Hotline 24/7
08983-08983

Người có bệnh lý nào, tuổi bao nhiêu cần đề phòng đột quỵ mùa nắng nóng?

Vì sao mùa nóng dễ bị đột quỵ? Người có bệnh lý nào, tuổi bao nhiêu cần đề phòng căn bệnh này?... Những thắc mắc này đã được BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Thống Nhất giải đáp trong bài viết sau.

1. Thưa BS, bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng có thể xảy ra đột quỵ. Nhưng hễ đến mùa nắng nóng, căn bệnh này lại trở thành nỗi bận tâm lớn khi báo chí liên tục đưa tin về các ca đột quỵ. Xin hỏi, vì sao nắng nóng lại gây ra đột quỵ? So với các mùa khác, đột quỵ vào mùa nắng chiếm tỷ lệ thế nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Chúng ta cần phân biệt rõ đột quỵ trong mùa nắng nóng và những trường hợp đột quỵ xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm. Đột quỵ do tắc động mạch trên não - đây là những trường hợp kinh điển, có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Theo thống kê, những trường hợp đột quỵ như vậy thường có khuynh hướng tăng cao hơn một chút vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè. Tuy nhiên, sự chênh lệch, nổi trội này không rõ rệt. Trong khi đó, những trường hợp đột quỵ do nhiệt hay còn gọi là sốc nhiệt xảy ra chủ yếu vào mùa nắng nóng, cuối mùa xuân đầu mùa hè ở những nước nhiệt đới như Việt Nam.

Cơ chế, nguyên nhân gây bệnh hoàn toàn khác nhau. Với những trường hợp đột quỵ do tắc mạch thường xảy ra ở những người cao tuổi hoặc người nhiều bệnh nền, nhiều yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch mãu não như tăng huyết áp, hút thuốc lá, lớn tuổi, bệnh tim (bệnh van tim, rung nhĩ), rối loạn lipid máu, lạm dụng rượu bia…

Đột quỵ do nhiệt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nhóm người dễ bị tổn thương nhất là người lớn tuổi và trẻ em, xảy ra chủ yếu vào mùa nắng nóng. Những người thường xuyên vận động, lao động ở môi trường nóng bức làm cho thân nhiệt tăng cao trên 40 độ C và trong thời gian kéo dài thì gây ảnh hưởng đến tế bào các cơ quan thiết yếu của cơ thể, trong đó có não. Tựu chung lại, cả đột quỵ do tắc mạch hay đột quỵ do nhiệt đều gây tổn thương tế bào não, nhưng cơ chế khác nhau.

2. Ngưỡng nhiệt độ môi trường thay đổi bao nhiêu so với nhiệt độ cơ thể thì sẽ gây ra đột quỵ? Những ai có nguy cơ cao và độ tuổi nào dễ bị đột quỵ trong mùa hè?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Những con số thống kê về đột quỵ do nhiệt hay sốc nhiệt còn tùy mỗi quốc gia và sẽ có sự khác biệt giữa các nước ôn đới - nhiệt đới. Ở Việt Nam hiện chưa có số liệu chính thức nhưng có thể tham khảo con số thống kê ở Thái Lan - một quốc gia có khí hậu tương đối giống nước ta.

Hằng năm, Thái Lan có khoảng 3.500 - 4.000 trường hợp bị đột quỵ do nhiệt. Dân số Thái Lan khoảng 69 triệu và dân số của Việt Nam là 96 triệu, như vậy nếu tính theo con số chênh lệch này thì hằng năm nước ta sẽ có khoảng 5.500 trường hợp đột quỵ do nhiệt. Mặc dù con số này so với đột quỵ do tắc mạch thì chưa phải lớn lắm nhưng cũng rất đáng chú ý.

Thực tế, không có ngưỡng nhiệt độ môi trường nhất định gây ra đột quỵ do nhiệt. Song người ta thấy rằng chỉ số nhiệt độ (dựa vào nhiệt độ môi trường kết hợp với độ ẩm) trên 90 độ, nếu nhiệt độ càng cao trong độ ẩm trên 60% thì dễ gây tăng thân nhiệt. Ở người bình thường, thân nhiệt sẽ tăng theo môi trường và cơ thể sẽ có cơ chế điều hòa tăng nhịp thở lên, tăng tiết mồ hôi, thải nhiệt ra ngoài, để làm sao giữ nhiệt độ cơ thể thấp trở lại, càng gần 37 độ C càng tốt.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ví dụ những người lao động, hoạt động thể lực quá lâu trong môi trường nóng bức thì cơ chế điều hòa sẽ bị tổn thương, không thể bù trừ được, đặc biệt là khi chúng ta uống ít nước, không tạo ra đủ mồ hôi để thải nhiệt sẽ làm nhiệt độ cơ thể càng tăng cao. Khi thân nhiệt vượt quá 40 độ và kéo dài sẽ gây ra sốc nhiệt. Người lớn tuổi và trẻ em là nhóm người dễ bị tổn thương nhất vì ít có khả năng nhận biết môi trường nguy hiểm để bảo vệ cơ thể.

