Hotline 24/7
08983-08983

Người bị viêm khớp dạng thấp nên tập luyện như thế nào?

Viêm khớp dạng thấp có thể gây đau và cứng khớp, nhưng nếu hoàn toàn không tập luyện có thể khiến bệnh nặng thêm. ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, việc áp dụng một chế độ tập thể dục phù hợp theo hướng dẫn của chuyên gia sẽ giúp bệnh nhân cải thiện hiệu quả tình trạng viêm khớp của người bệnh.

Những biến chứng nguy hiểm của viêm khớp dạng thấp

Xin hỏi BS, viêm khớp dạng thấp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nào cho người bệnh?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bệnh viêm khớp dạng thấp bản chất là một tình trạng viêm toàn thân, biểu hiện thường gặp nhất là tại khớp. Cơ chế bệnh là hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào những cơ quan trong cơ thể, thường nhất là tấn công nhầm vào khớp.

Ngoài tổn thương khớp, bệnh có thể tổn thương cả phổi, tim. Người bệnh đi khám vì những tổn thương khớp là chính.

Hậu quả rõ ràng nhất của bệnh này là tổn thương khớp. Giai đoạn đầu chỉ là biểu hiện sưng và hạn chế cử động khớp, về sau sẽ dần biến dạng khớp. Các khớp sẽ bị méo sang một bên. Trường hợp nặng thậm chí không thể cử động được hoặc cử động rất hạn chế, đặc biệt là ở bàn tay.

Khi người bệnh đến khám trễ, mặc dù bác sĩ đã điều trị hết tình trạng viêm, không còn sưng và đau, nhưng bàn tay bệnh nhân vẫn không thể nắm được hoàn toàn.

Ngoài ra, một số trường hợp nặng, bệnh tấn công vào phổi, gây bệnh phổi mô kẽ, viêm phổi. Nặng hơn nữa có thể tổn thương đến tim hoặc mạch máu. Một số ít bệnh nhân bị tử vong, chủ yếu vì tổn thương phổi hoặc tổn thương tim.

Tình trạng viêm tấn công vào mạch máu, gây viêm mạch máu, tắc mạch. Tình trạng tắc mạch này giống với các bệnh lý tim mạch: tắc mạch ở tim gây nhồi máu cơ tim, tắc mạch ở não gây đột quỵ.

Viêm khớp dạng thấp dễ nhầm lẫn với thoái hóa khớp bàn tay

Có những triệu chứng nào để cảnh báo bệnh nhân rằng họ đang bị viêm khớp dạng thấp? Những triệu chứng này có dễ bị nhầm với các bệnh lý về cơ xương khớp nào khác không, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Biểu hiện thường gặp nhất của bệnh viêm khớp dạng thấp là đau và cứng các khớp như khớp ngón tay, cổ tay, khớp vai, khớp gối. Đa phần viêm khớp dạng thấp xảy ra ở nhiều khớp.

Giai đoạn đầu, bệnh thường bị nhầm lẫn với thoái hóa khớp ngón tay. Ở những người lớn tuổi, ngón tay thường bị đau và cứng, đặc biệt là khi mới thức dậy vào buổi sáng. Đôi khi thoái hóa khớp ngón tay cũng gây sưng, nhưng sự sưng này không phải do viêm khớp mà là do khớp bị biến dạng. Trong tình huống này, chúng ta dễ bị nhầm lẫn thoái hóa khớp bàn tay với viêm khớp dạng thấp.

Gout và giả gout thường bị một khớp và bị ở bàn chân nhiều hơn. Gout và giả gout có thể tự hết trong vài ngày hoặc vài tuần, sau đó bị lại.

Những phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp

Xin BS cho biết, có những phương pháp nào để điều trị viêm khớp dạng thấp? Ưu và nhược điểm của từng phương pháp như thế nào?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Hiện nay có khá nhiều thuốc để điều trị viêm khớp dạng thấp. Nhờ sự phát triển của công nghệ, chúng ta có nhiều thuốc mới. Việc điều trị chủ yếu là dùng thuốc, ngoài ra còn có vật lý trị liệu để hỗ trợ.

Về thuốc, bác sĩ thường sẽ dùng thuốc kháng viêm mạnh cho giai đoạn đầu để ức chế nhanh tình trạng viêm, hạn chế tình trạng bị hủy khớp, tránh biến dạng khớp.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng dùng những loại thuốc điều hòa miễn dịch hoặc ức chế miễn dịch. Tác dụng của các thuốc này là làm cho hệ miễn dịch không tấn công vào sụn khớp. Những thuốc điều hòa hoặc ức chế miễn dịch này có dạng uống, dạng tiêm hoặc truyền. Có những loại phải uống hằng ngày, có loại uống mỗi tuần, hoặc tiêm mỗi tháng, hoặc 2 - 3 tháng tiêm truyền một lần.

Tác dụng phụ nhiều nhất là thuốc kháng viêm. Tùy loại mà thuốc kháng viêm có thể gây tác dụng phụ lên dạ dày, gây viêm loét dạ dày. Trường hợp phải dùng các thuốc corticoid có thể gây tác dụng phụ khác như tăng huyết áp, tăng đường huyết hoặc loãng xương nếu dùng kéo dài.

Do đó, bác sĩ sẽ cố gắng chỉ dùng trong thời gian ngắn, 1 - 2 tháng. Trong thời gian đó, những thuốc ức chế hoặc điều hòa miễn dịch bắt đầu có tác dụng.

