Hotline 24/7
08983-08983

Người từ 20 tuổi nên xét nghiệm lipid máu ít nhất 1 lần

Trong chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe do Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch thực hiện vừa qua, TS.BS.CK2 Phan Thái Hảo - Trưởng Đơn vị Nội khoa của Phòng khám nhấn mạnh, rối loạn mỡ máu (hay còn gọi là rối loạn lipid máu) để lại nhiều hệ lụy trên đa cơ quan, đặc biệt là tim mạch, gây nguy cơ xơ vữa động mạch, tai biến. Do vậy, chuyên gia khuyến nghị, tất cả người trẻ ≥ 20 tuổi nên xét nghiệm lipid máu ít nhất 1 lần.

LDL cholesterol, HDL cholesterol, triglycerides - bộ 3 thành phần liên quan đến rối loạn mỡ máu

TS.BS.CK2 Phan Thái Hảo cho biết, rối loạn mỡ máu là sự tăng bất thường của cholesterol và triglycerid trong máu hoặc sự giảm mạnh HDL - cholesterol. Tuy vậy, cholesterol không phải là thành phần “bất hảo” hoàn toàn, bởi thực tế đây là “nhân tố” rất quan trọng có mặt trên nhiều cơ quan, bộ phận và đồng thời là thành phần của màng tế bào trong cơ thể.

Cholesterol giúp cho cơ thể phát triển và hoạt động bình thường khỏe mạnh. Cholesterol hình thành từ hai nguồn, do cơ thể tổng hợp và từ thức ăn tạo thành. Nguồn từ cơ thể tổng hợp được từ gan các cơ quan khác chiếm khoảng 75%, còn lại là từ nguồn thức ăn tạo thành. Cholesterol xuất hiện ở trong những loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật.

Song, chuyên gia dí dỏm nhấn mạnh, cholesterol cũng có “này” và “nọ”. “Trong cơ thể có 2 loại cholesterol chính, bao gồm HDL (hay còn gọi là cholesterol tốt)LDL (cholesterol xấu). Nếu LDL tăng lên quá nhiều hoặc mất cân đối giữa 2 loại xấu và tốt có thể gây ra nguy cơ về các bệnh lý tim mạch”  - TS.BS.CK2 Phan Thái Hảo cảnh báo.

Trong đó, LDL - cholesterol xấu tăng nhiều sẽ dẫn đến lắng đọng thành mạch máu (đặc biệt ở tim và não) và gây nên mảng xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa dần gây hẹp, tắc mạch máu hoặc nứt/vỡ/loét ra đột ngột, gây tắc cấp mạch máu dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não. LDL tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau tác động lên như yếu tố gia đình, chế độ ăn, hút thuốc lá, lười vận động hoặc liên quan các bệnh lý khác nhau như tăng huyết áp, đái tháo đường… Chuyên gia khuyến nghị, LDL - cholesterol là một trong những chỉ số quan trọng, cần theo dõi trong quá trình điều trị rối loạn mỡ máu.

Ngược lại, HDL - cholesterol (chiếm 1/4 - 1/3 tổng lượng cholesterol trong cơ thể) được đánh giá là một loại cholesterol tốt vì vận chuyển cholesterol từ mạch máu trở về gan, vận chuyển cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch máu làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, các biến cố tim mạch khác. Nguy cơ gây giảm HDL thường bắt nguồn từ hút thuốc lá, thừa cân/ béo phì, lười vận động… Tăng HDL khi bỏ thuốc lá, giữ cân nặng hợp lý, tăng cường tập thể dục...

Ngoài LDL, HDL, chuyên gia chia sẻ thêm thành phần thứ 3 cũng liên quan mật thiết đến tình trạng rối loạn mỡ máu là triglycerides. Tăng triglycerides thường gặp ở những người béo phì/ thừa cân, lười vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường, uống quá nhiều rượu…

“Những người có triglycerides trong máu tăng cao thường đi kèm tăng cholesterol toàn phần, bao gồm tăng LDL (loại xấu) và giảm HDL (loại tốt). Hiện nay, tình trạng tăng triglycerides trong máu còn có thể liên quan đến các biến cố tim mạch” - TS.BS.CK2 Phan Thái Hảo cho biết.

Nên đi khám bệnh định kỳ, tầm soát sớm mỡ trong máu

Chuyên gia đề cập, nguyên nhân gây ra rối loạn mỡ máu có thể đến từ lối sống hoặc do chế độ ăn uống. Ngoài ra, nguyên nhân của rối loạn mỡ máu thứ phát thường bắt nguồn từ một số bệnh lý bao gồm: bị suy chức năng tuyến giáp; đái tháo đường kiểm soát không tốt; hội chứng Cushing (thường xuyên uống thuốc giảm đau, có thành phần chứa corticoid); suy thận mạn (đặc biệt ở giai đoạn cuối, chuẩn bị chạy thận); hội chứng thận hư, bệnh gan tắc nghẽn, xơ gan ứ mật nguyên phát, người sử dụng nhiều rượu bia.

Đặc biệt, ở những người lạm dụng uống nhiều thuốc như lợi tiểu thiazid, ức chế bêta, glucocorticoid, estrogen tổng hợp progestins, steroid/androgen đồng hóa, cyclosporin, rentinoids, ức chế protease… nguy cơ rối loạn mỡ máu cũng sẽ tăng cao.

TS.BS.CK2 Phan Thái Hảo nhấn mạnh, hầu hết các dạng rối loạn mỡ máu xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều không có triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể đặc hiệu. Khi bệnh có biểu hiện ra bên ngoài, đa phần các trường hợp rối loạn mỡ máu đều xuất hiện biến chứng.

