Hotline 24/7
08983-08983

Người cao tuổi bị gãy cổ xương đùi có nên thay khớp háng nhân tạo?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm - Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giải đáp về vấn đề: Người cao tuổi bị gãy cổ xương đùi có nên thay khớp háng nhân tạo?



Tình trạng thoái hóa các khớp là một diễn tiến tự nhiên theo năm tháng. Nếu chẳng may bị tai nạn gãy cổ xương đùi thì người cao tuổi sẽ đứng trước lựa chọn có nên thay khớp háng nhân tạo hay chỉ điều trị bảo tồn? Đây là cuộc phẫu thuật lớn, khiến cho người cao tuổi rất lo lắng vì e ngại tuổi tác, các bệnh lý mạn tính,... liệu thay có an toàn không? Phương pháp nào tối ưu cho người cao tuổi?

Trở lại với chương trình giao lưu trực tuyến tuần này với bạn đọc AloBacsi, BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm - Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ giải đáp về vấn đề mà nhiều gia đình có ông bà, cha mẹ lớn tuổi quan tâm: Người cao tuổi bị gãy cổ xương đùi có nên thay khớp háng?

BS Tâm sẽ chia sẻ về những ưu điểm của phương pháp này, làm thế nào để người cao tuổi lứa tuổi thường có sẵn bệnh huyết áp, tiểu đường có thể trải qua ca phẫu thuật một cách an toàn.

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Xin BS cho biết người cao tuổi thường bị gãy xương trong những tình huống tai nạn nào? Trong các tai nạn mà BS vừa nêu, gãy cổ xương đùi có phải là thường gặp nhất không, thưa BS? Ngoài nguyên nhân tai nạn, cổ xương đùi có thể bị gãy trong trường hợp nào nữa ạ?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Ở người cao tuổi, các tai nạn sinh hoạt chủ yếu là trượt ngã do sàn nhà trơn hoặc té ngã từ ghế, võng thường gây ra tình trạng gãy đầu dưới xương quay và phải phẫu thuật đối với chi trên. Đối với chi dưới, khi bệnh nhân té ngã, nếu đập một bên hông thường sẽ bị gãy cổ xương đùi. Tình trạng gãy cổ xương đùi là thường gặp nhất.

Ngoài nguyên nhân chấn thương từ tai nạn trong sinh hoạt thì gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi vẫn có thể xảy ra ở những tình huống như cổ xương đùi bị loãng xương nặng, do một số bệnh lý nội khoa dẫn đến hư xương ở vùng cổ xương đùi. Trong đó, bệnh lý thận mãn hoặc ung bướu về vùng cổ xương đùi, một vài động tác vận động mạnh hoặc mặc quần áo cũng có thể gây gãy xương.


2. Té ngã thì tất nhiên là phải đau, vậy dấu hiệu nào báo động có thể bị gãy cổ xương đùi để họ đến bệnh viện kịp thời? Và bệnh nhân nên được chở đi bệnh viện trong tư thế như thế nào là hợp lý, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau khi bị gãy xương. Đây cũng là một trong những dấu hiệu để nhận biết bệnh nhân đã bị gãy xương. Riêng nếu bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi sẽ bị đau vùng khớp háng và vùng bẹn (vùng nối giữa bụng và đùi) của người bệnh. Kèm theo triệu chứng: bệnh nhân sẽ không thể cử động chân của vùng đó như vận động lên không được tự nhiên hoặc bệnh nhân không chịu lực phần chân đau được.

Khi tình huống này xảy ra, người nhà bệnh nhân cần giữ cho phần xương gãy bất động bằng cách cố định chân gãy bằng nẹp. Chân và đầu gối duỗi thẳng, tránh xoay bàn chân



3. Xin BS cho biết, gãy cổ xương đùi được điều trị như thế nào dựa theo các mức độ tổn thương?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Đối với giải phẫu xương đùi ở người lớn tuổi thì gãy xương đặt ra nhiều những trường hợp. Một số ít bệnh nhân may mắn gãy xương di lệch ít thì có thể điều trị bảo tồn.

Đa phần các trường hợp còn lại, bệnh nhân phải phẫu thuật bằng cách kết hợp xương, tức gắn lại ổ gãy. Trong những trường hợp kết hợp xương, đối với cổ xương đùi của người cao tuổi, có 2 yếu tố biến chứng, bao gồm: chỗ gãy không liền xương được dù đã thực hiện kết xương, hoặc cộng thêm việc tiêu chỏm giữa xương hông và khớp háng, tức là sẽ là không thể đi lại bình thường như trước khi gãy xương.

