Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh thận mạn nên bổ sung đạm, hạn chế kali, uống nước sao cho hợp lý?

Theo BS.CK2 Châu Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội Nội thận TPHCM, nguyên Trưởng khoa Nội thận Bệnh viện Chợ Rẫy, trên thế giới đã khẳng định, ăn trong bệnh thận mạn là điều trị. Chi tiết về vấn đề này sẽ được bác sĩ chia sẻ trong bài viết dưới đây.

1. Người bệnh thận mạn cần ăn uống như thế nào?

Bệnh nhân bệnh thận mạn nên ăn uống như thế nào để tốt cho sức khỏe?

BS.CK2 Châu Thị Kim Liên trả lời: Nếu người bệnh thận mạn không được tư vấn chế độ ăn hợp lý, sẽ dẫn đến kết quả điều trị không có hiệu quả tốt. Trên thế giới đã khẳng định “ăn trong bệnh thận mạn là điều trị”.

Nguyên tắc trong chế độ ăn đối với người mắc bệnh thận mạn bao gồm:

- Thứ nhất, nên giảm chất đạm (protein). Loại chất này có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản… và chứa một tỷ lệ nhỏ trong một số thực phẩm khác.

- Thứ hai, xem những thành phần ảnh hưởng đến bệnh. Ví dụ, ăn quá mặn, gây tăng huyết áp, tăng áp lực lên lọc cầu thận, dẫn đến thận xấu đi nhanh chóng.

- Thứ ba, không để rối loạn mỡ máu, nồng độ mỡ cao trong máu gây xơ mạch máu thận, tiến trình bệnh thận xảy ra nhanh hơn

- Thứ tư, thận đã suy sẽ dẫn đến mất khả năng lọc một số chất. Một số chất không lọc được gây nguy hiểm ở mức độ nhẹ, tuy nhiên, có những chất nếu không lọc được sẽ ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ, người bình thường ăn thực phẩm chứa Kali, từ đó, cơ thể sẽ lấy những thành phần cần thiết và thải chất dư thừa.

Còn với người suy thận, chức năng thải chất dư thừa không thể thực hiện, chỉ thải được một lượng nhất định tùy vào mức độ suy thận. Hậu quả, gây ứ lại trong máu gây tăng Kali máu, khiến tim đập nhanh. Ở mức nặng hơn, nhịp tim rối loạn; nặng hơn nữa gây rung thất, đứng tim dẫn đến tử vong.

Như vậy, người bệnh thận mạn cần hạn chế những thức ăn chứa nhiều Kali. Ví dụ, các loại trái cây như: cam, chuối, dừa, bưởi, ổi, sầu riêng… chứa rất nhiều Kali. Tuy nhiên, không cấm hoàn toàn mà một số thực phẩm chứa ít Kali bệnh nhân vẫn có thể sử dụng.

2. Việc giảm chất đạm có ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh suy thận mạn?

Đối với những bệnh nhân bị vấn đề suy thận mạn cần phải giảm đạm trong chế độ ăn. Tuy nhiên, đạm là một trong bốn nhóm thực phẩm chính của con người. Nếu một bệnh nhân giảm lượng đạm trong khẩu phần ăn có gây ảnh hưởng đến những vấn đề gì về  dinh dưỡng, sức khỏe? Liệu có một biện pháp khác để thay thế việc giảm lượng đạm trong chế độ ăn của bệnh nhân bệnh thận mạn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh?

BS.CK2 Châu Thị Kim Liên trả lời: Việc giảm lượng đạm trong khẩu phần ăn có ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh thận mạn là vấn đề vô cùng quan trọng, nhiều người quan tâm. Hiện có nhiều lớp học cung cấp cho người bệnh cách chế biến thức ăn giảm đạm nhưng vẫn đủ năng lượng để có đủ năng lượng hoạt động, làm việc. Nếu ăn uống không đúng cách, vô tình sẽ đẩy tình trạng bệnh ngày càng nặng.

Tuy nhiên, cần chú ý bác sĩ khuyến cáo ăn giảm đạm, không bỏ hoàn toàn chất đạm. Tùy thuộc vào độ suy thận mà cắt giảm lượng đạm cho phù hợp. Bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ chuyên về dinh dưỡng đối với các bệnh lý về thận sẽ tính toán dựa trên mức độ suy thận, cân nặng, thể lực của bệnh nhân để cho ra lượng đạm cụ thể trong thịt, cá,... mà bệnh nhân được phép nạp vào cơ thể mỗi ngày.

