Hotline 24/7
08983-08983

Nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường: Nguyên nhân và cách kiểm soát

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương do quá trình cấp máu não bị gián đoạn, gây thiếu oxy cho các tế bào, có thể gây yếu liệt, mất ngôn ngữ, nhìn không rõ,… Đột quỵ cũng là một trong những nguy cơ gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường.

I. Nguyên nhân nào dẫn đến đột quỵ?

Tiểu đường là nguyên nhân gây nên tổn thương sớm ở tế bào nội mạc, làm rối loạn các chức năng nội mạc mạch máu. Khi chức năng nội mạc bị rối loạn, các phân tử mỡ dễ dàng chui qua lớp nội mạc vào trong, kết hợp với tăng khả năng kết dính và xuyên thành của tế bào bạch cầu vào trong lớp nội mạc hình thành mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch.

Bên cạnh đó, khi lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho sự co mạch kết hợp với sự kết dính của tiểu cầu, hình thành nên cục huyết khối trong lòng mạch và gây tắc mạch cấp tính khiến các cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Tổn thương mạch máu não cũng sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu não...; tổn thương ở động mạch chi sẽ dẫn đến biểu hiện viêm tắc động mạch chi (đi cà nhắc cách hồi), hoại tử chi, cắt cụt chi…

Tùy vào phần não bị tổn thương mà những bệnh nhân tai biến sẽ gặp những biến chứng khác nhau, trong đó biến chứng ở người bị đái tháo đường thường gặp là:

Tê liệt tay, chân, nửa người hoặc toàn thân: Biến chứng có thể khắc phục bằng việc thực hiện vật lý trị liệu.

Méo miệng: Nguyên nhân là do liệt các cơ vùng mặt khiến người bệnh tai biến gặp khó khăn trong giao tiếp và ăn uống.

Mất trí, trí nhớ kém.

Mất khả năng tự chăm sóc bản thân.

II. Yếu tố nguy cơ nào dẫn đến đột quỵ ở người bệnh tiểu đường?

Một số yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ở người tiểu đường đó là:

Lười vận động: Những người lười vận động thì nguy cơ tim mạch tăng cao hơn vì tăng sản xuất cholesterol - một loại mỡ trong máu có thể gây tích tụ trên thành mạch máu nếu như bạn bị béo phì do lười vận động.

Cholesterol cao hơn bình thường: Hầu hết các bệnh nhân tiểu đường thường bị nhiễm mỡ máu có lượng cholesterol trong máu vượt quá mức cho phép, nhất là cholesterol có hại làm cho quá trình xơ vữa động mạch càng trở nên trầm trọng hơn, nguy cơ đột quỵ càng cao. Điều quan trọng là các yếu tố này thường xuất hiện đồng thời ở bệnh nhân tiểu đường.

Tăng huyết áp: Khi bị tăng huyết áp, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu. Tăng huyết áp có thể làm cho tim căng giãn và tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, biến chứng mắt và thận.

Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, việc ngưng thuốc lá đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường vì hút thuốc lá và tiểu đường cùng làm hẹp mạch máu.

Tiền sử gia đình có người bị đột quỵ: Bạn không thể thay đổi nguy cơ này do yếu tố gia đình.

Một khi các yếu tố này kết hợp với bệnh tiểu đường sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ lên nhiều lần. Chính vì vậy, ngoài yếu tố gia đình không thể thay đổi, khi điều trị bệnh tiểu đường không bao giờ được bỏ quên tác động vào các yếu tố nguy cơ này, đặc biệt là thói quen hút thuốc lá, ít vận động, do vậy nguy cơ đột quỵ là rất có thể nếu không được kiểm soát và điều trị đúng đắn.

Xem thêm: Nguy cơ đột quỵ do biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường

III. Làm thế nào để kiểm soát biến chứng đột quỵ ở người tiểu đường?

Để kiểm soát biến chứng đột quỵ ở người tiểu đường, người bệnh cần:

Kiểm soát đường huyết: Theo dõi chặt chẽ đường huyết, những chỉ số đông máu, chỉ số cholesterol, triglycerid, huyết áp không bị tăng vọt hay giảm quá mức theo nguyên tắc điều trị của bác sĩ.

Chế độ ăn uống: Những bệnh nhân bị đái tháo đường cần ăn nhạt, hạn chế ăn đồ ngọt, ăn ít mỡ, không dùng phủ tạng động vật, không hút thuốc lá, hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích khác như rượu bia, cà phê... Nên có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và chất xơ, đặc biệt là ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi.

Luyện tập thể thao: Bạn nên cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày vào tất cả các ngày trong tuần. Tranh thủ hoạt động thể lực bất cứ lúc nào, như là đi thang bộ thay cho việc đi thang máy để tránh những biến chứng đái tháo đường.

Kiểm soát tăng huyết áp chống phù não: Có thể bằng glycerol (không được sử dụng manital), uống aspegic 50mg mỗi ngày. Tuy nhiên, sử dụng các thuốc này phải do thầy thuốc chuyên khoa chỉ định.

Khi thấy các trường hợp có biểu hiện tai biến mạch máu não như: Đột ngột nói khó, méo miệng; yếu liệt, tê nửa người; lơ mơ, nhìn không rõ,... thì cần phải đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời để hạn chế tử vong và tàn phế cho người bệnh.

Đột quỵ là một căn bệnh nguy hiểm cần phải phòng tránh ngay từ khi chưa có triệu chứng. Việc tầm soát sớm đột quỵ là vô cùng quan trọng để các bác sĩ có thể đưa ra chỉ định điều trị kịp thời. Đặc biệt khi mắc bệnh tiểu đường, người bệnh phải cung cấp thông tin này cho bác sĩ để được hướng dẫn phòng ngừa đột quỵ ở người tiểu đường.

 Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Trịnh Ngọc Bình - Phó ban AloBacsi Cộng đồng

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X