Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh tiểu đường cần 4 “giữ” và 4 “không” để tránh suy tim, suy thận

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) nhấn mạnh, giữ đường huyết trong giới hạn ổn định, giữ huyết áp tốt, giữ cân nặng tốt và giữ mỡ máu trong giới hạn tùy theo mức độ tổn thương tim cùng với giải pháp 4 “không” để bảo vệ tim, thận trên bệnh nhân tiểu đường.

Biến chứng thận và tim có cùng cơ chế là xơ vữa mạch máu

Xin BS cho biết, vì sao bệnh tim mạch và bệnh thận đứng đầu danh sách biến chứng của bệnh đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Đái tháo đường (tiểu đường) gây nên rất nhiều biến chứng. Có biến chứng tại mắt, có biến chứng tại tim, thận, các biến chứng tại não như tai biến mạch máu não hoặc gây trầm cảm, các biến chứng ở hệ thần kinh ngoại biên, biến chứng ở xương gây loãng xương. Tiểu đường còn gây suy giảm miễn dịch, dẫn đến tình trạng dễ bị viêm phổi, lao phổi và tăng tỷ lệ ung thư so với người bình thường.

Trong các biến chứng của đái tháo đường, biến chứng về thận và tim chiếm rất nhiều do có cùng cơ chế là sự xơ vữa mạch máu. Đối với thận, tỷ lệ suy thận do tiểu đường chiếm 50% các nguyên nhân gây suy thận. Khoảng 40% bệnh nhân tiểu đường trên 10 năm có các biến chứng về thận.

Biến chứng các cơ quan trên người bệnh tiểu đường có thể xảy ra trước sau hoặc đồng thời

Các biến chứng của đái tháo đường có xảy ra cùng lúc không, hay xảy ra ở cơ quan này trước và cơ quan kia sau, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Biến chứng ở tim là các biến chứng về mạch máu lớn. Biến chứng về mạch máu lớn có thể ảnh hưởng đến cả não, gây nên tình trạng nhồi máu não hoặc xuất huyết não.

Ở thận, các biến chứng về mạch máu lớn gây nên tình trạng xơ vữa, tăng huyết áp, từ đó gây suy thận. Tiểu đường cũng có thể gây biến chứng ở các mạch máu nhỏ tại thận, tổn thương cầu thận, gây nên tình trạng tiểu đạm, nặng hơn nữa là tiểu đạm ở mức hội chứng thận hư, dẫn đến suy thận.

Một nguyên nhân khác gây suy thận ở bệnh nhân tiểu đường là biến chứng về thần kinh, gây nên bàng quang thần kinh, ứ nước tiểu, nhiễm trùng thường xuyên và tổn thương ống thận mô kẽ.

Tùy theo tổn thương xảy ra ở mạch máu lớn hay mạch máu nhỏ nhiều hơn sẽ dẫn đến tổn thương ở cơ quan nào. Tổn thương mạch máu lớn dẫn đến những tổn thương ở hệ tim mạch, tổn thương ở mạch máu nhỏ dễ gây bệnh lý võng mạc và các bệnh lý ở thận. Như vậy, biến chứng ở các cơ quan có thể xảy ra trước sau hoặc xảy ra đồng thời.

Biến chứng về tim mạch bắt nguồn từ việc tăng đường huyết gây nên xơ vữa mạch máu

Biến chứng suy tim ở bệnh nhân đái tháo đường sẽ diễn ra như thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Biến chứng về tim mạch bắt nguồn từ việc tăng đường huyết gây nên xơ vữa mạch máu. Tình trạng xơ vữa mạch máu lại gây nên tình trạng tăng huyết áp và làm hẹp các mạch máu nuôi tim, gây các bệnh mạch vành. Từ đó tạo ra các nguyên nhân suy tim.

Diễn tiến bệnh lý suy thận trên bệnh nhân tiểu đường

Diễn tiến của bệnh lý suy thận trên bệnh nhân đái tháo đường sẽ như thế nào, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thận: tổn thương mạch máu lớn, tổn thương mạch máu nhỏ và tổn thương hệ thần kinh gây bàng quang thần kinh.

Tổn thương mạch máu lớn, cơ chế sẽ đi qua tăng huyết áp, sau đó suy thận. Tình trạng tiểu đạm ít hơn và diễn tiến chậm.

Tổn thương mạch máu nhỏ dẫn đến tình trạng tiểu đạm sẽ làm diễn tiến nhanh hơn. Nếu tiểu đạm đạt đến mức hội chứng thận hư, diễn tiến sẽ rất nhanh và việc điều trị không giống với điều trị hội chứng thận hư do nguyên nhân miễn dịch, thường sẽ thất bại.