3. Tại sao nắng nóng dễ gây đột quỵ cho người cao tuổi? Bệnh viện Thống Nhất nơi BS công tác là BV tiếp nhận điều trị cho rất nhiều bệnh nhân cao tuổi, BS có thể cho biết số lượng, đặc điểm người bệnh và những lời khuyên dành cho các bậc cao niên?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý nền, đa số là tăng huyết áp, tim mạch kèm theo, tiểu đường, rối loạn lipid máu, một số người còn hút thuốc lá… Đây là những yếu tố nguy cơ để dẫn đến đột quỵ do tắc động mạch.

Khi ở trong môi trường nóng, cơ thể phải tăng tiết mồ hôi để thải nhiệt. Nhưng ở người lớn tuổi bị suy giảm nhận thức do tuổi tác nên đôi khi không bù trừ nước thường xuyên như người trẻ. Khi đó lượng nước đưa vào cơ thể ít, thể tích tuần hoàn ngày càng giảm dẫn đến máu lưu thông không được tốt, tăng độ cô đặc máu, những thành phần để tạo cục huyết khối (tiểu cầu, fibrin…) dễ kết tụ tạo thành huyết khối trong thành mạch dễ dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra, ở những người lớn tuổi càng có nguy cơ bị sốc nhiệt do tăng thân nhiệt, gây ảnh hưởng lên não bộ.

Tại Đơn vị Đột quỵ - Bệnh viện Thống Nhất thường xuyên tiếp nhận các trường hợp đột quỵ. Thống kê trung bình trong tháng 3/2021 có khoảng 120 trường hợp bị đột quỵ. Hầu hết đều là đột quỵ do tắc mạch. Còn đột quỵ do nhiệt đôi khi cũng xảy ra trong tình huống kết hợp trên trường hợp bị đột quỵ do tắc mạch.

Lời khuyên cho những bậc cao niên đó là trong mùa nắng nóng ngoài vấn đề đột quỵ do tắc mạch chúng ta cũng cần đề phòng đột quỵ do nhiệt, tuân thủ điều trị các bệnh lý (tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid…), có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý. Nếu tập thể dục thì tránh thời điểm nắng nóng quá mức, nhất là từ 10g - 16g, không nên tập quá sức hoặc quá lâu ngoài trời nắng, nên tập trong môi trường mát, cùng với đó là nên đội nón, mang theo nước uống để uống liên tục để thải nhiệt cơ thể tốt nhất.

4. Nắng gắt, độ ẩm không khí cao, cơ thể chúng ta mất nước qua hơi thở và mồ hôi cũng có thể gây rối loạn về đông/cầm máu - mọi người nên có chế độ ăn uống thế nào để tốt cho cơ thể, mạch máu và não bộ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Bình thường, những người có yếu tố nguy cơ mạch máu, bệnh lý tim mạch, đột quỵ sẽ được khuyến cáo về chế độ dinh dưỡng hợp lý cả năm chứ không riêng gì trong mùa nóng. Đầu tiên là phải hạn chế muối, nhất là những người bị tăng huyết áp. Thứ hai là uống nhiều nước, nếu trong môi trường nóng hoặc mùa hè thì phải đảm bảo ít nhất 1,5-2 lít, không uống dồn vào một thời điểm mà nên rải rác trong ngày.

Thứ ba là chế độ dinh dưỡng cần lưu ý: ăn nhiều rau, đặc biệt là lựa chọn thực phẩm có màu xanh, nhiều màu sắc; nên ăn cá nhiều hơn thịt đỏ; nên chọn dầu oliu, dầu thực vật hơn là dầu động vật. Thứ tư là cách chế biến, nên hấp, luộc hơn là chiên, xào; ngoài ra cần bổ sung đa sinh tố… sẽ hữu ích trong việc phòng ngừa đột quỵ.

5. BS có lưu ý gì cho cộng đồng về việc sử dụng máy lạnh, tắm đêm, căng thẳng bực bội vì nắng nóng để tránh nguy cơ đột quỵ? (NÊN và KHÔNG NÊN làm gì?)

