Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh tiểu đường, nhiễm nấm dễ bị viêm xương cốt tủy gây hoại tử xương hàm hơn?

Trong thời gian gần đây, tại một số bệnh viện ở phía Nam tiếp nhận khám và điều trị người bệnh bị cốt tủy viêm xương gây hoại tử xương hàm mặt, có liên quan tới hậu COVID-19. Điều này khiến nhiều người dân sau khi mắc COVID-19 tỏ ra lo lắng. BS Trương Hữu Khanh đã dành thời gian giải đáp vấn đề nóng hổi này trên AloBacsi. Mời bạn đọc đón xem.

1. Trước khi COVID-19 xuất hiện đã ghi nhận cốt tủy viêm xương trên bệnh nhân tiểu đường

Đặc điểm chung của các bệnh nhân ghi nhận ở Việt Nam là đều mắc COVID-19 trước đó. Vì vậy giả thuyết lớn nhất đặt ra đều liên quan đến tình trạng nhiễm virus SASR-CoV-2.

Trước tiên xin hỏi BS, tỷ lệ ghi nhận trên thế giới về căn bệnh này như thế nào? So với số ca mắc bệnh trên toàn cầu, những con số liên quan đến di chứng này có đáng lo?

Xin hỏi BS, thực tế đã ghi nhận ca bệnh nào trước khi đại dịch xảy ra? Tình trạng này xảy ra trên những bệnh nhân nào và trong độ tuổi nào?

Thực tế, trên thế giới có một vài trường hợp báo cáo rải rác COVID-19 và hậu COVID-19 có liên quan đến hoại tử xương hàm. Tuy nhiên, nếu nhìn lại thì những báo cáo này cũng là “ngộ nhận”, không phải quan hệ nhân-quả giữa COVID-19 và cốt tủy viêm xương.

Điều quan trọng nhất để chứng minh không có mối liên quan đó là, việc hoại tử xương hàm ở người bệnh tiểu đường không kiểm soát được đã được sách vở, y văn mô tả trước khi có COVID-19. Cách đây khoảng từ trên chục năm, tình huống này ở những người bệnh tiểu đường đã được ghi nhận. Như vậy, không thể cho rằng hậu COVID-19 là nguồn cơn chính gây ra căn bệnh này.

Hơn nữa, hiện nay, trên tổng số chung người Việt Nam, khi gặp một vấn đề nào đó về sức khỏe và được hỏi về tiền sử trước đó có mắc COVID-19 hay tiêm ngừa COVID-19 không thì câu trả lời chung thường sẽ là “có”. Do đó, không nên gán ghép mọi vấn đề đều là hậu COVID-19.

Hiện nay đã có những nghiên cứu nào chứng minh mối liên hệ giữa COVID-19 và cốt tủy viêm xương?

Hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh mối liên hệ giữa COVID-19 và cốt tủy viêm xương. Chỉ có một hiện tượng, đó là khi bị COVID-19 có khả năng bị tắc mạch nhiều nơi, trong đó có thể là tắc mạch vùng xương hàm sẽ gây ảnh hưởng đến xương hàm.

Đây là tình trạng chung của hiện tượng tắc mạch. Sau COVID-19 chỉ mô tả nhưng không chứng minh. Rõ ràng vấn đề này không cần thiết phải chứng minh, bởi vì trước khi có COVID-19 đã ghi nhận bệnh lý này trên người bệnh tiểu đường nặng.

Hơn nữa, cần nhìn nhận rằng, những ca bệnh này rất cục bộ. Ở Việt Nam có rất nhiều người bị COVID-19 và trên nền bệnh tiểu đường. Và thực tế đã cho thấy, hiện nay chỉ có các ca bệnh ở miền Nam, trong khi miền Bắc không ghi nhận.

Cốt tủy viêm xương có thể hủy hoại những vùng xương nào, thưa BS?