Ví dụ, với bệnh nhân nặng 50kg, bị bệnh thận mạn ở giai đoạn 3. Theo tính toán, bác sĩ cho bệnh nhân khoảng 0,4g đạm trên mỗi kilogam cân nặng. Như vậy, một ngày bệnh nhân có thể nạp 20g đạm, tương đương 100g thịt. Đây là vấn đề nhiều bệnh nhân dễ nhầm lẫn, nhiều người lầm tưởng, nghe không rõ, nên 20g đạm về chỉ ăn 20g thịt.

Bên cạnh đó, ăn giảm đạm nhưng phải đủ năng lượng, đủ no. Vì vậy, cần thay thế bằng những chất bột như: cơm, gạo, mì, nui, bún, miến… Nếu giảm đạm mà chỉ ăn 3 bữa chính, bệnh nhân sẽ không cung cấp đủ năng lượng cho một ngày làm việc. Do đó, người bệnh thận mạn ngoài 3 bữa chính cần bổ sung 2 bữa phụ, ăn thức ăn để cung cấp năng lượng.

Ngoài ra, trường hợp ăn không đủ no thì hiện nay, đối với bệnh thận mạn có một số chế phẩm giúp ăn đủ năng lượng mà không tăng lượng đạm. Đó là sữa dành riêng cho các bệnh nhân suy thận, bệnh thận mạn chưa chạy thận, để điều trị bảo tồn.

3. Nếu tuân thủ điều trị suy thận mạn liệu có thể phục hồi?

Người mắc bệnh suy thận mạn, nếu tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ có thể phục hồi không?

BS.CK2 Châu Thị Kim Liên trả lời: Cần phân biệt rõ hai khái niệm bệnh mạn tính và bệnh cấp tính. Bệnh cấp tính là suy giảm chức năng nhưng cấu trúc của các cơ quan chưa bị thay đổi, bệnh mạn tính là chức năng thận suy giảm và cơ quan đã bị thay đổi.

Với bệnh thận cấp, chúng ta có thể đưa thận hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên bệnh thận mạn đã bị tổn thương thận kéo dài trên 3 tháng, do đó, mô thận đã có một phần bị xơ. Nếu người đó bị đợt cấp trên nền bệnh thận mạn, được điều trị tốt, có thể quay lại nền bệnh ban đầu nhưng vẫn là bệnh thận mạn.

Ví dụ, người mắc bệnh thận mạn giai đoạn hai, mắc một vấn đề cấp tính, chuyển qua giai đoạn 3, giai đoạn 4. Sau khi được bác sĩ điều trị tốt, bệnh nhân này sẽ đưa tình trạng bệnh trở lại giai đoạn 2 như ban đầu, còn việc phục hồi hoàn toàn bình thường là không thể.

4. Cần tầm soát bệnh thận mạn ra sao?

Thưa BS, chúng ta cần tầm soát bệnh thận mạn như thế nào? Cần khám sức khỏe định kỳ ra sao để nhận diện được bệnh thận mạn và các vấn đề bệnh lý khác?

BS.CK2 Châu Thị Kim Liên trả lời: Đối với một người bình thường, hàng năm cần kiểm tra sức khỏe ít nhất một lần. Khi thực hiện khám sức khỏe, cần phải tiến hành xét nghiệm. Các xét nghiệm đối với người bệnh thận khá đơn giản. Một loại xét nghiệm giúp phát hiện sớm, chi phí thấp là xét nghiệm nước tiểu. Chỉ cần lấy một mẫu nước tiểu, có thể phát hiện bệnh nhân có tiểu đạm, tiểu máu hay không. Ngoài ra, chúng ta có thể thực hiện xét nghiệm máu, trong đó có xét nghiệm ure và creatinin, chỉ cần 1-2 CC máu là có thể tìm được những bất thường về chức năng thận.

Ngoài ra, nếu có thể, nên làm thêm siêu âm bụng tổng quát, lúc này cần xem hình dạng, cấu trúc, sỏi, ứ nước… trong thận. Do đó, 3 xét nghiệm cơ bản để phát hiện bệnh thận gồm xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, siêu âm (nếu có điều kiện).

5. Chạy thận nhân tạo cần lưu ý gì? Ăn ra sao?

Thưa BS, trong 3 phương pháp điều trị bệnh thận mạn, bệnh nhân và người thân cần lưu ý những gì đối với phương pháp chạy thận nhân tạo?

BS.CK2 Châu Thị Kim Liên trả lời: Chạy thận nhân tạo là một trong ba phương pháp điều trị thay thế thận. Đây là phương pháp đòi hỏi người bệnh phải tới bệnh viện, trước khi chạy thận nhân tạo cần có một đường mạch máu để lấy máu đưa vào máy, lọc bỏ chất độc, sau đó đưa trở về lại cơ thể.