Những thuốc điều hòa hoặc ức chế miễn dịch, về cơ bản, tác dụng phụ lớn nhất là dễ bị nhiễm trùng. Do hệ miễn dịch bị ức chế nên khả năng cơ thể sẽ chống lại vi khuẩn, virus sẽ yếu hơn. Mặc dù vậy, tỷ lệ nhiễm trùng cũng không cao. Nếu bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể cho thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.

Bên cạnh điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ khuyến khích người bệnh áp dụng thêm các biện pháp điều trị không dùng thuốc. Điều trị không dùng thuốc chủ yếu là các bài tập để hạn chế dính khớp. Những bệnh nhân bệnh đã lâu, có tình trạng teo cơ hoặc biến dạng khớp, các bài tập này sẽ giúp lấy lại cử động sinh hoạt hằng ngày như cầm, nắm, xoắn, vặn.

Đặc biệt, ở giai đoạn đầu hoặc giai đoạn viêm khớp, bài tập có thể giúp hạn chế tình trạng cứng hoặc dính khớp. Khi đã giảm tình trạng sưng, tập các bài tập sẽ giúp kéo giãn các khớp và lấy lại chức năng, sức cơ bình thường cho người bệnh.

Vai trò của phẫu thuật trong điều trị viêm khớp dạng thấp rất ít, thường áp dụng ở giai đoạn muộn. Những người bệnh đến khám trễ, các khớp bị hư, các bác sĩ sẽ cho dùng thuốc để ổn định tình trạng bệnh, sau đó bác sĩ ngoại khoa sẽ thay khớp mới.

Vai trò của phẫu thuật chủ yếu là giải quyết hậu quả chứ không phải giải quyết bệnh.

Yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội phù hợp với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

Nhờ BS chia sẻ thêm, vai trò của tập luyện thể dục thể thao đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp như thế nào?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Với những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, tập luyện thể dục thể thao rất quan trọng. Trong giai đoạn viêm, sưng khớp nhiều, bệnh nhân nên tập những động tác nhẹ nhàng. Tập nặng càng làm tình trạng sưng trở nên nặng hơn, đau cũng khiến chúng ta khó mà tập nặng được.

Những bài tập nhẹ nhàng chủ yếu để kéo căng, giãn khớp để tránh tình trạng cứng khớp khi bị sưng. Trong giai đoạn này, có thể kết hợp với chườm lạnh những khớp bị sưng để mau hết viêm, mau phục hổi.

Giai đoạn thứ hai, khi tình trạng viêm đã được kiểm soát, bệnh chỉ đau ít hoặc gần như không đau nữa. Lúc này, bệnh nhân có thể tập các bài tập nặng, chơi các môn thể thao như bình thường.

Những bài tập được khuyến khích ở giai đoạn này là yoga, đi bộ, đạp xe, bơi. Người lớn tuổi có thể tập thái cực quyền. Hồ bơi lạnh có thể làm giảm nhiệt độ, giảm tình trạng sưng.

Tùy vào tình trạng viêm hay không viêm, viêm nhiều hay ít mà chúng ta điều chỉnh chế độ tập luyện phù hợp.

Bài tập tại nhà cho người bị viêm khớp dạng thấp

Bài tập: Nắm và xòe bàn tay

- Xòe bàn tay hết cỡ

- Dùng hết sức nằm bàn tay vào

- Lặp lại 10 lần mỗi tay

Lưu ý: Nếu khớp bị sưng không thể tự nắm lại, dùng tay còn lại tạo lực ép sát vào

Bài tập: Sấp và ngửa cổ tay

- Lật bàn tay lần lượt sấp và ngửa

- Lặp lại 10 lần mỗi tay

Bài tập: Gập và duỗi cổ tay

- Lần lượt gập và duỗi cổ tay

- Lặp lại 10 lần mỗi tay

Lưu ý: Nếu khớp cổ tay bị cứng, không thể duỗi hoặc gập lại hết mức, dùng tay còn lại tạo lực ép bàn tay sát vào và giữ 10 giây. Động tác ép này giúp khớp cổ tay phục hồi lại tầm vận động như ban đầu.

Bài tập: Xoay cổ tay

- Xoay vòng cổ tay chậm rãi

- Xoay 20 lần mỗi tay, sau đó đổi chiều

- Đổi tay và lặp lại động tác trên

Bài tập: Duỗi và gập khuỷu tay

- Duỗi khuỷu tay, sau đó gập hết cỡ

- Lặp lại 10 lần mỗi tay

Lưu ý: Nếu khuỷu tay không thể duỗi hết mức, dùng tay còn lại đẩy khuỷu tay duỗi thẳng, giữ 10 giây, sau đó gập khuỷu tay lại.

Bài tập cho cẳng tay (1)

- Giơ thẳng tay về phía trước và giơ cao hết cỡ

- Hạ tay xuống

- Lặp lại 10 lần mỗi bên

Lưu ý: Cố gắng giữ tay ở vị trí cảm thấy đau trong vòng 10 giây.

Bài tập cho cẳng tay (2)

- Đưa thẳng tay sang ngang và giơ cao hết cỡ

- Hạ tay xuống

- Lặp lại 10 lần mỗi bên

Lưu ý: Cố gắng giữ tay ở vị trí cảm thấy đau trong vòng 10 giây.

Bài tập: Chà lưng

- Dùng tay phía trên kéo khăn tắm lên cao hết mức có thể

- Giữ tay ở vị trí cảm thấy đau trong vòng 10 giây

- Thả lỏng tay

- Lặp lại 10 lần mỗi bên

Bài tập dành cho khớp háng và khớp gối

- Thực hiện bài tập ở tư thế ngồi hoặc nằm

- Gập đầu gối vào sát bụng hết mức có thể, có thể dùng tay để tạo lực ép

- Lặp lại 10 lần mỗi bên

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X