Hotline 24/7
08983-08983

Người cao tuổi có bệnh huyết áp và nhiều bệnh nền, nên uống thuốc sao cho đúng?

Người lớn tuổi thường có từ 3 bệnh trở lên, ngay cả bệnh tăng huyết áp cũng phải dùng 2 loại thuốc trở lên mới kiểm soát được. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, đa số tất cả các thuốc đều có tác dụng kéo dài và nhiều loại thuốc phối hợp trong cùng 1 viên để tăng sự tuân thủ điều trị. Các thuốc khi kê đơn đều được tính toán đến việc tương tác thuốc và đã loại trừ. Nên bệnh nhân chỉ cần tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

1. Kiểm soát huyết áp khó khăn thế nào?

Là người có thâm niên điều trị cho người cao tuổi, BS nhận thấy đâu là những khó khăn trong việc kiểm soát huyết áp mà cả thầy thuốc và bệnh nhân phải đối diện ạ?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Khó khăn trong vấn đề điều trị tăng huyết áp đối với thầy thuốc là phải giữ huyết áp tâm thu trong khoảng 120 - 140mmHg và huyết áp tâm trương từ 70 - 90mmHg. Con số từ 120 - 140 rất hẹp, điều này gây khó khăn cho bác sĩ, cũng như bệnh nhân khi phải làm sao để huyết áp bệnh nhân tối ưu khoảng 130/80mmHg.

Bên cạnh đó, khó khăn về phía bệnh nhân là phải tuân thủ điều trị, tuân thủ theo đơn thuốc của bác sĩ mới đảm bảo được chỉ số huyết áp theo khuyến cáo.

2. Vì sao vẫn uống thuốc nhưng không kiểm soát được tăng huyết áp?

Một số người cao tuổi than phiền họ vẫn uống thuốc nhưng tăng huyết áp không kiểm soát được, trường hợp này cần phải kiểm tra, đánh giá lại những vấn đề gì, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Khi điều trị đầy đủ các phương pháp từ dùng thuốc đến không dùng thuốc mà huyết áp vẫn tăng, thường được gọi là tăng huyết áp kháng trị, chiếm tỷ lệ khoảng 5%.

Nếu bệnh nhân đến gặp bác sĩ mới có tình trạng tăng huyết áp, được gọi là tăng huyết áp áo choàng trắng thì có thể đeo theo dõi huyết áp lưu động 24 giờ hoặc theo dõi huyết áp tại nhà để loại trừ tình trạng này.

Sau khi xác định bệnh nhân dùng đầy đủ thuốc mà vẫn còn tăng huyết áp, bác sĩ sẽ tiến hành tìm nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát. Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là hẹp động mạch thận, u tuyến thượng thận hoặc bệnh mạch máu xơ vữa. Do đó, chúng ta cần tầm soát các nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát.

3. Thuốc huyết áp uống buổi nào trong ngày là tốt nhất?

Giờ uống thuốc có ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc huyết áp không ạ? Có thông tin rằng thuốc huyết áp uống buổi tối sẽ tốt hơn buổi sáng, điều này có đúng không?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, đa số tất cả các thuốc đều có tác dụng kéo dài và nhiều loại thuốc phối hợp trong cùng 1 viên thuốc để tăng sự tuân thủ điều trị. Nếu uống sáng 1 viên, trưa 1 viên, chiều 1 viên sẽ rất dễ làm bệnh nhân quên uống thuốc.

Do đó, uống thuốc vào buổi sáng, buổi trưa hay buổi chiều đều được và không có ảnh hưởng nhiều. Chỉ cần lưu ý là phải uống thuốc huyết áp và nên uống vào một giờ cố định, giờ dễ nhớ nhất để giảm tình trạng quên uống thuốc.

4. Có nên sử dụng một toa thuốc huyết áp lâu ngày?

Người cao tuổi uống thuốc huyết áp theo toa, đo tại nhà thấy huyết áp ổn định nên cứ sử dụng toa thuốc đó lâu ngày mà không tái khám, BS có ý kiến thế nào về việc này?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Mỗi người đều đang ở một giai đoạn nhất định, phải đi khám bệnh thường xuyên để bác sĩ theo dõi tình trạng chức năng gan, thận và điều chỉnh thuốc phù hợp cho từng giai đoạn khác nhau.