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Thân nhiệt cơ thể thay đổi đột ngột tương tự như stress. Khi chúng ta từ phòng máy lạnh ra bên ngoài trời nắng nóng hoặc ngược lại rất dễ bị sốc nhiệt. Hoặc ngủ với nhiệt độ máy lạnh thấp, tắm nước lạnh vào ban đêm - những môi trường lạnh này khiến mạch máu co lại, trong đó có cả những mạch máu đến các cơ quan thiết yếu như mạch máu tim, thận và cả mạch máu não. Khi đó lượng máu tưới đến các cơ quan sẽ giảm đi, lúc này sẽ gây ra thiếu máu, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ của đột quỵ, tim mạch, xơ vữa, hẹp mạch sẵn vốn dĩ lưu lượng máu đến các cơ quan đó đã thấp mà còn bị co mạch nên rất dễ xảy ra đột quỵ.

6. Nhiều người bị đột quỵ khi tập thể dục, thể thao - mặc dù đây là một trong những lời khuyên bổ ích để phòng ngừa căn bệnh này, vậy nên tập thể dục bao lâu là hợp lý, nên tập vào thời điểm nào và môn thể thao nào là tốt nhất?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Việc luyện tập thể dục là cần thiết để bảo vệ chúng ta khỏi rất nhiều vấn đề, từ tim mạch, não bộ, đồng thời còn là một biện pháp để phòng ngừa suy giảm nhận thức ở người cao tuổi. Tuy nhiên, việc luyện tập thể dục còn phải tùy vào tình trạng sức khỏe của chúng ta.

Ví dụ một người được khuyến cáo tập thể dục tuần từ 3-5 ngày, mỗi lần khoảng 30 phút và khối lượng luyện tập phù hợp, nhưng lại cho rằng việc tập nhiều hơn sẽ khỏe hơn, song không biết rằng đôi khi điều này sẽ dẫn đến sự gắng sức. Một người bị thiếu máu cơ tim sẵn thì không thể luyện tập như một người khỏe mạnh, vì nếu vượt quá khuyến cáo thì sẽ tạo gánh nặng lên cơ tim, mạch máu tim. Do đó, lời khuyên của tôi là mỗi người nên luyện tập theo khả năng sức khỏe, giới hạn của mình và nếu có sẵn các bệnh lý nền, nhất là về tim mạch thì nên đến gặp bác sĩ để có tư vấn luyện tập thế nào tốt nhất.

7. Hiện nay trên thị trường có thể nói là “vàng thau lẫn lộn” giữa các sản phẩm giúp phòng ngừa đột quỵ khiến nhiều người bối rối. Người dân mong muốn nhận được lời khuyên từ BS về các tiêu chí chọn lựa cần có trong sản phẩm để an toàn, hiệu quả cho chính mình và người thân ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga trả lời: Đầu tiên, chúng ta nên phân biệt thuốc điều trị và thực phẩm chức năng, dược chất hỗ trợ điều trị. Những dược chất hỗ trợ hay thực phẩm chức năng thường là không cần kê toa của bác sĩ, có thể tư vấn ở nhà thuốc và sử dụng. Tuy nhiên, nếu là thuốc thì cần phải có đơn của bác sĩ.

Thuốc là sản phẩm có thành phần dược chất có tác dụng phòng bệnh, chữa bệnh hoặc làm giảm bệnh. Thực phẩm chức năng là hỗ trợ chức năng cho những cơ quan hoạt động trong cơ thể, ví dụ như hỗ trợ hoạt động của tim mạch, não bộ, thận, ruột… Mỗi loại như vậy thì có chức năng khác nhau và cũng có thể phối hợp nhiều tác dụng. Song chúng ta cần biết rằng, thực phẩm chức năng không thể thay thế thuốc ở những bệnh nhân cần được điều trị.

Để phòng ngừa đột quỵ, đặc biệt là trong mùa nắng nóng chúng ta cần lưu ý: với những người có bệnh lý nền, có yếu tố nguy cơ mạch máu thì cần tránh có phối hợp với yếu tố sốc nhiệt. Ngoài chế độ ăn uống, điều trị có thể sử dụng những sản phẩm chức năng hỗ trợ để giúp phòng ngừa biến cố đột quỵ.

Bên cạnh đó, trong thời tiết nắng nóng nên chú ý đến chế độ luyện tập vừa phải, trong môi trường thích hợp, tránh tập nơi quá nóng, tránh tập quá dài, uống nhiều nước, tuân thủ chế độ điều trị, đặc biệt nên chú ý đến 2 nhóm người dễ bị tổn thương trong mùa nắng nóng đó là người lớn tuổi và trẻ em. Trong gia đình, người thân, người chăm sóc cần chú ý nhắc nhở người lớn tuổi, trẻ em uống nước nhiều hơn, tránh ở thời tiết nắng nóng quá lâu (ví dụ như đừng để “quên” trẻ trên xe không có máy lạnh dễ dẫn đến sốc nhiệt).

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X