Vì thế, tất cả người bệnh bị gãy cổ xương đùi vì 2 yếu tố biến chứng như trên nên chọn lựa phương pháp thay khớp háng nhân tạo, giúp người bệnh vận động lại như bình thường, tránh những biến chứng có thể xảy ra do nằm lâu.

Hình ảnh Xquang bệnh nhân được thay khớp háng nhân tạo và kết hợp xương bằng đinh, nẹp vít - Ảnh tư liệu

4. Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi có những ưu điểm gì, đây có phải là phương pháp tối ưu không, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Quá trình điều trị bảo tồn gây ra các biến chứng do bệnh nhân nằm lâu, thường gặp như: đau do nằm lâu, loét những vùng tỳ đè, vùng mấu chuyển xương đùi,... sẽ làm ứ trệ một số cơ quan, gây ra một số biến chứng như nhiễm trùng vùng tiết niệu, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch chi dưới.

Và nếu chăm sóc không tốt trong giai đoạn những tháng đầu sau khi gãy thì bệnh nhân có khả năng bị tử vong trong giai đoạn từ 2-3 tháng sau, nếu bệnh nhân không xử lý tốt hay tập luyện đúng.

Tuy nhiên, phẫu thuật kết xương thì tỉ lệ thất bại rất cao, như không liền xương hoặc ngoại tử tiêu chỏm. Vì thế, phương pháp thay khớp háng nhân tạo hiện nay được áp dụng rất thường quy và giúp cho người bệnh có thể nhanh chóng quay lại cuộc sống bình thường.

5. Khớp háng nhân tạo được làm bằng chất liệu gì, sau phẫu thuật người bệnh có gặp bất tiện gì với khớp nhân tạo này hay không? Nếu cần làm các chẩn đoán hình ảnh và đi qua cửa an ninh máy bay có cần lưu ý gì hay không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Phẫu thuật thay khớp háng là một thành công của y học hiện đại. Khớp háng nhân tạo được tổng hợp từ hợp kim Titanium, nhựa tổng hợp cao cấp. Những chất liệu để làm khớp háng nhân tạo này có sự tương thích sinh học với cơ thể rất tốt, kèm theo độ bền rất cao, có khả năng chống mài mòn.

Khớp háng hiện nay được cải thiện rất nhiều, trả lại chức năng cho nhiều người bệnh. Đồng thời, bệnh nhân chọn phương pháp thay khớp háng phải được tầm soát tốt, tiên lượng những nguy cơ biến chứng có thể xảy ra với người bệnh để đạt được kết quả tốt nhất.

Khớp háng nhân tạo gồm 2 loại, khớp háng nhân tạo bán phần và khớp háng nhân tạo toàn phần. Đối với người lớn tuổi, thời gian đặt khớp háng bán phần là khớp vận động sinh học bình thường. Bệnh nhân sẽ được thay chỏm cổ xương đùi và gắn hoàn toàn vào.

Khớp háng toàn phần được chỉ định khi những khớp háng đã bị thoái hóa, hư toàn bộ, bắt buộc phải thay chỏm xương đùi và ổ cối của xương chậu.

Các vật liệu của khớp háng nhân tạo hiện nay không ảnh hưởng đến việc chẩn đoán hình ảnh và đi qua cửa an ninh sân bay. Nếu có cũng chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ. Các chẩn đoán hình ảnh như chụp lại hình ảnh cận lâm sàng, MRI, CT vẫn có thể chụp được. Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân thay khớp háng nhân tạo có thể đi qua cửa an ninh sân bay an toàn.

Cấu tạo của khớp háng nhân tạo

6. Một khớp háng nhân tạo có thể sử dụng trong thời gian bao lâu, thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Theo thống kê của thế giới, một khớp háng nhân tạo nếu làm đúng kỹ thuật, thực hiện đúng theo chỉ định và phác đồ thì có thể sử dụng từ 15- 20 năm. Tại Việt Nam, một khớp háng nhân tạo cũng có thể sử dụng tốt 14- 15 năm. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt nhất, còn tùy thuộc vào cơ thể của người bệnh, mức độ vận động của người bệnh.


7. Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho người cao tuổi thường gặp những trở ngại gì, thưa BS? Nhiều gia đình không muốn cho ông bà, cha mẹ làm phẫu thuật này vì e ngại lớn tuổi quá, hay là đang có bệnh tiểu đường, sợ vết thương không lành được… BS sẽ giải thích thế nào để gia đình đồng ý ạ?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Trách nhiệm của bác sĩ điều trị - phẫu thuật viên chính là phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của ca phẫu thuật. Trước khi tiến hành phẫu thuật, đối với người cao tuổi thì chúng ta phải lên một kế hoạch, bệnh nhân được khám bởi bác sĩ chuyên khoa nội tim mạch và các chuyên khoa khác, đặc biệt là gây mê hồi sức và một nguyên tắc bắt buộc là phải phân tầng nguy cơ, có thể mức độ thấp, mức độ vừa, mức độ cao, mức độ rất cao và chống chỉ định mổ.

