Hotline 24/7
08983-08983

Người mới ốm dậy thiếu chất gì, cần bổ sung sao cho đúng?

Sau khi bị ốm tình trạng chung của người bệnh là cơ thể mệt mỏi, miệng đắng, ăn không ngon miệng, chán ăn, tinh thần kém… Làm thế nào để tiếp thêm nhiên liệu cho cơ thể nhanh phục hồi? Lời khuyên từ TS.BS Đào Thị Yến Phi - Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có thể sẽ hữu ích với bạn.

1. Chán ăn sau khi bị bệnh, do đâu mà có?

Vì sao có cảm giác chán ăn, mệt mỏi khi bị bệnh?

TS.BS Đào Thị Yến Phi trả lời: Dù là điều không mong muốn nhưng bệnh luôn gắn liền với cuộc sống. Ông bà ta thường nói "sinh, lão, bệnh, tử" nhưng thực sự có những bệnh đã xuất hiện ngay từ khi chưa được sinh ra. Bởi vì chúng ta là cơ thể sinh vật, được cấu trúc bởi những tế bào, nên phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố xung quanh như môi trường tự nhiên, xã hội, vi trùng... Vì vậy, khi có sự thay đổi dù lớn hay nhỏ cũng sẽ khiến cơ thể xảy ra rối loạn về mặt chuyển hóa, bệnh lý.

Bệnh có thể đến từ những nguyên nhân thực thể rõ ràng như vi trùng, vi nấm hay một loại hóa chất nào đó. Song đôi khi, bệnh còn do sự không thích nghi của chính cơ thể mình với môi trường xung quanh khi thay đổi.

Chẳng hạn khi nóng quá hay lạnh quá cũng làm chúng ta dễ mệt mỏi, mắc bệnh hơn. Thậm chí có nhiều trường hợp luôn cảm thấy mệt quá, ăn không ngon, ngủ không trọn vẹn, suốt ngày khó thở nhưng khi làm xét nghiệm cũng không phát hiện gì bất trắc, nhưng rõ ràng những người này có tình trạng bệnh lý nào đó mà khoa học chưa thể tìm ra.

Đời bác sĩ chúng tôi hay đùa với nhau "Ai cũng khi vui vẻ thì đi vào quán bar, đi coi ca nhạc, nhưng khi buồn, nhăn nhó nhất thì đi gặp bác sĩ". Chúng tôi là người thường xuyên tiếp xúc với những nỗi đau, bất trắc của bệnh nhân. Vì vậy bác sĩ càng phải học để hỗ trợ cho bệnh nhân vượt qua những đợt bệnh rất thường xuyên trong cuộc đời.

TS.BS Đào Thị Yến Phi - Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

2. Người mới ốm dậy thường thiếu hụt chất dinh dưỡng nào?

Ăn ngon, ngủ ngon ai cũng muốn, nhưng khi bị bệnh điều này có lẽ hơi xa xỉ. Xin hỏi BS, những vấn đề nào mà người mới ốm dậy phải đối diện, nhất là về mặt dinh dưỡng ạ?

TS.BS Đào Thị Yến Phi trả lời: Đối với bệnh lý, dinh dưỡng có thể tạm thời chia thành 2 nhóm vai trò. Một là với một số bệnh lý, dinh dưỡng đóng vai trò quyết định trong điều trị, ví dụ như tiểu đường, cao huyết áp... Hai là với những bệnh lý khác có phác đồ điều trị đặc hiệu như viêm phổi, cảm lạnh, cảm cúm thì dinh dưỡng đóng vai trò hỗ trợ điều trị.

Một nguyên tắc chung mà chúng ta cần biết, vào thời điểm bệnh đang diễn tiến cơ thể tập trung toàn bộ sức lực vào chuyện tạo ra các kháng thể làm tăng sức đề kháng, chống lại bệnh để nhanh chóng phục hồi với trạng thái sức khỏe bình thường trước đó. Vì lẽ đó cơ thể sẽ không lo đến chuyện cung cấp đinh dưỡng để xây dựng tế bào, dẫn đến người bệnh có cảm giác ăn không ngon miệng.

Đến khi vào giai đoạn sau bệnh (mới hết bệnh) cảm giác mệt mỏi có thể xuất hiện. Điều này do 2 nhóm nguyên nhân chính. Một là cấu trúc cơ thể bị tổn thương do đợt bệnh. Kể cả những người mắc các bệnh cho là nhẹ nhàng như siêu vi, cảm, cúm, sổ mũi, sốt, ho... thì sau khi khỏi bệnh, những lớp bề mặt của niêm mạc như bề mặt của niêm mạc mũi cũng bị tổn thương.

