Hotline 24/7
08983-08983

“Người trên 45 tuổi nên kiểm tra lipid máu 6 tháng 1 lần”

Đây là khuyến cáo của BS.CK1 Đỗ Hữu Thành, Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Trong bài viết này, chuyên gia cũng cung cấp nhiều thông tin hữu ích khác về thuốc điều trị, nguyên tắc xây dựng dinh dưỡng và tập luyện cho người bị rối loạn lipid máu.

1. Rối loạn lipid máu gây ra 4,4 triệu ca tử vong mỗi năm

- Với người cao tuổi Việt Nam thì máu nhiễm mỡ hay còn gọi là rối loạn chuyển hóa lipid máu phổ biến như thế nào? Tỷ lệ ở người lớn tuổi thay đổi ra sao thưa BS?

BS.CK1 Đỗ Hữu Thành trả lời: Rối loạn lipid máu là tình trạng nguy hiểm và góp phần gây ra khoảng 56% bệnh thiếu máu cục bộ và khoảng 18% đột quỵ, dẫn đến 4,4 triệu người tử vong hàng năm trên thế giới. Bệnh rối loạn lipid máu trong y khoa, dân gian hay gọi là bệnh máu nhiễm mỡ.

Tình trạng này đặc trưng bởi tăng tỷ lệ cholesterol xấu như LDL cholesterol Triglyceride và giảm tỷ lệ chất béo tốt như HDL cholesterol. Tăng lipid máu ở người cao tuổi xảy ra khi có ít nhất 1 trong 3 chỉ số bị rối loạn là cholesterol toàn phần, LDL, Triglyceride nằm ngoài giới hạn bình thường.

Theo thống kê, có khoảng 26% người Việt Nam lứa tuổi từ 25 đến 74 bị máu nhiễm mỡ và ở một nghiên cứu khác thì tỷ lệ rối loạn chuyển hóa lipid máu chiếm 77%, tỷ lệ nữ 51% cao hơn nam là 26%.

2. Vì sao rối loạn lipid máu ngày càng tăng ở người lớn tuổi?

- Tại sao rối loạn lipid máu ngày càng gia tăng ở người lớn tuổi? Tình trạng này do lão hóa hay do chế độ lối sống hiện đại ngày nay thưa bác sĩ?

BS.CK1 Đỗ Hữu Thành trả lời: Nguyên nhân rối loạn lipid máu gồm nguyên nhân tiên phát và thứ phát.

Trong khi rối loạn lipid máu tiên phát thường xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên thì rối loạn lipid máu thứ phát thường đến từ lối sống, các bệnh lý chuyển hóa nội tiết và các loại thuốc.

Trong đó, yếu tố lối sống bao gồm tình trạng ít vận động. Người cao tuổi luôn phải đối mặt với vấn đề xương khớp, đau cơ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường, làm hạn chế hoạt động khiến quá trình tiêu hao năng lượng diễn ra không triệt để dẫn đến ứ đọng các mỡ trong thành mạch. Cùng với đó là chế độ ăn như uống rượu bia, ăn nhiều chất béo bão (lòng đỏ trứng, nội tạng động vật…) và ít chất xơ.

Bên cạnh đó, các bệnh lý liên quan đến rối loạn lipid bao gồm đái tháo đường, hội chứng Cushing do thuốc suy giáp, bệnh thận mãn tính, bệnh gan. Các loại thuốc lợi tiểu như lợi tiểu Thiazid, Corticoid hay Estrogen cũng có mối liên hệ mật thiết với rối loạn lipid máu.

3. Rối loạn mỡ máu ít khi có triệu chứng cảnh báo

- Một câu hỏi lớn được đặt ra là rối loạn lipid máu ở người lớn tuổi thì có dấu hiệu cảnh báo hay không thưa bác sĩ?

BS.CK1 Đỗ Hữu Thành trả lời: Có một điều đáng tiếc là rối loạn lipid máu thường diễn biến thầm lặng và ít khi có biểu hiện lâm sàng.

Bệnh nhân chỉ có cảm giác mệt mỏi mơ hồ. Phần lớn các triệu chứng lâm sàng khi biểu hiện ra ngoài thì đã là dấu hiệu của biến chứng như viêm tụy cấp hoặc các bệnh lý của nhóm tim mạch, nội tiết, chuyển hóa, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

Do đó, tầm soát rối loạn lipid máu định kỳ được khuyến cáo cho tất cả những người trưởng thành. Đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ gia đình như tiền sử có người trong nhà bị rối loạn lipid máu. Chúng ta có thể kiểm tra đơn giản bằng cách xét nghiệm máu khi đói, tốt nhất là vào buổi sáng sau khi bệnh nhân nhịn ăn qua đêm.