Khi đó, bác sĩ phẫu thuật viên chính sẽ là người trao đổi với người bệnh, với ít nhất là 2 người nhà của người bệnh để giải thích, cân nhắc kỹ về lợi ích và nguy cơ của ca mổ.

Với những trường hợp nguy cơ quá cao và chống chỉ định, bác sĩ phải từ chối phẫu thuật. Đối với những nguy cơ trên trung bình vừa và cao, bác sĩ sẽ tư vấn cho người nhà và người bệnh để chọn lựa được ưu điểm của các phương pháp mổ, giúp cho người bệnh sẽ trở lại việc đi lại như trước kia.

Nếu không mổ thì người bệnh sẽ mãi không có khả năng đi lại và phải đi xe lăn, quá trình đi xe lăn phải mất 2-3 tháng. Đây là thời gian vàng, rất quan trọng nếu chúng ta không có lộ trình chăm sóc thì người bệnh sẽ gặp nhiều bất lợi và tử vong, bởi có những biến chứng gây đau đớn, viêm phổi, viêm tiết niệu, loét vùng cụt, bệnh nhân cũng sẽ suy tàn và nguy hiểm tính mạng.

Bác sĩ sẽ cân nhắc và chấp nhận một số yếu tố nguy cơ ngoài ý muốn, những biến chứng có thể lường trước được để chuẩn bị thật tốt cho người bệnh. Khi bác sĩ giải thích, tư vấn thì đa phần người nhà sẽ chọn phẫu thuật thay khớp.

Thời gian tiến hành ca phẫu thuật cũng không lâu, khoảng một tiếng, không mất máu nhiều và đây là một phẫu thuật thường quy nên khi có sự đồng ý và cam kết của người nhà bệnh nhân thì bác sĩ sẽ thực hiện.


Phẫu thuật thay khớp háng bán phần là chỉ thay phần chỏm xương đùi hoặc ổ cối đã bị hư hỏng bằng chỏm xương đùi hoặc ổ cối nhân tạo. Thông thường, trong hầu hết các trường hợp, ổ cối vẫn được giữ nguyên và chỉ thay thế chỏm xương đùi bị tổn thương bằng chỏm xương đùi nhân tạo - Ảnh tư liệu

8. Nếu bệnh nhân cao tuổi có chỉ định phẫu thuật thay khớp háng nhưng họ từ chối, quyết định điều trị bảo tồn thì có dẫn đến bất lợi gì cho bệnh nhân không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Tại Bệnh viện Nhân dân 115 - Khoa chấn thương chỉnh hình, chúng tôi ghi nhận chỉ có 1/3 đến 2/3 trường hợp người lớn tuổi (trên 80 tuổi) có thể phẫu thuật được, còn lại phải điều trị bảo tồn.

Trường hợp điều trị bảo tồn, chống chỉ định hoặc nguy cơ quá cao không nên mổ thì bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho người nhà thật kỹ và hướng dẫn cách chăm sóc. Giai đoạn 2 tháng đầu sau khi gãy xương rất quan trọng, phải chăm sóc thật tốt, tránh loét, tránh ứ đọng phổi, tiết niệu do nằm lâu, do đau, không đúng tư thế…

Trong giai đoạn này sẽ phối hợp thêm vật lý trị liệu, nhân viên sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân một số tư thế tốt, hướng dẫn tại nhà và quan trọng là người nhà. Nếu người nhà không chăm sóc kỹ thì bệnh nhân sẽ “đi vào đường rất hẹp” (gặp nhiều hạn chế về sức khỏe), có những đề tài thống kê, sau khi bị gãy cổ xương đùi, khả năng người già sẽ mất trong giai đoạn 2 - 3 tháng đầu rất cao.



9. Sau phẫu thuật, người bệnh nên vận động như thế nào, nhờ BS hướng dẫn?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Sau khi mổ, ngày thứ nhất bắt buộc người bệnh nhân phải tập gồng cơ và ngồi dậy tại giường dưới sự hỗ trợ của người nhà và nhân viên vật lý trị liệu.

Ngày thứ 2 trở đi cũng phải ngồi dậy, gồng cơ và tất cả các khớp khác, đồng thời phải thòng 2 chân xuống giường bệnh.

Từ ngày 3 đến ngày thứ 5, người bệnh phải đứng được trên khung nạng, chỉ đứng lên ngồi xuống để tránh thuyên tắc, tránh ứ đường hô hấp, đường tiêu hóa, vận động các cơ đó là nguyên tắc bắt buộc.