Hai là hiện tượng giảm kho dự trữ và dinh dưỡng trong cơ thể. Khi nói về dinh dưỡng nhiều người thường nhớ đến năng lượng, nhưng thực sự không chỉ như thế. Cơ thể chúng ta như chiếc xe hơi, muốn chạy mỗi ngày cần phải đổ xăng.

Như vậy, năng lượng chỉ là xăng mà thôi. Nếu chỉ chăm chăm vào đổ xăng mà quên mất tiếp thêm dầu, nhớt, nước làm mát máy... thì bộ máy không thể trơn chu được. Tương tự, chúng ta cũng bổ sung khoảng 30 chất bao gồm vitamin A, B, chất khoáng... mặc dù đây là những chất dinh dưỡng không sinh năng lượng nhưng nó dự trữ trong cơ thể với những vai trò hết sức quan trọng, đó là bảo vệ tế bào.

Do đó, sau đợt bệnh năng lượng chúng ta mất đi thì ít mà các dự trữ, các chất không sinh năng lượng kể trên lại mất rất nhiều. Khi giảm kho dự trữ này thì cơ thể không có nguyên liệu để phục hồi sức khỏe. Vì thế, những người mới khỏi bệnh sẽ bắt đầu thèm ăn, đồng thời lúc đó cơ thể cũng rất mệt mỏi bởi cấu trúc bị tổn thương và lại thiếu hụt chất dự trữ dinh dưỡng.

Người mới ốm dậy thường chán ăn, không muốn ăn

3. Nên ăn sao cho đúng, bổ sung thế nào cho đủ sau mỗi đợt bệnh?

Không phải ai cũng hiểu hết về lời khuyên “ăn đa dạng hóa, đủ các nhóm thực phẩm” của các bác sĩ. Chúng ta nên hiểu sao cho đúng và bổ sung sao cho đủ thưa BS?

TS.BS Đào Thị Yến Phi trả lời: Có 2 câu nói mà BS Phi muốn nhắn gửi đến mọi người. Thứ nhất là ăn đa dạng. Thường bữa ăn của chúng ta sẽ bao gồm cơm, canh, rau, thịt, cá, dầu mỡ... Mỗi loại thức ăn như vậy sẽ cung cấp một số chất dinh dưỡng khác nhau. Những chất dinh dưỡng này sau khi được tiêu hóa ở đường ruột sẽ hấp thu vào máu, như vậy cơ thể sẽ nhận “combo” khoảng 40-60 chất khác nhau từ một bữa ăn chứ không phải một loại. Vì thế, đừng quên rằng thực phẩm nào cũng ăn, không kiêng khem, bởi vì mỗi thứ sẽ cung cấp cho chúng ta một số chất dinh dưỡng ưu việt nào đó.

Thứ hai là không ăn cái gì quá nhiều. Khi chúng ta ăn nhiều thứ này thì sẽ có khuynh hướng giảm thứ khác. Chẳng hạn có người “hảo” thịt sẽ ăn món này nhiều hơn, nhưng dạ dày chúng ta không thay đổi về kích thước, ăn thịt nhiều hơn thì phải giảm lượng rau, cơm... Khi đó sẽ dẫn đến mất cân đối thành phần dinh dưỡng đưa vào.

Cơ thể chúng ta cần dinh dưỡng với nhu cầu chuyên biệt cho từng loại chất dinh dưỡng khác nhau. Nó giống hệt như việc đi xây tường thì phải có tỷ lệ cát - xi măng - gạch chuẩn, nếu tham xi măng quá sẽ cứng và gây nứt, nhưng nếu ít xi măng, nhiều cát cũng gây bở tường. Tương tự, khi ăn chúng ta cần nhớ tất cả chất dinh dưỡng đều cần thiết và mỗi chất thì cần với một tỷ lệ khác nhau.

Nếu tạo ra sự mất cân đối sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Chẳng hạn, xưa nay chúng ta nghĩ rằng chất đạm là tốt, nên khi mệt mỏi, đau ốm, bệnh tật đều bồi bổ thiệt nhiều các món như gà ác tiềm thuốc bắc hay chân giò… Quả thực chất đạm rất tốt, nhưng nếu chúng ta quá nhiều thì việc chuyển hóa chất đạm trong cơ thể làm gia tăng thải canxi qua đường thận hoặc làm gia tăng chuyển thải của gan, như vậy làm tăng tải cho gan cũng nguy hiểm cho gan, thải canxi đường thận cũng nguy hiểm cho thận và xương.