4. Các xét nghiệm cần làm để chẩn đoán rối loạn lipid máu

Chúng ta cần xét nghiệm gì để chẩn đoán rối loạn lipid máu? Các chỉ số để chẩn đoán rối loạn lipid máu ở người cao tuổi thì có khác gì so với người trẻ tuổi, người trung niên hay không thưa BS?

BS.CK1 Đỗ Hữu Thành trả lời: Trong máu có nhiều loại mỡ, mỗi loại sẽ có ảnh hưởng riêng đến hệ tim mạch. Các lipoprotein tỷ trọng thấp mang nhiều cholesterol còn gọi là mỡ xấu, gây ra xơ vữa động mạch, có hại cho tim mạch. Các lipoprotein có tỷ trọng cao, đi góp nhặt các cholesterol dư thừa về gan, còn gọi là loại mỡ tốt, chống lại xơ vữa động mạch, có lợi cho hệ tim mạch. 

Để biết được tình trạng rối loạn lipid máu, cần xét nghiệm 4 chỉ số: cholesterol toàn phần, LDL, HDL và Triglyceride. Một người bị rối loạn chuyển hóa lipid máu khi có một hoặc nhiều rối loạn dưới đây: Cholesterol toàn phần trên 200, Triglyceride trên 150, LDL trên 100 và HDL dưới 40 (các chỉ số này có thể thay đổi tùy từng lab).

5. Rối loạn lipid máu, khi nào cần điều trị?

Khi phát hiện rối loạn lipid máu thì có phải ai cũng cần điều trị hay không? Nếu không, trường hợp nào cần điều trị và trường hợp nào chỉ cần thay đổi lối sống của mình thôi thưa BS? 

BS.CK1 Đỗ Hữu Thành trả lời: Khi phát hiện lipid máu, điều đầu tiên mà bác sĩ cần làm là đánh giá nguy cơ tim mạch để xử trí tình trạng rối loạn lipid máu. Cần xác định bệnh nhân có bệnh động mạch vành hay chưa và các yếu tố tương đương với bệnh động mạch vành như đái tháo đường, xơ vữa động mạch ngoại biên, động mạch chủ bụng, động mạch cảnh có triệu chứng.

Tùy theo mức độ nặng nhẹ, bác sĩ sẽ phân tích xem có cần điều trị thuốc ngay hay chỉ cần thay đổi lối sống. Và thay đổi lối sống là chỉ định đầu tiên để điều trị rối loạn lipid máu, mục tiêu là đưa các chỉ số về bình thường.

Thay đổi lối sống bao gồm giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì, tăng cường vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày tùy theo tình trạng thể lực của từng bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ ăn chế độ ăn ít ngọt, ít chất béo bão hòa, đặc biệt là mỡ và da động vật; giảm ăn lòng đỏ trứng, bơ; tăng cường chất xơ, vitamin từ rau củ, trái cây. Đồng thời, chúng ta cần bổ sung chất béo tốt từ thực vật, cá và hạn chế rượu bia.

Nếu việc thay đổi lối sống không hiệu quả, cần kết hợp thêm các thuốc hạ áp để điều trị các nhóm thuốc như statin, fibrate, Omega-3 thì bác sĩ sẽ cá nhân hóa từng bệnh nhân cụ thể.    

6. Xây dựng chế độ ăn uống cho người rối loạn lipid máu

- Khi bị rối loạn lipid máu thì những người cao tuổi nên xây dựng nguyên tắc ăn uống như thế nào? Nếu cần cắt giảm thì nên hạn chế thực phẩm nào và tăng cường những nhóm thực phẩm nào thưa bác sĩ?

BS.CK1 Đỗ Hữu Thành trả lời: Chúng ta sẽ cần giảm cân nếu thừa cân bằng chế độ ăn giảm năng lượng, tăng cường vận động thể lực. Ta sẽ giảm ăn mỡ động vật vì chứa nhiều axit béo no, các axit béo này làm tăng cholesterol trong máu; giảm các thức ăn nhiều cholesterol như phủ tạng động vật, óc, tim, lòng đỏ trứng, gan; giảm đồ ăn ngọt như bánh ngọt, socola.

Thực hiện chế độ ăn tăng dầu thực vật vì chứa nhiều axit béo không no; ăn rau, hoa quả tươi, uống sữa đậu nành.