Xét nghiệm tìm vi đạm niệu để tầm soát sớm nguy cơ suy tim, suy thận

Xin hỏi BS, có dấu hiệu nào để bệnh nhân đái tháo đường nhận biết bản thân có nguy cơ suy tim, suy thận?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Trước tiên, cần xem xét bệnh nhân có thuộc nhóm yếu tố nguy cơ cao gây tình trạng suy tim hay suy thận hay không. Những yếu tố nguy cơ cao đó là cao huyết áp, đường huyết không ổn định, béo phì, mỡ máu không điều trị tốt, có hút thuốc lá, dùng thuốc bừa bãi, không tuân thủ điều trị...

Xét nghiệm tìm vi đạm niệu trong nước tiểu là xét nghiệm để tầm soát sớm.

Tần suất thực hiện xét nghiệm tầm soát biến chứng tim, thận do bệnh đái tháo đường

Đối với bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú, bao lâu nên làm xét nghiệm 1 lần để kịp thời phát hiện biến chứng suy tim, suy thận?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Đối với bệnh tiểu đường type 1, sau khi phát hiện bệnh khoảng 5 năm thì các biến chứng mới có khả năng xuất hiện và triệu chứng xuất hiện khá sớm.

Đối với tiểu đường type 2, khi phát hiện có khi đã trễ. Vì vậy, khi phát hiện bệnh tiểu đường type 2, cần tìm ngay biến chứng của suy tim hoặc biến chứng tổn thương thận. Nếu kết quả xét nghiệm còn nằm trong giới hạn ổn định, sau đó 1 năm nên xét nghiệm lại 1 lần.

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy đã có tổn thương, có thể làm xét nghiệm mỗi 6 tháng, mỗi 3 tháng, hàng tháng hoặc mỗi lần đến gặp bác sĩ điều trị.

Lấy nước tiểu sáng sớm để có kết quả xét nghiệm vi đạm niệu chính xác

Trước khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân cần làm gì để đạt được kết quả chính xác nhất? Ngoài việc nhịn ăn sáng, bệnh nhân có cần nhịn tiểu không?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Xét nghiệm máu cần lấy lẫu lúc bệnh nhân chưa ăn để đo được đường huyết lúc đói cũng như những xét nghiệm về mỡ máu sẽ có kết quả chính xác hơn.

Đối với xét nghiệm vi đạm niệu, tốt nhất là lấy mẫu nước tiểu vào lúc sáng sớm. Bệnh nhân nằm viện điều trị nội trú sẽ dễ lấy mẫu hơn những bệnh nhân điều trị ngoại trú. Có những cách để xét nghiệm này có kết quả chính xác hơn, đó là thử đạm niệu 24 giờ hoặc không vận động nhiều để tránh làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm vi đạm niệu.

Bệnh nhân có tình trạng sốt cũng làm cho kết quả xét nghiệm không chính xác. Do có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm vi đạm niệu, xét nghiệm này sẽ được lặp lại 2 - 3 lần trong 3 - 6 tháng. Nếu 2 lần xét nghiệm đều có kết quả dương tính thì mới nghĩ đến vấn đề microalbumin niệu dương tính.

“Tứ trụ” giúp cải thiện tình trạng những bệnh nhân suy tim do tiểu đường

Khi bệnh nhân đã làm các xét nghiệm và xác định có biến chứng suy tim, suy thận, họ cần phải làm gì để ngăn chặn hoặc làm chậm diễn tiến biến chứng, thưa BS?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Hiện nay chúng ta có nhiều loại thuốc để giữ chức năng tim và chức năng thận. Gần đây, ở những bệnh nhân suy tim, người ta đã đề cập đến vai trò của tứ trụ và hiệu quả rất tốt, bệnh nhân cải thiện nhiều, tiên lượng tốt, thậm chí giảm được 30 - 40% nguy cơ nhập viện. Đối với suy thận, chúng ta có những loại thuốc để bảo vệ chức năng thận.

Ngày nay, chúng ta đã có nhiều phương pháp để hỗ trợ bệnh nhân bị tổn thương tim và tổn thương thận do tiểu đường hơn.

Giải pháp phòng ngừa biến chứng suy tim, suy thận trên bệnh nhân tiểu đường

Để phòng ngừa những biến chứng nặng nề trên tất cả các cơ quan, đặc biệt là suy tim và suy thận, bệnh nhân tiểu đường cần chú ý những điều gì?

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy trả lời: Để phòng ngừa những biến chứng suy tim, suy thận, việc đầu tiên là cần phát hiện sớm những biến chứng này. Phải giữ đường huyết trong giới hạn ổn định, giữ huyết áp tốt, giữ cân nặng tốt và giữ mỡ máu trong giới hạn tùy theo mức độ tổn thương tim.

Không hút thuốc lá, không ăn mặn và bệnh nhân tổn thương thận không nên ăn nhiều protein, uống đủ nước, không sử dụng các loại thuốc gây hại đến thận. Người bị tổn thương thận cần đặc biệt cẩn trọng trong vấn đề sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X