Tóm lại, chúng ta cần nhớ nguyên tắc, cái gì cũng ăn nhưng không được ăn cái gì quá nhiều, nên ăn đa dạng mọi loại thực phẩm mà chúng ta có, ăn theo mùa, ăn theo bữa. Bữa sáng ăn phở thì chịu khó ăn cả giá, rau thơm, tương đỏ, tương đen… sẽ có đủ số lượng thực phẩm để cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết.

Cách ăn của người Việt Nam được xem là đa dạng. Mọi người hình dung, một nồi canh chua hay đơn giản hơn như tô phở cũng chứa nhiều nguyên liệu khác nhau, khác hẳn với cách ăn của người châu Âu, ví dụ như bánh mì cá ngừ của họ là chỉ có cá ngừ, bánh mì và sốt mayonnaise mà thôi. Như vậy, cách ăn của người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung thì thường được đánh giá healthy hơn chính nhờ sự đa dạng, nhiều loại thức ăn trong cùng một bữa.

4. Ăn nhiều đồ bổ khi mới ốm dậy, liệu có tốt?

Thói quen ăn thật nhiều đồ bổ sau khi mới vừa hết bệnh, liệu có đúng không thưa BS? Nhìn ở góc độ dinh dưỡng, BS thấy như thế nào ạ?

TS.BS Đào Thị Yến Phi trả lời: Chất đạm là một chất cần thiết cho cơ thể nhưng đồng thời nó cũng là chất gây nguy cơ cho cơ thể nếu mình ăn vượt hơn con số bình thường.

Bữa ăn của người Việt mình rất hay, 1 chén cơm sẽ có vài lát thịt hoặc vài con tôm và ăn kèm với canh, đây cũng là tỷ lệ chuẩn mọi người có thể nhớ. Người vừa hết bệnh xong được "cưng chiều" hơn nên thường được bổi bổ nhiều. Món thường gặp nhất là hầm nguyên con gà ác nhưng chỉ có một chút xíu đậu xanh, như vậy lượng bột sẽ ít và làm tăng lượng đạm lên, điều này không đúng với tỷ lệ chuẩn mà tôi đã nói ở trên.

Về khoa học dinh dưỡng, người ta khuyên ăn 60% năng lượng từ chất bột đường và chỉ 15% năng lượng từ chất đạm. Do đó, 1 chén cơm thông thường sẽ đi với 30g thịt/ cá là lượng cân đối và tốt nhất cho cơ thể mình.

Ở những người mới ốm dậy, thậm chí gan - thận còn đang "đuối" sức, việc gia tăng lượng đạm quá nhiều trong giai đoạn này khiến gia tăng tải thận, gan, có khi làm cơ thể người bệnh mệt hơn. Như lúc đầu tôi đã chia sẻ, thứ thiếu nhất trong giai đoạn này không phải thiếu đạm - những chất sinh năng lượng mà thiếu vitamin, chất khoáng, acid amin nhỏ.

Do đó, chúng ta cần phải nhớ, việc ăn bổ quá, nhiều chất đạm ở người vừa mới hết bệnh coi chừng nguy cơ tăng tải cho thận, gan và hệ tiêu hóa. Nhưng như vậy không có nghĩa là ăn thiếu, vì điều này sẽ không đủ nguyên liệu cho cơ thể để hoàn thành sửa chữa cấu trúc bị tổn thương trong giai đoạn bệnh.

5. Truyền nước biển giúp cơ thể nhanh hồi phục?

Một vấn đề khác rất thường gặp trong đời sống đó là sau khi hết bệnh, thấy mệt mỏi liền đi truyền nước biển cho mau lại sức. Điều này có nên không ạ?

TS.BS Đào Thị Yến Phi trả lời: Nước biển là tên gọi dân gian cho các dạng dịch truyền. Chúng ta có nhiều loại dịch truyền khác nhau nhưng nhìn chung nó sẽ cung cấp 3 thành phần chính chất đạm, chất đường và chất béo (lipid). Tuy nhiên, dung dịch lipid thường không ai truyền ở ngoài, vì vậy tóm lại chỉ có 2 loại, đó là đường và đạm.

Về nguyên tắc, việc truyền nước biển để nuôi ăn chỉ được áp dụng khi bệnh nhân không thể ăn được hoàn toàn và số lượng ăn được từ miệng của bệnh nhâm giảm xuống dưới 40%, có thể gây nguy hiểm tính mạng. Lúc đó lượng dịch truyền được tính toán rất kỹ, một ngày không chỉ truyền 1-2 chai mà có khi phải truyền đến 2,5-3 lít, trong đó phải biết rõ pha đạm với hàm độ đậm đặc là bao nhiêu, chất béo ra sao và chất đường thế nào...