Như vậy, bệnh nhân cần được mổ ở cánh tay, đây là mổ thông nối mạch máu (nối 1 động mạch và một tĩnh mạch). Để phục vụ cho việc chạy thận, ít nhất, bệnh nhân phải được mổ trước khi chạy thận từ 4-8 tuần mới có thể sử dụng được đường thông nối mạch máu.

Bên cạnh đó, một khi bệnh nhân đã bước vào chạy thận, đạm sẽ mất rất nhiều, do máu phải đưa qua bộ lọc, các chất dinh dưỡng trong đó có đạm sẽ bị chặn lại. Vì vậy, khi chạy thận, người bệnh được phép ăn rất nhiều đạm (1-1,2g mỗi ngày). Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn phải ăn các loại thức ăn giảm Kali.

Đồng thời, bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần tuân thủ liều chạy thận. Ví dụ, 3 lần/tuần, mỗi ngày một lần, một lần thực hiện 3-4 tiếng. Nhiều bệnh nhân chỉ chạy 1-2 lần, vô tình để chất độc ứ lại trong cơ thể: tim, phổi, não và có thể bị phá hủy từ từ sau đó.

Bác sĩ khuyến cáo, các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo cần tuân thủ liều điều trị theo bác sĩ chỉ định.

6. Suy thận mạn giai đoạn cuối, uống nhiều nước có ảnh hưởng đến thận?

Các bác sĩ yêu cầu phải theo dõi lượng nước tiểu thải ra hàng ngày. Vậy khi đã mắc suy thận ở giai đoạn cuối thì việc uống nhiều nước tốt hơn hay vừa phải tốt hơn. Nếu uống quá nhiều, người bệnh sẽ phải làm việc nhiều. Liệu có ảnh hưởng đến thận ở giai đoạn cuối không? Làm sao để theo dõi lượng nước tiểu hàng ngày để báo cáo cho bác sĩ trong quá trình điều trị?

BS.CK2 Châu Thị Kim Liên trả lời: Nếu bệnh nhân chưa lọc máu, vẫn có thể uống nước theo yêu cầu với điều kiện tuân thủ ăn lạt (ăn nhạt). Nếu bệnh nhân không bị phù, người bệnh có thể uống theo nhu cầu, nhưng nếu đang phù cần phải hạn chế nước.

Thông thường, lượng nước uống vào của ngày hôm nay bằng lượng nước tiểu của ngày hôm trước cộng 500ml nước. Như vậy, người bệnh muốn biết lượng nước cho phép được nạp trong ngày, cần theo dõi lượng nước tiểu của ngày hôm trước bằng cách hứng lại nước tiểu khi đi vệ sinh. Sau đó, xem lại lượng nước tiểu sau khi hoạt động 24 tiếng. Từ đó, mới xác định lượng nước được nạp vào cơ thể.

7. Nước tiểu sẫm liên quan đến vấn đề sức khỏe như thế nào?

Thưa BS, khi đi tiểu, nước tiểu sẫm màu sẽ phản ánh vấn đề gì? Việc phù, sưng chân, bàn tay có phải những dấu hiệu ban đầu của các bệnh lý liên quan đến thận không?

BS.CK2 Châu Thị Kim Liên trả lời: Có 2 khả năng xảy ra khi nước tiểu bị sẫm màu:

- Sẫm màu do nước tiểu đậm, cô đặc vì tiểu ít.

- Do có màu làm sẫm màu nước tiểu.

Ví dụ, một người bị bệnh gan, tiết sắc tố mật, gây vàng da và tiết qua bên thận dẫn đến nước tiểu màu vàng. Hoặc một người bị tiểu huyết sắc tố, do bị tán huyết gây ra việc nước tiểu bị đậm màu, đôi khi đậm như màu xá xị. Hay một số người bị tiểu máu, do tổn thương đường tiểu hoặc bệnh lý làm hồng cầu lọt ra ngoài nước tiểu làm nước tiểu sẫm màu.

Cho nên, nước tiểu sẫm màu có 2 khả nặng: do bệnh lý từ thận, gan hoặc do nhuộm màu, hóa chất như thuốc. Do uống quá ít nước dẫn đến nước tiểu bị cô đặc.

Về vấn đề phù, đây là một triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân như: bệnh thận, suy tim, bệnh gan… Vì vậy, để biết rõ nguyên nhân cần đến bác sĩ để thăm khám, hướng về một vấn đề bệnh lý nào đó rồi tiến hành xét nghiệm để xác định chắc chắn nguyên nhân dẫn đến phù.

Phần 1: Làm sao để phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh thận mạn?

Trân trọng cảm ơn Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X