Hotline 24/7
08983-08983

Nguyên nhân và cách điều trị tràn dịch khớp gối?

Tràn dịch khớp gối xảy ra do nguyên nhân gì? Những ai dễ mắc phải? Bệnh nhân nên chăm sóc tại nhà như thế nào?,... Tất cả thắc mắc trên đã được ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan giải đáp ngay trong bài viết dưới đây. Mời quý bạn đọc cùng theo dõi!

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Tràn dịch khớp gối là gì?

Một số bạn đọc AloBacsi bị sưng đau đầu gối, đi khám có kết luận là tràn dịch khớp gối. Xin hỏi BS tràn dịch khớp gối là tình trạng như thế nào ạ? Bởi vì mọi người không hình dung được là dịch từ đâu tràn vào khớp, nhờ BS giải đáp.

Đầu tiên chúng ta sẽ nói sơ về cấu trúc của khớp gối bao gồm: một phần dưới của đầu xương đùi, phần trên của xương chày, một xương nhỏ phía trước gọi là xương bánh chè; tất cả cấu trúc này được bao bọc bởi rất nhiều dây chằng, gân cơ. Ở giữa 2 mặt khớp có một lớp màng tiết ra chất hoạt dịch với mục đích bôi trơn mặt khớp giúp chúng ta dễ cử động. Xung quanh tất cả là một bao khớp dày để giúp bảo vệ tất cả cấu trúc trên.

Bình thường giữa 2 mặt khớp chỉ có một ít dịch nhầy. Khi xảy ra bệnh lý do nhiều nguyên nhân khác nhau thì màng khớp và màng hoạt dịch sẽ bị tổn thương và có thể sẽ tăng tiết dịch viêm, tăng tạo mủ thậm chí là chảy máu. Như vậy sẽ có một lượng dịch lớn có thể là dịch viêm, mủ, máu trong khớp. Nếu người bệnh nhìn bên ngoài thì chỉ thấy khớp to lên và có thể có một số triệu chứng mà chúng ta vẫn hay nói là có dịch trong khớp gối.

2. Nguyên nhân và đối tượng dễ bị tràn dịch khớp gối?

Những ai dễ bị tràn dịch khớp gối? Có cách nào để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng này không ạ?

Những đối tượng dễ bị mắc tình trạng tràn dịch khớp gối bao gồm:

- Thứ nhất người lớn tuổi: ở người lớn tuổi sẽ có một số các bệnh khớp làm tăng tiết dịch khớp.

- Thứ hai những người chơi thể thao: khi chơi thể thao sẽ dễ bị sang chấn và gây chảy máu trong khớp gối.

- Thứ ba những đối tượng gặp phải tình trạng mắc các bệnh lý viêm: gout, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng; trong những trường hợp này khớp gối sẽ bị ảnh hưởng và sẽ tăng tiết dịch viêm của khớp gối.

ThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục LanThS.BS.CK2 Hồ Phạm Thục Lan - Trưởng đơn vị Chuyển hóa cơ xương khớp - Trung tâm Nghiên cứu y sinh học, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Có 3 nhóm nguyên nhân quan trọng gây tràn dịch khớp gối:

- Chấn thương: bất kì một cấu trúc nào của khớp gối hoặc xương, sụn trên, dây chằng, gân, cơ khi bị tổn thương ở trong các thành phần của khớp gối; hoặc kích thích tạo dịch tăng tiết từ màng hoạt dịch, chảy máu đều dễ gây ra tràn máu khớp gối.

- Các bệnh lý khớp viêm: viêm khớp dạng thấp, viêm thoái hóa khớp, viêm khớp phản ứng; những trường hợp này đều khiến dịch khớp sẽ tiết ra một lượng lớn dịch trong những đợt cấp.

- Các bệnh lý nhiễm trùng: ở Việt Nam có một tình trạng dễ bị lao khớp ngoài ra còn có thể gặp ở những người mắc các bệnh xã hội như bệnh lậu; một số trường hợp mắc các vi trùng sinh mủ, ở trường hợp này trong khớp sẽ không còn dịch bình thường nữa mà sẽ là dịch mủ

3. Nên chườm nóng hay lạnh khi bị tràn dịch khớp gối?

Khi bị tràn dịch khớp gối, bệnh nhân tự chăm sóc tại nhà như thế nào ạ, nên chườm nóng hay lạnh?

Trong các nguyên nhân gây ra dịch khớp hoặc tình trạng viêm, chấn thương chảy máu, viêm nhiễm thì trong những tình trạng này để có thể giảm bớt thì cần chườm lạnh. Vì chườn lạnh có tác dụng giảm tăng tiết dịch hơn là chườm nóng.

4. Phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối?

Hiện nay điều trị tràn dịch khớp gối có những phương pháp nào? Trường hợp nào cần chọc hút dịch?