Hiếm hơn, một số bệnh nhân bị rối loạn mỡ máu có thể xuất hiện vết ban vàng ở da và u vàng ở gân như gân bánh chè, gân gót và gân duỗi bàn tay, cung giác mạc ở mắt (xuất hiện ở người trẻ bị rối loạn mỡ máu sớm). Rối loạn mỡ máu thường được chẩn đoán và xét nghiệm thường quy ở bệnh nhân không có triệu chứng.

Khi có bệnh tim mạch do xơ vữa như thiếu máu cơ tim/nhồi máu cơ tim sẽ có biểu hiện gây đau ngực, khó thở cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân bị Nhồi máu não/cơn thiếu máu não thoáng qua (tai biến mạch máu não) khi xuất hiện biến chứng gây yếu liệt, nói đớ, méo miệng mới phát hiện đã mắc rối loạn máu trước đó. Khi đi đứng thấy bắp chân tự nhiên bị đau và khi dừng lại sẽ bớt đau hơn (đau cách hồi) do thiếu máu ở chi dưới, tắc mạch máu chi cấp tính/mạn tính gây hoại tử chi, đau cách hồi. 

“Nếu không thực hiện tầm soát sớm, siêu âm mạch máu, chúng ta sẽ không phát hiện được những mảng xơ vữa mạch máu nhỏ. Kể cả việc thăm khám lâm sàng cũng không thể phát hiện được, chỉ có siêu âm mạch máu sớm, các bác sĩ mới có thể phát hiện được mảng xơ vữa sớm.

Chính vì vậy, nên đi khám bệnh định kỳ, tầm soát sớm mỡ trong máu. Không chỉ riêng ở những người lớn tuổi, tất cả người trẻ ≥ 20 tuổi nên đi xét nghiệm ít nhất 1 lần bộ lipid máu. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, xét nghiệm một lần ở độ tuổi từ 9 - 11 tuổi và tầm soát lại thêm một lần ở tuổi từ 17 - 21 hoặc khi gia đình có tiền sử mắc bệnh tim mạch sớm; tăng cholesterol máu nặng; trẻ bị béo phì hay có các yếu tố nguy cơ chuyển hóa khác và nên tầm soát ngược lại người thân trong gia đình khi phát hiện trẻ có tăng cholesterol máu mức độ trung bình hoặc nặng” - Trưởng Đơn vị Nội khoa Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch nói.

Điều trị rối loạn mỡ máu, cốt lõi là thay đổi lối sống

TS.BS.CK2 Phan Thái Hảo cho biết, điều quan trọng nhất trong điều trị rối loạn mỡ máu chính là thay đổi lối sống, cần có chế độ ăn uống hợp lý, kiểm soát cân nặng và hoạt động thể lực thường xuyên để tăng cường sức khỏe, không nên uống rượu bia và sử dụng chất kích thích như thuốc lá.

Nên ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc, các loại đậu, nguồn protein tốt cho sức khỏe (sản phẩm bơ sữa ít béo, thịt gia cầm ít béo (không có da), cá/ hải sản và các loại hạt), và dầu thực vật. Song song đó, cần hạn chế ăn đồ ngọt, thức uống có đường và thịt đỏ, sản phẩm chế biến từ thịt đỏ (như thịt xông khói, giăm bông và xúc xích), mỡ no và chất béo trans. Chế độ ăn uống nên được điều chỉnh theo yêu cầu calo, sở thích ẩm thực các nhân và văn hóa, dinh dưỡng ở từng bệnh khác nhau bao gồm cả đái tháo đường.

Tránh tăng cân hoặc giảm cân ở những bệnh nhân thừa cân/béo phì. Hoạt động thể dục 3 - 4 buổi mỗi tuần (40 phút/buổi) và hoạt động ở cường độ trung bình đến mạnh (ít nhất 150 phút/ tuần với hoạt động thể lực cường độ trung bình hoặc 75 phút/ tuần với cường độ mạnh bao gồm cả tập thể thao đối kháng).

Các loại thực phẩm chứa nhiều Omega 3, tốt cho người rối loạn mỡ máu (Ảnh minh họa)

“Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên chú ý đến các loại thuốc điều trị hạ mỡ máu như Statin (một loại thuốc nền tảng trong điều trị rối loạn mỡ máu), kết hợp với lối sống lành mạnh sẽ giúp bệnh nhân phòng ngừa bệnh tái phát.

Các loại thuốc hạ LDL khác bao gồm ezetimibe, chất gắn axit mật và thuốc ức chế PCSK9. Thuốc hạ triglyceride là fibrate và niacin, có tác động hạ LDL nhẹ, nhưng các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng không hỗ trợ cho sử dụng chúng như các thuốc bổ sung cho điều trị statin” - chuyên gia chia sẻ.

TS.BS.CK2 Phan Thái Hảo đưa ra khuyến cáo, nếu bệnh chưa xảy ra có thể thực hiện phòng ngừa nguyên phát. Nên chú ý ăn uống, tập thể dục đều đặn, tầm soát bệnh sớm, nhất là khám bệnh định kỳ, ít nhất một năm 1 lần hoặc nếu có điều kiện nên tầm soát định kỳ 6 tháng 1 lần. Vì đây là một bệnh lý lâu dài, biểu hiện từ từ và  không có bất kỳ triệu chứng đặc hiệu nào, khi xuất hiện triệu chứng bệnh đã có biến chứng, do đó cần đi khám và siêu âm nếu bác sĩ có chỉ định cho tầm soát sớm.

Trường hợp những người đã mắc bệnh tim mạch do xơ vữa phải thực hiện phòng ngừa thứ phát để ngăn ngừa bệnh tái phát. Cần tái khám định kỳ đều đặn theo lịch bác sĩ, uống thuốc theo toa, ăn uống và tập luyện theo chỉ định của chuyên gia.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X