Thông thường, từ 3 - 6 tháng phải xét nghiệm máu 1 lần để bác sĩ điều chỉnh và thay đổi những thông số huyết áp cho bệnh nhân và xem huyết áp đã đạt mục tiêu chưa từ đó điều chỉnh thuốc.

Vì vậy, không nên dùng một đơn thuốc và uống kéo dài sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ, đến khi gặp bác sĩ tình trạng đã nặng hơn.

5. Uống nhiều loại thuốc huyết áp cùng lúc có sao không?

Một số toa thuốc của người cao tuổi có đến 2 - 3 loại thuốc huyết áp khác nhau, người nhà lo lắng vì ông bà mình phải uống nhiều thuốc quá. Lo lắng này có cơ sở không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Không nên lo lắng khi uống quá nhiều thuốc vì tăng huyết áp có nhiều cơ chế khác nhau và mỗi thuốc cũng có các cơ chế khác nhau. Do đó, phải phối hợp thuốc liều thấp ngay từ đầu để đảm bảo mức độ, chỉ số huyết áp và giảm tác dụng phụ.

Giống như uống thuốc huyết áp 1 viên Amlor, tăng liều lên gấp đôi sẽ dễ gây tác dụng phụ, gây phù. Nếu phối hợp với thuốc ức chế hệ RAS sẽ làm giảm tác dụng phụ. Với sự tiến bộ ngày nay, người ta đã chế tạo 2, 3 thành phần thuốc vào cùng 1 viên, giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn.

Đặc biệt, người lớn tuổi có nhiều bệnh lý nền kèm theo nên ngoài tăng huyết áp còn có các bệnh lý khác như bệnh tim thiếu máu cục bộ, đã đặt stent mạch vành và bệnh đái tháo đường,… nên phải uống rất nhiều thuốc. Chính vì vậy, viên thuốc phối hợp sẽ giúp bệnh nhân giảm số lượng viên thuốc cần uống và giảm áp lực khi uống thuốc so với việc phải uống từng viên rời.

6. Người cao tuổi gặp tình huống khiến huyết áp tăng, có nên uống thêm liều?

Trường hợp người cao tuổi vẫn uống thuốc huyết áp đều đặn, nhưng ngày hôm đó gia đình có đám tiệc đông đúc ồn ào, có chuyến đi chơi phải vận động nhiều hơn thường ngày, hoặc có chuyện giận con cháu… khiến huyết áp tăng, tình huống này có nên uống thêm liều thuốc huyết áp không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Khi có những chuyện bất thường làm cho huyếyt áp tăng gọi là tăng huyết áp phản xạ, tăng huyết áp theo cơ chế thần kinh, người bệnh không nên uống quá nhiều thuốc. Vì thuốc có thời gian tác dụng, do đó sau khi qua đợt đám tiệc sẽ gây ra tình trạng tuột huyết áp.

Điều quan trọng nhất là tìm yếu tố thúc đẩy gây nên tình trạng tăng huyết áp. Ví dụ như bệnh nhân bị stress, lo lắng hoặc quá vui, thay đổi các sinh hoạt hằng ngày hoặc dùng nhóm thuốc NSAIDs, corticoid,… làm tăng huyết áp thì cần loại trừ nguyên nhân, sau đó mới điều chỉnh thuốc. Nếu không, vẫn duy trì thuốc huyết áp như hằng ngày chúng ta uống.

7. Người cao tuổi cần lưu ý gì khi sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc?

Người cao tuổi thường có nhiều bệnh cùng lúc, việc dùng thuốc huyết áp và các loại thuốc khác cần lưu ý gì, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Văn Bé Hai trả lời: Đa số người lớn tuổi thường có từ 3 bệnh trở lên, ngay cả bệnh tăng huyết áp thì phải dùng 2 loại thuốc trở lên mới kiểm soát được bệnh huyết áp. Bên cạnh đó, rất nhiều bệnh đồng mắc nên ngoài việc uống thuốc tăng huyết áp còn phải uống khác thuốc khác.

Cần chú ý uống thuốc đúng giờ, theo đơn của bác sĩ. Các thuốc khi kê đơn đều được tính toán đến việc tương tác thuốc và đã loại trừ. Vì vậy nên bệnh nhân chỉ cần tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ kê.

Bên cạnh đó, phải lưu ý uống thuốc trước ăn hay sau ăn theo khuyến cáo của bác sĩ vì mỗi loại thuốc có cơ chế, tác dụng khác nhau.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X