Khi lượng dịch bất thường có trong khớp gối sẽ làm tăng áp lực và làm căng bao khớp; chính tình trạng này sẽ làm cho bệnh nhân có triệu chứng đau, cứng khớp, giới hạn vận động ở khớp. Trong trường hợp lượng dịch nhiều và đưa đến những triệu chứng như trên thì một trong những biện pháp đơn giản để điều trị giảm bớt tình trạng đau khớp gối là rút/ tháo lượng dịch nhiều ở trong khớp.

Để có thể điều trị tận gốc tràn dịch khớp gối thì cần điều trị nguyên nhân chính. Giả sử như với viêm khớp nhiễm trùng cần sử dụng kháng sinh tích hợp; bệnh lý khớp viêm nào thì cần điều trị đặc hiệu của bệnh lý khớp viêm đó.

Trong những trường hợp chấn thương nếu nhẹ thì bệnh nhân chỉ cần giảm hoạt động hoặc bất động, trườm đá, băng ép lại và nâng chân cao lên như vậy bệnh có thể sẽ tự hồi phục.

Trong những trường hợp có chấn thương nặng như: rách toàn phần dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau hoặc rách nặng nề tổn thương của sụn trên thì trong những trường hợp này cần có can thiệp phẫu thuật để điều trị tận gốc bệnh.

5. Lưu ý sau khi chọc/ tháo dịch

Bệnh nhân sau khi chọc hút cần lưu ý gì khi về nhà, thưa BS?

Quan trọng nhất sau khi chọc/ tháo dịch ra thì cả thầy thuốc và bệnh nhân đều mong muốn không tái lặp dịch lại. Để không tái lặp dịch thì có thể sử dụng các biện pháp như chườm lạnh và giảm hoạt động trong vòng 1 ngày. Ngòai ra có một số bệnh nhân vì sợ nên sau khi chích không tắm, không đụng chạm gì đến chỗ đã chích, điều này hoàn toàn là không đúng. Khi chích khớp gối cũng tương tự như chích tĩnh mạch hoặc chích bắp chân của bệnh nhân; sau khi đã rút kim ra thì chỗ này cũng sẽ liền lại trong vòng vài chục giây đến vài phút. Do đó vấn đề kiêng cữ không được đụng nước hay chạm vào vết chích sau 1 ngày là hoàn toàn không chính xác.

6. Khi nào cần xét nghiệm dịch khớp?

Xin BS cho biết trường hợp nào cần xét nghiệm dịch khớp? Dịch khớp cho biết thông tin gì ạ?

Tràn dịch khớp gối có rất nhiều nguyên nhân, như vậy trong những trường hợp bệnh lý không đơn giản nghĩa là trong chấn thương khớp gối, ngay cả những trường hợp nếu hoạt động quá sức ví dụ: leo núi nhiều giờ đồng hồ hoặc đi bộ quá lâu (sử dụng khớp gối quá nhiều) thì ở những trường hợp này ngay sau đó khớp gối cũng có thể bị tràn dịch nhẹ. Trong những trường hợp này lượng dịch ít, không đáng kể, triệu chứng và nguyên nhân tương đối rõ ràng thì chúng ta không cần can thiệp.

Có những trường hợp bệnh lý khá phức tạo chưa thể biết được là do nguyên nhân nào hoặc tình trạng bệnh nhân có những dấu hiệu báo động giả sư như: khớp gối sưng quá to, sờ thấy nóng, đỏ, đau nhiều, cử động khớp nặng nề thì trong những trường hợp này chúng ta cần chọc dịch khớp gối nhằm 2 mục đích: tháo bớt dịch và xác định chẩn đoán. Bằng những xét nghiệm phù hợp thì chúng ta có thể xác định được bất thường trong khớp gối đó. Giả sử chúng ta có thể đếm được số lượng bạch cầu trong trường hợp bị nhiễm trùng dịch mủ vì lúc này số lượng bạch cầu sẽ tăng rất cao. Ngay khi chọc dịch ra nếu thấy máu không đông thì lúc này chúng ta có thể biết được là chảy máu do chấn thương.

Như vậy trong những trường hợp bệnh lý chưa rõ ràng hoặc nặng nề thì chúng ta cần chọc dịch khớp để có chẩn đoán xác định.

7.  Điều trị tràn dịch khớp gối mất bao lâu?

Thời gian điều trị tràn dịch khớp gối có lâu không ạ? Nếu dịch khớp cứ tái đi tái lại thì phải làm gì?

Thời gian điều trị tràn dịch khớp gối hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên nhân. Giả sử như chỉ là sử dụng quá mức như sau khi đi lại quá nhiều, đạp xe nhiều hoặc leo núi trong thời gian dài thì trong những trường hợp này chúng ta cần nghỉ ngơi 1 hoặc 2 ngày là đã có thể giải quyết được tình trạng tràn dịch khớp gối.

Tuy nhiên trong những bệnh lý mãn tính giả sử như viêm khớp dạng thấp hoặc thoái hóa khớp thì tình trạng khớp bị tràn dịch này sẽ tái đi tái lại tùy theo diễn tiến của bệnh.

Xin cảm ơn BS!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X