẹ. Không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

3. Dùng nguyệt quế đối với trẻ nhũ nhi

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.

IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định với nguyệt quế

Phụ nữ đang mong muốn có con không nên dùng thảo dược này, vì nguyệt quế ngăn chặn phôi làm tổ trong tử cung, khiến khó đậu thai.

Thảo dược này còn khá mới, chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng, cần có tâm thế thận trọng khi dùng.

V. Phân bố, trồng trọt, thu hái và chế biến nguyệt quế

Nguyệt quế là loài mọc tự nhiên rải rác ở rừng cây bụi thấp vùng ven biển miền Trung. Cây đã được trồng làm cảnh từ lâu, vì có tán lá đẹp, thường xanh và hoa thơm. Nguyệt quế cũng là cây mọc trong tự nhiên, và được trồng ở Ấn Độ, Thái Lan, và Campuchia.

Nguyệt quế là loại cây bụi ưa sáng hoặc có thể hơi chịu bóng. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Sau khi chặt, phần thân và cành còn lại tái sinh chồi khoẻ. Cây trồng được bằng cành chiết hay giâm cành.

VI. Bảo quản nguyệt quế

Chỉ nên làm khô thảo dược bằng máy sấy dưới nhiệt độ vừa phải hoặc bóng râm hay vùng hanh nắng, tránh ánh nắng mạnh, sau đó cho vào hũ thủy tinh, đậy kín, tránh ánh sáng. Có thể cho vào một viên vôi sống để hút ẩm.

Nếu bạn không phải là thầy thuốc thì không nên lưu trữ thuốc tại nhà quá lâu. Nếu bạn buộc phải lưu trữ thảo dược tại nhà lâu hơn 1 tháng, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.

BS Đoàn Quang Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X