Ngày thứ 6 trở đi bệnh nhân sẽ xuất viện, do đó ngày thứ 5 các cụ ông, cụ bà phải nhích đi được vài bước, đó là vận động chủ động cho người bệnh.

Ngoài ra kỹ thuật viên vật lý trị liệu cũng ưu tiên hướng dẫn các cụ tập thở, tập gồng khớp không liên quan và hướng dẫn người nhà hỗ trợ thêm cho các cụ.

10. BS có thể cho biết khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, BV Nhân dân 115 đã thay khớp háng nhân tạo cho bao nhiêu bệnh nhân rồi ạ? Trong đó, bao nhiêu người từ 80 tuổi trở lên?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Nhân dân 115 bắt đầu mổ khớp háng nhân tạo từ năm 2006, đến nay đã trên 12 năm. Theo thống kê của khoa, thời gian 2010 - 2018 trung bình phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho khoảng 200 - 300 trường hợp/ năm.

Đây là một bệnh viện đa khoa giống bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định nên có thể nhận người bệnh ở rất nhiều độ tuổi, trong đó bệnh nhân lớn tuổi rất nhiều. Các bệnh viện tuyến quận huyện hoặc bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tư nhân… khi gặp bệnh nhân lớn tuổi quá thường phải chuyển đến đây bởi vì đa số người cao tuổi có nhiều vấn đề về sức khỏe mà các bệnh viện đó không có đủ các chuyên khoa liên quan. May mắn là bệnh viện chúng tôi cũng giúp được cho các cụ. Có những cụ 80 - 90 tuổi hoặc hơn 100 tuổi cũng được mổ tại đây.

Theo nghiên cứu cắt ngang năm 2016 - 2017 có 80 ca phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo bệnh nhân trên 80 tuổi, chiếm 25%. Theo tôi đánh giá, nhìn chung những người trên 80 tuổi thay khớp háng nhân tạo ở đây khoảng gần 20%.

11. Và bệnh nhân cao tuổi nhất ở thời điểm phẫu thuật là bao nhiêu tuổi, thưa BS? BS có thể kể thêm về trường hợp đó không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm:

Về bệnh nhân trên 100 tuổi đến với chúng tôi cũng có một trường hợp khá đặc biệt. Vào khoảng tháng 12/2015 có một cụ bà sinh năm 1912, bấy giờ đã 103 tuổi ở quận 4, TPHCM, cụ còn rất tỉnh táo, minh mẫn, không biết vì sao cụ ngã đập mông xuống đất, đau vùng háng và không tự đứng lên được, chân không cử động được.

Người nhà chuyển cụ vào Bệnh viện Nhân dân 115. Vì cụ đã 103 tuổi nên cần được tầm soát, làm hết tất cả các xét nghiệm, phân tầng nguy cơ cao nhưng không chống chị định, con trai cụ cũng được tư vấn nên thay khớp.

Các bác sĩ cũng rất đắn đo. Cố TS.BS Nguyễn Đình Phú, nguyên là Phó giám đốc bệnh viện cân nhắc rất kỹ sau đó hội chẩn, cũng quyết định giúp cụ có thể vận động theo nguyện vọng của cụ và của gia đình, chấp nhận những rủi ro ngoài ý muốn có thể xảy ra, cam kết thật kỹ. Sau 5 ngày tầm soát và tiến hành mổ, ca phẫu thuật thành công. Cụ nằm viện khoảng 8 ngày, sau đó xuất hiện và hàng tháng cụ vẫn tái khám bình thường.

Bệnh viện cũng rất quan tâm trường hợp của cụ, đến khoảng tầm giữa năm 2018 thì cụ mất vì một bệnh tình cờ, có thể bị bệnh tim mạch, hưởng thọ 106 tuổi. Nếu năm 2015 chúng tôi đăng ký kỷ lục guinness Việt Nam, có thể đã xác lập kỷ lục bệnh nhân cao tuổi nhất được phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo thành công.


~~~~~~~~~

Cảm ơn những chia sẻ của BS.CK2 Nguyễn Hữu Tâm - Trưởng khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 đã giúp giải tỏa nỗi lo lắng của các bệnh nhân lớn tuổi và thân nhân khi đứng trước quyết định phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo.

Xin hẹn gặp lại bác sĩ ở buổi tư vấn tiếp theo!

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:

Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời

Hộp thư: tuvan@alobacsi.vn

Zalo: 08983 08983

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983

Ngoài ra, quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh: AloBacsi - video.

Trân trọng!


Thực hiện: Hồng Nhung - Minh Khuê
Ảnh: Viết Hưởng

Cổng thông tin tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X