Một chai nước biển nếu dùng dung dịch đường giống như một lít nước mà pha thêm 1 muỗng cà phê đường. Còn chai đạm, với 1 lít đạm thì sẽ có khoảng 10% chất đạm (100gram) nhưng không phải dạng đạm bình thường chúng ta hay ăn mà là acid amin. Với số lượng acid amin truyền trong 1 chai nhỏ 200ml chỉ khoảng 20g đạm thì không thể nào đủ so với nhu cầu, nhất là không cân đối, bởi vì đạm số lượng nhỏ trong khi lượng bột đường đi kèm số lượng lớn hơn.

Nếu tính toán không đạt mức cân đối này thì truyền nước biển sẽ có hại hơn có lợi. Việc truyền đạm, truyền đường vào đúng là làm cơ thể khỏe hơn bởi chúng ta đang thiếu, nhưng hậu quả lâu dài vẫn thiếu vi chất dinh dưỡng và thiếu cả những thành phần chất bột đường đi kèm để đạt tỷ lệ cân bằng giữa chất đường và chất đạm.

Đó là chưa kể chúng ta truyền nước ở các cơ sở bên ngoài không đảm bảo thì sẽ đối diện với nhiều nguy cơ khác. Do đó, lời khuyên của tôi là chúng ta không nên truyền nước biển ở bên ngoài bởi hiện nay đa số các cơ sở y tế này đều không được phép truyền dịch. Hơn nữa, khi truyền nước biển phải tính toán thật kỹ lượng nạp vào thì mới có hiệu quả, còn việc truyền 1-2 chai thì không giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn, ngược lại đôi khi còn khiến chúng ta lâm vào nguy hiểm.

6. Acid amin có vai trò như thế nào với người mới ốm dậy?

Bạn đọc Thanh Bình: Em hay nghe nói tới acid amin. Xin hỏi nó có vai trò như thế nào đối với người mới ốm dậy? Người già thì có cần bổ sung acid amin này không thưa BS?

TS.BS Đào Thị Yến Phi trả lời: Chúng ta có 3 loại thực phẩm cung cấp năng lượng, đó là chất đạm, chất đường và chất béo. Acid amin là đơn vị cấu trúc của chất đạm. Khi chúng ta ăn 1 miếng thịt heo, thịt bò hay trứng… thì tất cả những thực phẩm này vào trong ống tiêu hóa sẽ được hệ tiêu hóa tiết men và cắt ra thành các acid amin.

Khoảng 500 loại acid amin khác nhau đã được xác định trong tự nhiên, nhưng chỉ có 20 acid amin tạo nên protein được tìm thấy trong cơ thể người. Khi chúng ta ăn thịt heo, thịt bò có cảm nhận vị khác nhau nhưng khi phân thành acid amin thì giống hệt nhau, khi hấp thu vào chúng ta sẽ tổng hợp lại protein của con người.

Chính cấu trúc này giúp mọi người nhận ra acid amin thực chất là chất đạm, nhưng chất đạm này đã được phân hủy, tiêu hóa nên khi vào máu sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nó với sức khỏe.

Chất đạm đóng vai trò quan trọng với cơ thể, từ bắp cơ, trái tim, kháng thể... đều được tổng hợp từ các loại acid amin này. Cơ thể cần mọi loại acid amin, trong đó có những loại acid amin thiết yếu, tức là chúng ta không tự tổng hợp được và phải đưa từ ngoài vào trong cơ thể qua chế độ ăn.

Đối với người bệnh thì vai trò đầu tiên của nó là giúp phục hồi cơ quan, cấu trúc bị tổn thương trong quá trình bệnh. Vì vậy, chúng ta cần có thêm acid amin để xây dựng, sửa chữa cấu trúc đó nhằm phục hồi chức năng bình thường của các cơ quan sau đợt bệnh. Đó là vai trò rất quan trọng của acid amin.

Ngoài ra, nó còn nhiều vai trò khác, chẳng hạn như acid amin là nguyên liệu để tổng hợp nên các nội tiết tố; làm cho mình khỏe mạnh hơn, sử dụng được nhiều năng lượng hơn; acid amin cũng là nguyên liệu tham gia và cấu trúc xương, cấu trúc thần kinh... rất cần thiết cho trẻ em đang trong độ tuổi phát triển.

Tất cả mọi người đều cần acid amin. Nếu chúng ta ăn thịt, cá, tôm trong đó đều có chất đạm và sau khi tiêu hóa xong sẽ trở thành acid amin. Tuy nhiên, những người bệnh, người lớn tuổi hệ tiêu hóa giảm hoạt động, có thể là thiếu men, vì vậy thay vì cung cấp bằng thực phẩm thì cần sử dụng acid amin hấp thu trực tiếp mà không cần tăng công cho hệ tiêu hóa.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X