Hạn chế rượu bia, nhất là khi có tình trạng tăng Triglyceride.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng, ăn uống lành mạnh và tập luyện đều đặn để phòng ngừa rối loạn lipid máu

7. Ăn chay có giúp kiểm soát mỡ máu hiệu quả hơn ăn mặn?

- Nhiều người cho rằng chuyện sang ăn chay hoặc ăn chay trường thì có thể kiểm soát mỡ máu hiệu quả cao hơn so với việc ăn mặn. Điều này có đúng hay không, quan điểm của bác sĩ về điều này như thế nào ạ?

BS.CK1 Đỗ Hữu Thành trả lời: Nhiều người nghĩ rằng ăn chay sẽ giảm tình trạng rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, dù họ không ăn thịt động vật nhưng vẫn ăn bơ thực vật, phô mai, dầu dừa, dầu cọ là những loại chất béo bão hòa. Ngoài ra, những thức ăn vặt như bánh quy, bánh ngọt, khoai tây chiên chứa các chất béo chuyển hóa, những chất béo này vừa làm tăng cholesterol xấu vừa giảm cholesterol có lợi.

Chúng ta cần phải lưu ý, chế biến đồ ăn chay theo kiểu chiên xào ngập dầu, chiên giòn sẽ làm tăng đáng kể axit béo chuyển hóa. Ngoài ra, người ăn chay còn bị thiếu Omega 3 là chất béo có lợi cho tim mạch, thường có nhiều trong cá nên cần phải bổ sung thêm trong khẩu phần ăn hàng ngày.  

8. Người rối loạn lipid máu nên tập luyện thế nào?

- Việc tập luyện của người bị rối loạn mỡ máu nên thực hiện ra sao và cần lưu ý những vấn đề gì?

BS.CK1 Đỗ Hữu Thành trả lời: Người cao tuổi vốn vận động kém, chúng ta cần lưu ý trong hoạt động hàng ngày, tránh chấn thương khi luyện tập.

Lựa chọn môn thể thao thích hợp, luyện thể thao đều đặn mỗi ngày 30-60 phút, tùy vào sức và cơ địa của mỗi người. Đi bộ và chạy bộ cũng là một lựa chọn rất tốt. Nếu trường hợp bệnh nhân bị thừa cân, có thể luyện tập bằng cách đạp xe trong nhà. Người bệnh nên tập luyện vào sáng sớm.

Ngoài ra, chúng ta cần giữ tinh thần thoải mái; tránh căng thẳng, stress; hạn chế thức khuya và giữ lối sống sinh hoạt lành mạnh.

9. Người trên 45 tuổi nên kiểm tra lipid máu 6 tháng 1 lần

- Đối với người lớn tuổi bị rối loạn lipid máu kèm theo bệnh nền thì cần kiểm tra sức khỏe hay không? Nếu có thì bao lâu một lần?

BS.CK1 Đỗ Hữu Thành trả lời: Theo khuyến cáo, người trên 45 tuổi nên kiểm tra lipid máu 6 tháng một lần. Người trẻ tuổi nếu có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, hút thuốc lá, tiền sử gia đình bị bệnh động mạch vành cũng nên làm các xét nghiệm bao gồm cholesterol toàn phần, Triglyceride, LDL và HDL.

- Ông bà ta hay nói là phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh, xin phép nhờ bác sĩ đưa ra một vài lời khuyên cho người cao tuổi để ngừa căn bệnh này ạ?

BS.CK1 Đỗ Hữu Thành trả lời: Tin vui là bệnh rối loạn lipid máu có thể phòng ngừa được bằng chế độ ăn uống và vận động hợp lý.

Hạn chế các thức ăn có chất béo như bơ, thịt xông khói, mỡ động vật, dầu chiên nhiều lần, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, da của các loại gia cầm, các loại thức ăn nhanh như hamburger, bánh có thịt rán, bánh kem, phô mai. Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế uống rượu, bia, các loại nước ngọt có gas, thuốc lá. Đồng thời, tăng cường ăn rau quả.

Nếu bị thừa cân, béo phì thì tập luyện giảm cân để phòng ngừa các bệnh mạch vành, tránh tích tụ mỡ ở một số cơ quan trong cơ thể.

Việc phòng ngừa và phát hiện sớm là rất quan trọng. Thông thường, nên đi kiểm tra mỡ máu theo chỉ định của bác sĩ. Đối với người trưởng thành thì ít nhất một lần một năm để có hướng điều chỉnh kịp thời.    

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X