Cốt tủy viêm xương có thể gây viêm toàn thể. Tuy nhiên, ở những người tiểu đường có các vùng dễ bị viêm xương hơn khi những mô gần đó bị nhiễm trùng. Ví dụ xương hàm là do vùng răng miệng không vệ sinh sạch sẽ, trong khi đó hệ miễn dịch của người tiểu đường bị suy giảm, từ nướu sẽ vào răng và sau đó đến xương rất gần. Cũng tương tự như người tiểu đường bị nhiễm trùng da, nếu không cẩn thận thì từ da sẽ “ăn” vào xương.

Tất cả những người khỏe mạnh, không mắc bệnh tiểu đường, miễn dịch bình thường sẽ không xảy ra hiện tượng này. Nhưng người bệnh tiểu đường cũng phải có tình trạng đặc biệt, đó là không kiểm soát được bệnh thì mới xảy ra hiện tượng viêm này.

2. Bệnh tiểu đường không kiểm soát - yếu tố nguy cơ hiện hữu của hoại tử xương hàm

Dựa trên kinh nghiệm cũng như cập nhật trên thế giới, theo nhận định của BS, đâu là nguyên nhân hay yếu tố có khả năng gây bệnh hoại tử xương hàm mặt liên quan đến hậu COVID-19?

Hoàn toàn không liên quan đến hậu COVID-19. Vấn đề chính là do COVID-19 và người bệnh tiểu đường không được theo dõi cẩn thận, không được hướng dẫn chăm sóc răng miệng. Hơn nữa, một số người bệnh tiền tiểu đường không chịu thăm khám sức khỏe định kỳ, cùng thời gian dài giãn cách. Tất cả những yếu tố này mới gây ra tình trạng bệnh tiểu đường không kiểm soát được, suy giảm hệ miễn dịch. Cuối cùng là viêm xương cốt tủy gây hoại tử xương hàm.

Hiện nay, thế giới ghi nhận hiện tượng, sau COVID-19 có rất nhiều bệnh quay lại, thậm chí đưa đến tử vong. Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến hiện tượng này đó chính là dồn mọi nguồn lực cho COVID-19 hoặc lo sợ đến bệnh viện vì dịch bệnh dẫn đến việc thăm khám trễ, gây ra rất nhiều hậu quả, không chỉ riêng bệnh tiểu đường.

Trong chùm ca hoại tử xương hàm mặt, xương sọ ghi nhận vừa qua, đa số bệnh nhân đều mắc bệnh tiểu đường. Một số ca bị nhiễm nấm. Có phải mắc bệnh tiểu đường, nhiễm nấm khiến nguy cơ hoại tử xương sau COVID-19 cao hơn? Vì sao?

Nhiễm nấm là vấn đề xảy ra sau đó. Khi người bệnh bị viêm, sau đó không điều trị hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng viêm (đặc biệt là corticoid) vô tội vạ trong quá trình mắc bệnh, hệ miễn dịch càng suy giảm làm cơ thể nhiễm nấm. Rất khó để một người có cơ địa bình thường mà nhiễm nấm.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khác có thể kể đến đó là khi nhập viện, môi trường chống nhiễm khuẩn của bệnh viện không đạt yêu cầu cũng có thể dẫn đến nhiễm nấm, gọi là nhiễm trùng bệnh viện.

3. Điều cốt lõi là phải tầm soát, phát hiện sớm bệnh tiểu đường

Trong trường hợp có triệu chứng nghi ngờ bệnh lý này, bệnh nhân cần phải làm gì? Đến khám ở đâu? Với những bệnh nhân ở tỉnh xa, có cần thiết phải xuống các bệnh viện ở thành phố lớn để kiểm tra?

Đây là một căn bệnh hiếm. Vì vậy, đầu tiên chúng ta phải xem lại bản thân có phải đối tượng nguy cơ không (cơ địa suy giảm miễn dịch, người bệnh tiểu đường không được kiểm soát). Với người thanh niên, người trẻ tuổi, trẻ em không thể mắc bệnh.

