Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ?

Bệnh nhân mắc rung nhĩ (rối loạn nhịp tim) có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần người bình thường. Nhịp tim rối loạn có thể dẫn đến hình thành cục huyết khối, theo dòng máu đi đến não gây tắc nghẽn mạch máu não, dẫn đến đột quỵ.

I. Rung nhĩ (rối loạn nhịp tim) là gì?

Rung nhĩ (AF) là một dạng nhịp tim không đều. Trong rung nhĩ, nhịp tim không đều và có thể nhanh bất thường. Tâm nhĩ trái không co bóp đồng đều có thể dẫn đến hình thành cục huyết khối bên trong, gây tắc nghẽn các mạch máu, trong đó có hai hệ thống mạch máu quan trọng nhất có thể chịu hậu quả là hệ thống mạch máu não và hệ thống mạch vành của tim.

Rung nhĩ là gìRung nhĩ xảy ra khi hai buồng tim phía trên trải qua các tín hiệu điện hỗn loạn. Kết quả là nhịp tim nhanh và không đều. Nhịp tim trong rung nhĩ có thể dao động từ 100 đến 175 nhịp một phút.

II. Tại sao rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ?

Rung nhĩ là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoảng 120.000 trường hợp nhồi máu não mỗi năm và chiếm 25% tổng số trường hợp đột quỵ não.

Nếu cục máu đông hình thành trong tim, có nguy cơ nó sẽ di chuyển trong dòng máu đến các mạch máu não. Nếu cục máu đông gây tắc một trong những động mạch dẫn đến não sẽ gây ra đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua (TIA).

Nếu bị rung nhĩ, người bệnh có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần. Nguy cơ này tăng dần theo tuổi tác cũng như bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ khác như tiểu đường, tăng huyết áp, tiền căn đã bị đột quỵ…

III. Các triệu chứng rung nhĩ

Một số triệu chứng phổ biến của rung nhĩ bao gồm:

  • Đánh trống ngực (tim đập nhanh);
  • Khó thở;
  • Đau ngực;
  • Mệt mỏi.

Tuy nhiên, một số người không có bất kỳ triệu chứng nào và rung nhĩ thường chỉ được phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát hoặc sau khi bị đột quỵ hoặc thiếu mãu não thoáng qua.

Có 4 loại rung nhĩ:

  • Rung nhĩ kịch phát: Rung nhĩ tồn tại và kết thúc trong 7 ngày từ khi xuất hiện và có khả năng trở lại với tần suất khác nhau;
  • Rung nhĩ liên tục: Các cơn rung nhĩ kéo dài hơn 7 ngày và không có khả năng sẽ tự dừng. Người bệnh cần điều trị để khôi phục nhịp tim bình thường;
  • Rung nhĩ dai dẳng: Rung nhĩ liên tục trong một năm hoặc lâu hơn.
  • Rung nhĩ mạn tính: Bác sĩ không thể chuyển nhịp và/ hoặc duy trì nhịp xoang cho bệnh nhân.

Một số ít người có thể được chẩn đoán là rung nhĩ "đơn độc". Đó là khi các bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân gây ra rung nhĩ hoặc người bệnh không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào gây ra bệnh này.

IV. Rung nhĩ được chẩn đoán như thế nào?

Nếu người bệnh nghi ngờ mạch đập của mình không đều, hãy đến bệnh viện để kiểm tra, thực hiện các xét nghiệm khác để xác nhận xem có bị rung nhĩ hay không.

Những xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG) kiểm tra hoạt động điện của tim. Quá trình này không gây đau đớn và thường mất ít hơn 10 phút.
  • Siêu âm tim sử dụng sóng âm thanh để kiểm tra cấu trúc của tim và cách thức tim hoạt động.
  • Xét nghiệm máu kiểm tra các tình trạng có thể gây ra rung nhĩ, chẳng hạn như cường giáp, thiếu máu hoặc bất kỳ vấn đề nào với chức năng thận.
  • Chụp X-quang ngực sẽ kiểm tra xem liệu các vấn đề về phổi có thể gây ra rung nhĩ hay không.
  • Holter điện tâm đồ trong 24 giờ: Rung nhĩ kịch phát khó phát hiện. Để hỗ trợ chẩn đoán, bệnh nhân có thể được yêu cầu đeo máy theo dõi điện tâm đồ di động như holter điện tâm đồ trong 24 giờ hoặc hơn để kiểm tra nhịp tim trong một thời gian dài.

Rung nhĩ được chẩn đoán như thế nàoKiểm tra rung nhĩ sớm giúp dự phòng đột quỵ và suy tim trong tương lai.

V. Điều trị rung nhĩ

Bác sĩ sẽ nói chuyện với người bệnh về việc có cần điều trị hay không và những lựa chọn nào phù hợp nhất với mỗi cá nhân.

Nếu tim đập quá nhanh, bệnh nhân có thể được kê thuốc giúp tim đập ở tốc độ bình thường. Bệnh nhân có thể cần thử nhiều loại thuốc trước khi tìm được loại thuốc với mình. Đồng thời người bệnh cần kiểm tra thường xuyên huyết áp và nhịp tim.

Một số bệnh nhân có thể được sốc điện chuyển nhịp về nhịp xoang.

Triệt đốt rung nhĩ qua đường ống thông là phương pháp mới được chi định cho các bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác hoặc không muốn điều trị nội khoa. Đây là phương pháp dùng năng lượng tần số vô tuyến tạo ra những vết cắt nhỏ lên bề mặt nội mạc nhĩ trái để cô lập các đường xung động bất thường của rung nhĩ gây ra.

VI. Giảm nguy cơ đột quỵ do rung nhĩ

Nếu được chẩn đoán rung nhĩ, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ đột quỵ của người bệnh. Nếu có nguy cơ cao, bác sĩ sẽ tư vấn về việc sử dụng thuốc chống đông máu. Mục đích sử dụng các thuốc chống đông là tác động vào một hoặc nhiều khâu trong quá trình đông máu để ngăn chặn hình thành các cục máu đông.

1. Thuốc kháng vitamin K

Có nhiều loại protein trong quá trình đông máu được tổng hợp nhờ vitamin K. Thuốc kháng vitamin K (VKAs) ngăn chặn quá trình tổng hợp các loại protein đông máu này. Đây là nhóm thuốc có lịch sử lâu đời nhất trong các thuốc chống đông phòng ngừa đột quỵ do rung nhĩ, trong đó Warfarin (Coumadin) là thuốc kháng vitamin K đầu tiên được phê duyệt năm 1954. Khi dùng thuốc này, bệnh nhân cần lưu ý đặc biệt về việc ăn rau xanh, điều này sẽ được bác sĩ căn dặn cụ thể.

2. Thuốc ức chế trực tiếp Thrombin

Thrombin là một enzym trong quá trình hình thành cục máu đông. Bằng cách ức chế Thrombin, con đường đông máu bị ngăn chặn qua đó làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Ví dụ: Dabigatran (Pradaxa).

3. Thuốc ức chế yếu tố Xa

Yếu tố Xa là một enzym trong quá trình đông máu, vì vậy việc ức chế yếu tố Xa sẽ ngăn chặn con đường đông máu. VD: Rivaroxaban (Xarelto) và Apixaban (Eliquis).

Việc sử dụng các thuốc chống đông đã được chứng minh làm giảm có ý nghĩa nguy cơ nhồi máu não. Tuy nhiên bên cạnh đó, các bệnh nhân dùng thuốc chống đông phải đối mặt với nguy cơ chảy máu tăng lên do các thuốc này ngăn chặn quá trình đông máu và hình thành cục máu đông. Bên cạnh đó mỗi loại thuốc chống đông đều có những lợi ích và nguy cơ khác nhau.

 Giảm nguy cơ đột quỵ do rung nhĩThuốc chống đông ngăn ngừa hình thành cục máu đông - nguyên nhân phổ biến gây đột qụy nhồi máu não.

VII. Phòng ngừa đột quỵ do rung nhĩ

Phòng ngừa đột quỵ là mục tiêu hàng đầu trong điều trị rung nhĩ. Bệnh nhân nên trao đổi bác sĩ chuyên ngành rối loạn nhịp tim và bác sĩ tim mạch về nguy cơ đột quỵ.

Nếu cần thiết phải sử dụng thuốc chống đông, bệnh nhân nên thảo luận cùng bác sĩ để hiểu rõ về lợi ích cũng như nguy cơ của các loại thuốc chống đông, qua đó quyết định lựa chọn thuốc điều trị tốt nhất cho mình.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X