Nếu thuộc nhóm người nguy cơ và xuất hiện triệu chứng đau vùng mặt, nhức đầu thì nên đi khám, không cần thiết phải đến bệnh viện lớn. Đặc biệt là phải tầm soát để kiểm tra nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và sau đó mới bàn luận đến vấn đề sâu hơn là hoại tử xương hàm.

Sau khi mắc COVID-19, những người có yếu tố nguy cơ như bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch, nhiễm nấm có cần đi khám, chụp x-quang hay CT sọ não để kiểm tra?

Nếu chúng ta không có triệu chứng đau nhức xương hàm, đau vùng mặt, đau đầu thì không cần thiết phải kiểm tra. Như đã nói ở trên, điều quan trọng là phải kiểm tra xem bệnh tiểu đường có kiểm soát tốt không, đã giám sát chặt chẽ bệnh lý này chưa?

Một tình huống khác cũng cần được lưu ý, đó là người bệnh tự ý mua thuốc hoặc đi khám khi nghẹt mũi, viêm xoang, viêm nướu có khả năng được kê đơn corticoid uống, thậm chí là uống dài ngày. Đây chính là yếu tố gây suy giảm hệ miễn dịch, dễ làm nhiễm nấm hoặc viêm xương hàm hơn những người bình thường.

Thông tin những ca bệnh tử vong sau khi phát hiện bệnh cốt tủy viêm xương dấy lên mối lo ngại. Xin hỏi BS, với bệnh lý này, nếu phát hiện và điều trị sớm, kết quả liệu có khả quan?

Thực tế, hiệu quả của điều trị viêm xương cốt tủy còn phụ thuộc vào miễn dịch của người bệnh. Chẳng hạn với người bệnh tiểu đường không được kiểm soát thì chắc chắn phải phẫu thuật để nạo, cắt xương. Điều này cũng tương tự như người tiểu đường bị đoạn chi, vì không kiểm soát được bệnh thì không hết nhiễm trùng.

Nếu miễn dịch ổn định hoặc kiểm soát được tiểu đường sau khi phát hiện thì điều trị nội khoa vẫn hiệu quả. Trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả sẽ phẫu thuật lấy sang thương và sau đó mới sử dụng kháng sinh.

Cuối chương trình, nhờ BS đưa ra một số lời khuyên để bệnh nhân không nên chủ quan nhưng cũng không nên lo lắng quá mức và phòng ngừa tốt hơn trước tình trạng sức khỏe này!

Thứ nhất, tình trạng viêm xương cốt tủy trên bệnh nhân tiểu đường không được kiểm soát đã có từ rất lâu trước khi COVID-19 xuất hiện. Vì vậy, chúng ta không nên gán ghép viêm xương cốt tủy và COVID-19.

Thứ hai, tình trạng miễn dịch và khả năng kiểm soát đường huyết của người bệnh tiểu đường có ảnh hưởng đến viêm xương, nhiễm trùng da nhiều nơi. Trong đó có xương hàm bởi vì vùng này có răng miệng, nếu miễn dịch kém, tiểu đường không được kiểm soát rất dễ viêm răng nướu, từ đó mới lên xương hàm.

Thứ ba, nếu chúng ta là người trung niên, dư cân thì nên tầm soát để phát hiện sớm tiền tiểu đường, tiểu đường, từ đó xây dựng chế độ ăn uống, sử dụng thuốc. Cuối cùng, điều quan trọng là phải kiểm soát tốt bệnh tiểu đường trước khi nghĩ đến việc “mình có bị viêm xương cốt tủy sau khi mắc COVID-19 không”. Nếu một người sức đề kháng bình thường, không suy giảm miễn dịch thì không thể bị viêm xương cốt tủy sau COVID-19.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X